Lâm Công Tử / Người Việt
March
27, 2024
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/hien-tuong-thich-phap-hoa/
Những
ngày gần đây, mạng xã hội rộ lên hình ảnh của nhà sư Thích Chân Quang với những
lời nguyền rủa, xỉa xói của người dân khi ông này mỗi lần lên đàn thuyết pháp
thì câu đầu tiên là thuyết… phục chúng sinh phải tự nguyện cúng dường tất cả những
gì mà họ có. Từ tiền bạc, công sức cho tới nhà cửa đất đai, bất cứ cái gì có thể
quy ra tiền thì ông sư này đều hỉ hả. Chưa hết, là một nhà sư với điền thổ vô
cùng đồ sộ, ông thầy chùa lửa này liên tục kết án chúng sinh ngay cả những việc
làm hàng ngày của họ.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/BL-Thich-Phap-Hoa-e1711502092806.jpg
Đại
Đức Thích Pháp Hòa. (Hình: Facebook truclam.monastery)
Ông
định nghĩa sự luân hồi rất ác độc khi cho rằng một người là bác sĩ ngày nay là
do kiếp trước phạm tội giết người. Người làm thầy giáo là do kiếp trước đốt
sách. Tệ hại hơn, ông phán những người sống bằng nghề câu cá là lừa đảo, ắt về
già sẽ bị lở mồm và ung thư vòm họng. Những người hay đi du lịch mà không đến
chùa góp tiền công đức, ắt về già sẽ bị bại liệt. Những người hay hát karaoke ắt
khi chết sẽ thành con ma câm. Thậm chí, ông còn ác khẩu khi nói con gái mà
thích cưỡi ngựa kiếp sau sẽ lấy con ngựa làm chồng.
Bao
nhiêu tà ác hiển hiện lên từng bài thuyết giảng của ma tăng này khiến cộng đồng
mạng đào bới từng ly từng tí những bài thuyết giảng vô minh của ông. Thế là ông
hoảng loạn kêu cứu tới những người từng nghe lời ông rằng bọn phản động trong
và ngoài nước đang lên kế hoạch kết liễu ông nếu không cứu giúp thì trong vòng
hai năm tới ông sẽ bị tiêu diệt!
Lạ
một điều, song song với hình ảnh “nhà sư” Thích Chân Quang là câu chuyện về thầy
Thích Pháp Hòa cũng tràn ngập cộng đồng mạng. Người ta chia sẻ câu chuyện của vị
đại đức này như một phản biện việc làm, lời nói của ông sư Thích Chân Quang. Những
lời giảng của Đại Đức Thích Pháp Hòa như một luồng ánh sáng tràn vào tâm hồn những
Phật tử trót nghe theo lời mê muội đầy khẩu nghiệp của một thầy tu phạm giới. Nếu
Thích Chân Quang gieo trồng cái ác, cái ma đạo vào tư tưởng người nghe thì thầy
Thích Pháp Hòa gieo rắc lòng tư bi, hỷ xả, vị tha, hòa hiếu, tràn ngập không
gian khi thầy ngồi thuyết pháp đâu đó trên những vùng đất mà Phật muốn chúng
sinh nghe lời thánh thiện.
Người
ta chia sẻ cho nhau những video clip của thầy tràn ngập trên mạng nói về những
đề tài thiết yếu của chúng sinh, những đề tài mà người Phật tử muốn học hỏi, giải
thích từ miệng của một vị chân tu được thầy Pháp Hòa lần lượt tháo gỡ một cách
nhẹ nhàng đầy minh triết. Thầy giảng về sự cùng dường, về Tứ Diệu Đế, Bát Chính
Đạo cho người Phật tử thông suốt bất kể họ là ai, từ người ít học cho tới một học
giả thông thái. Thần thái khi giảng kinh của thầy Thích Pháp Hòa mới đáng nói,
thầy hòa nhã từ lời nói, vui vẻ tới khuôn mặt, hòa đồng cùng chúng sinh trong
cách thức giao tiếp khiến người nghe thầy càng ngày càng đông. Mỗi buổi thuyết
giảng thầy thường bắt đầu từ những câu hỏi mà người tham dự đưa ra. Bên cạnh những
câu hỏi liên quan tới Phật pháp không thiếu những câu hỏi đánh đố sự hiểu biết
và khả năng ứng phó của thầy.
Có
người hỏi “con có nuôi một con chó, con với nó ăn chay và cho nó nghe Pháp, hôm
nay con có dẫn nó theo nghe thầy giảng. Thầy cho con hỏi là con chó có hiểu được
lời thầy giảng hay không?” Trước câu hỏi bất ngờ này Đại Đức Pháp Hòa ngạc
nhiên sau đó nhanh chóng mỉm cười trả lời “về hỏi nó xem nó trả lời thế nào?”
Có
ai tiếp tục văn hỏi sau khi nghe câu trả lời ý nhị này nữa không? Chắc là
không. Thầy không khó chịu về câu hỏi, cũng không cố trả lời một cách lấp liếm.
Câu chuyện này như một công án thiền mà người nghe thích thú và học hỏi được
tính chất uyên thâm của người trả lời câu hỏi khó này.
Tìm
hiểu thêm về Đại Đức Thích Pháp Hòa chúng ta được biết thầy sinh năm 1974 tại Cần
Thơ, là con trưởng trong gia đình có hai người con trai. Năm lên 6 tuổi, cha thầy
sang Canada định cư. Thầy được cha bảo lãnh sang khi 12 tuổi và từ đó theo đuổi
con dường Phật Pháp mà thầy được chọn. Từ những năm còn thơ ấu tại quê nhà thầy
đã hướng lòng mình đến Phật khi một lần đến chùa và quy y với pháp danh Huệ
Tài.
Mười
lăm tuổi, thầy Pháp Hòa chính thức xuất gia tu hành với Thượng Tọa Thích Thiện
Tâm. Năm 2007, thầy làm trụ trì của Tây Phương Thiền Viện và được bầu làm viện
trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Edmonton, Canada.
Những
người thường xuyên tiếp xúc với đại đức đều cho rằng thầy là một người nhẹ
nhàng, từ tốn, và điềm đạm. Thầy là một trong những vị tăng trẻ có thành tựu rất
lớn trong lĩnh vực Phật sự và hoằng pháp. Ưu điểm của thầy là sự thông suốt ngoại
ngữ vì ra nước ngoài khi còn nhỏ nhưng khi thuyết pháp ít khi nào người ta nghe
thầy chêm tiếng Anh vào bài giảng khi không cần thiết, điều này làm cho thầy gắn
bó với người nghe hơn và thay vào đó là kiến thức uyên bác về Phật Giáo được
chia sẻ với chúng sinh, thỏa mãn những gì mà trước đây họ không hay chưa hiểu
thấu đáo.
Thầy
Pháp Hòa đi rất nhiều nơi khi được mời, người nghe thầy ngày một nhiều với cấp
số nhân và con số người Việt Nam trong và ngoài nước biết đến tên thầy lên đến
hàng triệu. Mới đây, thầy được mời về Thái Lan thuyết giảng, số Phật tử từ Việt
Nam sang khiến chính bản thân thầy phải kinh ngạc. Và tại đây, thầy có cơ hội
giải thích tại sao thầy không được phép về Việt Nam khi hàng triệu tín đồ trong
nước mong đợi. Sự suy đoán của người hiểu biết thầy thì nhiều nhưng câu trả lời
có lẽ chỉ có một. Các tu sĩ trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không muốn thầy
trở thành ánh dương cho Phật tử cả nước.
Hiện
tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào.
Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm
chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm
bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật
mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ
người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm
người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an
lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn
năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
“Phật
Giáo không đòi hỏi những hình thức cúng bài rườm rà hoặc những kiêng cữ đầy mê
tín mà quan trọng nhất là lòng thành. Tu không phải là cạo đầu, ăn chay, mặc áo
tràng hay tụng kinh niệm Phật. Tu là nhìn lại mình đã sai ở đâu để sửa chính bản
thân mình. Khi mình sửa được bản thân mình thì đó cũng là lúc mình giải được
nhiều phiền não khiến mình đau khổ.”
“Lạy
Phật không phải là để cầu xin mà là một cách thể hiện sự kính trọng và biết ơn
đối với một bậc thầy minh triết đã soi đường dẫn lối cho mình thoát khỏi u mê,
chứ không phải cầu trời khẩn Phật để được phù hộ.”
Khi
u minh bị ánh sáng huyền diệu soi tới cũng là lúc người Phật tử tỉnh ngộ. Thầy
Thích Pháp Hòa chính là ánh sáng ấy khi niềm tin vào Phật Pháp bị đám ác tăng
xuyên tạc, bẻ cong, áp đặt nhằm hướng tới mục tiêu mà Phật xa lạ: Tiền của và
danh lợi. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment