Bốn mươi chín năm, nhìn lại...
Thứ
Ba, 04/30/2024 - 10:27 — VietTuSaiGon
https://www.rfavietnam.com/node/8028
Tuổi
trẻ của tôi đi qua một mùa lúa không thể nào quên, mùa lúa đen đúa và hôi hám,
năm ấy lụt toàn miền, các hợp tác xã chính thức bỏ đồng, người nông dân đua
chen nhau gặt mót những bông lúa thối, đương nhiên, nó sẽ được phơi khô, sấy,
giã lấy gạo để nấu cháo. Và đương nhiên, tôi không thể nào quên mùi cháo đó, nó
còn đáng sợ hơn rất nhiều so với mùi cơm độn khoai mì khô xắt lát hay hạt kê.
Nhưng đó là bữa cháo may mắn toàn gạo thời kinh tế tập trung bao cấp, cái thời
mà cả nước rồng rắn nối đuôi, bà lương thực như bà chúa, ông thuế vụ tợ ông
vua.
Thế
rồi cái thời khốn nạn và kinh hoàng ấy cũng đi qua, thay vào đó là thời kinh tế
thị trường, mở cửa nhưng phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng đồng
nghĩa với việc thống soái, điều hành đất nước và lãnh đạo tiên phong của đảng Cộng
sản.
Năm
1986, năm mở cửa kinh tế bắt đầu, cũng là năm bắt đầu mùa bội thu của những kẻ
biết cơ hội và cán bộ Cộng sản.
Khi
kinh tế mở cửa, có nhiều thứ được nới lỏng, trong đó cơ hội làm giàu của người
thuộc chế độ cũ cũng được mở ra. Tuy nhiên, nó chỉ mở rộng và dễ chịu với những
kẻ biết cơ hội, những kẻ trước 30 tháng 4 còn là cán bộ miền Nam, sau 30 tháng
4 bỗng chốc đội nón cối, mang túi xách theo đoàn đi lùng sục nhà từng người để
tịch biên tài sản.
Cú
đánh vào tư sản sau 30 tháng 4 khiến cho gia đình ông bác họ của tôi lụn bại
đúng nghĩa, cả nhà bị tịch biên mọi thứ, ông là người liều lĩnh và thông minh,
trước đó đã cho một ít vàng vào nồi canh khi nghe đoàn công tác tới. Đoàn tới
ngay bữa cơm trưa, vậy là đoàn tha hồ khám xét và kê biên, cả nhà chỉ còn biết
ngồi như tượng đất, và chẳng ai dám múc canh vì sợ tiếng leng keng.
Thế
rồi người cán bộ - cũng là đồng nghiệp cũ của ông, người thuộc cấp của ông và
bây giờ đã theo cơ hội mới - liếc thấy gia đình không ai dám múc canh cả, ông
ta hoài nghi, lấy cái vá khuấy vào nồi canh, tiếng leng keng khiến ông ta cười
đắc chí, còn ông thì ngã ngửa vì đau đớn, gia đình thì mất mọi thứ và mất cả nồi
canh hến, thứ rất quí hiếm sau ngày 30 tháng 4.
Sau
đó gia đình ông bác tôi trở nên bần hàn đúng nghĩa, kéo nhau về quê, lam lũ, vất
vả với đám ruộng tập thể, đất đai ở quê cũng bị tịch biên sung công cả, tự mình
đi làm công điểm trên đám ruộng của mình. Đương nhiên, gia đình ông bị xếp vào
diện tư sản và phong kiến, bị đẩy vào những chỗ dơ dáy, rác rưởi và đầy phân
heo, phân bò để đứng cấy, đứng cào cỏ.
Người
anh cả trong gia đình cũng không được thi vào đại học vì lý lịch đen, may sao đến
thời tôi thì nhà nước đã bỏ thứ qui định quái quỉ ấy nên các anh họ khác cùng lứa
với tôi vào đại học. (Thực tâm mà nói, tôi cho rằng nhà nước bỏ thứ qui định đó
là còn biết khôn, chứ nếu cứ giữ, chả có mấy đứa đi học đại học, trường đại học
cũng không còn bao cấp như xưa, có mà phá sản à. Đó là chưa muốn nói đến lượng
chất xám bị vứt đi một cách ngu xuẩn!).
Thời
gian trôi qua, khốn cùng trôi qua, thế rồi gia đình ông bác tôi cũng gượng dậy
dưới thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Lúc này, những đứa
cơ hội bắt đầu toa rập, áp phe với cán bộ địa phương, rồi leo dần lên những nấc
thang cao hơn để qua lại, áp phe làm ăn. Những đại gia mọc ra như nấm sau đêm
mưa, sau một trận mưa thị trường nhà đất thì người ta đếm đại gia không xuể,
toàn tiền tỉ này tỉ nọ, thậm chí trăm tỉ, ngàn tỉ...
Tất
cả các đại gia trên đều không có khả năng sản xuất nổi một con ốc hay gói mì
tôm theo dây chuyền đúng nghĩa, tất cả các đại gia trên đều trở thành ăn mày nếu
như đất có sự cố thị trường, nếu như cái dù che họ bị bật gốc, hay nói khác đi
là nếu như kẻ chống lưng quyền lực bị rớt, mọi thứ coi như xong.
Cho
đến lúc này, hàng loạt các đại gia bị tó, kèm theo việc này là hàng loạt quan
chức cấp cao, cao khủng khiếp cũng bị tó, nếu không bị tó thì bị xua về vườn một
cách nhục nhã. Mọi thứ đã nói lên vấn đề, chắc không nên bàn thêm.
Nghe
con số vài ngàn tỉ, thậm chí vài triệu tỉ đồng cứ như giấy lộn, lá mít, những
con số đầy nhức nhối ấy mọc ra giữa một mặt bằng dân sinh hết sức lổm chổm, có
nhiều người vì nợ vài chục triệu đồng (khoản tiền tương đương một miếng bò dát
vàng ăn lót bụng của giới quan chức) mà phải bỏ nhà đi biệt xứ.
Có
nhiều người cả đời loay hoay với căn nhà vá chằng vá đụp, chẳng biết bao giờ có
được bữa cơm, và miếng ăn ngon, bữa no vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Mà
đâu riêng gì những người thiếu ăn, thiếu mặc mới bị ám ảnh về miếng ăn. Ngay cả
những kẻ giàu nứt đố đổ vách hay những người thuộc hạng trung lưu, tiền bạc rủng
rẻng vẫn cứ bị ám ảnh về miếng ăn. Văn hóa về miếng ăn như một tập khí dân tộc,
mọi thứ hoạt động văn hóa, mọi thứ sinh hoạt đều qui về miếng ăn cho đến lúc
này.
Thử
nghĩ có quốc gia nào giống quốc gia của chúng ta, một quốc gia có quá nhiều kỉ
lục về miếng ăn, từ chiếc bánh chưng nặng hàng tấn cho đến bát hủ tiếu nặng cả
tấn, rồi dĩa bê thui cho cả ngàn người ăn, tô mì Quảng cũng cho cả ngàn người
ăn, một cái bánh xèo cho cả ngàn người ăn, và gần đây nhất là cây chả mực nặng
hơn hai trăm ký, dùng hơn bốn ngàn lít dầu để chiên... Tất cả đều có chung một
nghi thức: Dâng lên tổ tiên! Lẽ nào tổ tiên của chúng ta phàm ăn tục uống đến vậy?!
Tôi nghĩ
là không, chính nỗi ray rứt, cơn ám thị về cái đói, miềng ăn của một dân tộc đã
tạo ra những thứ kỉ lục quái thai và bế tắc trên. Khi nhìn những thứ kỉ lục của
Việt Nam, người ta chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẫm, nhẹ thì cho rằng cụt ý tưởng,
nặng hơn thì cho rằng đó là biểu hiện của sự dốt nát, chưa thoát khỏi miếng ăn.
Nhưng, sâu xa hơn nữa, nó cho thấy căn tính của dân tộc, một căn tính rỗng
nhưng ưa vĩ đại.
Thứ
căn tính rỗng nhưng ưa vĩ đại này hiện rõ trong hành xử thô lỗ và kệch cỡm của
giới quan chức, cho đến lúc này, có quá nhiều nhân vật để ví dụ chứ chẳng còn
tính chất đại diện hay điển hình nữa rồi!
Sau
bốn mươi chín năm, đất nước có phát triển về kinh tế, đất nước được thống nhất
hai miền Nam - Bắc, người miền Nam có thể thăm Hà Nội, thăm các tỉnh thành phía
Bắc và người miền Bắc có thể thăm Sài Gòn, thăm Huế, thăm Đà Nẵng và thăm mọi
nơi trên đất nước này. Đó là một sự thành công về địa lý.
Nhưng,
có một thứ địa lý khác đã ăn chết trong tâm hồn người Việt, hễ cứ người miền
Nam, cụ thể là Nam vĩ tuyến 17 đều không ưa người miền Bắc, ngược lại, người miền
Bắc cũng coi thường người miền Nam vì họ cho rằng “người miền Nam hời hợt,
không sâu sắc”. Tất cả những biểu hiện trên chiếm con số đại trà chứ không
riêng lẻ.
Ranh
giới, khoảng cách và hố ngăn chia rẽ tâm hồn Nam - Bắc ngày càng nặng nề, sự tổn
thương và có cả thù hận của bên thua cuộc sau một quá trình dài bị phân biệt đối
xử, bị tịch biên tài sản, gia đình tứ tán, bỏ mạng trên biển Đông, bỏ mình nơi
rừng thiêng nước độc trại cải tạo và mất cơ hội tương lai do chính sách phân biệt
lý lịch... Mọi vết thương, mọi nỗi đau dường như vẫn còn đó, vẫn còn mưng mủ và
rưng đau khi trái gió trở trời.
Trong
khi đó, một mặt kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc, một mặt phân biệt đối xử và
ưu tiên cho con ông cháu cha, thái tử đảng xử sự như một ông kễnh địa phương,
thậm chí chẳng coi ai ra gì, ăn chơi bạt mạng, trác tán, cán bộ chỉ biết hưởng
lạc và sẵn sàng bóp chết tương lai, số phận của bất kì người dân nào thấp cổ bé
miệng...
Với
tất cả những gì có được sau bốn mươi chín năm kẻ buồn thối ruột, người vui
ngoác miệng như vậy thì e rằng, không có câu nào để mô tả đúng bản chất hơn câu
của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước có bao giờ được như hôm nay!”.
Đúng,
sau bốn mươi chín năm, kinh tế có phần phát triển, phát triển nhanh và một số kẻ
quyền thế, cơ hội giàu phất lên. Nhưng, cũng sau bốn mươi chín năm, cả dân tộc
bị thụt lùi vào hố lạc hậu, chúng ta đứng qua xa sự văn minh, tiến bộ.
Có
phát triển mà không có tiến bộ, ấy là sự phát triển của chuồng trại. Thế giới
loài người cần văn minh và tiến bộ trước, rồi sau đó phát triển trên nền tảng
văn minh, tiến bộ đã đạt được. Còn chúng ta, hoàn toàn ngược lại sau gần nửa thế
kỉ!
No comments:
Post a Comment