Monday, 29 April 2024

ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ MẤT CHỨC : CÒN AI 'TRONG SẠCH NHƯ TUYẾT' (BBC News Tiếng Việt)

 



 

Ông Vương Đình Huệ mất chức: Còn ai ‘trong sạch như tuyết’?

BBC News Tiếng Việt

29 tháng 4 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c51np4ygyy3o

 

Kể từ khi trở thành Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã không ngừng thúc đẩy công tác xây dựng đảng. Nhưng “xây dựng đảng không chỉ đơn thuần là chống tham nhũng”, theo một nhà quan sát chính trị Việt Nam.

 

Các nhà quan sát mà BBC News Tiếng Việt phỏng vấn đều cho rằng việc trừng phạt các lãnh đạo chính quyền trung ương hay bất cứ ai, ở mức độ nào, không giải quyết được cốt lõi vấn đề tham nhũng vốn bắt nguồn ngay trong chính nội tại Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Với việc ông Vương Đình Huệ và ông Võ Văn Thưởng mất chức chỉ trong vài tháng đầu năm 2024, nhân sự của Bộ Chính trị Việt Nam hiện còn 13 ủy viên, giảm 5 người từ con số 18 người ở đầu khóa vào năm 2021.

 

Các nhà quan sát nhận định rằng việc thiếu một nhà nước pháp quyền và một quy trình kế nhiệm minh bạch cho thấy sự yếu kém trong công tác xây dựng đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nội tại ĐCSVN.

 

 

Chính sách xây dựng Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/a59a/live/100234a0-0613-11ef-bee9-6125e244a4cd.jpg

Chính trường Việt Nam đang biến động dữ dội

 

Trong một Hội nghị về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng “xây dựng Đảng phải luôn luôn đi đôi với chấn chỉnh, củng cố Đảng”.

 

Ông chỉ ra việc có nhiều đảng viên, cán bộ cấp lãnh đạo "nhạt phai lý tưởng", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

 

Ông yêu cầu “tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ.”

Theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2012-2022, đã có 167.700 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, nhiều người bị xử lý hình sự. Con số này nếu tính tới thời điểm hiện nay (2024) chắc hẳn còn cao hơn nữa.

 

Hiệu ứng của chiến dịch này là khoảng 60.000 người từ chức chỉ trong hai năm (2021-2023) trong khi số cán bộ của khu vực công chỉ có khoảng 2,5 triệu.

 

Như vậy có nghĩa những người còn lại phải "trong sạch như tuyết", "không chút tì vết”, theo GS Carl Thayer.

 

Điều này liệu có khả thi?

 

Chưa nói tới việc họ có thực sự liêm chính, GS Carl Thayer chỉ ra rằng các phe phái trong đảng sẽ luôn tìm ra "tì vết" của nhau, hoặc ít ra cũng tìm ra "tì vết" thuộc cấp của họ.

 

Trong bối cảnh chính trường biến động dữ dội như vừa qua, lẽ ra người chỉ huy phải là người chịu trách nhiệm chính, theo GS Thayer. Tuy nhiên, nguyên tắc này đã không được áp dụng với trường hợp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Cần lưu ý rằng ông Trọng đã đảm nhiệm vai trò Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13, tức chịu trách nhiệm "tuyển lựa" đội ngũ nhân sự cho khóa hiện tại, mà chính bản thân ông đã từng lưu ý rằng công tác nhân sự là "then chốt của then chốt". Công tác này, theo thực trạng đến nay và theo đánh giá của các nhà quan sát, đã thất bại.

 

Hiện ông Nguyễn Phú Trọng đang có vấn đề về sức khỏe. Ông bị đột quỵ năm 2019 và đầu năm nay có tin ông bị bệnh. Do đó, chuyện kế vị ông hẳn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng.

“Theo cách nói của người Mỹ, ông Trọng là một tổng bí thư ‘vịt què’ – [lame duck - chính trị gia sắp hoặc đã có người kế nhiệm, như vậy thường được coi ít có ảnh hưởng hơn đối với các chính trị gia khác]," GS Carl Thayer nói với BBC News Tiếng Việt.

 

Với tình trạng sức khỏe hiện nay, cùng với vấn đề tuổi tác, ông Trọng đã không thể chọn được người kế vị do tranh chấp giữa các phe phái.

 

GS Carl Thayer đã đặt ra hàng loạt câu hỏi khi ông đề cập tới sự thất bại của công tác xây dựng đảng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/f6cf/live/6b6178b0-0613-11ef-bee9-6125e244a4cd.png

Giới quan sát cho rằng việc xử lý các lãnh đạo cấp cao không giải quyết được cốt lõi vấn đề tham nhũng vốn bắt nguồn ngay trong chính nội tại ĐCSVN.

 

“Tại sao các chỗ trống trong Bộ Chính trị vẫn chưa được lấp đầy? Tại sao ông Trọng đã làm tới ba nhiệm kỳ? Tại sao lại có nhiều thành viên trong Bộ Chính trị sẽ trên 65 tuổi vào năm 2026 đến vậy?"

 

“Có thể thấy công tác nhân sự rất yếu kém," GS Thayer bình luận.

 

Sau những biến động mới nhất đầu năm 2024, hiện đang thiếu hai "chân" trong "Tứ Trụ", nhưng nhìn lại thì người hội đủ tiêu chuẩn quá ít, lại thêm tuổi cao. Rất nhiều người trong Bộ Chính trị sẽ hơn 65 tuổi vào năm 2026 – thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.

 

Để thay thế vị trí của ông Nguyễn Phú Trọng, nguồn nhân lực hiện nay chỉ có ba người trong Bộ Chính trị dưới 65 tuổi, nhưng cả ba đều có tầm ảnh hưởng không đáng kể.

 

GS Carl Thayer cho hay, vào tháng 11 năm ngoái, khi đi công tác tại Việt Nam, ông được cho biết Việt Nam sẽ thay đổi Điều lệ Đảng và nâng độ tuổi tham gia Bộ Chính trị lên 70 hoặc 71 tuổi.

 

“Vậy là sẽ có những người già hơn. Đây là sự quản lý yếu kém. Và đây không phải là cách để một đất nước phát triển,” GS Carl Thayer nói với BBC News Tiếng Việt từ Úc.

 

 

·        Những bài báo về phim The Sympathizer biến mất: cuộc chiến trong ký ức sau nửa thế kỷ

9 tháng 4 năm 2024

·        Kênh đào Phù Nam Techo có thể cho tàu quân sự Trung Quốc tiến vào?

26 tháng 4 năm 2024

·        Chỉ thị mật của Bộ Chính trị: Việt Nam không thực tâm thực thi công ước quốc tế về công đoàn

11 tháng 3 năm 2024

 

VIDEO : "ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ MẤT CHỨC: CHIẾN DỊCH ‘ĐỐT LÒ’ CỦA ÔNG TRỌNG THẤT BẠI?", Thời lượng 14,30

 https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c51np4ygyy3o

 

Thiếu một quy trình chọn người kế nhiệm minh bạch

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam, vấn đề là “phải bắt trúng bệnh gốc”.

 

“Chứ không phải bắt một, hai hay 100 người, bỏ tù một ông ủy viên trung ương, 10 ông tướng quân đội, hay bảy, tám ông tướng công an, xử lý hết ông nọ đến ông kia."

 

“Đó không phải là cách làm bài bản, không đánh vào nguyên nhân cốt lõi. Cốt lõi là chính bản chất của hệ thống này."

 

TS Nguyễn Quang A chỉ ra rằng Việt Nam cần phải trở thành một nhà nước pháp quyền.

 

“Ông điều tra, ông công tố và ông tòa án phải hoạt động độc lập với nhau, và theo luật, chứ không theo chỉ đạo của Ban Nội chính, Ban Bí thư, hay Đảng Cộng sản Việt Nam.”

 

Bên cạnh đó, cần có các cơ quan giám sát hoạt động động lập, không chịu sự chỉ đạo của ĐCSVN.

 

Việt Nam hiện không có yếu tố nào trong số những yếu tố kể trên “thì làm sao chống được tham nhũng”, GS Quang A nói.

 

Ông cũng nói rằng việc hạ bệ hàng loạt cán bộ cấp cao, đỉnh điểm là ba "Tứ Trụ" mất chức trong vòng hơn một năm "với lý do không được minh bạch cho lắm", khiến người dân mất niềm tin vào ĐCSVN.

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, do không có một quy trình minh bạch, nên xảy ra đồn đoán trên mạng xã hội.

 

"Cả tháng nay, người ta đã bàn tán nhiều về một loạt kịch bản, như bà Trương Thị Mai sẽ lên làm chủ tịch nước, ngồi đó cho tới khi nghỉ hưu vào tháng 5/2026. Rồi ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư ĐCSVN thay ông Trọng."

 

“Đáng tiếc là bản thân Đảng Cộng sản đã không tạo ra một quy trình minh bạch, chí ít là trong nội bộ đảng," Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói.

 

“Vì nó không minh bạch, nên ai cũng muốn lên vị trí đó. Việc cạnh tranh là tốt, lành mạnh, không có gì là không tốt, đáng chê cả. Nếu cạnh tranh theo quy trình lành mạnh, chứng minh được tôi thỏa mãn các tiêu chí đó, thì đó là một quy trình làm cho việc kế vị rõ ràng, minh bạch và người dân được thấy rõ. Lúc đó sẽ không có chuyện đồn đoán. Tiếc là vài năm trở lại dây chuyện đồn đoán nở rộ. Vì bây giờ công nghệ cho phép sự đồn đoán này lan ra nhanh chóng.”

 

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng điều này cho thấy một chính sách kế vị thất bại hoàn toàn, một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nội bộ ĐCSVN.

 

-----------------

Tin liên quan

·         

Vụ ông Vương Đình Huệ từ chức dưới góc nhìn quốc tế

28 tháng 4 năm 2024

·         

Ông Vương Đình Huệ mất chức: Chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng thất bại?

29 tháng 4 năm 2024

·         

Đại tướng Tô Lâm: nhân vật trung tâm sau khi ông Vương Đình Huệ mất chức

27 tháng 4 năm 2024

·         

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ chức: thêm một cơn địa chấn chính trị

27 tháng 4 năm 2024

·         

Những dấu hiệu lạ sau vụ bắt ông Phạm Thái Hà, trợ lý của ông Vương Đình Huệ

25 tháng 4 năm 2024

·         

Quy định 41 của Bộ Chính trị giúp cán bộ cấp cao 'hạ cánh an toàn'?

25 tháng 4 năm 2024

 

-------------------

Tin chính

·        Ông Vương Đình Huệ mất chức: Còn ai ‘trong sạch như tuyết’?

9 giờ trước

·        Vụ ông Vương Đình Huệ từ chức dưới góc nhìn quốc tế

28 tháng 4 năm 2024

·        Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ chức: thêm một cơn địa chấn chính trị

27 tháng 4 năm 2024

Ông Vương Đình Huệ mất chức: Chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng thất bại?

29 tháng 4 năm 2024





No comments:

Post a Comment

View My Stats