Thursday, 28 February 2013

THƯƠNG EM XIN GỬI MẤY LỜI (Trần Khải Thanh Thủy)





04:08:pm 27/02/13

(Viết cho Tạ Phong Tần đang trong ngục tù cộng sản)

Cùng chung một bọc trứng trăm con, chị ở Hà Nội- nơi lắng hồn núi sông nghìn năm, em ở Bạc Liêu nơi nổi tiếng giàu có, làm chơi ăn thật. Nay nhờ sự hy sinh to… béo của các quan đồng chí mà Hà Nội thành nơi “réo” hồn núi sông, còn Bạc Liêu quê em cũng nghèo nàn, túng quẫn. Hai chị em mình tuy không ai biết ai song lại có nhiều mẫu số chung gắn bó. Cùng là dương nữ, mệnh hỏa, lửa sấm sét, ghét cường quyền bạo lực, (chứ không phải âm nữ, yếu ớt, mệnh thủy, mềm oặt như đa phần cánh chị em yểu điệu thục nữ khác). Là nữ nhi nhưng không thường tình mà chỉ thích sự bất thường, nổi loạn, khi đất nước của 18 đời Vua Hùng rơi vào vòng nguy biến trong bàn tay lông lá hận thù, ngu dốt, u tối của cộng sản.

14 tuổi, có “khí huyết trời cho” chị đã được bao nhiêu bạn trai cùng trường, cùng lớp để ý, nhưng luôn coi trí tuệ không có giới tính( the mind has no sex) nên không hề có sự lệ thuộc, quy phục đấng mày râu, vì thế đến tận bây giờ, đã “chống gậy khươ vào hoàng hôn” rồi mà hai cô con gái, đứa mới lớp 9, đứa sinh viên Đại học. Riêng em cũng không chịu mắc vào cảnh “chồng bìu con ríu” để đi theo tiếng gọi của tiền nhân, khi đất nước rơi vào tay lũ hôn quân ám chúa .

Mẫu số chung lớn nhất của chị em mình trong ngôi nhà xã hội chủ nghĩa là cả hai đều đã được hưởng “ơn mưa móc” của triều đình thông qua cái gọi là …bổng lộc ngất trời của ngành công an, một ngành vốn có “giá trị” nhất trong thời đại đồ đểu Hồ Chí Minh, khi tất cả những gì mà chế độ hô hào…cho dân, vì dân, của dân lại thành cho…công an, vì công an và của công an hết, nên chỉ riêng bộ quân phục em mặc trên người đã đủ để “hù dọa” thiên hạ rồi. Với tư cách:“ thanh tra công an” em đi đến đâu là ở đó những bộ mặt cung kính trương ra, hai tay xoa tít, cái đít cong vòng , thực sự là “oai áo” chứ đâu phải oai khăn- “ăn khoai” như phần đông số dân nghèo khổ bàn hàn trong nước?.

Người Việt Nam có câu:
Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì,
Hễ có phong bì nó sẽ …thank you.

Nếu ngoan ngoãn phục tùng mệnh lệnh cấp trên hoặc “ngậm miệng ăn tiền” thì chỉ cần khoác bộ quân phục của ngành trong vài năm em đã có cả núi tiền rồi. Trong khi văn hóa cộng sản: Nghèo thì hèn, giàu thì hợm, em vừa có tiền, có quyền, hét ra lửa, hoàn toàn có thể hài lòng với chức tước, bổng lộc của ngành, một thứ “hạnh phúc có sẵn và mức sống trên thời đại” .

Còn chị tuy chưa từng khoác bộ quân phục một ngày, nhưng tấm thẻ nhà báo, cũng đủ để thiên hạ lác mắt, nể phục, e ngại. Bao nhiêu “may mắn” nảy sinh từ quyền lực, khi từ ngày 1-10-1996, chị bước chân vào tòa soạn theo lời mời chính thức của tổng biên tập Nguyễn Hữu Ước, phó tổng biên tập Đặng Vương Hưng, được lọt vào tầm ngắm của tổng cục trưởng tổng cục xây dựng Phạm Dần… Cùng một lứa bên trời với nhau, người là thần đồng (Trần Đăng Khoa – phụ trách mảng thơ, người là nhà văn nổi tiếng (Nguyễn Thu Huệ- con nhà văn Nguyễn thị Ngọc Tú, phụ trách mảng chuyện ngắn, còn chị chỉ là “tay ngang” không được đào tạo về nghiệp vụ, ngành nghề hoặc báo chí một ngày nào mà cũng được mời về giữ trang phóng sự, ấy thế là oai lắm. Từ mức lương khởi điểm 400 nghìn VND đến 600, 800, 1 triệu rồi 1 triệu hai, gấp 3 lần lương thưởng của các báo trung ương khi ấy…Chưa kể các đặc thù đặc lợi trong ngành, đi xe ngược chiều, vi phạm luật không bị phạt, dù các “anh hùng núp” hoạt động bất kể ngày đêm nơi gốc cây, bóng tối, chỗ khuất, phố vắng để rình chộp những con “bò lạc” nhưng gặp phải “bảo bối” (tấm thẻ hoặc giấy giới thiệu của ngành là…hồn kinh phách lạc, chưa kể chiếc xe máy đời 81 xịn, còn gọi là “kim vàng giọt lệ” do đích thân bà phó chủ tịch nước Nguyễn thị Bình mua từ Nhật Bản về để lại, giấy tờ xe giữ nguyên tên gốc: Nguyễn thị Châu Sa, làm chú khuyển nào sờ vào cũng ‘rét”. Lại còn thường xuyên gặp gỡ Trương Mỹ Heo từ 1986- khi bà còn là chủ tịch hội phụ nữ quận Tân Bình đến khi là phá chủ tịch nước, bao nhiêu cuộc họp , chụp ảnh ,đi công tác v.v

Xưa nay ông bà mình vẫn bảo: “Rừng nào cọp nấy”, họa có chó chê phân thì người mới chê chức vụ, quyền tiền. Vậy mà’ từ địa vị “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” chị em mình rơi vào bàn tay khát máu của các đồng chí, chỉ vì bản tính bộc trực, thẳng thắn, không thể “ngậm miệng ăn tiền” hoặc ruột ốc quanh co trên nỗi nghèo khổ, tủi nhục của dân được.

Thời đại chó má nên cái giá phải trả cho việc không chịu”ngậm miệng” này thật là chó…Thay vì ca ngợi cả quan thầy lẫn tướng lĩnh của lũ chó nhảy bàn độc ( đông như ếch tháng 7), chị em mình lẳng lặng làm theo gương người xưa : “Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp cá kình ở biển đông chứ không chịu uốn lưng, quỳ gối làm tì thiếp cho người ta”…Những người đi tiên phong bao giờ cũng phải gặp kiếp nạn em ạ, không chỉ 81 kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh mà mỗi ngày qua đi, mỗi ngày sắp tới đều là một kiếp nạn. Một năm 365 ngày chị em mình xắn quần “lội ngang” dòng sông đục ngầu vị đảng là 365 ngày kiếp nạn cận kề, lơ lửng trước mắt, không chỉ cho mình mà cho cả những người ruột thịt gắn bó quanh mình. Cái hèn của đảng cộng sản là thế, luôn dùng sự đau ốm, yếu lòng của người thân để trừng phạt những người “trái nước ngược gió” có ý chí làm người như mình, bắt mình phải mềm ra như bún…Nhưng chúng đã lầm, đã chấp nhận làm một tiểu nữ oa đội đá vá trời, dám vứt bỏ tất cả bổng lộc, tiền tài, quyền hành, địa vị để đi theo con đường chính trị, dùng chính để trị tà, lấy ánh sáng trí tuệ của mình làm ngọn đuốc soi đường cho gần 90 triệu người dân thấp cổ, bé họng theo mình, thì:

Thân này xá kể làm chi nữa
Quyết xé mình cho tổ quốc hồi sinh

Lúc này, chị biết em đang trong hoàn cảnh đau ốm, vì ho, vì viêm đường hô hấp mà không có thuốc nên cổ họng sưng to, không nói được, cũng không nuốt thức ăn bằng miệng được, lại bị biệt giam nên tâm trạng em hết sức bi phẫn, chỉ muốn nổ tung lên như một trái bom sau song sắt trại tù, dù thế thời còn, mất… Cố gắng lên em ơi , sau bức thư kêu cứu của em Tú, sau phiên tòa ô nhục lần thứ 2, cũng là sau cái chết anh hùng của mẹ, sau bài viết của anh Trương Minh Đức, nhất định lũ chó phải rời bàn độc để châu đầu họp bàn, cung cấp thuốc của gia đình gửi vào cho em, còn cử riêng bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho em nữa.

Ở Việt Nam, nơi đất nước mặt trời lặn, chị đã từng được nghe những câu thơ viết về chân lý:

Lỡ đưa tay bắt mặt mừng
Đã nghe buốt giá tận rừng oan khiên
Chao ôi! thế thái hồn nhiên
Tình, thù, bè bạn đảo điên cuộc đời
Chân lý khóc – chân lý cười
Chân lý đứng – chân lý ngồi – lại đi…
Xác chân lý – ngủ li bì
Cái chân, chân lý ly kỳ đẩy đưa

Hồn nhiễm độc, miệng đong đưa
Những lời có cánh ẩn thừa hoạ căn*

Chính vì không thể để gần 90 triệu người dân xuống hố cả nút và chân lý cũng theo tấm gương hy sinh… to béo của lãnh đạo xuống hố mà chị em mình cùng bao nhiêu con cháu bà Trưng, bà Triệu khác như Trần Thị Thúy, Đỗ thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hoàng Vy, Phạm Thanh Nghiên, Bùi Minh Hằng, Nguyễn thị Huần, Trần Ngọc Anh , Nguyễn thị Hài, Lê thị Kim Thu (dân oan) v.v phải vùng lên tranh đấu . Ngoài chuyện “ vung bút nở hoa, nhấn tay sát ác”, em còn ra một trang blog “công lý và sự thật” đăng tải 850 bài thể hiện quan điểm lập trường của mình. Vì vậy cộng sản dù cố tình đầy đọa em trong ngục tối thì chân lý trong lòng em vẫn ngời sáng cho bao bạn trẻ noi theo.

Hãy cố gắng lên em ơi, có nghị lực là sẽ chiến thắng tất cả , có niềm tin, sức mạnh ở đời. Cho dù con tàu của em lúc này đang bị bọn cai ngục tìm mọi cách làm cho ọp ẹp, không thể vượt qua vũng cạn của trại tù được nữa… nhưng hàng triệu người có lương tri trên thế giới đang ở bên em. Hãy vững tin vào sức mạnh của Chúa, của luật nhân quả, đừng lo lắng, bi quan thái qúa mà ảnh hưởng tới sức khỏe, làm giảm sút ý chí chiến đấu của mình em ạ.
Bản thân chị- nạn nhân điển hình của đảng cộng sản. Suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, tuy không phải con so mà 8 tháng đã chào đời do ngày nào mẹ cũng phải nhịn đói, leo 4 tầng cầu thang, tiếp xúc với chất độc hóa học làm việc đến tối mịt. 6 tuổi đầu đã bị chứng thấp khớp… đớp tim, 30 tuổi lại viêm tắc ống dẫn trứng do đi thực tế sản xuất ở nông thôn, không có nước sạch, băng vệ sinh để thay giặt hàng ngày, bị chửa ngoài dạ con, mất 2,5 lít máu, suýt gõ cửa Diêm Vương. 39 tuổi ra khỏi biên chế nhà nước sau 17 năm cống hiến, đóng góp theo lời mê hoặc của đảng:” Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” (hết giáo Bản, giáo làng, lại báo đảng ). Cuối cùng thà làm một thứ hoa nằm ngoài danh mục: Hương thơm ai biết, ngát lừng ai hay” chứ nhất định không chung sống với thói đời lộn ẩu: “Hoa thời héo, cỏ thường tươi” trong các túi chứa chính sách ô hợp, ngột ngạt của đảng …42 tuổi vùng lên tranh đấu, chấp nhận lao vào lửa, nước, ống đồng … Bị tiểu đường, lao phổi, suy nhược thần kinh, viêm đại tràng mãn tính, bước đi như “lá đổ” vì vết thương còn chảy máu trên đầu mà gần 3 tháng không một viên thuốc ( vì thuốc do gia đình gửi vào bị coi là do các “thế lực thù địch” yểm trợ nên không thấy bán ở hiệu thuốc Việt Nam). Hơn 2 tháng trời, tám lần lên cơn vật, chết đi sống lại, được bạn tù thương tình đập cửa khiêng ra ngoài cấp cứu , thực chất là vứt lăn lóc ở đồng bành**, cho đến lúc tự tỉnh lại lần hồi vịn tường mà đi, một ngày đi bộ 7 tiếng, hàng nghìn lượt trong lòng rãnh, cứ 4 giờ sáng đã trở dạy đi bộ , 9 giờ sáng ăn xong lại đi tiếp, 5 giờ chiều tắm, giặt xong lại lê lết tấm thân trọng bệnh mà đi, cho quên đi ý nghĩ phải đập đầu vào tường mà chết vì bệnh tiểu đường qúa nặng, ăn mòn hết các cơ quan nội tạng, cũng như ăn ruỗng cả não bộ… Đến lúc các tổ chức quốc tế kêu gào, vài chục vị dân biểu Mỹ, CaNaDa,Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy, Pháp v.v lên tiếng, được nhận lại thuốc bổ, thuốc bệnh hàng ngày kèm cả cán bộ y tế chăm sóc theo dõi sức khỏe riêng…ra khỏi cảnh lử lả tấn công vào sự sống cũng là lúc được Mỹ can thiệp ra khỏi cổng trại tù, tại vùng thung lũng chướng khí Lam Sơn (Thanh Hóa.)

Bây giờ ngồi ngẩn ngơ trước trang Net viết về tình trạng sức khỏe của em, lòng lại bùng lên bao cảm xúc như ngọn núi lửa trào tuôn nham thạch. Yêu thương và cảm phục em lắm em ơi. 10 năm tù của cộng sản chỉ còn trong gang tấc thôi , vì chúng đã tự lộ rõ tim đen rồi, không ai sống chung với quái vật mãi được em ạ, cho dù chúng có tới 14 cái đầu , 28 bàn tay lông lá, 14 cái dạ dày khổng lồ(chúng là đảng và nhà nước độc tài, chứ không đơn thuần là lãnh đạo độc tài) đi chăng nữa, chúng cũng sẽ phải chết theo đúng quy luật đào thải của dương gian, của lòng người, của tạo hóa. Bão nổi lên rồi từ Văn Giang( Hưng Yên) đến Tiên Lãng (Hải Phòng), Nha Trang, Tây Nguyên , Dương Nội v.v… em ơi. Ngôi nhà cộng sản đã lung lay tận gốc, không thể nào trụ vững trước cơn bão lòng quật khởi của 90 triệu dân Việt Nam đâu. Quan trọng chúng đã tự lộ nanh vuốt và móng sắc, người dân sẽ dùng sức mạnh của mình để đào mồ chôn dã nhân , quái thú trong một ngày không xa…

Trong cơn bão lòng của mọi người, có một ngọn gió mang tên người con gái anh hùng là em đó em ơi

Đêm Phong Tần January 25/2013

© TKTT

*Thơ: Chân lý –mặt trời: Ngọc Tuyết

**Đồng Bành: Nơi đặt trạm canh gác theo dõi tù của các cai tù cộng sản.


------------------------------------

04:02:am 12/10/12

“Đã qua rồi cái thời người dân chỉ được biết những gì nhà cầm quyền muốn cho họ biết, và không được biết những gì nhà cầm quyền muốn bưng bít, giấu nhẹm bằng cách quản lý chặt chẽ toàn bộ hệ thống báo chí trong nước…”
Tạ Phong Tần

*
*

Quãng đời ấu thơ của tôi buồn bã, và trơ trọi. Anh kế tôi, Tưởng Đăng Trình, qua đời lúc mới vừa lên chín. Tôi được sinh ra – có lẽ – chỉ để bù đắp (phần nào) cho sự mất mát quá lớn lao, và bất ngờ đã đến với bố mẹ mình.

Và vì thế giữa tôi và người chị kế là khoảng cách khá xa về thời gian, cũng như tình cảm. Chị hơn tôi đến gần mười tuổi. Chúng tôi, tất nhiên, không có thú vui nào có thể chia sẻ với nhau. Chị lớn của tôi thì lấy chồng rất sớm, và ở rất xa. Cả ngày tôi đành chơi lủi thủi mỗi mình, giữa đồi núi bao la và hoang dại, ở Tây Nguyên. Quanh tôi chả có ai ngoài hoa bướm, chim chóc, và sóc chồn.

Sự đơn độc này, xem chừng, đã ảnh hưởng không ít đến đời sống của tôi mãi mãi về sau. Như để bù đắp vào sự thiếu thốn của những ngày thơ ấu, trên đường đời, tôi hay kết nghĩa anh em với những người mà mình qúi mến.
Tạ Phong Tần là một trong những người này. Tôi “kết” em ngay sau khi đọc bài viết khai bút (“Mỗi Blogger Hãy Là Một Nhà Báo Công Dân”) vào ngày đầu năm 2008:

“Đã qua rồi cái thời người dân chỉ được biết những gì nhà cầm quyền muốn cho họ biết, và không được biết những gì nhà cầm quyền muốn bưng bít, giấu nhẹm bằng cách quản lý chặt chẽ toàn bộ hệ thống báo chí trong nước…”
“Khi bạn đưa thông tin lên blog của bạn, tức bạn đã đem sự hiểu biết của bạn truyền tải cho người khác để mọi người cùng được biết, qua đó, mọi người cùng bàn luận, cùng kiểm tra xem, dùng quyền công dân của mình đòi hỏi công chức Nhà nước phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà luật pháp quy định.”
“Có thể sự hiểu biết của bạn chỉ là một phần nhỏ nào đó trong đời sống xã hội, nhưng nhiều người góp lại sẽ tạo nên một bức tranh hiện thực xã hội hoàn chỉnh. Khi tự mình làm một nhà báo công dân, chính bạn đã góp phần công khai, minh bạch hóa xã hội, cùng chung sức xây dựng một xã hội dân sự cho đất nước chúng ta...”

Quan niệm tích cực vừa nêu, tiếc thay, đã không được chia sẻ bởi những kẻ đang nắm quyền lực ở Việt Nam. Với bản chất phá hoại và đa nghi, giới người này có khuynh hướng xem blog (nói riêng) và web (nói chung) chỉ là “âm mưu của những con nhện” – những kẻ đang toan tính …“diễn biến hoà bình” – cần phải bị giam giữ và trừng phạt nặng nề.

Tạ Phong Tần bị họ bắt giam vào ngày 5 tháng 9 năm 2011, đưa ra toà vào ngày 24 tháng 9 năm 2012 (cùng với hai thành viên khác của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do) và đã bị kết án hàng chục năm tù, với tội danh rất mơ hồ (và hàm hồ) là “tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”

Và điều này đã được Tạ Phong Tần dự đoán trước đó, khá lâu:

Anh à, trong trường hợp em gặp nạn, em ủy thác cho anh công bố công khai tất cả những bài viết em đã đăng báo dưới bút danh khác là bài của em. Để cho thế giới thấy rằng chúng đang đàn áp một nhà báo bình thường với với những bài viết rất bình thường, nhưng vì là ‘nhà báo tự do’ nên phải như thế.”


Thể theo ý nguyện này, tôi đã liên lạc và được ban biên tập tuần báo Trẻ đồng ý phụ trách xuất bản Tuyển Tập Tạ Phong Tần (*). Đây là một cuốn sách mỏng chỉ bao gồm một số những bài viết về thời sự của tác giả trong hai năm 2010 và 2011 nhưng thể hiện được đầy đủ những nỗ lực – cũng như quan niệm – của em tôi về vai trò của một blogger: “Dùng quyền công dân của mình đòi hỏi công chức Nhà nước phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà luật pháp quy định.”

Cái đám “công chức” của “Nhà Nước Pháp Quyền CHXHCNVN” đã phản ứng điên dại bằng cách tuyên án mấy chục năm tù và hàng chục năm quản chế cho ba bloggers:Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải, và Phan Thanh Hải. Đây là bản án khắc nghiệt dành cho chính chế độ hiện hành, chứ không phải cho nghĩa muội của tôi, và hai người bạn đồng hành.

Tự nó đã tố cáo sự bất lực và lo sợ của nhà đương cuộc Hà Nội trước ảnh hưởngt sâu rộng của những bloggers ở Việt Nam. Họ đang xử dụng những phương tiện truyền thông tân kỳ, của thời đại thông tin, để để cổ vũ tự do và dân chủ cho xứ sở. Nó cũng khiến cho bất cứ ai còn mơ hồ về bản chất (bất lương và đê tiện) của chế độ hiện hành nhận ra điều giản dị này: thể chế hiện nay không thể nào thay đổi mà phải được thay thế. Ngoài ra nó còn phơi bầy một sự thực rõ ràng và phũ phàng là “ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐÃ CHỌN LỰA DỨT KHOÁT THÀ MẤT NƯỚC CÒN HƠN MẤT ĐẢNG, ĐỨNG VỀ PHÍA TRUNG QUỐC TRÊN BÀN CỜ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI” – theo như nhận định của blogger Song Chi.

Với sự “lựa chọn” ngu xuẩn này, tôi không nghĩ rằng những người cầm quyền hiện tại vẫn có thể tiếp tục tại vị ngang với thời gian bản án mà họ đã cho Tạ Phong Tần. Và tôi tin chắc rằng cái ngày mà mình có thể cầm Tuyển Tập Tạ Phong Tần để đứng đón người em kết nghĩa, trước cổng trại giam, sẽ không còn bao lâu nữa.

Nhân đây, tôi xin được thay mặt nghĩa muội của mình để cảm ơn tất cả qúi vị đã chào đón tác phẩm đầu tay của em. Tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến ban biên tập của tuần báo Trẻ trong việc xuất bản và phát hành Tuyển Tập Tạ Phong Tần.

Cho ra đời một cuốn sách ở một nơi mà tiếng Việt bị coi như là ngoại ngữ, và giữa lúc mà mọi ấn phẩm đang mất dần người đọc, là một việc làm đòi hỏi ít nhiều hy sinh của những người phụ trách. Tuy nhiên, có nhiều sự kiện cần phải được ghi lại rõ ràng bằng giấy trắng mực đen. Tuyển Tập Tạ Phong Tần là một trong những ghi nhận cần thiết như thế cho thời điểm hiện tại, cũng như cho lịch sử của dân tộc mai sau.

© Đàn Chim Việt





1 comment:

View My Stats