Thursday 28 February 2013

TÔI KHÔNG CHÚC BẠN THUẬN BUỒM XUÔI GIÓ (Phạm Thị Hoài)




Phạm Thị Hoài
Tháng 2 28, 2013

Trước đây tôi hầu như không bước vào trang Gia đình & Xã hội điện tử, nơi nhà báo Nguyễn Đắc Kiên vài ngày trước còn là phó phòng. Bây giờ nghe danh lại ghé qua, gặp những thông tin đăng kín từ trên xuống dưới như sau:

Hậu scandal tình và tiền với Adam Nguyễn: Cao Thái Sơn lên tiếng làm hòa
Kết cục buồn của thú uống rượu trong giới trẻ
Chồng đổ đốn còn giở trò “Chí Phèo”
Chồng có con với người yêu cũ
10 thói quen tốt giúp vòng 1 luôn căng tròn
12 “cục cưng” của các sao Việt
Bé gái sinh ra với một nửa trái tim
Phi vụ cảm cúm của cậu chàng 22 tháng

Toàn những thứ như thế. Nó lá cải, điều đó thì đã rõ, nhưng vấn đề không phải ở chỗ ấy, mà ở chỗ:

Thứ nhất, nó lá cải ở hạng làng nhàng [i], không được đùng đoàng như Dân trí (“Đêm giật mình thức giấc, tưởng vợ là… tử thi“, không được bất trị như Phụ nữ Today (“Tôi đã phá trinh em gái vợ“); không được mặt dày như Dân Việt (“Oái oăm trai 15 hiếp gái 18“), không được tạp nham đặc sệt như Ngôi sao (“Chó chết khi đang phẫu thuật nâng cơ mặt“), không được thô bỉ tầm phào như Giáo dục (“Những bức ảnh tố cáo sự thật về vòng một lép xẹp của mỹ nhân Việt“) và không được thản nhiên một cục như VnEx (“Tôi chán chồng“).

Thứ hai, trong khi các tờ lá cải khác còn có một vài tham vọng thầm kín và ít nhiều chưa bị tận diệt nào đó về vai trò (tất nhiên là nghiêm túc) của báo chí với xã hội [ii], thì Gia đình & Xã hội, tờ báo của Bộ Y tế, thuần túy lá cải. Việc sa thải nhà báo Nguyễn Đắc Kiên mang tính chính trị, song một tờ báo như thế rõ ràng không có một xác tín chính trị nào hết. Nó chỉ không muốn gặp rắc rối về chính trị để bảo vệ thị phần nhỏ nhoi của nó giữa các đại gia trong ngành. Không được quảng cáo cho các nhà băng, shop thời trang, hàng mĩ phẩm cao cấp, điện thoại thông minh đời mới nhất nhưng dù sao cũng còn được hợp đồng với thuốc ho. Ai bảo ho ở Việt Nam là phi chính trị?

Tinh thần tuân lệnh trước kẻng của lãnh đạo tờ Gia đình & Xã hội là hoàn toàn bình thường, không hơn không kém ở phần lớn các nơi khác, vì thế không có gì đáng nói thêm. Nhưng hành động theo “mệnh lệnh đạo đức” sáng rõ của Nguyễn Đắc Kiên thì hiếm hoi và đáng được ghi vào lịch sử báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, điều làm tôi bối rối là: một nhà báo với bản lĩnh, ý thức xã hội, nhận thức và năng lực như anh thì làm gì tại một tờ báo như Gia đình & Xã hội, thậm chí ở một cương vị không phải là vô can với những nội dung thảm hại vừa nêu trên? Bất chấp tiến trình lá cải hóa cao độ không thể đẩy lùi của báo chí Việt Nam, những nhà báo nghiêm túc từng gặp tai nạn nghề nghiệp, từng bị cách li hay đã tự thoát li khỏi nền báo chí chính thống, như Huy Đức, Đoan Trang, Trương Duy Nhất, Hoàng Khương, Nguyễn Việt Chiến… chắc chắn chưa bao giờ gắn tên tuổi và sự nghiệp của mình với những tờ báo thuần túy lá cải.

Trong họa có phúc. Nếu có một mệnh lệnh nghề nghiệp thì nhìn từ khía cạnh đó, tôi thấy việc Nguyễn Đắc Kiên phải chia tay với tờ Gia đình & Xã hội là điều đáng mừng. Sự nghiệp và cuộc sống của anh trong tương lai dĩ nhiên là đầy khó khăn, song tôi tin rằng những thử thách đó xứng đáng với con người anh hơn việc yên vị ở chức phó phòng phụ trách một trang điện tử sống bằng tin nhặt nhạnh xoàng xĩnh và quảng cáo thuốc ho.

Khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện và gây bão táp trong văn học hai mươi lăm năm trước, nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến đã không chúc ông thuận buồm xuôi gió. Lời không chúc ấy cũng thật phù hợp với Nguyễn Đắc Kiên.

© 2013 pro&contra


[i] Gia đình & Xã hội ít khi được trang của nhà văn Phan An tận tình điểm báo lá cải chiếu cố.

[ii] Chẳng hạn mục Trái hay phải” của trang thường bị gọi là Phụ nữ To Dày







1 comment:

View My Stats