Thursday 28 February 2013

HUY PHƯƠNG & "NHỮNG NGƯỜI THUA TRẬN" (Ngọc Lan - Người Việt)




Ngọc Lan/Người Việt
Tuesday, February 26, 2013 3:16:06 PM

'Ðọc lịch sử, nhiều khi muốn khóc'

WESTMINSTER (NV) - Ðộc giả yêu thích giọng văn, bút pháp và cách trình bày suy tư, cảm nhận của nhà văn Huy Phương về các vấn đề chính trị, xã hội diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, sẽ tiếp tục nhận được bộ sưu tập những bài viết mới của ông qua tạp ghi “Những Người Thua Trận” ra mắt vào đầu năm 2013.

***

Tạp ghi “Những Người Thua Trận” của nhà văn Huy Phương. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Giải thích tựa đề quyển tạp ghi mang tên “Những Người Thua Trận,” nhà văn Huy Phương cho biết, “Tên tập truyện này không dính dáng gì đến tác phẩm 'Bên Thắng Cuộc' của tác giả Huy Ðức. Tên tập truyện cũng chính là tên của một bài tạp ghi đã đăng trên báo lâu rồi, từ đầu năm 2012, trước khi tác phẩm 'Bên Thắng Cuộc' ra đời.”

Tạp ghi “Những Người Thua Trận” của Huy Phương khởi nguồn bằng cảm hứng của một chuyến viếng thăm Stone Mountain Park, nơi có hòn núi đá lớn khắc hình ba vị lãnh tụ của miền Nam thua trận trong cuộc nội chiến của Hoa Kỳ kéo dài bốn năm.

“Tôi thấy tinh thần vinh danh người thua trận của người Mỹ quá cao đẹp, trong khi tinh thần thua-được của Việt Nam quá tàn nhẫn.” Tác giả “Những Người Thua Trận” nhận xét.

Từ lời nói của viên tướng miền Bắc Ulysses S. Grant từ Tháng Tư, 1865, “Những người miền Nam bây giờ là đồng bào của chúng ta, và chúng ta không nên có thái độ đắc chí trên sự suy sụp của họ,” nhà văn Huy Phương “nhìn lại cuộc đầu hàng miền Nam ngày 30 Tháng Tư, 1975 tại Dinh Ðộc Lập Sài Gòn.”

Ông cảm thấy đau lòng trước cách hành xử vô học của viên sĩ quan miền Bắc, qua lời lẽ mà hắn dùng khi nói với Tổng Thống Dương Văn Minh, “Ai là Dương Văn Minh? Dương Văn Minh hãy bước ra và quỳ xuống... Kể từ bây giờ tao cấm mầy không được ngồi xuống!” Hay những cảnh trả thù trong ngày 30 Tháng Tư, 1975 được kể lại, từ việc “ngôi mộ của Trung úy dù Nguyễn Văn Ngọc ở xã Long Hồ, dù đã chết từ hơn một năm trước, vẫn bị họ đào mả lên, đưa cả quan tài ra giữa chợ Ngã Tư Long Hồ để cho phá nát bằng cốt mìn,” đến việc “chúng bắt anh Nguyễn Văn Chấp, cảnh sát đặc biệt xã Phước Hiệp, đánh bằng cây tầm vong, xong nấu nước sôi dội từ trên đầu xuống cho đến chết. Vợ con xin xác đem về chôn nhưng không được”...

Ông mượn lời nhà văn Dương Thu Hương, “...Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ” để kết luận cho bài viết của mình trước khi buông xuống một nỗi niềm “Ðọc lịch sử, nhiều khi muốn khóc.”

***

Bài viết trên mở đầu cho tập tạp ghi mới nhất của nhà văn Huy Phương, bao gồm 54 bài viết, cùng 3 bài nhận xét về tác giả Huy Phương của Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, Linh Mục Nguyễn Thái, và Ký giả Phạm Trần ở Washington DC. Ðây là sự thu thập những bài viết từng xuất hiện trên tờ Người Việt ở mục “Tạp Ghi” trong thời gian qua.

Nói thêm về sự ra đời của quyển tạp ghi này, nhà văn Huy Phương cho rằng, “Tôi cộng tác với Người Việt cũng 17, 18 năm, những bài tạp ghi đăng trên đó người ta coi xong không giữ lại được, cho nên tôi thu thập lại, in thành sách để những ai có cảm tình với tôi sẽ có cơ hội đọc lại, giữ lại những quyển sách đó.”

“Có khi hai năm, có khi một năm rưỡi, tôi lại cho ra đời một cuốn. 'Những Người Thua Trận' là cuốn tạp ghi thứ bảy. Sự ra đời của quyển này cũng có thể gây nên sự phiền lòng cho những người thương mến mình, vì họ phải mua sách.” Tác giả, nguyên sĩ quan thông tin báo chí QLVNCH, nói một cách hóm hỉnh.

Quả thật, nhiều tạp ghi trước đây của ông, như “Quê nhà-Quê người,” “Hạnh Phúc Xót Xa,” “Nước Mỹ Lạnh Lùng,” “Ði Lấy Chồng Xa”... phải tái bản nhiều lần để đáp ứng nhu cầu của độc giả yêu mến.

Người chuyên viết tạp ghi trên tờ Người Việt chia sẻ, “Ðiều rất mừng là có nhiều độc giả ưa thích đọc những bài tạp ghi này, do nó gần gũi với đời sống xung quanh, vấn đề nước Mỹ, xảy ra trong cộng đồng nước Mỹ, trong cộng đồng người Việt và bên quê nhà. Những chuyện xảy ra khiến mình suy nghĩ, tác động đến đời sống hằng ngày, và khiến người ta xúc động.”

So với những tạp ghi trước đây, “Những Người Thua Trận” của Huy Phương dường như chú trọng nhiều hơn đến những vấn đề mang tính thời sự chính trị, đề cập nhiều hơn đến thân phận người lính VNCH, bày tỏ suy tư nhiều hơn về những vấn đề mang tầm vóc quốc gia. Có thể dễ dàng nhận thấy điều này qua những bài viết như “Thương những nấm mồ,” “Anh phải sống,” “Ðảng, tên đầy tớ phản phúc,” “Mậu Thân và nỗi đau của Huế,” “Ba bản án, một đòn thù,” “Chế độ đầu gấu,” “Những cặp kính trắng,” “Ðạo đức... mắm tôm,” “Ly nước đã đầy,” “Nói và làm,” “Chửi, vũ khí của dân đen”...

Lý giải về những nội dung này, nhà văn Huy Phương cho rằng, “Do năm viết những bài tạp ghi này có nhiều biến động, nhiều chuyện trong nước xảy ra làm tôi xao động. Những vấn đề xã hội, chính trị luôn tác động đến chuyện viết lách của tôi.”

Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề mang tính vận mệnh đất nước, người đọc vẫn thấy bàng bạc trong “Những Người Thua Trận” là những câu chuyện rất đời, rất gần gũi, rất “Huy Phương” như “Bài hát sau cùng,” “Cuối năm nghĩ đến tuổi già,” “Vu Lan: nghĩ đến tấm lòng cha mẹ,” “Xin một chút bận rộn cho đời,” “Lời tạ lỗi muộn màng,” “Không một mái nhà,” “Cổng chùa đã khép hay Cửa từ tâm chưa mở,.”..

Tuy nhiên, dù ở bất cứ nội dung nào, nói như Ký giả Phạm Trần ở Washington DC, “Mỗi tác phẩm, mỗi câu chuyện kể của Huy Phương có thể làm cho người đọc khó chịu, bức xúc và căm ghét, nhưng mỗi chữ, mỗi câu văn của ông đều có chứa hơi thở và lòng nhân hậu của một nhà văn. Ông rất yêu đời, rất bình yên và nhũn nhặn dễ thương nhưng cũng có khi bực dọc, phiền muộn, và ghét cay ghét đắng với những gì ông nhìn thấy hay cảm nhận được ở xung quanh một con người hay một sự vật.”

Trong khi đó, nhận xét về “nghiệp cầm bút” của Huy Phương, Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng, “Ông viết vì sự thôi thúc vô hình của một quan niệm về đạo lý. Ông tiếp tục kê vai vào cây Thánh giá chung của cả dân tộc dù chẳng ai bắt, không ai đòi và dù nhiều người trau chuốt một cây Thánh giá lấp lánh trên ngực. Ðộng lực có thể là tình bằng hữu với các chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, hay lòng yêu nước, hoặc sự ái ngại về quê hương, xã tắc, đồng hương, đồng bào,...”

Cuối cùng, đọc Huy Phương, qua quyển tạp ghi thứ bảy mang tên “Những Người Thua Trận” này, lại một lần nữa nhận ra “Huy Phương viết nhẹ nhàng, viết táo bạo và đôi khi cũng rất cay nghiệt và gay gắt như muốn bung ra khỏi chiếc cũi sắt của tâm hồn, nhưng cuối cùng ông lại nhũn nhặn, khôi hài và rất dễ thương.” (Phạm Trần)

Kính mời quý độc giả tham dự buổi ra mắt “Những Người Thua Trận” của nhà văn Huy Phương vào lúc 1:30 trưa Thứ Bảy, 2 Tháng Ba, tại Trung Tâm Công Giáo, 1538 N. Century Blvd, Santa Ana, CA 92703.
____
Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com







1 comment:

View My Stats