Wednesday, 27 February 2013

BẤT TUÂN - ĐIỂM KHỞI ĐẦU CỦA MỌI CUỘC CÁCH MẠNG MỀM (Tấn Hà)




Tấn Hà
Thứ tư, ngày 27 tháng hai năm 2013

Cho đến hôm nay rất nhiều người đã nghĩ đến một cuộc cách mạng mềm ở Việt Nam. Cách mạng tất yếu sẽ xảy ra, điều đó không cần bàn cãi. Nhưng nó phải bắt đầu từ đâu và người ta sẽ vận hành cuộc cách mạng ấy như thế nào, lại là điều khó mà hình dung ra được.


Mahatma Gandhi - "ông tổ" của phương pháp bất tuân
Nếu như ta chịu khó tìm tòi từ những cuốn sách viết về kỹ năng và chiến thuật chiến lược đấu tranh ôn hoà như cuốn "Từ Độc Tài Đến Dân Chủ" của tác giả Gene Sharp, hay tích cực theo dõi và thu thập thông tin từ những cuộc cách mạng Dân Chủ ở Đông Âu và Bắc Phi, thì sẽ thấy điểm chung của tất cả các cuộc cách mạng mềm là chúng đều được khởi đầu bằng việc bất tuân.

Vậy bất tuân là gì?

Bất kể một nhà nước nào, chính thể nào, muốn tồn tại và bền vững được đều phải nhờ vào sự tuân phục của dân chúng. Sự tuân phục của người dân chính là sức mạnh của nhà nước và của kẻ nắm quyền. Cụ thể nhân dân cung cấp nguồn tài chính nuôi dưỡng chính quyền bằng tiền thuế do họ đóng góp. Nhân dân cung cấp lương thực thực phẩm do họ làm ra. Quan trọng nhất đó là họ cung cấp binh sĩ cho quân đội để bảo vệ tổ quốc, đồng nghĩa với bảo vệ chính quyền, vì một khi nước mất thì kẻ cầm quyền cũng tiêu vong.

Tuân phục chính là hành động chấp hành và làm theo một cách tự giác tất cả các mệnh lệnh, chủ trương, đường lối, kế hoạch về mọi mặt do kẻ cầm quyền khuyến khích hoặc yêu cầu nhân dân thực hiện thông qua các văn bản pháp luật và hành chính, thậm chí là ngay cả lệnh miệng như đối với trường hợp Việt Nam nhiều năm qua. Ví dụ như nghĩa vụ đóng thuế, nghĩa vụ quân sự, và thực hiện vô vàn những chủ trương phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội khác do chính quyền chỉ đạo.

Vậy có thể suy ra, bất tuân chính là hành động làm trái với mong muốn của kẻ nắm quyền. Ngay lập tức có vấn đề ở đây, đó chính là hành vi vi phạm pháp luật. Giả sử như người dân chống đóng thuế thì đương nhên là họ đã vi phạm pháp lệnh về thuế, từ chối nhập ngũ thì đương nhiên vi phạm luật nghĩa vụ quân sự, không chấp hành luật giao thông thì sẽ vi phạm luật giao thông vv...

Nhưng nếu không làm trái với mong muốn của kẻ nắm quyền thì không còn là việc bất tuân nữa. Cũng ngay lập tức đã có câu trả lời, đó là cách bất tuân thế nào cho đúng. Một người viện những lý do chính đáng để trì hoãn đóng thuế hay đòi giảm thuế cũng đã bao hàm sự bất tuân. Một người giả bệnh để không đi họp tổ dân phố cũng là hành vi bất tuân. Thậm chí ngay cả việc từ chối nhận phần thưởng như đối với trường hợp nghệ sĩ Kim Chi vừa qua cũng là hành động bất tuân. Nhưng những hành vi đó không ai có thể quy kết cấu thành tội phạm. Vậy vấn đề ở đây là cách người ta bất tuân ra sao mà thôi...

Gần đây ở Việt Nam có việc 72 nhân sĩ trí thức trong nước ra kiến nghị góp ý sửa đổi hiến pháp, đến nay đã có hơn 5 ngàn chữ ký hưởng ứng. Đây là hành động bất tuân, tại sao lại nói như vậy? Nếu tuân phục theo mong muốn của nhà cầm quyền CSVN thì mọi kiến nghị sửa đổi hiến pháp phải theo hướng dẫn của quốc hội, tức là chỉ được góp ý những điều khoản mà chính quyền đưa ra. Nhưng nhóm 72 nhân sĩ đã "làm quá" tức là đòi sửa đổi cả những điều khoản "không trong danh mục" như Điều 4 chẳng hạn...

Tất nhiên, mặc dù nhà cầm quyền CSVN rất khó chịu với việc kiến nghị sửa đổi hiến pháp, nhưng họ cũng chẳng thể quy đó là hành động vi phạm pháp luật. Về phía những người khởi xướng, họ cũng không tham vọng là ý kiến của họ được chấp nhận mà có lẽ đơn giản là họ chỉ cần gióng lên hồi chuông nhằm thức tỉnh công luận trong đại chúng và vạch mặt ĐCSVN mà thôi. Như vậy việc bất tuân rõ ràng là phải có trí tuệ chứ không thể không tính toán trước sau.

Nhưng lại một điều nữa được đặt ra, liệu những người phản kháng có nên ngồi chờ những cơ hội như việc sửa đổi hiến pháp hay khai thác Bô Xít trước đây để mà "ra tay" hay không? Tất nhiên là không! Vậy thì ngoài việc họ cần nắm bắt cơ hội để "nhờ gió bẻ măng" như cơ hội nhà cầm quyền kêu gọi "góp ý sửa đổi hiến pháp", họ cần phải tạo ra lý cớ để mà bất tuân. Kinh nghiệm tại Nam Phi và Đông Âu trước đây cho thấy, chỉ cần âm thầm tẩy chay mua một loại hàng hoá nào đó, tẩy chay một khu mua sắm nào đó, hay thậm chí là mọi người chỉ cần đi chậm lại trong khi tham gia giao thông vv.., là đã thành công trong việc bất tuân. Vậy những người bất tuân phải làm những điều mà pháp luật không cấm để tự bảo vệ mình.

Nhưng tiếp tục nảy sinh ra một điều nữa, đó là câu hỏi: Liệu một người hay một vài người bất tuân thì sẽ đi đến đâu? Chẳng có gì xảy ra cả! Nhưng nếu như với số đông hàng ngàn, hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn hoặc hơn thì sẽ thấy hiệu quả của việc bất tuân ngay lập tức. Khi một khâu nào đó của guồng máy xã hội bị chậm lại hay bị tắc nghẽn, nhà cầm quyền sẽ buộc phải quan tâm. Khi họ không đủ căn cứ để quy kết vi phạm thì chắc chắn họ sẽ phải xuống nước xem xét. Đúng lúc này những người bất tuân mới đưa ra yêu sách của mình...

Như vậy rõ ràng bất tuân chỉ có thể có hiệu lực khi có số đông tham gia. Mà một khi số đông muốn hành động nhịp nhàng, đúng thời điểm, đủ thời lượng, liều lượng thì lẽ dĩ nhiên phải có tổ chức chỉ đạo. Trong việc bất tuân và cấp độ cao hơn, không thể và không bao giờ được phép thiếu khâu tổ chức, sự thật là đấu tranh là phải có tổ chức. Ở Việt Nam hiện nay đang thiếu điều này vì nhiều lý do, nhưng lý do cụ thể nhất, đó chính là bị đàn áp ngay từ trong trứng nước, vì ĐCSVN đang độc quyền chính trị.

Vậy có phương cách bất tuân nào khả dĩ vừa không công khai tổ chức lại vừa đạt được hiệu quả hay không? Trong cái khó luôn ló cái khôn. Ví dụ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra năm 2011 dường như không ai xuất hiện công khai tổ chức, nhưng những người bất tuân vẫn tổ chức thành công nhiều cuộc biểu tình tại Hà Nội.

Kinh nghiệm cho thấy, sử dụng mạng Internet như là công cụ liên lạc để kết nối giao thông với nhau là hợp lý nhất cho đến lúc này. Tất nhiên cơ hội để phát động một đợt bất tuân bất kỳ lại buộc phải chờ vào những biến động thời sự xã hội. Và đối với những người không có điều kiện tiếp xúc Internet thì quả là khó khăn! Để giải quyết khâu này lại là trách nhiệm nặng nề của bộ máy các tổ chức, đảng phải chính quy của người Việt ở nước ngoài đã hoạt động đấu tranh ôn hoà lâu năm.

Từ những tín hiệu như việc kiến nghị sửa đổi hiến pháp hiện nay, hay trước đó là các cuộc biểu tình bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa, sự bất tuân đã đánh dấu một bước đi quan trọng trong tiến trình dân chủ hoá đất nước Việt Nam. Tuy nó mới chỉ là những tín hiệu, nhưng đã và đang làm cho nhà cầm quyền CSVN đau đầu loay hoay chống đỡ. Và tuy con đường tự do dân chủ còn đang ở phía trước, nhưng nó đang được khởi động đúng theo quy luật của các cuộc cách mạng mềm trên thế giới, mở màn bằng những hành động bất tuân.

Tấn Hà






No comments:

Post a Comment

View My Stats