Thursday, 28 February 2013

GIÁ PHẢI TRẢ CHO SỰ DỐI TRÁ (Minh Diện)




Minh Diện
Thứ năm, ngày 28 tháng hai năm 2013

Ngày 19-6-2011, trên trang Web của Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, ông Tạ Xuân Tề, có bài: “Nhà giáo Tạ Xuân Tề một đời gắn bó với sự nghiệp trồng người” của tác giả T.Thủy.

Bài báo có đoạn viết: “Nhà giáo Tạ Xuân Tề là một trong số ít người trong ngành GD & ĐT, và là người duy nhất trong 40 trường của Bộ Công nghiệp, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời đổi mới. Thật khó khi viết về Nhà giáo, Hiệu trưởng, Anh hùng lao động Tạ Xuân Tề. Bởi lẽ, khi đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thì đã có bao nhiêu thành tích, nên không biết chọn lựa thành tích nào để viết...”.

Theo bài báo, Tạ Xuân Tề sinh năm 1952, vì ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc đã khai tăng một tuổi để đi bộ đội, nhưng năm 1967, Tề vào học Trường công nhân kỹ thuật 1 Hà Bắc; 1969 nhập ngũ, công tác tại Phòng chính trị Bộ tham mưu Quân giải phóng miền Nam, tháng 4-1976, chuyền ngành sang Trường công nhân kỹ thuật 4, làm cán bộ thi đua, cán bộ đời sống, công đoàn và năm 1996 được đề bạt chức vụ Hiệu phó. Khi trường công nhân kỹ thuật được nâng lên cao đẳng, rồi đại học, Tạ Xuân Tề làm hiệu trưởng và được tuyên dương Anh hùng Lao động thời đổi mới...

Với thành tích như vậy, Tạ Xuân Tề, được tặng 4 Huân chương, 3 Huy chương, 7 bằng khen. Bài báo kết luận, Tạ Xuân Tề là một nhà giáo giản dị khiêm tốn, trung thực, đạo đức cao cả, hết lòng vì sự nghiệp trồng người. Tác giả cho rằng “Nhà giáo Anh hùng Tạ Xuân Tề đạt được thành tích trên nhờ sự đoàn kết của tập thể cán bộ, giáo viên toàn trường, và ngoài một tầm nhìn xuyên suốt của một tấm gương tận tâm với sự nghiệp giáo dục, phải kể đến sự hỗ trợ và tình yêu của người vợ với mái ấm gia đình”.

Mấy năm trước, tiếng tăm Trường đại học công nghiệp thành phố Hổ Chí Minh đã nổi như cồn. Cái tên Tạ Xuân Tề gắn với trường Đại học Công nghiệp thành phố HCM như hình với bóng. Bao nhiêu bài báo ca ngợi tấm gương tài, đức Tạ Xuân Tề khó mà thống kê hết.

Như lớp vàng son bóng nhoáng phết lên chiếc ghế tre! Như vầng hào quang bong bóng xà phòng! Lớp sơn đã bung ra, vầng hào quang tắt lụi, phơi bày sự thật Tạ Xuân Tề. Đau đớn thay hai chục năm trời, hàng ngàn sinh viên ngưỡng mộ tôn sùng một thần tượng giả!

Cái thần tượng giả ấy không tự sinh ra, nó được dựng lên bởi phù phép của cả một hệ thống từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, đủ sức che mặt thế gian, đánh lừa thiên hạ. Thần tượng giả ấy mang danh lợi cho quan to, quan bé, và không ít lâu la láo nháo chung quanh.

Bởi thế, người ta chẳng những không ngó ngàng tới những tập đơn tử tố cáo, mà khi thần tượng Tạ Xuân Tề sụp đổ còn có kẻ lao vào chống đỡ. Nhưng đã qua rồi cái thời bịt tai bịt mắt nhân dân, lấy uy quyền, chữ nghĩa, tiền bạc che đậy sự giả trá.

Khi bài báo của T. Thủy vừa đăng, đã nhận được phản hồi của bạn đọc Nathan19: “Cảm ơn bài bồi bút của bác! Chắc trong trường CN4 bác được nâng đỡ lắm he? Riêng về đồng chí TXT này, mình chỉ biết đến một giai thoại lấy tiền công mua một lúc 6 chiếc xe BMW”.

Rồi độc giả Hoàng Khương đặt câu hỏi: “Sao tự nhiên có bài báo này ngay thời điểm nhạy cảm? Thấy cái nickname mới reg có tên trùng với một nhân vật trong Scandal gần đây ?”.

Nhân vật liên quan đến Scandal ấy là Nguyễn Thị Thủy, Phó phòng Tổ chức nhân sự, Trường đại học Công nghiệp thành phồ Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Xô, vợ ông Tạ Xuân Tề, tâm sự với Hạnh Dung, báo Phụ Nữ: “Nguyễn Thị Thủy gọi tôi là dì ruột. Thủy ở quê không có công ăn việc làm nên tôi đưa Thủy vào nuôi như con, cho học hành, tìm việc làm, gả chồng. Nhưng thật trớ trêu, cháu ruột tôi lại trở thành bồ cùa chồng tôi” .

Một Phó giáo sư-tiến sỹ, bạn thân của Tạ Xuân Tề, nói với tôi: “Một lần mình ăn ở nhà hàng Phố Cổ, Tạ Xuân Tề cũng ăn ở đấy. Tề kéo mình qua bàn Tề, giới thiệu cô cháu gái có khuôn mặt tròn, môi dày, tóc xoăn thưa. Nhìn cử chỉ hai người với nhau, mình thấy không còn là tình cảm chú cháu !”.

Bề ngoài chú cháu, bề trong người tình! Vì tình yêu hay bị ràng buộc bởi tiền tài danh vọng? Những bí mật không thể giấu kín mãi, khi vợ con vừa là nạn nhân vừa là quan tòa cất tiếng nói phẫn uất.

Hãy đọc những dòng trên mạng của Phương Nam, con gái Tạ Xuân Tề: “Có bao giờ bạn chứng kiến cảnh ông Tề đuổi đánh mẹ tôi khi mẹ tôi đang bồng trên tay đứa cháu ngoại 14 tháng tuổi chưa? Có bao giờ bạn chứng kiến cảnh ông Tề đập phá nhà cửa rồi gọi điện thoại khoe với Thị Thủy “Anh đang chống cự quyết liệt với ba con chó ghẻ!?”.

Phương Nam nói với bố: “Bố cùng ứng cử viên hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hoàn, em ruột Thị Thủy và vài người cao to, mặt dữ dằn đi răn đe những người công khai khuyên bố. Bổ hỏi làm sao con biết chuyện này ư? Con biết hết! Kể cả chuyện Nguyễn Đình Hưng ngồi quán nhậu oang oang, rằng ông Tề chỉ cần ngồi lại trường thêm hai năm là kiếm 100 tỷ con cũng biết. Bố bảo tao đĩ thì kệ tao ư? Con hỏi, thế bố có cất cái ổ cùa bố vào một nơi kín đáo không? Hay bố để cái ổ của bố lũng đoạn tổ chức danh tiếng của nhà nước?”.

Chỉ cần “ngồi lại thêm 2 năm là kiếm 100 tỷ đồng!”. Có ngành kinh doanh chân chính nào lời thế không nhỉ? Kinh doanh quyền lực, bẳng cấp trên đầu những sinh viên nghèo! Mỉa mai thay cái gọi là “sự nghiệp trồng người” được tô vẽ, xưng tụng cả ở những nơi linh thiêng như Văn Miếu!

Theo bài báo của tác giả T. Thủy, trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh có 2.000 cán bộ, giảng viên công nhân viên chức, trong đó 60% có trình độ trên đại học, hơn 100 tiến sĩ, 600 thạc sĩ, với hơn 100.000 sinh viên, là nơi có chất lượng đào tạo tốt nhất cả nước, và năm 2015, sẽ đạt đẳng cấp quốc tế.

Cái chất lượng tốt nhất ấy thế nào, hãy đọc những dòng sau đây của một sinh viên: “Trường đại học CN4 thi rớt thì đi thẳng lên phòng chấm điểm nộp 500.000 đồng một môn, nói tên, lớp, môn thi rớt , tự hiểu khỏi nhiều lời!”.

Những tiến sỹ, thạc sỹ giảng viên ở ngôi trường có người Anh hùng Lao động làm hiệu trưởng này được đối xử thế nào, hãy nghe con gái Tạ Xuân Tề nói về uy quyền người cháu, người tình của bố mình: “Bạn có bao giờ nhìn thấy Thị Thủy hạch xách giảng viên trong trường và hỏi, muốn đi dạy hay quét rác chưa?”.

Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo và những quan chức cao cấp từng về thăm trường đại học CN4 tắm mình trong cờ hoa và những “lời hay ý đep” đã bị lừa hay biết rõ mà vẫn ngoảnh mặt làm ngơ ?

Nếu không nhờ những bài báo trên mạng xã hội, thì Tạ Xuân Tề mãi mãi là thần tượng, khi Tạ Xuân Tề nghỉ hưu, em trai Nguyễn Thị Thủy là Nguyễn Xuân Hoàn sẽ làm hiệu trưởng, trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh sẽ là của riêng một nhóm lợi ích.

Cách đây không lâu, trong buổi họp đồng hương , một vị Phó giáo sư-tiến sĩ đã từng gặp Tạ Xuân Tề và Nguyễn Thị Thủy ở nhà hàng Phố Cổ. Ông nhận xét:
- Tề phải trả giá đau quá. Bây giờ có nhà mà không được về, phải lang thang trốn tránh.
- Tại sao vậy?
- Tề mất chức, con Thủy quay lại quậy tới nơi! Nó đe sẽ đưa hình ảnh lên mạng!
- Kết cục đen tối quá!?

Vị Phó giáo sư khuyên tôi không nên viết về Tạ Xuân Tề, vì cái giá ông phải trả quá đắt rồi. Một sự nghiệp, cho dù chỉ như một thứ hàng mã bị tiêu tan, một gia đình bị nát bấy. Nhưng tôi nghĩ đâu phải chuyện riêng Tạ Xuân Tề?

Một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất đang ngự trị từ trên xuống dưới, từ chốn thâm cung ra ngõ ngách đời thường, hiện diện như trời sinh ra, tồn tại bằng giả dối, nếu không thức tỉnh nhất định sẽ có ngày họ phải trà giá, có khi còn đắt hơn Tạ Xuân Tề.

M.D

------------------------

Bài liên quan:

GIÁ PHẢI TRẢ CHO SỰ DỐI TRÁ (Bùi Văn Bồng). “Nếu không nhờ những bài báo trên mạng xã hội, thì Tạ Xuân Tề mãi mãi là thần tượng, khi Tạ Xuân Tề nghỉ hưu, em trai Nguyễn Thị Thủy là Nguyễn Xuân Hoàn sẽ làm hiệu trưởng, trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh sẽ là của riêng một nhóm lợi ích”.

Mời xem lại:
Còn đây là bài trên báo Giáo dục Thành phố, ca tụng “Hiệu trưởng, Anh hùng lao động” Tạ Xuân Tề: Nhà giáo Tạ Xuân Tề: Một đời gắn bó với sự nghiệp.

Được đăng bởi Bùi Văn Bồng vào lúc 22:11



DÂN BIỂU LIÊN HIỆP CHÂU ÂU NHẬN ĐỊNH về PHÚC TRÌNH BLOGGERS VIỆT NAM (Ỷ Lan - RFA)




Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2013-02-28

Phái đoàn Ủy ban Bảo Vệ Quyền Làm Người VN do ông Võ Văn Ái dẫn đầu đã gặp gỡ các cơ cấu Liên hiệp Châu Âu liên quan đến Việt Nam. Phái đoàn cùng bản Phúc trình đã được ông Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Châu Âu, Elmar Brok, giới thiệu tại cuộc họp của Ủy ban chiều ngày thứ hai 25/2. Đặc biệt, một cuộc Hội thảo bàn tròn về bản Phúc trình đã được tổ chức trong khuôn viên Quốc hội Châu Âu qua sự giới thiệu của bà Marietje Schaake, Dân biểu Quốc Châu Âu thuộc Ủy ban Đối ngoại đặc trách Chiến lược của Quốc hội Châu Âu cho Tự do Internet.
Nhân dịp này chúng tôi xin mời qúy thính giả theo dõi sau đây cuộc phỏng vấn hai Dân biểu Quốc hội Châu Âu bà Marietje Schaake và ông Ramon Tremosa:

Vì nhân quyền và tự do internet

Ỷ Lan: Thưa bà Marietje Schaake, bà là chuyên gia và Báo cáo viên về Tự do Internet của Quốc hội Châu Âu, hôm nay bà chủ tọa cuộc thảo luận bàn tròn về Tự do Internet tại Việt Nam. Trước hết xin bà cho biết vì sao bà quan tâm tới vấn đề này?
Bà Marietje Schaake: Từ cơ bản tôi quan niệm rằng Liên hiệp Châu Âu là một cái gì lớn hơn một khối kinh doanh. Chúng tôi là cộng đồng đại biểu cho những giá trị đạo đức, và tôi liên hệ thường xuyên cũng như theo dõi hằng ngày với những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền, các nhà báo, các nhà bất đồng chính kiến, các thành viên đối lập trên toàn thế giới. Những người này họ luôn mong đợi sự hậu thuẫn của Liên Âu, để bảo vệ các quyền cơ bản cho họ. Cho nên, tôi nghĩ rằng đây là trách nhiệm của chúng tôi, và là lý do vì sao, đặc biệt trong sự tác động của những kỹ thuật mới, tôi quan tâm tới các tự do về kỹ thuật số và những người đấu tranh cho nhân quyền.

Ỷ Lan: Bản Phúc trình Việt Nam được giới thiệu hôm nay trong cuộc thảo luận bàn tròn mà bà là người điều khiển chương trình để nói lên tình hình các bloggers và công dân mạng bị cầm tù, bị đàn áp tại Việt Nam chỉ vì họ ôn hòa sử dụng Internet. Trong khung hoạt động của Liên Âu và Quốc hội Châu Âu, làm sao hậu thuẫn cho những người này? Chẳng lẽ họ đành chịu đấu tranh trong âm thầm thôi sao, thưa bà?
Bà Marietje Schaake: Tôi nghĩ rằng mọi người đấu tranh bảo vệ nhân quyền, blogger, nhà báo, đáng cho chúng tôi quan tâm và quan tâm nhiều hơn nữa trong lúc này. Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy cho nhân quyền và tự do Internet trong nghị trình chính trị của Quốc hội Châu Âu.
Hiện nay chúng tôi đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng kinh tế, chúng tôi có hàng loạt chủ đề giành giật, nhưng tôi nghĩ rằng sự tỏa sáng vào lĩnh vực vi phạm nhân quyền là chuyện rất quan trọng. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới Việt Nam vì chúng tôi biết rằng Việt Nam chú ý tới quan hệ giao thương và kinh tế với thế giới. Do đó, con đường cải tiến phát triển kinh tế sẽ phải tương xứng với sự cải thiện nhân quyền. Tôi thường thiết tha tập trung vào vấn đề nhân quyền tại Ủy ban Giao thương mà tôi là thành viên. Tôi sẽ cẩn trọng tìm hiểu kỹ những chi tiết trong bản Phúc trình này để xem có thể làm gì hữu hiệu nhằm hỗ trợ cho tự do báo chí, tự do trực tuyến hay ngoài luồng tại Việt Nam.

Ỷ Lan: Nhân hỏi lý do đến tham dự bàn tròn thảo luận về tự do Internet tại Việt Nam, ông Ramon Tremosa, Giáo sư kinh tế học tại Đại học Barcelone, Tây Ban Nha, và cũng là Dân biểu Quốc hội Châu Âu thuộc Liên minh các nhà Dân chủ tự do Châu Âu đáp rằng:
GS Ramon Tremosa: Ở Âu Châu, chúng tôi tin rằng tự do là quyền chúng tôi đã thành công thu đạt một cách vĩnh viễn. Nhưng điều quan trọng là phải nhìn xem những cuộc vi phạm, như vấn nạn tự do Internet tại Việt Nam, để hiểu cuộc đấu tranh của từng thế hệ tiếp nối không ngừng hầu thu đạt thành quả cho tự do và các quyền cơ bản. Điều này cần thiết cho Châu Âu ngày nay, vì nếu chúng tôi không tiếp tục tham gia đấu tranh tích cực, thì nguy cơ đánh mất những tự do mà Châu Âu đã thu đạt qua trường kỳ lịch sử. Đó là vì sao, khi tự do bị hăm dọa đâu đó trên địa cầu, như ở Việt Nam ngày nay, thì chúng tôi người dân Châu Âu phải lấy hành động bảo vệ cho nhân dân Việt Nam, nếu không sẽ đến lượt chúng tôi, chúng tôi cũng bị đánh mất tự do. Vì vậy mà tôi luôn luôn nỗ lực quan tâm khi nhân quyền bị chà đạp bất cứ ở đâu. Hiện nay tại Việt Nam đang có cuộc đàn áp khổng lồ về các nhân quyền cơ bản này.

Ỷ Lan: Như vậy thì ông sẽ tiếp tục vận động cho sự thăng tiến nhân quyền tại Việt Nam, phải không thưa ông?
GS Ramon Tremosa: Vâng, đương nhiên chúng tôi phải tích cực nhiều hơn nữa. Khủng hoảng kinh tế là điều xấu trong lúc này, vì nó cung cấp thêm lý do cho những kẻ thường rêu rao về phát triển kinh tế và giao thương. Nhóm người này không muốn cho chúng tôi kiên trì nhắc nhở cho họ hiểu rằng Châu Âu không chỉ là sự chủ súy kinh doanh mà thôi, mà còn quan tâm tới những giá trị đạo đức. Thế nhưng khi Quốc hội Châu Âu “la lớn” về vấn nạn nhân quyền, thì chính chúng tôi cũng đang nhắc nhở cho chính chúng tôi về những điều quan trọng cơ bản cho bản thân chúng tôi, và đây mới chính là hình ảnh thực của Liên Âu.

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Quốc hội Âu Châu.

-----------------------------







BLOGGER HUỲNH NGỌC CHÊNH ĐƯỢC ĐỀ CỬ GIẢI CÔNG DÂN MẠNG 2013 (Trà Mi - VOA)




28.02.2013

Một trong những blogger có nhiều ảnh hưởng tại Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Chênh, được đề cử giải thưởng Công dân Mạng 2013.

Đây là giải thưởng quốc tế do tổ chức bảo vệ nhân quyền mang tên Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp phối hợp với đại công ty internet Google tổ chức hằng năm nhằm đánh động sự quan tâm của mọi người về nhu cầu cần phải bảo vệ quyền tự do bày tỏ quan điểm trên mạng internet qua việc vinh danh những ngòi bút mạng đã bất chấp sự đàn áp, can đảm đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền tại các nước trên thế giới.


Blogger Huỳnh Ngọc Chênh sinh năm 1952 tại Đà Nẵng, làm việc cho báo Thanh Niên từ năm 1992 đến khi về hưu vào tháng tư năm ngoái.

Ông bắt đầu viết blog từ năm 2008. Các bài blog của ông về dân chủ, nhân quyền, vấn đề Biển Đông, và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược thu hút đông đảo độc giả trong và ngoài nước.

Dù trang blog của ông thường bị nhà nước khóa chặn, nhưng hiện mỗi ngày vẫn có chừng 15.000 người đọc ghé thăm.

Từ hồi còn làm ký giả cho báo Thanh Niên, ông từng bị cảnh cáo về nội dung các bài viết mà ông đăng tải trên nhật ký điện tử cá nhân và các trang blog trước nay của ông đã nhiều lần bị buộc phải đóng cửa.

Trong phần mô tả về blogger Huỳnh Ngọc Chênh của Việt Nam, tổ chức Phóng viên Không biên giới nói những bài blog trên trang cá nhân của ông Chênh cũng là nguyên nhân của các cuộc sách nhiễu, đe dọa, theo dõi, nghe lén điện thoại từ phía chính quyền đối với chính tác giả.

RSF nói 9 ứng cử viên của Giải Công dân Mạng năm nay trong đó có blogger Huỳnh Ngọc Chênh được đề cử vì những nỗ lực bất chấp rủi ro, góp phần bảo vệ và thăng tiến quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, và tự do internet của công dân trên toàn cầu.

Chia sẻ cảm nghĩ với VOA Việt ngữ, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói ông ngạc nhiên khi biết tin mình được đề cử giải thưởng quốc tế này:

“Cũng hơi bất ngờ vì mình cũng không nghĩ là được đề cử như vậy. Cũng cảm thấy vinh dự lắm, nhưng nghĩ rằng nhiều người khác còn xứng đáng hơn. Tôi là chủ một trang blog mà tôi viết cũng hơi nặng nề, nên cũng có thể tôi ở trong danh sách ‘tế nhị’. Vì vậy, nếu được giải thưởng đó thì vinh dự, nhưng cũng có đôi chút lo lo. Lo không phải vì sợ mình bị này khác, nhưng lo là mình không có điều kiện để được viết lách nữa.”

Để khuyến khích sự quan tâm của cộng đồng mạng thế giới, năm nay lần đầu tiên người đoạt Giải Công dân Mạng sẽ do cư dân mạng khắp nơi bình chọn.

Kể từ ngày 27/2 đến hết ngày 5/3, người dùng net trên toàn cầu có thể bỏ phiếu cho các ứng viên được RSF đề cử trên trang web của tổ chức Phóng viên Không biên giới.

Ứng cử viên nhận được nhiều phiếu bình chọn nhất sẽ được công bố vào ngày 7/3, và sau đó được mời sang dự lễ trao giải tại trụ sở của công ty Google ở Paris (Pháp) vào ngày 12/3.

Giải thưởng thường niên khởi sự từ năm 2008 này thường được trao vào 12/3 hằng năm để kỷ niệm Ngày Thế giới Chống lại Sự kiểm duyệt trên mạng.





LO NGẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN NGHĨA TRONG TÙ (Thanh Trúc - RFA)




Thanh Trúc, phóng viên RFA, Bangkok
2013-02-28

Nhà văn đối kháng Nguyễn Xuân Nghĩa, bị bắt từ năm 2008 với bản án sáu năm tù giam ba năm quản chế, đang bị bệnh nặng trong tù nhưng không được chữa trị đúng mức.

Sau chuyến thăm nuôi vừa rồi, vợ ông Nguyễn Xuân Nghĩa, bà Nguyễn Thị Nga, cho biết sẽ làm đơn xin cho chồng được đi mỗ lần thứ hai, đồng thời bày tỏ sự lo âu trước sức khỏe càng ngày càng sa sút của ông.
Nói chuyện với Thanh Trúc từ Hải Phòng, trước hết bà Nga nhắc lại nguyên nhân khiến ông Nguyễn Xuân Nghĩa lâm cảnh tù tội:

Phân biệt đối xử, chữa trị không đúng mức

Bà Nguyễn Thị Nga: Chồng tôi đòi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và đa nguyên đa đảng. Chính vì thế chồng tôi có nhiều bài viết trên các trang mạng và chồng tôi đã đi treo khẩu hiệu trên cầu vượt Lạch Tray, Hải Phòng, và cầu Lai Cách, Hải Dương, nội dung "bảo vệ toàn vẹn lãnh thỗ lãnh hải cho Việt Nam, nhân quyền dân chủ cho Việt Nam và đa nguyên đa đảng cho Việt Nam". Chính vì thế nhà cầm quyền kết tội anh là tuyên truyền chống phá nhà nước.
Chồng tôi bị bắt ngày 10 tháng Chín 2008, bị án sáu năm tù giam và ba năm quản chế, cho đến hết tháng Hai này là được bốn năm rưỡi, còn một năm rưỡi nữa.

Thanh Trúc: Thưa bà Nguyễn Thị Nga, trong chuyến thăm nuôi mới nhất bà có kể là sức khỏe ông Nguyễn Xuân Nghĩa rất xấu, xin cho biết thêm về bệnh tình của ông?
Bà Nguyễn Thị Nga: Tôi đi thăm anh Nghĩa vào ngày 22 tháng Hai 2013. Chồng tôi đang bị giam ở Trại 6, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Khu vực ấy là giáp biên giới Lào, rất gần chân núi Trường Sơn, nơi hang cùng ngõ hẻm nhất. Qua lần thăm gặp vừa rồi thì cũng như lần trước, tôi cũng đã kêu lên về chuyện mổ xẻ cho chồng tôi, tức về việc họ không đưa cái khoa học kỹ thuật tốt để chữa bệnh cho chồng tôi mà họ lại đưa cái chuyện thắt trĩ chứ không mổ trĩ. Là vì chồng tôi bị bệnh trĩ đến độ ba và không thể trì hoãn được nữa, thành thử họ đã mang chồng tôi đi cắt đợt trước nhưng mà họ không cắt bằng laser mà thắt trĩ theo cách cổ truyền, cho nên hậu quả rất tai hại, anh đi đại tiện rất khó khăn.
Chồng tôi còn một căn bệnh nữa là khối u tiền liệt tuyến cho nên anh mất ngủ và đến giờ này lại cái việc chữa bệnh trĩ không có kết quả như vậy. Nếu như họ cắt cho mình suông sẻ ra và tốt ra thì đến bây giờ anh không phải đeo đẳng cái bệnh trĩ nữa.
Với lại mặt của anh, khi còn ở nhà thì nó có khối u nhỏ ở má với ở cổ, giờ trong thời gian anh ăn uống hoặc do nước non sinh hoạt trong ấy thiếu, cơ thể bị nhiễm độc cho nên khối u ở mặt cứ to dần lên, cả cổ nữa, nên trông anh ấy rất tiều tụy. Tôi thật xót xa và lo lắng cho tình trạng sức khỏe của anh ấy.

Thanh Trúc: Chừng như bà định làm đơn xin với quản giáo trại giam cho ông Nguyễn Xuân Nghĩa được đi mổ lần thứ hai ?
Bà Nguyễn Thị Nga: Tới đây là phải xin trại giam để cho đi cắt lại. Trước tôi cũng có làm đơn xin cho anh về những bệnh viện gần nhà cho gia đình chăm sóc. Họ đã gởi giấy cho gia đình báo là không được, chỉ trong khuôn viên trại giam, nặng hơn nữa thì đưa lên tuyến huyện hay tuyến tỉnh, hơn nữa thì lên cấp trung ương và do trại giam đưa chứ còn ý nguyện của gia đình là họ không chấp nhận.

Thanh Trúc: Vậy bà nghĩ đơn xin cho ông đi mổ lần thứ hai liệu có gặp trở ngại gì không?
Bà Nguyễn Thị Nga: Ngày một ngày hai đây thì tôi cũng sẽ đánh một cái đơn gởi đến trại giam để tiếp tục xin cho đi cắt lại bệnh trĩ họ đã cắt lần trước mà đến giờ hiệu quả không có đâm ra phải đi cắt lại một lần nữa. Chồng tôi tuổi cao sức yếu và bệnh tật đầy người như thế mà trong khi đó bao nhiêu bệnh nhân kỳ trước họ cũng mổ trĩ nhưng họ không thắt, họ cắt bằng laser rất là nhanh, cắt một cái là xong thôi.
Tới đây làm đơn lại để xin đi cắt lại thì không hiểu họ có đối xử như lần trước nữa không chứ như cảnh lần trước thì vô cùng là buồn.

Thanh Trúc: Đó là về sức khỏe của ông nhà ở trong tù, còn về mặt tinh thần của ông Nguyễn Xuân Nghĩa thì sao, bà thấy có suy sụp lắm không?
Bà Nguyễn Thị Nga: Tinh thần của chồng tôi rất vững vàng, vì anh ấy nghĩ chuyện đòi hỏi quyền con người không có gì sai trái cả. Trong sổ thăm gặp tháng nào tôi cũng thấy họ để: "hạnh kiểm kém vì không nhận tội". Mấy tháng nay tôi thấy họ đều nói và có giấy gởi về nhà là do anh không nhận tội mà bị hạnh kiểm kém, họ nói gia đình tiếp với trại giam để giáo dục anh ấy. Nhưng tôi nghĩ chồng tôi đã hơn sáu mươi tuổi rồi, tất cả những gì bản chất bản lĩnh như thế nào từ trước thì tôi cũng hiểu được chồng tôi. Việc anh làm là do anh ấy quyết định , tôi nghĩ việc làm của anh không sai, anh không có gì sai mà phải nhận là sai cả.

Thanh Trúc: Thưa bà Nguyễn Thị Nga, cho tới lúc này, bên cạnh nỗi lo về sức khỏe của ông nhà ở trong tù, bà còn điều gì muốn bày tỏ thêm?
Bà Nguyễn Thị Nga: Cả một cơ thể con người mà đại tiện cũng khó mà tiểu tiện cũng khổ thì làm sao không nguy hại đến sức khỏe. Chồng tôi nói tôi về làm đơn xin phía trại giam để cho được tiếp tục chữa bệnh trĩ. Mà trong cái đơn lần trước tôi cũng có viết rằng nếu kinh phí trại giam hạn hẹp cho từng tù nhân thì gia đình tôi sẽ thêm vào để chữa bệnh cho chồng tôi. Thế nhưng khi đi họ không hề đề cập đến mà tôi cũng biết đâu bệnh trĩ là có một kiểu mổ bằng laser và một kiểu thắt theo cổ truyền mà kéo dài sự đau đớn và đến giờ hậu quả vẫn còn.
Sau lần chữa đấy tôi có hỏi một người trong trại tại sao lại mổ cho chồng tôi kiểu ấy thì họ trả lời vì kinh phí chỉ có như thế. Thực ra họ nói thế là sai vì trước đấy tôi đã có làm đơn đề cập đến kinh phí rồi, nhưng họ đâu có nói cho tôi biết và tôi đâu nghĩ bác sĩ ở bệnh viện lại vô cảm và chữa cho chồng tôi theo cái kiểu không có lương tâm nghề nghiệp như thế.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn những lời chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nga, mong nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa được mọi sự an lành.

Tin, bài liên quan






View My Stats