Tuesday, 9 April 2024

DIỄN BIẾN QUYỀN LỰC TRONG GIỚI LÃNH ĐẠO KINH TẾ CỦA TRUNG QUỐC (The Economist)

 



Diễn biến quyền lực trong giới lãnh đạo kinh tế của Trung Quốc

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

09/04/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/04/09/dien-bien-quyen-luc-trong-gioi-lanh-dao-kinh-te-cua-trung-quoc/

 

Vào ngày 27 tháng 3, các giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ ở Bắc Kinh đã có cơ hội hiếm hoi để gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ngay tại thủ đô. Cuộc họp diễn ra sau Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, một hội nghị kinh tế thường niên hay được tổ chức tại những nhà khách quốc gia yên tĩnh ở thủ đô. Song bối cảnh kinh tế tổng quan lại kém êm đềm hơn, do cả nền kinh tế lẫn thị trường chứng khoán đều suy yếu, bên cạnh các biện pháp thắt chặt quản lý. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã sụt giảm.

 

Trước đây, những cuộc họp như vậy không được giao cho chủ tịch Trung Quốc mà cho thủ tướng, người có truyền thống nắm quyền điều hành chính sách kinh tế. Thủ tướng Lý Cường chỉ mới nhậm chức được một năm khi gặp các doanh nhân, trong đó có Tim Cook, giám đốc điều hành Apple, bên lề diễn đàn năm ngoái. Với hy vọng khôi phục lại tâm lý lạc quan sau đại dịch, ông Lý đã kêu gọi các đại biểu hãy nhìn thấy cầu vồng sau cơn mưa, thay vì nhìn xuống bùn dưới chân họ.

 

Nhưng năm nay ghế chủ toạ của ông Lý đã bị ông Tập lấy mất. Thủ tướng cũng bỏ lỡ một cơ hội cấp cao để giao tiếp với thế giới bên ngoài vào đầu tháng này, khi quốc hội Trung Quốc không tổ chức cuộc họp báo sau lễ bế mạc kỳ họp của ông.

 

Sự dè dặt này đang trở thành một khuôn mẫu mới. So với người tiền nhiệm, ông Lý tổ chức ít cuộc gặp với quan chức nước ngoài và lãnh đạo doanh nghiệp hơn trong năm đầu tiên nắm quyền: chỉ bằng 2/3, theo tờ South China Morning Post. Số cuộc họp ở nước ngoài của ông cũng chỉ bằng một nửa. Và khi đi công du, ông cũng chỉ bay máy bay thương mại đặt riêng chứ không phải chuyên cơ của chính phủ.

 

Có một cuộc tranh luận sôi nổi ở Trung Quốc về nguyên nhân của những thay đổi này. Một quan điểm cho rằng ông Lý đang khéo léo thể hiện sự tôn trọng của mình đối với ông Tập, ngay cả khi ông vẫn giữ được ảnh hưởng đáng kể trong hoạch định chính sách. Một quan điểm khác cho rằng ông đã bị thu hẹp quyền lực. Dù thế nào đi nữa, tầm bao quát kinh tế của thủ tướng dường như đã nhỏ lại, tập trung hơn vào các động lực tăng trưởng mới trong nước chứ không phải giao lưu quốc tế. Tờ SCMP chỉ ra rằng ông Lý đã dành nhiều thời gian hơn người tiền nhiệm để đi thị sát khắp đất nước. Đối với giới lãnh đạo, kinh tế cũng đã mất đi tầm quan trọng so với an ninh quốc gia. Bất kể ảnh hưởng của ông có suy giảm hay không, số đầu việc do ông Lý nắm vẫn hẹp đi đáng kể.

 

Quyền lực của các nhà lãnh đạo Trung Quốc không xuất phát từ vị trí của họ trong chính phủ, mà từ vị thế của họ trong Đảng Cộng sản, bao gồm Bộ Chính trị gồm 24 người. Vào thời điểm đảng chọn Bộ Chính trị tiếp theo vào năm 2027, ông Lý đã vượt quá độ tuổi nghỉ hưu theo thông lệ là 68. Khi đó, ông có thể từ chức thủ tướng sau một nhiệm kỳ.

 

Nếu vậy, người kế nhiệm khả dĩ sẽ là Đinh Tiết Tường. Là thành viên trẻ nhất trong Ban Thường vụ gồm bảy người của Bộ Chính trị, ông Đinh là trợ lý thân cận của ông Tập tại Thượng Hải vào năm 2007. Sau đó, ông theo sếp đến Bắc Kinh và tháp tùng ông trong nhiều chuyến công du nước ngoài trong nhiệm kỳ chủ tịch nước đầu tiên, bao gồm cả chuyến thăm khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Donald Trump ở Florida.

 

Ông Đinh là phó thủ tướng thứ nhất trong Quốc vụ Viện. Nhưng ông không giữ một vị trí nào trong ủy ban quyền lực nhất của đảng về quản trị kinh tế: Ủy ban Cải cách Sâu rộng Toàn diện Trung ương.

 

Các ủy ban đảng tương tự đã phát triển mạnh dưới thời ông Tập. So với các cơ quan chính phủ, các nhóm này có ít ràng buộc hơn trong hành động và không có giới hạn độ tuổi đối với các thành viên. Một ví dụ nổi bật là Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương. Cuộc họp vào năm 2021 của uỷ ban này đã khởi đầu cho chiến dịch “thịnh vượng chung” của ông Tập (nhằm trừng phạt các tỷ phú và giảm bất bình đẳng). Một cuộc họp mới đây của uỷ ban hồi tháng 2 đã đồng ý với mô hình “trả tiền mặt cho người bán đồ cũ” của Trung Quốc, nhằm khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp đổi đồ dùng và thiết bị cũ lấy thiết bị mới. Về hoạch định chính sách kinh tế, các ủy ban này đã lấn át ảnh hưởng của Quốc vụ Viện. Kể từ khi điều chỉnh các quy định vào năm ngoái, thường trực Quốc vụ Viện giờ chỉ còn họp hai hoặc ba lần một tháng, thay vì hàng tuần.

 

Nếu ông Lý mất ảnh hưởng thì ai lấp vào khoảng trống đó? Câu trả lời hiển nhiên là Hà Lập Phong, một phó thủ tướng khác, người đã trở thành cố vấn kinh tế chính của ông Tập. Ông Hà đến từ tỉnh Phúc Kiến, nơi ông Tập đã trải qua 17 năm sự nghiệp. Họ trở thành bạn bè và đồng nghiệp ở Hạ Môn, một thành phố cảng. Ông Hà thậm chí còn là khách mời trong đám cưới thứ hai của vị chủ tịch nước tương lai.

 

Macropolo, một tổ chức tư vấn ở Mỹ, lưu ý rằng ông Hà có ghế trong ba ủy ban tài chính của đảng. Ông là giám đốc văn phòng của Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương. Ông cũng tham gia hai ủy ban cấp dưới giám sát hệ thống tài chính và các cơ quan quản lý tài chính. Tầm nhìn của ủy ban đã được tóm tắt trong một bài báo trên Cầu thị, tạp chí lý luận của đảng, vào tháng 12. Nó nhấn mạnh rằng tài chính phục vụ nền kinh tế “thực”, cảnh báo về sự nguy hiểm của “đổi mới giả” trong lĩnh vực này và nhấn mạnh rủi ro tài chính có thể lây lan, tiềm ẩn, và mang tính phá hoại. Một nhà kinh tế cho biết: “Ở một mức độ nào đó, Tập Cận Bình không thích các nhân vật tài chính trong những bộ vest cầu kỳ và giày đẹp.”

 

Năm ngoái, ông Hà đã giám sát việc bổ nhiệm Lý Vân Trạch làm người đứng đầu cơ quan siêu quản lý tài chính mới của Trung Quốc, bao gồm cả ngân hàng và bảo hiểm. Cơ quan mới này cũng đảm nhận một số trách nhiệm giám sát trước đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Ngân hàng trung ương chưa bao giờ được hưởng quyền tự chủ hay tầm vóc như các cơ quan quản lý tiền tệ ở những nước khác. Thống đốc Phan Công Thắng có bằng tiến sĩ và có lẽ là một nhà kinh tế giỏi hơn bất kỳ nhà hoạch định chính sách nào ở trên ông. Nhưng ngân hàng dường như đang mất dần nhân sự và vị thế.

 

Theo “Giải mã Chính trị Trung Quốc,” một dự án của Viện Chính sách Xã hội châu Á, một tổ chức tư vấn khác ở Mỹ, ông Hà có mối quan hệ cá nhân với các quan chức trong bộ máy hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc. Lưu Côn, bạn cùng lớp của ông tại Đại học Hạ Môn ở Phúc Kiến, từng giữ chức bộ trưởng tài chính cho đến năm 2023 và giúp chọn ra người đương nhiệm, Lam Phật An. Người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc, La Văn, đã có một năm làm cấp phó cho ông Hà khi ông này còn là người đứng đầu Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định chính sách chính của Trung Quốc.

 

Người đứng đầu hiện tại của Uỷ ban này, Trịnh Sách Khiết, cũng đến từ tỉnh Phúc Kiến và từng làm việc dưới quyền ông Hà ở Hạ Môn. Ông từng chỉ trích các quan chức địa phương ở một thành phố ven biển khác vì sự tự mãn của họ. “Nếu anh không tiến bộ thì anh đang thụt lùi; còn nếu anh tiến bộ chậm, anh cũng đang thụt lùi.” Đà thăng tiến của ông thật đáng ấn tượng. Năm 1997, ông là quản lý của một nhà máy sản xuất dầu gan cá tuyết, đi lên từ một chân bảo trì thiết bị.

 

Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc năm nay, cả ông Trịnh và sếp của ông, ông Hà, đều kêu gọi các doanh nhân nước ngoài đầu tư vào “các lực lượng sản xuất mới” của Trung Quốc, nắm bắt các cơ hội mà thị trường rộng lớn và chương trình đổi mới đầy tham vọng của đất nước mang lại. Người ta chụp lại hình ông Hà tươi cười bắt tay các ông chủ của Blackstone, Pfizer, Corning, và Siemens bên ngoài một nhà khách trong khu vực, gần nơi hoàng đế thường câu cá. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài muốn biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chủ trương đường lối nào, thì ông Hà chính là người họ nên tìm tới. Nhưng liệu họ có thật sự muốn làm vậy không?./.

 

-------------------

Nguồn: “Who is up and who is down on China’s economic team” The Economist, 27/03/2024.





No comments:

Post a Comment

View My Stats