Việt
Nam : Quanh tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn ai ?
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 29/04/2024 - 14:07
https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20240429-vn-quanh-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-con-ai
Ông Vương Đình Huệ là “trụ” thứ hai trong “Tứ trụ” chỉ trong hơn
một tháng "xin thôi" giữ mọi chức vụ. Bộ Chính trị
đã đồng ý ngày 25/04/2024 và quyết định được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
XIII đưa ra chiều thứ Sáu 26/04, ngay trước kỳ nghỉ lễ 5 ngày. Giới quan sát
nước ngoài nhận định Việt Nam đang trong thời kỳ “xáo trộn chính trị
chưa từng có” và "cuộc khủng hoảng kế nhiệm tổng bí thư
càng trở nên trầm trọng".
Ảnh lưu trữ, từ trái sang : Thường trực Ban Bí thư Võ Xuân
Thưởng, thủ tướng Phạm Minh Chính, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước
Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch nước Việt Nam
Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa cho ông Nguyễn Phú Trọng vừa được bầu lại làm tổng bí
thư đảng Cộng sản, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 31/01/2021. © AP - Le Tri
Dung
Tính từ tháng 12/2022, đã có hai chủ tịch nước, hai phó thủ
tướng, một trưởng ban Kinh tế Trung ương và chủ tịch Quốc Hội thôi chức vì
chiến dịch chống tham nhũng. Bộ Chính trị khóa XIII cũng “bị mất” 5
ủy viên, hiện chỉ còn 13 người.
Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức
năng, chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ “đã vi phạm quy định về những
điều đảng viên không được làm”. Trước đó, ông Phạm Thái Hà, trợ lý thân cận
của ông Vương Đình Huệ, kiêm phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, đã bị bắt giam
về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để
trục lợi” trong vụ án tập đoàn Thuận An.
Ban chấp hành Trung ương Đảng chấp nhận đơn xin từ chức vì “những
vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng
đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông”. Trong khi đó, chỉ mới đầu
tháng, chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ còn dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt
Nam thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 07 đến 12/04 và tiếp kiến chủ tịch Tập
Cận Bình. Chuyến công du được Reuters đánh giá là đáng chú ý vì sự nhạy cảm
trong mối quan hệ giữa Việt Nam với nước láng giềng khổng lồ.
Vậy nên hiểu như thế nào về sự kiện này, cũng như việc hai trong
số “Tứ trụ” phải từ chức chỉ trong hơn một tháng ? Trả lời RFI Tiếng Việt qua
thư điện tử ngày 28/04, giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu
Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (DKI APCSS), tại Hawaii, Hoa Kỳ, giải thích
:
“Ông Huệ đi thăm Trung Quốc là nằm trong chương trình trao đổi
các đoàn cấp cao giữa hai nước. Sớm muộn ông cũng phải làm việc này. Còn việc
bắt lãnh đạo doanh nghiệp sân sau và trợ lý của ông vào cùng thời gian có thể
là sự trùng hợp ngẫu nhiên, cũng có thể là sự lợi dụng cơ hội lúc ông đang bận
tập trung vào chuyến thăm.
Việc trong vòng hơn một tháng, hai trong tứ trụ của Việt Nam
phải từ chức, cho thấy cuộc đua quyền lực để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ
XIV đã bước vào giai đoạn hết sức khốc liệt”.
Đây cũng là nhận định của một số nhà quan sát quốc tế được trang
Nikkei Asia trích dẫn ngày 28/04. Hành động trên danh nghĩa là “từ
chức” nhưng thực ra là “bị lật đổ”. Futaba Ishizuka, nhà
nghiên cứu chuyên về chính trị Việt Nam tại Viện Kinh tế Phát triển Nhật Bản,
đánh giá “cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay ngày càng trở thành một
công cụ chiến tranh phe phái”. Việc tố giác và các hành động khác
dường như thêm sôi động trước Đại hội Đảng dự kiến diễn ra đầu năm 2026.
Tổng bí thư chống tham nhũng “chỉ cắt cành, tỉa ngọn”
Theo báo điện tử Thanh tra Chính phủ, tháng 05/2012, Hội nghị
Trung ương 5 khoá XI đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương
về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do tổng bí thư làm trưởng
ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm hoạt động (2012-2022) ngày 30/06/2022,
tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “chống tham nhũng là chống giặc
nội xâm, tức thói hư, tật xấu, suy thoái về phẩm chất, đạo đức ; tệ ăn bớt, ăn
cắp, ăn chặn của công ; chặn tình trạng biếu xén cho, tặng, hối lộ tiền tài,
của cải, vật chất với động cơ không trong sáng”.
Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, gần 100 cán bộ cấp
cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, theo số liệu được Tiểu ban
Nhân sự Đại hội XIV của đảng công bố sáng 13/03/2024. Chính tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng giữ chức trưởng tiểu ban nhân sự. Theo giám đốc nghiên cứu Benoît de
Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM), khi trả
lời RFI Tiếng Việt ngày 21/03, “ông Trọng cho thấy vẫn muốn có ảnh
hưởng đến việc chọn người kế nhiệm khi ông nắm giữ chức trưởng tiểu ban nhân
sự”. Tuy nhiên, những nhân vật được cho là có thể thay thế ông đều lần lượt
phải ra đi. Liệu tổng bí thư đảng còn thực sự nắm quyền điều hành chiến
dịch “đốt lò” hiện nay ? Giáo sư Alexander Vuving nhận định :
“Rõ ràng là chiến dịch chống tham nhũng đã vượt tầm kiểm soát
của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phương châm của ông là “đánh chuột nhưng
không làm vỡ bình”, do đó ông tìm mọi cách để giữ bình không bị vỡ, nhưng ông
lại không nghĩ rằng trong số chuột cũng có cả những con cưng của ông”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên quyết “công tác phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực không chịu bất cứ sức ép nào” khi phát biểu
tại phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương sáng 16/08/2023. Ngoài ra, còn
một điểm mới trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, theo trang Quân đội Nhân dân,
là “kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ
lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực
được giao quản lý, phụ trách. Trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ từ chức, xin
thôi chức vụ, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực
hạn chế, uy tín giảm sút”.
Liệu tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bị rơi vào chính chiếc bẫy
chống tham nhũng, vì đến giờ ông chưa tìm ra được người kế nhiệm ? Giáo sư
Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K.
Inouye tại Haiwaii, nhận định với RFI Tiếng Việt :
“Có thể nói là chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng đã tạo
ra một chiếc bẫy mà chính ông bị rơi vào. Ông Trọng chống tham nhũng theo kiểu
cắt ngọn, tỉa cành trong khi vẫn bón phân đầy đủ cho gốc rễ. Việc đó khiến cây
tham nhũng vẫn tiếp tục sum suê, mặc dù một số cành, kể cả ngọn, bị cắt tỉa.
Không ngờ việc cắt ngọn tỉa cành lại cắt luôn cả những cành và ngọn được ông
Trọng chăm bẵm và kỳ vọng”.
Định hướng chống tham nhũng phục vụ cho người thực sự chỉ đạo ?
“Đảng lãnh đạo xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh và hạnh
phúc”, theo một bài viết của báo điện tử đảng Cộng sản Việt Nam ngày
01/02/2024. Rút bài học Liên Xô tan rã, ông Trọng cho rằng “lý do chính
để chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở khối Liên Xô cũ và ở Đông Âu là những người kém
cỏi được chọn để lãnh đạo đất nước”. Chống tham nhũng là một trong những
cách bảo vệ tính chính danh của đảng. Chiến dịch “không có vùng cấm,
không có ngoại lệ” được công chúng ủng hộ rộng rãi, do tham nhũng tràn
ngập vào chính trị và kinh doanh. Do đó, “lò” sẽ còn rực lửa vì vẫn chưa triệt
được tận gốc tham nhũng. Giáo sư Alexander Vuving nhận định :
“Chiến dịch chống tham những đã trở thành một bộ phận quan trọng
trong văn hóa chính trị của Việt Nam. Nhà cầm quyền tin rằng nó là một cách
quan trọng để lấy lại niềm tin của dân chúng, cũng như giữ sức khỏe cho chế độ.
Đồng thời, nó cũng trở thành một công cụ hữu hiệu trong cuộc đấu tranh quyền
lực trong nội bộ giới cầm quyền. Do đó việc chống tham nhũng sẽ vẫn tiếp tục.
Có điều, định hướng của nó lại phụ thuộc vào những người dùng nó. Định hướng
của nó sẽ tiếp tục thay đổi theo sự hữu hiệu của nó đối với cuộc đấu tranh
quyền lực của giới cầm quyền”.
Và “người dùng” hiện nay chính là bộ Công An.
Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện IRSEM tại Pháp, từng nhận định với
RFI Tiếng Việt rằng “hiện giờ chiến dịch chống tham nhũng được điều
hành trực tiếp từ bộ Công An, dưới trướng ông Tô Lâm”.
Từ đầu năm 2024, nhắc đến Việt Nam là người ta chỉ nghĩ đến
những đại án tham nhũng và hai trong số “Tứ trụ” lần lượt từ chức trong khi đất
nước vẫn chưa giải quyết được những khó khăn tác động đến thu hút đầu tư nước
ngoài, như thiếu điện, thủ tục chậm trễ vì cán bộ tránh ký quyết định vào thời
điểm này, sợ bị kéo vào cuộc chiến quyền lực.
Trang The Conversation ngày 24/04 đánh giá đại án Vạn Thịnh Phát
là “vụ lừa đảo đặc biệt ở Việt Nam cho thấy những lỗ hổng cố hữu trong
ngành ngân hàng”. Cuộc chiến giành chiếc ghế tổng bí thư được Reuters cho
là có thể gây quan ngại về “ổn định chính trị” của Việt Nam,
hiện là trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á, phụ thuộc mạnh vào đầu tư nước ngoài
và giao thương. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Futaba Ishizuka cho rằng “việc
các chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên lo lắng là điều không
thể tránh khỏi”.
Quốc Hội dự kiện bắt đầu họp phiên thường kỳ vào ngày 20/05.
Ngoài việc bỏ phiếu để ông Vương Đình Huệ thôi giữ chức vụ, Quốc Hội có thể sẽ
bầu ra chủ tịch Quốc Hội mới, cân nhắc vị trí chủ tịch nước. Chiếc ghế tổng bí
thư, được quyết định trong kỳ Đại hội XIV, có lẽ sẽ còn gây ra nhiều bất ngờ.
Bộ trưởng Công An Tô Lâm, 66 tuổi, một trong những ứng viên cho vị trí tổng bí
thư, đã từ chối chức chủ tịch nước. “Trước đây, ông Tô Lâm luôn phải
đối phó với ảnh hưởng rất mạnh của ông Nguyễn Phú Trọng”, theo nhà nghiên
cứu về Việt Nam Benoît de Tréglodé, nhưng hiện giờ “bộ trưởng Công
An gần như là chỉ huy chính những chiến dịch chống tham nhũng này”. Và
cuộc chiến kế nhiệm, “lẽ ra phải xảy ra trong năm 2025, lại đến sớm
hơn, ngay từ bây giờ”.
--------------------------
Các nội dung liên quan
TẠP CHÍ VIỆT NAM
Việt
Nam : Đảng “quyết liệt” diệt tham nhũng do tình trạng sức khỏe của tổng bí
thư?
TẠP CHÍ VIỆT NAM
Việt
Nam : Chủ tịch nước bị cách chức, tổng bí thư bị tiếm quyền ?
PHÂN TÍCH
Chủ
tịch nước từ chức: Lo ngại bất ổn chính trị ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam
No comments:
Post a Comment