Đồng
bằng sông Cửu Long: Nông dân phải thích ứng với ngập mặn ngày càng trầm trọng
Thanh Phương
- RFI
Đăng
ngày: 08/04/2024 - 14:20
Là
vựa lúa của Việt Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị ngập mặn ngày càng
trầm trọng và nông dân trong vùng này nay buộc phải thích ứng với tình trạng
đó.
https://s.rfi.fr/media/display/da930284-e454-11ee-aca5-005056bf30b7/w:980/p:16x9/000_34LR3ZT.webp
Nông
dân trên cánh đồng lúa khô hạn giữa đợt nắng nóng kéo dài ở tỉnh Cà Mau, Đồng bằng
sông Cửu Long, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 23/02/2024. AFP - TAN DIEN
Tình
trạng khô hạn và ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long lên đến mức mà tỉnh Tiền
Giang vào ngày 06/04/2024 đã phải công bố "tình huống khẩn cấp"
trong khu vực huyện Tân Phú Đông.
Trước
đó, bên lề hội thảo Bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước tại
Hà Nội ngày 15/3, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường,
đã công bố một nghiên cứu mới cho biết là bốn ngành lúa, thủy sản, cây ăn quả,
hoa màu của đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm bị thiệt hại hơn 70.000 tỷ đồng,
tương đương với khoảng 3 tỷ euro, do bị xâm nhập mặn.
Báo
cáo cũng dự đoán là thiệt hại do xâm nhập mặn sẽ tăng dần theo thời gian, với
các kịch bản cho những năm 2030, 2040, 2050. Ông Trần Anh Phương, Viện Khoa học
Tài nguyên nước, cho biết sự gia tăng của các dự báo tương ứng với kịch bản nước
biển dâng, hoạt động phát triển kinh tế, xã hội cũng như khai thác tài nguyên
nước thượng nguồn, đặc biệt là phát triển thủy điện và chuyển nước ra ngoài lưu
vực.
Đồng
bằng sông Cửu Long là phần hạ lưu giáp biển của sông Mekong, có địa hình thấp
và khá bằng phẳng với 2 vùng trũng lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên.
Cùng với 2 dòng chính là sông Tiền và sông Hậu, đồng bằng sông Cửu Long có hệ
thống kênh rạch chằng chịt, cho nên dễ bị xâm nhập mặn do thủy triều đưa nước mặn
vào sâu trong sông và nội đồng, đặc biệt trong mùa cạn, khi mà lưu lượng dòng
chảy từ thượng nguồn sông Mekong xuống thấp. Trả lời RFI Việt ngữ, giáo sư Võ
Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, nhắc lại lịch sử hình
thành của đồng bằng sông Cửu Long:
“Các
nhà địa chất xác định tuổi carbon 14 của đồng bằng là được hình thành từ khoảng
10 ngàn năm trước. Khi đồng bằng sông Cửu Long mới hình thành, bờ biển nằm ở
ranh giới Cam Bốt bây giờ. Qua những đợt nước biển lùi vài trăm năm rồi nước biển
dâng trở lại vài trăm năm, cứ dâng và lùi như vậy, mỗi lần thay đổi mặt nước biển
thì để lại vết tích là những dòng cát. Có hàng trăm dòng cát như vậy nằm song
song với bờ biển hiện tại.
Nói
cách khác, đồng bằng sông Cửu Long không có lạ gì với hiện tượng nước biển dâng
và lùi. Nhưng bây giờ các nhà khí tượng học dự đoán là những quy luật trước đây
như vào thời “Năm Thìn bão lụt” thì bây giờ không còn như vậy nữa. Bây giờ muốn
lụt lúc nào thì lụt, muốn hạn lúc nào thì hạn. Bên kia thì đang lụt, nhưng bên
đây thì lại đang cháy rừng.”
Thiếu
nước ngọt trong mùa nắng nóng
Trong
hơn một tháng qua, miền Nam Việt Nam phải đối mặt với đợt nắng nóng kéo dài bất
thường. Các nhà khí tượng học cảnh báo hiện tượng này có thể tiếp tục kéo dài với
hậu quả làm trầm trọng thêm tình trạng xâm nhập của nước biển vào nước ngầm hoặc
nước mặt. Hiện tượng, vẫn xảy ra hàng năm vào mùa khô, càng gia tăng do tác động
của thời tiết nóng bức và mực nước biển dâng cao, cả hai đều chịu áp lực do biến
đổi khí hậu. Độ mặn tăng ảnh hưởng đến cây trồng và khả năng tiếp cận nước sinh
hoạt của người dân.
Trong
số 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau có mức độ thiệt hại lớn nhất,
tiếp đến là Bến Tre. Hãng tin Pháp AFP ngày 20/03/2024 đã có bài phóng sự tại Bến
Tre, nơi đang bị một đợt nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn đe dọa nền kinh tế địa
phương. Nói với AFP, nông dân Nguyễn Hoài Thương than thở: "Thật
lãng phí khi bỏ ruộng lúa vì chúng tôi không có nước ngọt. Thay vào đó tôi phải
nuôi bò".
Tại
Bến Tre, các cánh đồng vốn được trồng lúa nay đã bị nứt nẻ do hạn hán, nắng
nóng. Do thiếu mưa, gia đình nông dân Nguyễn Hoài Thương phải mua nước sinh hoạt
của hàng xóm với giá gần 500.000 đồng (20 euro) vào tháng 2 vừa qua. Ông Nguyễn
Hoài Thương giải thích: “Chúng tôi không có nguồn nước ngọt ngầm và nước
mặt thì mặn”. Nông dân Phan Thành Trung, người trồng lúa cùng làng với
Nguyễn Hoài Thương, cho biết: “Tôi phải giảm vụ từ ba vụ xuống chỉ còn
hai vụ một năm. Nước ở vùng tôi quá mặn nên không thể sử dụng được”. Người
hàng xóm Nguyễn Văn Hùng thì đã tận dụng đợt nắng nóng để kiếm thêm thu nhập từ
nguồn nước ngọt dồi dào dưới lòng đất. Ông cho biết: “Khi có những đợt
hạn hán, xâm nhập mặn, tôi bán nước ngọt cho hàng xóm, nhưng nói thật là tôi
cũng không vui. Thời tiết bất lợi thực sự ảnh hưởng nặng nề đến chúng tôi.”
Đa
dạng hóa nông nghiệp để thích ứng
Gần
đây, các tổ chức quốc tế và các chương trình của chính phủ đã khuyến khích đa dạng
hóa nông nghiệp nhằm hướng tới khả năng phục hồi kinh tế và khí hậu tốt hơn. Cụ
thể là nông dân nên duy trì các đồng lúa trong mùa mưa, khi sông Mekong có thể
cung cấp đủ nước ngọt, sau đó chuyển những cánh đồng đó sang nuôi tôm hoặc nuôi
tôm vào mùa khô.
Giáo
sư Võ Tòng Xuân cũng đưa ra khuyến cáo tương tự:
“Những
vùng nào mà mình biết đã nhiễm mặn thì đừng ngăn mặn và đem nước ngọt về “ngọt
hóa” để trồng lúa làm gì, đã có nhiều lúa lắm rồi. Bây giờ mình làm theo nghị
quyết của chính phủ năm 2017, nghị quyết mà tôi đã hết sức đấu tranh để nhà nước
chấp nhận thả ra, không còn ép buộc trồng lúa mọi lúc, mọi nơi. Sau nghị quyết
2017, nông dân được hướng dẫn là ở vùng ven biển không trồng lúa trong mùa nắng,
trong mùa nước mặn nữa, mà chỉ trồng lúa trong mùa mưa thôi. Sau khi hết mưa rồi,
thu hoạch lúa xong thì mình cho nước mặn vào rồi nông dân bắt đầu nuôi tôm, cua
biển, hoặc cá kèo. Khi mùa mưa tới nữa thì mình lại trồng lúa.
Mình
cũng khuyến cáo bà con nông dân rất kỹ: Khi vừa thu hoạch lúa xong, đất ruộng
còn ướt, đưa nước mặn vào thì nước mặn chỉ nằm bên trên thôi. Tức là khi đưa nước
mặn vào thì đất ruộng phải còn ướt, còn sình lầy, như vậy đất sẽ không bị nhiễm
mặn, mùa tới khi mưa trở lại thì có thể trồng lúa như bình thường.
Ở
vùng giữa ( đồng bằng sông Cửu Long ), bây giờ bà con được khuyến cáo là chỉ trồng
một vụ lúa thôi, còn lại thì trồng những loại cây trồng cạn, như cây bắp, cây
sorgho, cây mía...Có vùng thì họ lên liếp hết, trồng cây ăn quả ở trên, còn ở
dưới mương thì nuôi cá hay dùng giống như hồ chứa nước trong mùa mưa để tưới
cho cây trồng trong mùa nắng.
Còn
nguyên một vùng nằm dọc theo biên giới Cam Bốt, nơi mà sông Cửu Long bắt đầu đến
Việt Nam, thì mình lấy nước ở đoạn sông đó để dẫn vào hệ thống thủy lợi dọc
theo vùng phía trên Đồng Tháp Mười để phân bổ nước ngọt của sông Hậu Giang cho
vùng Tứ Giác Long Xuyên. Diện tích tổng cộng của vùng này là khoảng 1 triệu 500
ngàn hecta, là vùng luôn luôn có nước ngọt, nước mặn không bao giờ lên đến đó.
Đây là vùng mà tôi gọi là “sống chung với biến đổi khí hậu”, tức là không bị ảnh
hưởng”.
Mô
hình "không bền vững"?
Trong
một bài viết trên trang mạng The Diplomat của Nhật Bản ngày 09/02/2024, bà
Quinn Goranson, một nhà nghiên cứu về khí hậu và chuyển đổi năng lượng ở
Canada, đã cảnh báo về những hậu quả của mô hình nói trên, vì theo bà, người ta
ít chú ý đến các tác động tiêu cực đến môi trường của quá trình chuyển đổi
hàng loạt sang nuôi tôm, một hành động mà thật ra theo bà là "không bền
vững". Giáo sư Võ Tòng Xuân trấn an về cảnh báo nói trên:
“
Đất ruộng để nuôi tôm không bao giờ sử dụng hóa chất, cho nên loại múa ST25 là
loại gạo ngon nhất Việt Nam được trồng ở những ruộng tôm này là tốt nhất, vừa đạt
tiêu chuẩn quốc tế, vừa an toàn cho người dân ăn. Đó là tại vì người ta biết là
xài hóa chất cho lúa thì sẽ ảnh hưởng đến tôm nuôi. Còn khi nuôi tôm thì bây giờ
người ta cũng sản xuất tôm giống rất là kỹ. Khi nuôi trong ruộng nếu tôm bệnh
thì người ta dùng các loại thuốc vi sinh, tức là probiotique, chứ không phải là
antibiotique.”
Tuy
nhiên, trong bài viết nói trên, nhà nghiên cứu Quinn Goranson lo ngại một cái
vòng luẩn quẩn của tác động tiêu cực từ mô hình đó:
“Nông
dân theo mô hình trồng lúa/nuôi tôm đã bắt đầu nhận thấy tác động lâu dài của
các ao nuôi tôm đối với chất lượng đất, vì biến đổi khí hậu hạn chế khả năng xả
muối của sông Mê Kông, khiến đất kém màu mỡ. Cuối cùng, khi tình trạng xâm nhập
mặn trở nên trầm trọng hơn do mực nước biển dâng cao và sụt lún mặt đất liên tục,
độ mặn sẽ vượt quá mức có thể chấp nhận được ngay cả đối với những loài tôm
này. Cho nên người ta đã khuyến khích việc khai thác nước ngầm để làm loãng độ
mặn của ao nuôi tôm. Sự suy giảm tầng chứa nước đã góp phần gây ra tình trạng sụt
lún đất ở đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều thập kỷ, đẩy nhanh tốc độ sụt lún
chưa từng thấy của đồng bằng ở mức 18 cm trong 25 năm qua.”
Tình
trạng sụt lún đất cũng chính là một trong những nguyên nhân ban đầu dẫn đến xâm
nhập mặn. Cho nên nhà nghiên cứu Quinn Goranson đề nghị cần có những nghiên cứu
sâu hơn để hiểu rõ hơn về tác động lên hệ sinh thái đồng bằng sông Cửu Long.
No comments:
Post a Comment