Thursday, 28 February 2013

LO NGẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN NGHĨA TRONG TÙ (Thanh Trúc - RFA)




Thanh Trúc, phóng viên RFA, Bangkok
2013-02-28

Nhà văn đối kháng Nguyễn Xuân Nghĩa, bị bắt từ năm 2008 với bản án sáu năm tù giam ba năm quản chế, đang bị bệnh nặng trong tù nhưng không được chữa trị đúng mức.

Sau chuyến thăm nuôi vừa rồi, vợ ông Nguyễn Xuân Nghĩa, bà Nguyễn Thị Nga, cho biết sẽ làm đơn xin cho chồng được đi mỗ lần thứ hai, đồng thời bày tỏ sự lo âu trước sức khỏe càng ngày càng sa sút của ông.
Nói chuyện với Thanh Trúc từ Hải Phòng, trước hết bà Nga nhắc lại nguyên nhân khiến ông Nguyễn Xuân Nghĩa lâm cảnh tù tội:

Phân biệt đối xử, chữa trị không đúng mức

Bà Nguyễn Thị Nga: Chồng tôi đòi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và đa nguyên đa đảng. Chính vì thế chồng tôi có nhiều bài viết trên các trang mạng và chồng tôi đã đi treo khẩu hiệu trên cầu vượt Lạch Tray, Hải Phòng, và cầu Lai Cách, Hải Dương, nội dung "bảo vệ toàn vẹn lãnh thỗ lãnh hải cho Việt Nam, nhân quyền dân chủ cho Việt Nam và đa nguyên đa đảng cho Việt Nam". Chính vì thế nhà cầm quyền kết tội anh là tuyên truyền chống phá nhà nước.
Chồng tôi bị bắt ngày 10 tháng Chín 2008, bị án sáu năm tù giam và ba năm quản chế, cho đến hết tháng Hai này là được bốn năm rưỡi, còn một năm rưỡi nữa.

Thanh Trúc: Thưa bà Nguyễn Thị Nga, trong chuyến thăm nuôi mới nhất bà có kể là sức khỏe ông Nguyễn Xuân Nghĩa rất xấu, xin cho biết thêm về bệnh tình của ông?
Bà Nguyễn Thị Nga: Tôi đi thăm anh Nghĩa vào ngày 22 tháng Hai 2013. Chồng tôi đang bị giam ở Trại 6, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Khu vực ấy là giáp biên giới Lào, rất gần chân núi Trường Sơn, nơi hang cùng ngõ hẻm nhất. Qua lần thăm gặp vừa rồi thì cũng như lần trước, tôi cũng đã kêu lên về chuyện mổ xẻ cho chồng tôi, tức về việc họ không đưa cái khoa học kỹ thuật tốt để chữa bệnh cho chồng tôi mà họ lại đưa cái chuyện thắt trĩ chứ không mổ trĩ. Là vì chồng tôi bị bệnh trĩ đến độ ba và không thể trì hoãn được nữa, thành thử họ đã mang chồng tôi đi cắt đợt trước nhưng mà họ không cắt bằng laser mà thắt trĩ theo cách cổ truyền, cho nên hậu quả rất tai hại, anh đi đại tiện rất khó khăn.
Chồng tôi còn một căn bệnh nữa là khối u tiền liệt tuyến cho nên anh mất ngủ và đến giờ này lại cái việc chữa bệnh trĩ không có kết quả như vậy. Nếu như họ cắt cho mình suông sẻ ra và tốt ra thì đến bây giờ anh không phải đeo đẳng cái bệnh trĩ nữa.
Với lại mặt của anh, khi còn ở nhà thì nó có khối u nhỏ ở má với ở cổ, giờ trong thời gian anh ăn uống hoặc do nước non sinh hoạt trong ấy thiếu, cơ thể bị nhiễm độc cho nên khối u ở mặt cứ to dần lên, cả cổ nữa, nên trông anh ấy rất tiều tụy. Tôi thật xót xa và lo lắng cho tình trạng sức khỏe của anh ấy.

Thanh Trúc: Chừng như bà định làm đơn xin với quản giáo trại giam cho ông Nguyễn Xuân Nghĩa được đi mổ lần thứ hai ?
Bà Nguyễn Thị Nga: Tới đây là phải xin trại giam để cho đi cắt lại. Trước tôi cũng có làm đơn xin cho anh về những bệnh viện gần nhà cho gia đình chăm sóc. Họ đã gởi giấy cho gia đình báo là không được, chỉ trong khuôn viên trại giam, nặng hơn nữa thì đưa lên tuyến huyện hay tuyến tỉnh, hơn nữa thì lên cấp trung ương và do trại giam đưa chứ còn ý nguyện của gia đình là họ không chấp nhận.

Thanh Trúc: Vậy bà nghĩ đơn xin cho ông đi mổ lần thứ hai liệu có gặp trở ngại gì không?
Bà Nguyễn Thị Nga: Ngày một ngày hai đây thì tôi cũng sẽ đánh một cái đơn gởi đến trại giam để tiếp tục xin cho đi cắt lại bệnh trĩ họ đã cắt lần trước mà đến giờ hiệu quả không có đâm ra phải đi cắt lại một lần nữa. Chồng tôi tuổi cao sức yếu và bệnh tật đầy người như thế mà trong khi đó bao nhiêu bệnh nhân kỳ trước họ cũng mổ trĩ nhưng họ không thắt, họ cắt bằng laser rất là nhanh, cắt một cái là xong thôi.
Tới đây làm đơn lại để xin đi cắt lại thì không hiểu họ có đối xử như lần trước nữa không chứ như cảnh lần trước thì vô cùng là buồn.

Thanh Trúc: Đó là về sức khỏe của ông nhà ở trong tù, còn về mặt tinh thần của ông Nguyễn Xuân Nghĩa thì sao, bà thấy có suy sụp lắm không?
Bà Nguyễn Thị Nga: Tinh thần của chồng tôi rất vững vàng, vì anh ấy nghĩ chuyện đòi hỏi quyền con người không có gì sai trái cả. Trong sổ thăm gặp tháng nào tôi cũng thấy họ để: "hạnh kiểm kém vì không nhận tội". Mấy tháng nay tôi thấy họ đều nói và có giấy gởi về nhà là do anh không nhận tội mà bị hạnh kiểm kém, họ nói gia đình tiếp với trại giam để giáo dục anh ấy. Nhưng tôi nghĩ chồng tôi đã hơn sáu mươi tuổi rồi, tất cả những gì bản chất bản lĩnh như thế nào từ trước thì tôi cũng hiểu được chồng tôi. Việc anh làm là do anh ấy quyết định , tôi nghĩ việc làm của anh không sai, anh không có gì sai mà phải nhận là sai cả.

Thanh Trúc: Thưa bà Nguyễn Thị Nga, cho tới lúc này, bên cạnh nỗi lo về sức khỏe của ông nhà ở trong tù, bà còn điều gì muốn bày tỏ thêm?
Bà Nguyễn Thị Nga: Cả một cơ thể con người mà đại tiện cũng khó mà tiểu tiện cũng khổ thì làm sao không nguy hại đến sức khỏe. Chồng tôi nói tôi về làm đơn xin phía trại giam để cho được tiếp tục chữa bệnh trĩ. Mà trong cái đơn lần trước tôi cũng có viết rằng nếu kinh phí trại giam hạn hẹp cho từng tù nhân thì gia đình tôi sẽ thêm vào để chữa bệnh cho chồng tôi. Thế nhưng khi đi họ không hề đề cập đến mà tôi cũng biết đâu bệnh trĩ là có một kiểu mổ bằng laser và một kiểu thắt theo cổ truyền mà kéo dài sự đau đớn và đến giờ hậu quả vẫn còn.
Sau lần chữa đấy tôi có hỏi một người trong trại tại sao lại mổ cho chồng tôi kiểu ấy thì họ trả lời vì kinh phí chỉ có như thế. Thực ra họ nói thế là sai vì trước đấy tôi đã có làm đơn đề cập đến kinh phí rồi, nhưng họ đâu có nói cho tôi biết và tôi đâu nghĩ bác sĩ ở bệnh viện lại vô cảm và chữa cho chồng tôi theo cái kiểu không có lương tâm nghề nghiệp như thế.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn những lời chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nga, mong nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa được mọi sự an lành.

Tin, bài liên quan






1 comment:

View My Stats