Pháp
sẵn sàng đưa « vũ khí hạt nhân » vào chính sách phòng thủ chung châu
Âu
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 28/04/2024 - 13:16
Giao
lưu với thanh niên châu Âu, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua,
27/04/2024, tái khẳng định Paris « sẵn sàng mở lại tranh luận về chính
sách phòng thủ chung của Liên Âu, kể cả về vấn đề vũ khí hạt nhân ».
Pháp cũng « sẵn sàng đóng góp nhiều hơn » để bảo vệ lãnh thổ
toàn khối.
Một
vụ thử hạt nhân của Pháp tại đảo san hô Mururoa, Polynesia thuộc Pháp vào năm
1970. © Pierre J./Flickr
Tổ
hợp báo chí Ebra quy tụ 9 tờ báo địa phương ở khu vực miền đông nước Pháp cho
đăng lại nội dung cuộc trao đổi giữa tổng thống Emmanuel Macron với một nhóm
thanh niên châu Âu tại Strasbourg vừa qua. Trong cuộc trò chuyện này ông cho biết
« sẵn sàng mở lại cuộc tranh luận về chính sách phòng thủ chung, trong
đó bao gồm cả các vế thiết lập một hệ thống chống tên lửa chung cho toàn khối,
chống vũ khí tầm xa và vũ khí hạt nhân ». Từ khi Anh Quốc ra khỏi
Liên Hiệp Châu Âu, Pháp là thành viên duy nhất trong khối này có trang bị vũ
khí hủy diệt hàng loạt. Trong tuần, Ba Lan thông báo sẵn sàng tiếp nhận vũ
khí hạt nhân, cho phép tăng cường khả năng răn đe cho toàn khối.
Cách
nay hai ngày (25/04/2024) phát biểu tại đại học Sorbonne - Paris về chính sách
châu Âu, tổng thống Macron đã dành một phần lớn bài diễn văn cho vế quốc phòng.
Ông đã nhấn mạnh đến một khối « Châu Âu vững mạnh », đến việc
27 thành viên cùng nhau tự chủ về quân sự, trang bị một hệ thống phòng thủ
« đáng tin cậy » song song với lá chắn của NATO và để đối mặt
với Nga khi cần. Cụ thể, Paris chủ trương Liên Âu cần được bảo đảm là có một hệ
thống lá chắn chống tên lửa « hiệu quả », « tức là phải
được trang bị tên lửa tầm xa ». Hệ thống lá chắn đó cũng phải là
phương tiện làm nản lòng các đối thủ của Châu Âu, như là Nga « khi họ
muốn sử dụng vũ khí hạt nhân ». Matxcơva đã nhiều lần đe dọa sử dụng đến
loại vũ khí này nếu quyền lợi của Matxcơva bị đe dọa.
Hãng
tin Pháp AFP nhắc lại rằng việc thiết lập một chính sách quốc phòng chung cho
Liên Hiệp Châu Âu lâu nay vẫn là một chủ đích của Pháp nhưng quan điểm này luôn
bị các đối tác phản đối vì cho rằng châu Âu đã có ô dù quân sự của Liên Minh Bắc
Đại Tây Dương, NATO.
Từ
khi Nga đưa quân xâm chiếm Ukraina và trước viễn cảnh Donald Trump tái đắc cử tổng
thống Hoa Kỳ, chính sách phòng thủ chung châu Âu đã được quan tâm trở lại.
No comments:
Post a Comment