Monday 8 April 2024

TẠI SAO ĐÀI Á CHÂU TỰ DO (RFA) ĐÓNG CỬA VĂN PHÒNG Ở HONG KONG? (Lâm Chi | Saigon Nhỏ)

 



Tại sao Đài Á Châu Tự Do (RFA) đóng cửa văn phòng ở Hong Kong?

Lâm Chi  |  Saigon Nhỏ

30 tháng 3, 2024

https://saigonnhonews.com/thoi-su/trung-quoc/tai-sao-dai-a-chau-tu-do-rfa-dong-cua-van-phong-o-hong-kong/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/03/GettyImages-2100337775.jpg

Biểu tình chống Điều luật 23 của Hong Kong tại London (ảnh: Martin Pope/Getty Images)

 

Ngày 29 Tháng Ba 2024, Chủ tịch Đài Á Châu Tự do (RFA) cho biết, văn phòng của họ đặt tại Hong Kong buộc phải đóng cửa vì lo ngại trước luật an ninh quốc gia mới, gọi là Điều luật 23, được Bắc Kinh thiết kế để bóp nghẹt tự do báo chí và bịt miệng dân chủ…

 

 

Chủ tịch RFA Bay Fang cho biết RFA sẽ không còn nhân viên toàn thời gian ở Hong Kong, dù vẫn duy trì đăng ký hoạt động truyền thông tại lãnh thổ này. Động thái của RFA là phản ứng mạnh mẽ trước việc chính quyền Hong Kong thu hẹp không gian báo chí tự do, với việc cho ra đời Pháp lệnh Bảo vệ An ninh Quốc gia (Duy hộ Quốc gia An toàn Điều lệ, 維護國家安全條例), còn gọi là Điều luật 23.

 

Dân biểu Gregory Meeks, thành viên cấp cao Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, bày tỏ lo ngại việc RFA đóng cửa và nhấn mạnh rằng Điều luật 23 “không chỉ thể hiện sự leo thang đáng kể trong nỗ lực của chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh nhằm ngăn chặn quyền tự do ngôn luận và biểu đạt,” mà còn “làm suy yếu quyền tự do báo chí và khả năng của công chúng trong việc thu thập thông tin thực tế.”

 

Cédric Alviani, giám đốc văn phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders), nhận định rằng việc rút RFA khỏi Hong Kong là “hậu quả của hiệu ứng ớn lạnh được (chính quyền địa phương) áp đặt lên các phương tiện truyền thông” theo luật an ninh mới.

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố các hạn chế thị thực mới đối với một số quan chức Hong Kong “chịu trách nhiệm các vụ đàn áp tự do và dân chủ” trên lãnh thổ. Luật an ninh mới của Hong Kong – Điều luật 23 – được sử dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến ​​ở Hong Kong và thậm chí mở rộng chiến dịch khủng bố đe dọa các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong trốn hoặc tỵ nạn ở nước ngoài.

 

Hong Kong, từng được xem là pháo đài tự do báo chí ở châu Á, đã thay đổi dữ dội và ngày càng u ám kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh vào năm 2020, sau các cuộc biểu tình chống chính quyền vào năm 2019. Kể từ khi luật an ninh 2020 được ban hành, hai hãng tin địa phương nổi tiếng chỉ trích chính quyền – Apple Daily (Tần Quả Nhật Báo, 蘋果日報) và Stand News (Lập Trường Tân Văn,立場新聞) – đã buộc phải đóng cửa, sau khi những nhân vật điều hành trọng yếu của họ bị bắt, trong đó có ông Jimmy Lai (Lê Trí Anh,黎智英).

 

Trong bảng xếp hạng mới nhất Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới do Phóng viên Không Biên giới đánh giá, Hong Kong hiện xếp thứ 140 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Luật an ninh nội địa mới của Hong Kong (Điều luật 23), được ban hành cấp tốc vào ngày 23 Tháng Ba 2024, đã mở rộng quyền lực và sự thao túng của chính quyền trong việc kiểm soát người dân, nhắm vào “hoạt động gián điệp”, “tiết lộ bí mật nhà nước” và “thông đồng với các thế lực bên ngoài”. Một số tội danh, như phản quốc và nổi loạn, có thể bị tù chung thân. Điều luật 23 đã làm dấy lên mối lo ngại đối với giới báo chí, với việc hình sự hóa những công việc thuần túy làm báo.

 

RFA, được Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ thông qua Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ, gần đây đã bị chính quyền Hong Kong chỉ trích. Tháng Giêng 2024, cảnh sát địa phương đã gửi lá thư cảnh cáo, lên án RFA việc đưa ra “những tuyên bố sai sự thật” liên quan nhà hoạt động bị truy nã Hứa Trí Phong (Ted Hui, 許智峯). Hứa Trí Phong, nhà cựu lập pháp ủng hộ dân chủ, đang tỵ nạn ở Úc, là một trong những nhà hoạt động dân chủ được chính quyền Hong Kong treo giải thưởng 1 triệu đôla Hong Kong ($128,000) cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ họ. Hứa Trí Phong từng mạnh mẽ yêu cầu cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh trừng phạt Hong Kong và Trung Quốc.

 

Tháng Hai 2024, Chánh Sở An ninh Hong Kong Đặng Bính Cường (Chris Tang, 鄧炳強) nói rằng một số nhận định của RFA liên quan Điều luật 23 là “giả mạo” và “sai sự thật”, rằng luật pháp Hong Kong luôn “bảo vệ” giới truyền thông. Khi được hỏi liệu công việc của RFA có bị xem là “can thiệp từ bên ngoài” hay “gián điệp” hay không, Đặng Bính Cường cho biết bất kỳ hành vi phạm luật nào cũng cần được đánh giá theo từng trường hợp cụ thể; rằng nếu ai đó cố tình sử dụng thông tin sai lệch để bôi nhọ công tác lập pháp của chính quyền thì người dân Hong Kong cần được thấy rõ ý định của họ cũng như của những “thế lực bên ngoài” là gì…

____________

 

Điều luật 23

 

+ Điều luật 23 quy định tội danh mới liên quan “yếu tố can thiệp từ bên ngoài”, nhằm vào sự hợp tác của bất kỳ người nào với “các thế lực bên ngoài”. Việc vi phạm chịu mức án tối đa là 14 năm tù. Các chi tiết của luật cực kỳ mơ hồ, được diễn đạt bằng ngôn ngữ mơ hồ. Luật quy định việc cộng tác với “thế lực bên ngoài” phải diễn ra với “mục đích gây hiệu ứng can thiệp” và bằng “phương tiện không phù hợp”. Luật cũng mở rộng phạm vi hoạt động gián điệp. Người dân có thể bị kết án 10 năm tù nếu cấu kết với “thế lực bên ngoài” để loan tải một điều sai sự thật hoặc gây hiểu lầm.

 

Chính xác “thế lực bên ngoài” là những ai? Theo Điều 23, họ có thể là chính phủ nước ngoài, đảng phái chính trị nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài theo đuổi mục đích chính trị hoặc bất kỳ thực thể hoặc cá nhân nào có liên quan đến các tổ chức đó. Với sự mơ hồ, việc hợp tác hợp pháp – ví dụ như trong kinh doanh, giáo dục, hợp tác xã hội dân sự hoặc thậm chí làm việc với Liên Hợp Quốc – cũng rất có khả năng bị quy chụp là câu kết với nước ngoài. Công dân nước ngoài cũng có thể bị truy tố nếu phạm những “tội ác” này ở Hong Kong.

 

+ Luật mới mở rộng phạm vi của luật an ninh 2020 và tăng án tù tối đa từ hai năm lên bảy năm (hoặc 10 năm nếu có “thế lực bên ngoài” liên quan). Luật quy định rằng một người không nhất thiết phải có ý định kích động bạo lực mới có thể bị kết tội nổi loạn, trái với nguyên tắc thông luật rằng lời nói không kích động bạo lực sẽ không bị trừng phạt theo luật. Điều này có nghĩa bất kỳ chỉ trích nào nhằm vào chính quyền Hong Kong hoặc chính phủ Trung Quốc đều có thể bị buộc tội.

 

+ Luật an ninh quốc gia mới buộc bất kỳ công dân Trung Quốc nào (trong đó có người Hong Kong) phải trình báo cảnh sát nếu họ biết một người khác đã hoặc sắp phạm tội phản quốc. Nếu không tố cáo, họ có thể bị phạt 14 năm tù.

+ Luật mới trao quyền hạn nhiều hơn cho cảnh sát khi giải quyết các vụ án an ninh quốc gia. Với sự chấp thuận của thẩm phán, cảnh sát có thể giam giữ ai đó tới 16 ngày mà không cần đưa ra bất kỳ cáo buộc nào (trước đây là hai ngày). Cảnh sát cũng có thể cấm người đó hỏi ý kiến ​​bất kỳ luật sư nào trong 48 giờ đầu tiên sau khi bị bắt.

 

+ Theo luật mới, đặc khu trưởng có thể ban hành thêm luật phụ bất cứ lúc nào, với lý do “bảo vệ an ninh quốc gia”.

 

+ Luật mới sẽ trừng phạt “những kẻ bỏ trốn” – những người chỉ cần bị buộc tội vi phạm tội an ninh quốc gia (chứ không nhất thiết bị kết án!). Hiện thời, chính quyền Hong Kong đã áp dụng các biện pháp như hủy hộ chiếu hoặc thu hồi giấy chứng nhận hành nghề chuyên môn (chẳng hạn giấy phép luật sư).

 

+ Điều luật 23 đưa ra một tội danh mới về “các hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia liên quan đến máy tính hoặc hệ thống điện tử” – với mức án có thể lên đến 20 năm tù. Tuy nhiên, luật không định nghĩa rõ những “hành vi gây nguy hiểm” cụ thể là gì.

_______________

 

“Hong Kong 47” và cái chết đáng buồn của một nền dân chủ

 

Các đại công ty và cuộc “tháo chạy” khỏi Hong Kong

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats