Friday, 27 June 2014

VIỆT NAM KHÔNG MANG ƠN TRUNG QUỐC (Vương Trí Dũng)




Vương Trí Dũng
28/06/2014

Một số người cho rằng Việt Nam mang ơn Trung Quốc. Đó là một nhận thức không đúng. Ngay cả Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang trong cuộc gặp với cử tri ngày 26-6-2014 cũng phát biểu “ mang ơn thì có cách trả ơn chứ không áp đặt”(http://dantri.com.vn/chinh-tri/viet-nam-mang-on-thi-se-tra-nhung-trung-quoc-khong-duoc-ap-dat-892943.htm). Phát biểu như vậy vô tình tạo cớ cho Trung Quốc trích dẫn rêu rao xuyên tạc. Những luận cứ sau đây sẽ mimh chứng rằng Việt Nam không mang ơn Trung Quốc.

1.    Ngay từ ban đầu lãnh đạo Trung Quốc giúp Việt Nam là vì lợi ích của chính Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không có lợi, lãnh đạo Trung quốc đã không giúp Việt Nam.
Thiết nghĩ không ai phản bác khẳng định trên. Chúng ta chưa bàn đến giúp cái gì và giúp như thế nào. Nhưng rõ ràng nếu không có lợi thì dứt khoát lãnh đạo Trung Quốc đã không giúp Việt Nam.

2.    Không phải tự nguyện hay do Việt Nam đề nghị, mà lãnh đạo Trung Quốc buộc phải giúp Việt Nam vì lợi ích sát sườn trực tiếp của chính Trung Quốc. 

Điều này cũng quá rõ ràng. Chính quyền Mao Trạch Đông sẽ không để cho một chính phủ Việt Nam thân Pháp hay thân Mỹ tồn tại ở ngay sát nách mình. Mao Trạch Đông không chỉ không muốn mà thực sự lo sợ nếu Việt Nam là đồng minh của Pháp hay nhất là của Mỹ. Điều này chính lãnh đạo Trung Quốc bằng nhiều cách gián tiếp hay trực tiếp đã gửi đi những thông điệp rất rõ ràng cho Pháp và Hoa Kỳ biết. Bởi vậy, lãnh đạo Trung Quốc đã buộc phải giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và sau đó là trong chiến tranh chống Mỹ. Nếu không phải Pháp, không phải Mỹ, mà là một quốc gia khác chẳng hạn là Nhật hay Anh đến Việt Nam thì lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ chủ động giúp Việt Nam để chống lại.

3.    Lãnh đạo Trung Quốc không phải tình cờ hay chỉ thông thường mà có chủ mưu sâu xa thâm độc trong lá bài giúp đỡ Việt Nam. Lãnh đạo Trung Quốc giúp Việt Nam chống Pháp và Mỹ không chỉ bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trước sự đe dọa của Pháp và Mỹ mà còn có mục đích chiếm đoạt thống trị Việt Nam. 

Giúp Việt Nam không chỉ không cho Pháp Mỹ đến sát nách Trung Quốc, không chỉ làm cho Pháp Mỹ sa lầy suy yếu để Trung Quốc có thời cơ hùng mạnh, mà Mao Trạch Đông còn  nhiều lần trắng trợn tuyên bố với Tổng bí thư Lê Duẩn mục tiêu thống trị Việt Nam.Cũng vì mục tiêu thống trị Việt Nam mà lãnh đạo Trung Quốc đã buộc Việt Nam luôn phải chia cắt để không lớn mạnh. Lãnh đạo Trung Quốc đã ép Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phải lùi đến vĩ tuyến 17 trong Hiệp định Genève 1954. Trong chiến tranh chống Mỹ, lãnh đạo Trung Quốc tìm mọi cách ngăn cản Việt Nam giành chiến thắng. Lãnh đạo Trung Quốc chỉ đạo Việt Nam chỉ đánh Mỹ đến cấp Trung đội, ngăn cản Việt Nam nhận viện trợ của Liên Xô, không đồng ý để Việt Nam đàm phán với Mỹ. Bằng nhiều hình thức và dưới mọi vỏ bọc, lãnh đạo Trung Quốc đã làm suy yếu Việt Nam để thống trị Việt Nam.

4.    Không chỉ vì bảo vệ lợi ích Trung Quốc trước Pháp và Mỹ, không chỉ vì thống trị Việt Nam, Mao Trạch Đông có chủ tâm thâm độc đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng. Đây là một dã tâm diệt chủng. 

Hành động diệt chủng của các bạo chúa Trung Quốc được lịch sử Trung Quốc minh chứng. Mao Trạch Đông không cần che đậy dã tâm diệt chủng ở Việt Nam bằng cách đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng. Dã tâm điệt chủng của lãnh đạo Trung Quốc không chỉ đối với Việt Nam, mà sau này họ đã thực hiện được một phần ở Campuchia thông qua chính quyền ngu xuẩn tội phạm Pol Pot.

5.    Làm cho Việt Nam phải kéo dài chiến tranh với Mỹ để Trung Quốc có cơ hội chiếm đất Việt Nam. Nhân lúc Việt Nam có chiến tranh, Trung Quốc đã di dời các cột mốc biên giới, đưa dân xâm cư xâm canh, chiếm đoạt của Việt Nam nhiều trăm km vuông đất. Không chỉ chiếm đất Việt Nam bằng con đường không vũ lực, vào thời điểm Việt Nam bị chia cắt và suy yếu, Trung Quốc đã ngang nhiên mang quân đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Khi Việt Nam thống nhất, không còn cách nào khác, Trung Quốc đã trắng trợn tiến hành chiến tranh chiếm đất biên giới của Việt Nam. 

Trong lúc Việt Nam phải đối phó với chiến tranh, Trung Quốc đã lợi dụng di dời các cột mốc biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Bởi thế Ải Nam Quan lịch sử đã thuộc sâu vào lãnh thổ Trung Quốc.Trắng trợn nhất là ở Thác Bản Giốc,Trung Quốc đã huy động hơn 2000 người cả lính, cấp tốc xây dựng đập bê tông cốt sắt qua nhánh sông, chiếm cồn Pò Thoong làm lãnh thổ, đồng thời di dời cột mốc 53 từ trên núi phía bên kia sông sang quá nửa Thác Bản Giốc. Bởi vậy phần đẹp nhất của Thác Bản Giốc sau Hiệp ước Biên giới 1999 đã thuộc về Trung Quốc. Trung Quốc cho dân xâm cư xâm canh sang đất Việt Nam nhiều năm để làm chuyện đã rồi khi phân định biên giới. Trung Quốc giành giúp Việt Nam xây đập sông biên giới để chủ ý bịt phần phía Trung Quốc, chỉ để một cống phía bờ Việt Nam, nắn hướng dòng chảy sâu vào đất Việt Nam, sau nhiều năm xói mòn đã đổi thay dòng chảy. Khi phân chia biên giới theo giữa hướng dòng chảy,Trung Quốc đã chiếm được rất nhiều lợi thế, nhất là phần trên biển theo dòng chảy cửa sông. Mưu mô chiếm đất Việt Nam của Trung Quốc không chỉ cho một vài năm, mà cho hàng chục năm, cho cả thế kỷ.Nhân lúc Việt Nam đang bị chia cắt thành hai miền đối kháng, năm 1974 Trung Quốc đã mang quân đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Liên tục suốt các năm 1980 -1989, Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam. Đỉnh điểm là ở Vị Xuyên Hà Giang trong các năm 1984-1985,Trung Quốc đã chiếm mất Núi Đất của Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu chiếm đất Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành không chỉ bằng mưu mô nham hiểm, bằng thủ đoạn trá hình gian xảo, mà còn trắng trợn bằng chiến tranh vũ lực.

Xét về tổng thể, với mưu đồ sâu xa thâm hiểm biểu hiện qua năm điểm chủ chốt nêu trên, có thể khẳng định rằng không những Việt Nam không phải mang ơn Trung Quốc mà thực chất Trung Quốc phải chịu ơn Việt Nam. Trung Quốc phải nợ Việt Nam vì những điểm sau.

1.    Việt Nam đã giúp cho Trung Quốc không bị sự đe dọa trực tiếp từ Pháp và Mỹ. Đặc biệt là Mỹ đã không thể biến Việt Nam thành đồng minh để đặt căn cứ quân sự sát sườn Trung Quốc.
2.    Việt Nam đã làm suy yếu đối thủ Pháp và Mỹ của Trung Quốc. Nhất là Mỹ đã bị sa lầy và suy yếu trong chiến tranh Việt Nam, tạo cơ hội  cho Trung Quốc dưỡng sức phát triển.
3.    Việt Nam đã trực tiếp bảo vệ Trung Quốc trên trường quốc tế và đã  mang đến cho Trung Quốc vai trò lãnh đạo quốc tế to lớn khi Trung Quốc dương cao lá cờ giúp Việt Nam chống Pháp và Mỹ.
4.    Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam chỉ là kinh tế và vũ khí. Còn  Việt Nam đã bảo vệ lợi ích của Trung Quốc chính bằng xương máu của nhân dân Việt Nam. Đó là điều không thể so sánh. Sự viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam đã tạo cơ hội cho Trung Quốc phát triển kinh tế và hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng.
5.    Trung Quốc đã xâm chiếm cả ngàn km vuông lãnh thổ Việt Nam trên đất liền và biển đảo.

Khi Trung Quốc mang 60 vạn quân xâm lược Việt Nam vào ngày 17-2-1979, là thời điểm bộc lộ toàn bộ âm mưu xấu xa của lãnh đạo Trung Quốc dưới lá bài giúp đỡ Việt Nam. Từ thời điểm đó, CHXH Việt Nam và CHNDTrung Hoa không còn là anh em đồng chí, mà là kẻ thù của nhau. Từ thời điểm đó giữa hai bên đã chấm dứt mọi tình nghĩa ơn huệ. Bởi vậy, hãy đào sâu chôn chặt, và đừng bao giờ nhắc đến giúp đỡ ơn huệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Điều cần phân biệt là nhân dân hai nước.Tình nhân ái được Tạo hóa bẩm sinh trong mỗi cơ thể con người, ở tất cả các dân tộc. Đó là điều thiêng liêng quý giá phải nâng niu chăm chút.

V.T.D
Tác giả gửi BVN

------------------------------

Thứ Năm, 26/06/2014 - 15:09

(Dân trí) - Trước việc Trung Quốc lấy cớ từng giúp Việt Nam trong quá khứ để gây hấn ở biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam mang ơn thì có cách trả ơn, chứ Trung Quốc không được áp đặt.
Sáng 26/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM (đơn vị số 1) khoá XIII đã có buổi tiếp xúc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố.
Tại buổi tiếp xúc, đông đảo các ý kiến đều bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề chủ quyền quốc gia, hành động Trung Quốc gây hấn, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền trên biển Đông của Việt Nam. Các nhân sĩ, trí thức cũng bày tỏ tâm tư, tình cảm, đánh giá về kết quả của kỳ họp Quốc hội cũng như kiến nghị đối với các hệ thống luật để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội.  
           
Cử tri đề nghị khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm đã nói rất nhiều về mối quan hệ thân tình giữa Việt Nam - Trung Quốc và hành xử của “láng giềng” trong suốt thời gian qua. Ông Lâm cho rằng, nên thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá lại tình đồng chí, tình láng giềng, tình bạn bè với Trung Quốc.
“Trung Quốc luôn tìm cách đưa lửa gần đến chúng ta với suy nghĩ lửa xa không cứu được lửa gần. Họ ép chúng ta không nên quan hệ với Nhật, Mỹ và Châu Âu. Họ nói chúng ta quan hệ như vậy là đi từ sai lầm này đến sai lầm khác rồi đến đại sai lầm”, ông Lâm nói.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng, ông cũng như bao người dân khác cảm thấy buồn khi rất nhiều dự án, hàng hóa… trên thị trường hiện nay đều có yếu tố Trung Quốc. Ông thắc mắc tại sao thương lái Trung Quốc về đến tận các vùng quê để làm lũng đoạn nền nông nghiệp mà không có biện pháp ngăn chặn. “Một tấc đất, một tấc sông của Tổ quốc là không thể bán. Ai bán, sẽ lãnh hậu quả rất lớn. Thế kỷ 21 này chúng ta có nhiều hướng. Chúng ta phải làm sao thoát ra lệ thuộc. Dẫu có đau đớn nhưng rồi cũng vượt qua”, ông Lâm nói.
Ông Huỳnh Tấn Mẫm cho rằng, tình hình gây rối ở Bình Dương vừa qua cho thấy công an, chính quyền yếu quá. Công ty bị đốt thì không thấy xe chữa cháy đến, bị đập phá thì không thấy công an can thiệp. Ông Mẫm đề nghị phải kỷ luật Đảng Ủy tỉnh này qua sự vụ nêu trên.
Ông Mẫm cũng đánh giá cao đối với các ý kiến phát biểu của TPHCM tại kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, ông cảm thấy tiếc nuối khi kỳ họp này không ra được nghị quyết liên quan đến việc khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
“Rõ ràng, hữu nghị là không còn. Nói là anh em khắng khít như môi với răng thì không thể cư xử như vậy. Chúng ta chơi bình đẳng. Tôi đề nghị kiện Trung Quốc ra tòa án”, ông Mẫm nói. 
Nhìn nhận lại vụ gây rối ở Bình Dương, ông Trần Ngọc Hổ đồng tình với ý kiến của ông Huỳnh Tấn Mẫm khi cho rằng, lãnh đạo các cấp không chỉ có lời xin lỗi là xong mà đáng bị cách chức. Ông Hổ cho rằng, kỳ họp Quốc hội thành công nhưng sẽ tốt đẹp hơn nếu có các chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Ông Hổ bức xúc phản ánh việc xây sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. Một số người người khoác áo quân đội, công an, đeo quân hàm cho oai để… chia đất. “Sân bay Long Thành (Đồng Nai), trước đây Mỹ không dám xây, Việt Nam xây là liều mạng. Đằng sau dự án này là gì mà sao bất chấp vậy?”, ông Hổ bức xúc.
Ông Đặng Văn Khoa (Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM) mong muốn cần có Luật Biểu tình để người dân có cơ hội biểu lộ tình cảm của mình với đất nước, thể hiện dân chủ lên tầm mới chứ không phải dân chủ bao cấp. 
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp TPHCM cho rằng, hiện nay luật vẫn bất cập đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu. “Chúng tôi không sợ luật vì luật ngày càng tiến bộ nhưng sợ các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật. Luật mong sao càng ngày càng cụ thể, chi tiết để tinh giảm các hướng dẫn thi hành”, ông Bé nói.

Không áp đặt mang ơn
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chia sẻ rất thẳng thắn, cởi mở các vấn đề mà không chỉ nhân sĩ, trí thức mà cả dân tộc đều quan tâm. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam không lệ thuộc bất cứ vào nước nào khác. Quan điểm này xưa nay vẫn vậy, là nhất quán. Có chăng, là chỉ làm sâu sắc hơn, hiện thực hóa hơn đường lối này.
Với Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào, Việt Nam luôn thể hiện là quốc gia yêu chuộng hòa bình, hữu nghị trên cơ sở bình đẳng. Hòa bình, hữu nghị vốn là truyền thống tốt đẹp của 2 dân tộc có tự muôn đời. Việt Nam luôn quý trọng những gì Trung Quốc giúp đỡ trong thời gian qua. Nhưng, anh giúp tôi, tôi giúp anh. Chúng ta bình đẳng, tôn trọng.
Chủ tịch nước cho rằng, Việt Nam là nước nhỏ nhưng có trí tuệ và kiên định đường lối độc lập tự chủ chứ không ai chỉ dẫn. Nhờ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ nên kinh tế Việt Nam thay da đổi thịt từng ngày.  
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, ông đọc rất kỹ công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, không có câu chữ nào cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc.
Về biển Đông, Chủ tịch nước khẳng định, cái gì của chúng ta, có lịch sử, có luật pháp quốc tế công nhận thì đó là của chúng ta. Đời chúng ta đòi không xong thì đời con cháu chúng ta cũng đòi cho bằng được. Chủ tịch khuyên mọi người phải hết sức bình tĩnh, đừng để bị ai khiêu khích.
Về việc Trung Quốc nói từng giúp đỡ Việt Nam trong các giai đoạn khó khăn, trong quá trình giành độc lập, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Đảng và nhân dân Việt Nam không quên sự giúp đỡ nghĩa tình đó. Tuy nhiên, không vì sự giúp đỡ này mà áp đặt.
“Họ cũng phải cảm ơn ta, nếu ta không chống xâm lược thì giặc cũng tràn vào họ. Không nên hành xử mang tính chất áp đặt. Mang ơn thì có cách trả ơn chứ không áp đặt”, Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Công Quang



No comments:

Post a Comment

View My Stats