Perry Link
Bùi Xuân Bách dịch
Tháng 2 25, 2013
pro&contra – Trường hợp Mạc Ngôn phân hóa
giới phê bình quốc tế. Trên tờ Guardian,
Pankaj
Mishra yêu cầu Salman
Rushdie thôi lên án
Mạc Ngôn về vấn đề kiểm duyệt. Salman
Rushdie đập lại. Trên Kenyon
Review Anna Sun phân tích ngôn ngữ
bệnh hoạn của Mạc Ngôn và trên New
York Review of Books Perry
Link đặt câu hỏi liệu Mạc Ngôn có xứng đáng với giải thưởng này không. Trên ChinaFile, Charles
Laughlin vạch ra những người phê bình Mạc Ngôn hiểu sai điều gì, và Perry
Link chỉ ra những điều mà những người bênh vực Mạc Ngôn hiểu sai…
Sau đây là bản dịch bài của Perry Link, nguyên là Giáo sư Khoa
Nghiên cứu Đông Á của Viện Đại học Princeton, chuyên ngành ngôn ngữ Hán và văn
học Trung Quốc hiện đại.
*
Ngày 11 tháng 10 (2012), Peter Englund, Thư ký thường trực của
Viện Hàn lâm Thụy Điển ở Stockholm, thông báo, Giải Nobel Văn học năm 2012 sẽ
được trao tặng cho nhà văn Trung Quốc Quản Mô Nghiệp (管謨業), 57
tuổi, thường được biết với bút danh Mạc Ngôn (莫言), nghĩa là “không nói”. (Bút danh này được cho là bắt nguồn từ lời khuyên của cha mẹ, khi ông còn là học trò dưới thời Mao.)
Tin này được Bắc Kinh hãnh diện đón mừng. Ủy viên Ban Thường vụ
Bộ Chính trị (cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, gồm chín người) Lý Trường
Xuân (李長春) lập tức gửi thư tới Hội nhà văn Trung Quốc, một hội do nhà nước đỡ đầu và Mạc Ngôn là Phó Chủ tịch. Trong thư, Lý Trường Xuân đã gọi giải thưởng này “không chỉ là hiện thân của sự tiến bộ ngày càng gia tăng
của văn học Trung Quốc, mà còn là biểu hiện của sự tăng trưởng không ngừng về
sức mạnh nói chung của nhà nước ta cùng ảnh hưởng quốc tế của nó”. Các cơ quan
truyền thông chính thức thì hân hoan rằng, cuối cùng, một nhà văn Trung Quốc
thuộc “dòng chính” cũng đoạt Nobel, giải thưởng mà nhân dân Trung Quốc đã chờ
đợi quá lâu. Một tuần sau đó, nhà nước công bố kế hoạch đầu tư 110 triệu đô la,
để biến ngôi làng quê của nhà văn thành “Vùng thí điểm văn hóa Mạc Ngôn”.
Đồng thời, một trận bão tranh luận đã nổ ra trên mạng Internet
tiếng Hán, cả bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc. Liệu nhà văn này, so với
những người khác cũng có khả năng đoạt giải, có xứng đáng với giải thưởng
không? Và liệu một giải thưởng tầm cỡ như vậy có nên trao cho một nhà văn, vốn
là người “bên trong hệ thống” của một chính phủ độc đoán? Chính phủ này từng bỏ
tù các nhà văn khác – trong số đó có Lưu Hiểu Ba (劉曉波), khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình năm 2010 (một “tội phạm hình sự đã bị kết án”, theo quan điểm của chính phủ Trung Quốc) và đây chỉ
là thí dụ nổi tiếng nhất. Trên mạng Twitter, một người có tên Uông Tiểu Hồng[1] châm
biếm bằng cách bày tỏ nỗi lo lắng thay cho ông Nobel quá cố, người mà bà hình
dung đang vật vã dưới mồ:
Hai năm trước người Thụy Điển chúng tôi trao giải cho một người
Trung Quốc và việc này đã xúc phạm chính phủ Trung Quốc. Giờ đây chúng tôi lại
tặng giải cho một người Trung Quốc khác, và việc này xúc phạm nhân dân Trung
Quốc. Ối giời ơi. Cả Trung Quốc bị xúc phạm chỉ trong vòng hai năm.
Gạt sang một bên vụ châm biếm, Uông Tiểu Hồng đã nói đúng rằng,
Giải Nobel được quan tâm sát sao và thèm thuồng ở Trung Quốc – thậm chí, nói
chung, còn hơn ở bất kỳ nơi nào khác. Giống như huy chương vàng Olympic, họ coi
đó là biểu hiện sự tôn trọng của thế giới, mà trong những thế kỷ gần đây, nhiều
người Trung Quốc nghĩ rằng họ đã nhận được ít hơn là họ đáng có. Cảm giác bất
an ngầm ẩn trong cái yêu cầu được tôn trọng đã giảm đi rất nhiều trong trường
hợp Giải Nobel Văn chương này, khi Trung Quốc, về cơ bản đã trao sự đánh giá
những thành tựu văn hóa của họ cho một ủy ban Thụy Điển (chỉ có một thành viên
của Ủy ban, Gölan Malmqvist, đọc được chữ Hán, còn những người khác phải dựa
vào bản dịch). Trung Quốc cũng có giải thưởng văn học riêng của họ, Giải Mao
Thuẫn (茅盾), mà Mạc Ngôn nhận được năm 2010. Song kể cả Mạc Ngôn lẫn bất kỳ người nào khác ở Trung Quốc, chẳng ai lại đi so sánh nó với Giải Nobel. (Mao Thuẫn là nhà văn viết tiểu thuyết chính trị trong những thập kỷ 1920 và 1930; ông làm Bộ trưởng Văn hóa dưới thời Mao, từ 1949 đến
1965, và nổi tiếng – cũng xứng đáng thôi – với những trang viết nhạt nhẽo. Tuy
nhiên, lý do chính của việc giải Mao Thuẫn chỉ có được tiếng tăm hạng nhì vì nó
chỉ là giải thưởng quốc nội, do nhà nước đặt ra.)
Trong những năm gần đây, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đặc
biệt nhạy cảm với uy tín của Giải Nobel và đã phải đối phó với một hồ sơ lịch
sử đáng thất vọng. Có tám người Hoa đã được Giải Nobel về khoa học tự nhiên,
nhưng sáu trong số đó là công dân các nước Tây phương (Mỹ, Anh và Pháp) khi họ
đoạt giải, và hai người còn lại là công dân Trung Hoa Dân quốc tại Đài Loan.[2] Ngoài
ra còn có hai khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình, nhưng một là Lưu Hiểu Ba, người
làm mất mặt cái chế độ đã bỏ tù ông, và người kia, Đức Đạt-lai Lạt-ma (Nobel
Hòa bình 1989), đã phải lưu vong suốt từ 1959. (Nhà cầm quyền Trung Quốc gọi
Đức Đạt-lai Lạt-ma là “kẻ chia rẽ”, là “con sói đội lốt cừu”, nhưng thật bất
tiện nếu bảo rằng ông không phải người Trung Quốc, bởi nói vậy khác nào thừa nhận
rằng, Tây Tạng không phải một phần của nước Trung Hoa). Cao Hành Kiện (高行健), một nhà văn Trung Hoa, với những tác phẩm tố cáo chế độ cộng sản Trung Quốc, nhập quốc tịch Pháp năm 1997. Sau khi ông đoạt Giải Nobel Văn học năm 2000, các phương tiện truyền thông nhà nước ở Trung Quốc nhất loạt lên tiếng rằng,
Ủy ban Nobel đã “đánh mất uy tín của mình”, và “chỉ là một nhúm những kẻ được
gọi là chuyên viên văn học, những người có quan điểm cực kỳ bệnh hoạn đối với
nhân dân Trung Quốc”.
Giải thưởng trao cho Mạc Ngôn đã khiến những nhận định tương tự
cần phải xoay ngược hẳn lại 180 độ, và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy, có
ai đó trong hệ thống truyền thông nhà nước đã gặp khó khăn khi phải trở mặt như
thế. Công việc của họ là đề cao nhà nước, chứ không cần phải phát ngôn trước
sau như một. Giờ thì tới lượt phía bên kia, những người bất đồng chính kiến và
những người suy nghĩ độc lập vô danh trên mạng internet, tấn công. Một số người
phê bình Ủy ban Nobel, nhưng chủ yếu sự phê phán của họ nhằm vào chính Mạc Ngôn,
căn bản vì những lựa chọn chính trị gần đây của ông ta. Tại lễ khai mạc Hội chợ
Sách ở Frankfurt, tháng 10-2009, ông đọc một bài diễn văn được sửa sang kỹ
lưỡng, trong đó ông có nói rằng, cần đặt văn học trên chính trị; nhưng lúc
chính quyền Trung Quốc ra lệnh tẩy chay một cuộc thảo luận, khi trong số người
tham dự có nhà văn chính kiến độc lập Đái Tình (戴晴) và Bối Linh (貝嶺), thì Mạc Ngôn đã bỏ về, rồi sau đó giải thích rằng ông ta “không có sự lựa chọn nào khác”.
Tháng 12-2009, sau khi Lưu Hiểu Ba bị kết án nặng nề bất ngờ,
mười một năm tù giam, Thôi Vệ Bình (崔衛平), nhà nghiên cứu điện ảnh, đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận bằng điện thoại với hơn một trăm trí thức nổi tiếng ở Trung Quốc để xem phản ứng của họ. Nhiều người, bất chấp những nguy hiểm cho bản thân, đã biểu
lộ sự kinh tởm và nói với Thôi rằng, bà có thể công bố những gì họ phát biểu.
Mạc Ngôn, cũng cho phép công bố, nhưng chỉ nói: “Tôi không được biết rõ về chi
tiết, nên tốt hơn hết là không nhận xét. Hiện giờ tôi đang có khách trong nhà
và tôi rất bận.”
Tuy nhiên, đối với những người phê phán Mạc Ngôn, điều khó chịu
nhất là hồi tháng 6-2012, ông đã đồng ý tham gia một đề án do nhà nước đỡ đầu.
Người ta mời những tác gia nổi tiếng chép tay lại cuốn Những bài nói chuyện về văn học nghệ
thuật ở Diên An của Mao Trạch Đông thời 1942, để kỷ niệm bảy mươi
năm sự kiện này. Những bài nói chuyện đó – chính là cái vòng kim cô đối với văn
nhân Trung Quốc suốt thời Mao, và hầu hết các nhà văn đồng loạt lên án nó trong
nhiều năm, từ khi Mao chết năm 1976 đến cuộc tàn sát ở Thiên An Môn 1989 – giờ
đây lại được đưa ra để tung hô. Một số nhà văn được mời tham gia đã từ chối làm
chuyện đó. Mạc Ngôn không những đồng ý làm mà còn đi xa hơn những người khác,
giải thích rằng, “Những bài nói chuyện”, vào thời của nó, là “một sự cần thiết
của lịch sử” và “đóng một vai trò tích cực”.
Tại cuộc họp báo sau khi Giải Nobel trao cho ông được công bố,
Mạc Ngôn yêu cầu rằng, lập trường chính trị của ông cần được tách bạch với
những tác phẩm ông viết. Giải Nobel “là một giải thưởng văn học, không phải
chính trị”, ông nói. Một số người phê bình ông trên mạng internet đã thẳng
thừng bác bỏ sự phân cách này. (Có người viết trên mạng Twitter rằng “nếu có
đầu bếp mang thức ăn đến cho tôi mà người dính đầy phân, thì dù món ăn có ngon
lành đến đâu, tôi cũng khó mà nuốt nổi”). Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là, việc
một nhà văn đã chìm ngập trong một chế độ cực quyền và tự điều chỉnh để thích
ứng với nó sẽ ảnh hưởng tới những gì ông ta/bà ta viết như thế nào và tới chừng
mực nào. Chuyện này vừa tinh tế lại vừa hệ trọng, và Mạc Ngôn đã cung cấp một
thí dụ hữu ích.
Mạc Ngôn bắt đầu nổi tiếng vào cuối những năm 1980, khi đạo diễn
Trương Nghệ Mưu (張藝謀) chuyển thể cuốn tiểu thuyết Cao
lương đỏ (紅高粱家族 – Hồng cao lương gia tộc)
của ông sang điện ảnh, thành một bộ phim được giải thưởng. Cao lương đỏ là trường
thiên tiểu thuyết về cuộc sống ở vùng nông thôn Sơn Đông thời Nhật Bản xâm
lược, trong những năm 1930 và 1940. Lưu Hiểu Ba biết Mạc Ngôn từ đó và sau này
đã viết rằng, một lý do khiến bộ phim đạt được thành công rực rỡ
chính vì nó đã dựng lại hết sức thông thoáng đề tài tình dục
nguyên sơ và thông dâm. Bài hát chủ đề của bộ phim, “Em gái ơi, hãy mạnh dạn
lên nào”, là một sự tán thành không giới hạn sức sống bản năng của nhục dục.
Trên nền đỏ rực như lửa của những cánh đồng cao lương ở vùng Đông Bắc Trung
Quốc tiêu điều, dưới bầu trời xanh bao la và ánh mặt trời rực rỡ, bọn thổ phỉ
đã bắt cóc phụ nữ trong làng một cách tàn bạo, sự thông dâm cuồng dại đã diễn
ra trong những cánh đồng cao lương, tụi thổ phỉ giết lẫn nhau để giành giật phụ
nữ, những lực điền làm thuê đã chế ra một cách kỳ diệu loại rượu nổi tiếng “Lục
Lý Hồng” (“六里紅”), bằng cách đái vào những nồi rượu đang cất của nữ nhân vật chính, và v.v…
Tất cả những chuyện đó… không chỉ dựng lên một bối cảnh cho sự
hoàn thiện tuyệt vời khát khao tình dục của nam lẫn nữ; nó tạo ra một viễn cảnh
trong mơ rộng lớn hơn, mang sinh khí diệu kỳ. Việc phim “Cao lương đỏ” được
giải thưởng đã tượng trưng cho sự thay đổi trong thái độ chung của cả nước đối
với dục tính: việc đưa ra “những biểu tượng gợi dục” cũng phải được xem như
“những biểu hiện của sức sống tràn trề”.
Mạc Ngôn chỉ ra rằng, đúng vậy, Cao lương đỏ đã bị phê bình kịch liệt trong
những năm 1980 từ phía chính quyền. Sau đó, ít nhất, ông cũng không phải là kẻ
bợ đỡ. Tác phẩm không chỉ thách thức những cấm kỵ về tình dục; nó diễn tả một
khía cạnh của cuộc sống người dân Trung Quốc dưới thời Nhật Bản chiếm đóng, mà
về cơ bản khác hẳn với quan điểm cộng sản chính thống xưa nay, chỉ nói về cuộc
kháng chiến anh hùng của nông dân. Mạc Ngôn, Trương Nghệ Mưu và một số khác bị
coi như là những thanh niên nổi loạn.
Oe Kenzaburo, một nhà văn Nhật Bản chuyên viết tiểu thuyết và
tản văn, khôi nguyên Nobel Văn học 1994, đã phát biểu trong diễn văn nhận giải
thưởng:
Bằng cách chia sẻ những ẩn dụ cũ kỹ, quen thuộc nhưng sinh động,
tôi đã xếp mình đứng chung cùng các nhà văn như Kim Chi Hà (金芝河) của Nam Hàn và Trịnh Nghĩa (鄭義) cùng Mạc Ngôn, cả hai của Trung Quốc. Đối với tôi, tình anh em trong văn học thế giới chính là nằm trong những tương quan như vậy, với những giao thiệp cụ thể… Giờ đây
tôi hết sức lo lắng cho số phận của những nhà văn Trung Quốc tài năng đó, những
người đã bị tước đoạt tự do của họ kể từ sự kiện Thiên An Môn [cuộc đàn áp ngày
mồng 4 tháng 6-1989].
Vào thời điểm đó [1994], Oe không thể biết được “số phận” của
hai nhà văn Trung Quốc trẻ mà ông ngưỡng mộ, Trịnh Nghĩa và Mạc Ngôn, sẽ xoay
vần hết sức khác biệt ra sao. Trịnh Nghĩa đã khiến Oe chú ý tới mình qua tác
phẩm Giếng cổ
[老井- Lão tỉnh] (1984), một tiểu thuyết trữ tình dựa trên bối cảnh nhu cầu về nước, kéo dài nhiều thế kỷ, ở một vùng nông thôn khô hạn
thuộc tỉnh Sơn Tây. Cũng như Cao
lương đỏ, câu chuyện đã được chuyển thể qua điện ảnh và cuốn phim
cũng được giải thưởng. Năm 1997, Oe nói với tôi rằng, ông thích “sự định hướng
theo chiều thẳng đứng” của Trịnh – những cái giếng cổ đã ăn sâu vào lòng đất và
những “cây thần” [thần thụ - 神樹] đã vươn cao theo chiều ngược lại, chĩa lên trời. (Trịnh sau đó đã bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết dài, có tên là Thần thụ,
trong đó ông mô tả cuộc sống ở nông thôn Trung Quốc hết sức tài hoa). Năm 1989,
Trịnh Nghĩa ủng hộ cuộc phản kháng của sinh viên ở Thiên An Môn, sau đó bị
chính phủ đưa vào danh sách truy nã. Ông sống lẩn lút ở Trung Quốc trong ba
năm, rồi trốn thoát sang Hong Kong trên một con thuyền nhỏ vào năm 1993, và từ
đó sống lưu vong tại Hoa Kỳ. Ông tiếp tục viết rất khỏe, luôn luôn mạnh mẽ phê
phán chính phủ Trung Quốc.
Mạc Ngôn, trong cả chính trị lẫn văn chương, đã chọn một con
đường khác. Tất cả văn nghệ sĩ Trung Quốc nghiêm túc, trong thời kỳ hậu 1989
đều phải đối mặt với sự lựa chọn liệu có nên ở lại “bên trong hệ thống” và tới
chừng mực nào. Nhiều người, cũng giống như Mạc Ngôn, đã lựa chọn dứt khoát ở
lại, rồi điều chỉnh ít hay nhiều cho phù hợp với đường lối chỉ đạo chính thức,
thậm chí họ còn công khai giữ ảo tưởng dường như họ không hề làm chuyện đó.
(Tại một cuộc họp báo gần đây, Mạc Ngôn nhận xét với bộ mặt tỉnh khô rằng,
“chúng ta đang sống trong một thời đại tự do thể hiện”). Trong hai thập kỷ vừa
qua, với sự bùng phát của nền kinh tế, tiền bạc đã trở thành một lý do quan
trọng xui khiến người ta ở lại trong hệ thống. Trương Nghệ Mưu, đạo diễn phim Cao lương đỏ, đã chuyển
dịch ngày càng sâu và sâu hơn vào “bên trong” cho đến khi, năm 2008, ông ta
được mời làm Tổng đạo diễn cho lễ khai mạc Thế vận hội ở Bắc Kinh và nhận xét
(rõ ràng không có ý mỉa mai) rằng, chỉ có những nhà nước như Trung Quốc hoặc
Bắc Hàn mới có thể dàn dựng những tác phẩm hoành tráng đến thế.
Phần lớn những nhà văn đã lựa chọn “rời bỏ” hệ thống – Lưu Tân
Nhạn (劉賓雁), Tô Hiểu Khang (蘇晓康), Trịnh Nghĩa, Liêu Diệc Vũ (廖亦武) và những người khác –chấp nhận lưu vong như một cái giá phải trả để có thể nói điều họ nghĩ mà không cần phải uốn nắn lại. Cáp Kim (哈金 Ha
Jin) đã đi một bước khác thường, không chỉ rời bỏ Trung Quốc mà cả tiếng Hán nữa; ông chỉ viết bằng tiếng Anh, một phần để chắc chắn rằng, thậm chí vô thức cũng không ảnh hưởng đến cách diễn đạt của ông. Một số người
chọn sống lưu vong sau sự kiện 1989 về sau đổi ý, quay về Trung Quốc. Từ Băng (徐冰), một nghệ sĩ sắp đặt, đã sống ở New York từ 1990 đến 2008, rồi lại trở về Trung Quốc, làm Phó Viện trưởng Học viện Mỹ thuật Trung ương. Nhà thơ xuất sắc Bắc Đảo (北島) cũng quay về và hiện nay, phần lớn thời gian ông sống ở Hong Kong. Chế độ đã hoan nghênh sự trở về của những nhân vật nổi tiếng, bởi vì việc này giúp đánh bóng hình ảnh của nó. Chính quyền đã ưu đãi họ bằng tiền bạc, địa vị và nhiều tự do hơn những người
khác – nhưng không bao giờ là tự do hoàn toàn.
Thách thức chủ yếu đối với Mạc Ngôn, bắt đầu vào những năm 1990,
là tìm cho được một giọng nói riêng mà ông có thể dùng về lâu về dài. Cao lương đỏ quả thật là
một bước đột phá, nhưng chỉ nhờ vào hoàn cảnh chính trị trong những năm 1980,
khi các nhà văn Trung Quốc có thể tạo dựng tên tuổi bằng cách “đi vào những
vùng cấm”. Cao lương đỏ
đột phá vào hai lĩnh vực: sự phóng đãng tình dục và việc kể sự thật về cuộc
chiến với Nhật Bản. Song đến năm 1990 chỉ còn rất ít vùng cấm chờ đột phá, và
với những vùng cấm còn lại (vụ tàn sát 1989, tham nhũng trong hàng ngũ chóp bu
chính trị, và những đề tài như Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương) thì việc nghiêm
cấm cực kỳ chặt chẽ, tuyệt đối không được đụng chạm tới. Mạc Ngôn cần một cái
gì đó khác hơn.
Giọng nói mà ông chọn lựa từng được gọi là giọng Rabelais, nhưng
thậm chí nó còn trần tục hơn cả Rabelais. Cái bản tính động vật trong con người
– ăn uống, bài tiết, đấm đá, gào thét, đổ máu, sợ hãi, gian dâm – thì đầy ra,
cũng như một số đặc tính khác mà động vật tránh làm như bắt nạt, đồng lõa và
phản bội. Thỉnh thoảng, chứ không phải luôn luôn, cách thể hiện của Mạc Ngôn có
chút mỉa mai, và nó bao hàm cả sự tưởng tượng được thăng hoa mà những nhà phê
bình đã so sánh với “chủ nghĩa hiện thực có ma lực” của Gabriel García Márquez.
(Chưa chắc Mạc Ngôn đã đọc Rabelais hoặc García Márquez, đó là những sự tương
tự chứ không phải ảnh hưởng.)
Mạc Ngôn viết về những con người ở dưới đáy xã hội và trong
truyện Cây tỏi nổi giận
[“天堂蒜薹之歌” – “Thiên đường toán đài chi ca”] (1988), rõ ràng ông đứng về phía những người nông dân nghèo bị lũ cường hào quan chức địa phương bắt nạt, khiến cho họ phá sản. Cảm tình với những người bị áp bức có một thị trường đáng kể trong thế giới văn học Trung Quốc thời gian gần đây, chủ yếu bởi vì chính xã hội bao
gồm rất nhiều người bị chà đạp và họ đã thu hút được cảm tình. Song điều cốt
yếu là phải nhận ra được sự khác biệt giữa cung cách Mạc Ngôn viết về số phận
của những người bị giày xéo và cách viết, mà những nhà văn như Lưu Hiểu Ba,
Trịnh Nghĩa và những người bất đồng chính kiến khác đã sử dụng. Lưu và Trịnh đã
lên án toàn bộ hệ thống chuyên chế này, kể cả những người ở cấp cao nhất. Mạc
Ngôn và những nhà văn bên-trong-hệ-thống chỉ đổ lỗi cho lũ cường hào địa
phương, mà không đả động đến tầng lớp lãnh đạo cao cấp.
Dẫu sao, đó cũng là chiến thuật kinh điển của giới lãnh đạo cao
cấp của Trung Quốc. Họ thường đổ lỗi cho những quan chức cấp thấp đã hành xử
sai trái và việc đó chính là nguyên nhân gây ra những khó khăn của nhân dân. Họ
muốn đưa ra một thông điệp rằng, “ở đây, tại Trung ương, chúng tôi đã nghe
tiếng quý vị và rất thông cảm; đừng lo ngại là có chuyện gì sai trái với cả hệ
thống của chúng ta”. Hai mươi năm trước, khi người dân Trung Quốc chỉ tiếp cận
được những nguồn tin tức do nhà nước đưa ra, phần lớn tin vào những lời đảm bảo
như vậy; hiện giờ, với mạng internet, số người cả tin như vậy ít hơn, nhưng
thông điệp đó vẫn rất hiệu quả. Những nhà văn như Mạc Ngôn hiểu rõ chiến lược
này của chế độ, và có thể họ cũng chả thích đâu, nhưng họ chấp nhận thỏa hiệp
trong cách diễn đạt. Đó là cái giá của việc viết lách bên trong hệ thống.
Mạc Ngôn đã viết những tiểu thuyết hoành tráng, miêu tả phần lớn
lịch sử Trung Quốc trong thế kỷ XX. “Viết lại lịch sử” đã từng là thời trang
trong tiểu thuyết Trung Hoa từ những năm 1990; nó đã hấp dẫn những độc giả đang
phải vật lộn khi đối mặt với câu hỏi “chuyện gì đã diễn ra?” trên đất nước
trong và sau thời kỳ chủ nghĩa Mao hành hạ đất nước. Những nhà văn bên trong hệ
thống đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, khi phải đụng chạm đến những thời kỳ
như Đại nhảy vọt (1959-1962), trong thời gian đó ba mươi triệu người hoặc hơn
bị chết đói, hoặc Đại Cách mạng Văn hóa vô sản (1966-1970), nó đã cướp đi mạng
sống của hai hoặc ba triệu người nữa, và đầu độc tinh thần dân tộc với sự yếm
thế và hoài nghi sâu sắc đến nỗi thậm chí hôm nay, cái tinh thần đó vẫn chưa
hoàn toàn hồi phục. Những người lãnh đạo cộng sản hiện nay lo ngại quyền lực
của họ có thể bị suy giảm nếu gắn liền với những đại họa thời Mao, nên tuyên bố
rằng, những đề tài đó là “nhạy cảm” và nói chung là vùng cấm đối với những nhà
văn “quốc doanh”. Song một nhà văn, khi dựng lại toàn cảnh, không thể bỏ qua
những giai đoạn đó được. Vậy phải làm thế nào?
Giải pháp của Mạc Ngôn (và ở đây không chỉ mình ông) là sử dụng
một sự hoạt kê ngớ ngẩn khi phải đụng chạm tới những sự kiện “nhạy cảm”. Tiểu
thuyết Báu vật của đời
[豐乳肥臀 - Phong nhũ phì đồn] (1996), đã xuyên qua toàn bộ thế kỷ XX, với câu chuyện về cuộc đời của một anh chàng [Kim Đồng]
cứ mê mẩn với những bộ phận trên cơ thể phụ nữ. Trong chương VI, cuốn truyện đã
phải đụng chạm tới Đại nhảy vọt, khi nền kinh tế nông thôn Trung Quốc đã sụp đổ
vì sự can thiệp cưỡng bức do các chính sách nông nghiệp của Mao, kể cả việc Mao
khăng khăng bắt cấy dày (nông dân biết là sẽ thất bại nhưng họ không dám phản
đối vì có thể nguy hiểm đến tính mạng) và gợi ý tạo giống cây trồng và gia súc
mới bằng cách lai giống từ những loài khác nhau – chẳng hạn như cà chua với bí
ngô để được giống cà chua khổng lồ.
Mạc Ngôn đã miêu tả hết sức khôi hài những chuyện điên rồ như
vậy, nhưng không hề đụng chạm đến thảm họa. Phối giống thỏ với cừu? Tại sao
không? Trong Báu vật của
đời có nhân viên đã xung phong: “Nói gì bơm tinh dịch cừu vào tử
cung thỏ, ngay cả bơm tinh dịch của Giám đốc Lý Đỗ vào tử cung lợn nái, tôi
cũng không mảy may băn khoăn!” Những người có mặt phá lên cười. Trong khi đó
hoàn toàn không có dấu hiệu gì của nạn đói. Khi nhân vật chính, chú bé mê bầu
vú, cần một ít sữa dê, có người đã chạy đi mua. Trong Sống thác đọa đày [生死疲勞 -
Sinh tử bì lao] (2006), một tác phẩm toàn cảnh khác của Mạc Ngôn, trải dài từ 1950 đến năm 2000, một nạn nhân bị đưa ra đấu tố công khai thời Cách mạng văn hóa, đã bị buộc tội làm một con lừa có chửa. Nạn nhân đã bị chế nhạo, thậm chí bị chửi mắng suốt bốn trang sách, sau
đó thì “đám đông cười rầm trời” khi anh ta bị bắt phải ăn một củ cải, tượng
trưng cho “dương vật giả của con lừa”.
Những người bênh vực Mạc Ngôn, cả bên trong và ngoài Ủy ban trao
Giải Nobel, công nhận ông có tài hài hước với khả năng gây cười từ những chuyện
không đáng cười. Có thể. Song với những người khác, kể cả con cháu những nạn
nhân của việc lăng nhục đó, ta lại cũng có thể thông cảm nếu họ ngạc nhiên
rằng, có gì đáng cười kia chứ. Từ quan điểm của chế độ, lối viết này là hữu ích
không chỉ vì nó đánh lạc hướng cái nhìn thẳng thắn vào lịch sử, mà còn vì nó có
tác dụng như một cái van an toàn. Những đề tài này vốn “nhạy cảm”, và chúng có
nguy cơ bùng nổ, thậm chí ngày hôm nay. Đối với chế độ, việc đưa chúng ra làm
trò cười có thể có lợi hơn là cấm thẳng thừng không cho nói đến. Năm 2004,
trong một bài báo có tên “Cuộc diễu hành gợi tình trong lịch sử Trung Quốc gần
đây”, Lưu Hiểu Ba đã nhận thấy rằng, “Sự giễu cợt… biến thành một hình thức xoa
bóp tinh thần làm cho lương tâm của nhân dân trở nên vô cảm và làm tê liệt ký
ức của họ”.
Liệu Mạc Ngôn có suy tư gì hơn nữa ngoài những truyện ông đã in?
Đối với ông, cũng như với tất cả nhà văn Trung Quốc bên-trong-hệ-thống, ít nhất
chúng ta cần để ngỏ câu hỏi này. Tại cuộc họp báo hôm 12 tháng 10 (2012), ông
đã trả lời câu hỏi của một nhà báo về người bạn cũng được Giải Nobel, Lưu Hiểu
Ba, như sau:
Tôi đã đọc một số bài ông (Lưu Hiểu Ba) viết về văn học trong
những năm 1980… sau này, khi ông rời bỏ văn học và quay sang chính trị, tôi
không tiếp xúc với ông, và tôi cũng không biết rõ phần lớn những gì ông đã làm
từ bấy đến giờ. Tuy nhiên, giờ đây tôi hy vọng rằng, ông sẽ được tự do càng sớm
càng tốt – có được tự do với sức khỏe dồi dào càng sớm càng tốt – và sau đó có
thể tiếp tục nghiên cứu đường hướng chính trị của ông, cùng việc nghiên cứu
những hệ thống xã hội, theo ý thích của ông.
Lời phát biểu nhanh chóng được một số người ủng hộ Lưu Hiểu Ba
hoan nghênh. Đây là một người vừa mới đoạt giải Nobel đã lên tiếng cho một
người khác, mà tên tuổi bị cấm trên các phương tiện truyền thông của nhà nước
Trung Quốc. Hơn nữa, chính lời phát biểu của Mạc Ngôn cũng bị xóa bỏ trên mạng
internet trong nội địa Trung Quốc, vậy là chính quyền cũng bực bội vì những lời
nói này. Hiển nhiên, Mạc Ngôn đã có một lời tuyên bố của lương tâm.
Lời phát biểu chắc chắn là có giá trị, nhưng theo tôi, có một lời
giải thích khác hợp lý hơn, chứ không chỉ vì lòng dũng cảm của lương tâm. An
ninh và các quan chức tuyên truyền ở Trung Quốc theo rất sát những người có ảnh
hưởng, kể cả những nhân vật có danh vọng lẫn những người bất đồng chính kiến.
Có những “cuộc đàm đạo” [tức là làm việc với cơ quan an ninh, N.D.], đôi khi
được gọi bóng bảy là “uống trà” [喝茶], về việc người ta nên hoặc không nên nói hay làm những gì công khai. Khi có một chuyện
ngoạn mục như được trao Giải Nobel chẳng hạn, không thế tưởng tượng được rằng
người đoạt giải lại không được mời tới nói chuyện [với an ninh] một hoặc nhiều
lần, và câu hỏi ‘Mạc Ngôn sẽ nói gì về Lưu Hiểu Ba’ nhất định sẽ bật ra. Đó là
một câu hỏi hiển nhiên. Các phóng viên của báo chí thế giới đã hỏi câu đó gần
như ngay lập tức sau khi giải thưởng trao cho Mạc Ngôn được công bố, và câu hỏi
đó thậm chí lại càng không thể tránh được hơn, khi ông đến Stockholm nhận giải.
(Cư dân mạng Trung Hoa cũng đặt vấn đề ra. Có người đã viết trên Twitter rằng,
“nếu Mạc Ngôn có can đảm, ông ta sẽ đứng ngay cạnh chiếc ghế trống khi đọc diễn
văn ở Stockholm”.)[3]
Bằng cách này hay cách khác, Mạc Ngôn cũng đành phải “thuyết pháp” vậy – một
“cách diễn đạt”. Từ quan điểm của chế độ, cách nào có thể gây ra ít tổn thất
nhất? Nếu Mạc Ngôn nói với thế giới rằng, Lưu Hiểu Ba là tội phạm cần phải bỏ
tù, hình ảnh của chính Mạc Ngôn sẽ xấu đi rất nhiều, và niềm vinh quang của
việc thắng giải – niềm vinh quang mà chế độ muốn khuyếch trương và bay lên cùng
nó – sẽ đâm đầu xuống đất. Mặt khác, nếu quả thật Mạc Ngôn lại đứng về phía Lưu
Hiểu Ba, người đã nhiều lần viết rằng, “việc bỏ tù vì những lời phát biểu” luôn
luôn và trên nguyên tắc là sai, thì chế độ cũng chẳng lợi lộc gì. Tốt nhất, có
lẽ là một lời phát biểu “trung dung”, nhẹ nhàng về hy vọng là Lưu sẽ sớm được
thả.
Một cụm từ trong lời phát biểu trên đã khiến cho cách lý giải
này càng đặc biệt hợp lý. Ông đã lặp lại từ “tự do” để nhấn mạnh rằng nó phải
là sự tự do với sức khỏe dồi dào. Liệu Mạc Ngôn có biết về tình hình sức khỏe
hiện nay của Lưu Hiểu Ba hay không? Chưa chắc. Chỉ có Lưu Hà (劉霞), vợ Hiểu Ba, mới được gặp ông trong những tháng gần đây, nhưng bà bị buộc phải im lặng tuyệt đối, nếu không, quyền
thăm viếng sẽ bị cắt. Mạc Ngôn có thể chỉ đơn thuần lưu tâm tới một sự thật là
trong khi bị giam giữ, sức khỏe của những nhà bất đồng chính kiến khác thường
bị suy yếu, đôi khi còn trầm trọng nữa kia. Song chúng ta được biết chắc rằng,
vợ chồng Lưu có thể đang bị chế độ gây áp lực ép họ chấp nhận rời Trung Quốc
sống lưu vong. Những người bất đồng chính kiến trong khi lưu vong thường ít gây
khó khăn cho chính quyền hơn là lúc họ còn ở trong nước. Luật sư nhân quyền
khiếm thị Trần Quang Thành (陳光誠) người trong tháng tư vừa qua (2012) đã trốn khỏi cảnh quản thúc tại gia ở Sơn Đông và lánh nạn tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, hiện nay đang ở New York, khiến chế độ đỡ đau đầu hơn rất nhiều, so với khi ông còn ở Sơn Đông hoặc Bắc Kinh.
Và chuyện này liên quan gì đến “sức khỏe dồi dào”? Uyển ngữ ưa
thích của chế độ khi muốn đẩy những người bất đồng chính kiến ra khỏi nước là
nói “họ đi chữa bệnh”. Tháng 6 – 1990, chẳng hạn, khi nhà vật lý thiên văn
Phương Lệ Chi (方勵之), một người bất đồng chính kiến, được thả cho
đi sang Anh, (chính quyền Trung Quốc khăng khăng yêu cầu ông phải sống ít nhất
sáu tháng ở “một nước thứ ba” trước khi đi Mỹ), “đi chữa bệnh” là cái cớ mà chế
độ viện ra khi họ đàm phán với những nhà ngoại giao Anh. Phương Lệ Chi đã chấp
nhận trò chơi chữ này, thậm chí sức khỏe của ông chẳng có vấn đề gì. Cụm từ
“sức khỏe dồi dào” của Mạc Ngôn liệu có phải là do chính quyền Trung Quốc mớm
cho ông không, có thể là cách họ chuẩn bị dư luận quốc tế cho Lưu Hiểu Ba “đi
chữa bệnh ở nước ngoài”? Tôi không rõ, nhưng dường như nó là một lời giải thích
khả hữu cho việc tại sao cụm từ này lại bật ra trong phát biểu của Mạc Ngôn.
Một sự thật là hệ thống kiểm duyệt Trung Quốc đã xóa phát biểu
của Mạc Ngôn trên mạng internet nội địa. Việc này hoàn toàn phù hợp với cách lý
giải trên. Đối tượng của trò chơi chữ “được trả lại tự do với sức khỏe tốt”
(nếu nó là như vậy) có thể không phải là nhân dân Trung Quốc, mà là cộng đồng
quốc tế, những người sẽ tiếp nhận Lưu Hiểu Ba, nếu ông chịu lưu vong, và những
người đang có ấn tượng tốt với khôi nguyên Nobel mới, cái ấn tượng mà chế độ
thiết tha muốn gìn giữ.
Những nhà văn Trung Quốc hôm nay, dù ở “bên trong hệ thống” hay
không, tất cả đều phải có sự lựa chọn nên hành xử thế nào với chính quyền toàn
trị của đất nước họ. Việc này không thể nào tránh khỏi những toan tính, trao
đổi, và bưng bài theo nhiều kiểu. Những chọn lựa của Lưu Hiểu Ba đã là hết sức
khác thường. Những phản ứng của Mạc Ngôn “bình thường” hơn, gần với trung tâm
của đường cong hình chuông.[4] Sẽ là
sai đối với những khán giả như tôi và bạn, những người có một khoảng cách thoải
mái, lại yêu cầu Mạc Ngôn phải hy sinh tất cả và trở thành một Lưu Hiểu Ba nữa.
Tuy nhiên, sẽ sai nhiều hơn nếu không thấy rõ sự khác biệt giữa hai người.
___________
Bản tiếng Việt © 2013 Bùi Xuân Bách & pro&contra
[1]
Nguyên văn trong bản tiếng Anh dùng bính âm Bắc Kinh (pinyin), vì không có chữ
Hán để chuyển chính xác sang âm Hán Việt, chúng tôi phỏng dịch Wang Xiaohong là
Uông Tiểu Hồng. Thành thực xin lỗi bạn đọc về sự bất tiện này.
[2] Dương
Chấn Ninh và Lý Chính Đạo được Giải Nobel Vật lý năm 1957, khi đó còn là công
dân Đài Loan, sau này xin nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Họ có quan hệ gần gũi với
Trung Hoa đại lục.
Yang Zhenning – Dương Chấn Ninh (楊振寧), cũng còn viết Chen Ning Yang.
Li Zhengdao – Lý Chính Đạo (李政道), cũng còn viết Tsung-Dao Lee.
[3] Bằng
chứng nhận Giải Nobel Hòa bình của Lưu Hiểu Ba được đặt lên một chiếc ghế trống
trong buổi lễ trao giải tại Oslo, tháng 12-2010. Sau đó, chính quyền Trung Quốc
đã cấm cụm từ “chiếc ghế trống” trên mạng internet trong nước. Theo thông tin
từ Oslo, tại lễ trao giải trong ngày thứ Sáu ngày 10/12, 19 quốc gia không tham
dự, trên tổng số 194 các quốc gia toàn thế giới, là: Việt Nam, Trung Quốc, Nga,
Colombia, Tunisia, Ả Rập Saudi, Pakistan, Serbia, Iraq, Iran, Kazakhstan,
Afghanistan, Venezuela, Ai Cập, Sudan, Ukraine, Cuba, Morocco và Philippines.
Trong buổi lễ trao giải sáng 10/12/2010 tại Oslo, do ông Lưu Hiểu Ba vẫn bị
giam và thân nhân của ông bị quản thúc hoặc công an giám sát nên ban tổ chức đã
chọn một động thái biểu tượng. Trước chiếc ghế trống, chủ tịch Ủy ban Nobel
Thorbjoern Jagland nhắc lại rằng: “Ông Lưu Hiểu Ba không làm điều gì sai trái.
Ông chỉ hành xử quyền công dân của mình mà thôi”.
[4] Đường
cong hình chuông: Biểu đồ của một hàm Gauss là một đường cong đối xứng đặc
trưng “hình quả chuông”. Hàm số này được sử dụng rộng rãi, nhất là trong thống
kê.
No comments:
Post a Comment