Dịch
vụ điện toán - digital của Pháp : Atos, con chim đầu đàn gẫy cánh
Thanh Hà - RFI
Đăng
ngày: 02/04/2024 - 15:46
Hơn 100
ngày trước lễ khai mạc Olympic Paris 2024, tập đoàn Pháp Atos, một trong những
cột trụ bảo đảm các dịch vụ điện toán, an toàn cho môi trường digital của sự kiện
thể thao trọng đại nhất toàn cầu, rơi vào tâm bão. Atos mất đến 97 % trị giá
trên các sàn chứng khoán trong 4 năm và có đúng 4 tháng để huy động 3,5 tỷ euro
thanh toán nợ đáo hạn.
(Ảnh
minh họa chụp tại Anger, Pháp, ngày 19/09/2019) - Công ty Atos, từng được kỳ vọng
sẽ giúp Pháp có thế độc lập với công nghệ digital của Mỹ, nay lâm cảnh khó
khăn. © AFP/Éric Piermont
Công ty
Atos bảo đảm các dịch vụ máy tính cho các nhà máy điện hạt nhân và quản lý, cất
giữ các dữ liệu hành chính liên quan đến gần 70 triệu dân Pháp. Chính phủ kỳ vọng
vào con chim đầu đàn về tin học này để phát triển trí tuệ nhân tạo, để độc lập
với công nghệ digital của Mỹ, để bảo mật các dữ liệu « nhậy cảm » về
an ninh, đề phòng những hoạt động phi pháp từ các toán tin tặc, nhất là của
Nga, Trung Quốc hay Iran, Bắc Triều Tiên.
Olympic
Paris 2024 không chỉ là sân chơi cho các vận động viên quốc tế tranh tài. Đây
còn là tủ kính để các tập đoàn công nghệ số hàng đầu thế giới cạnh tranh. Thế Vận
Hội cũng là đấu trường giữa các công ty bảo vệ an ninh mạng với các toán tin tặc
càng lúc càng năng động với những kỹ thuật và chiến lược càng lúc càng tinh vi.
Tổ chức trên sân nhà, Pháp kỳ vọng nhiều vào Atos.
Một cách cụ
thể, Atos lo liệu nhiều khâu dịch vụ khác nhau, từ việc đăng ký và cấp giấy
phép cho các vận động viên, các phái đoàn đến dự Olympic Paris, phân phối vé
vào cửa cho mỗi cuộc tranh tài, bảo đảm dịch vụ niêm yết trực tiếp về kết quả
các cuộc thi đấu trong suốt thời gian diễn ra Thế Vận Hội và Paralympic. Điều
đó cũng có nghĩa là tập đoàn Pháp này nắm giữ rất, rất nhiều thông tin cá nhân
nhậy cảm liên quan đến các vận động viên của thế giới, đến các quan chức trong
những phái đoàn quốc gia, liên quan đến thẻ tín dụng ngân hàng của tất cả những
ai đặt vé vào xem các cuộc tranh tài … Atos cũng sẽ phải bảo đảm rằng trong 3
tuần lễ Olympic và gần 2 tuần Paralympic, không một tác nhân « ngoài cuộc
nào thâm nhập được vào các hệ thống tin học » của nước chủ nhà, của các
hãng gia công, không một sự cố nghiêm trọng nào « đánh sập » trang
nhà Thế Vận Hội Paris, làm tê liệt hệ thống mua bán vé trên mạng, hay can thiệp
vào mạng các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên toàn quốc …
Được thành
lập từ 1997, theo bảng xếp hạng NelsonHall (của Anh), Atos là một trong ba tập
đoàn hàng đầu thế giới có mức độ « đáng tin cậy nhất, hiệu quả nhất »
để chận các vụ thâm nhập bất hợp pháp vào mạng tin học của các mục tiêu bị nhắm
tới. Atos có « 15 trung tâm an ninh mạng, 6.000 chuyên gia và 30 năm kinh
nghiệm », áp dụng các hệ thống tin học được sử dụng trong thế giới thể
thao.
.
Một
cột trụ lung lay trước những thách thức lớ
Chỉ có điều
là con chim đầu đàn này đang gặp nạn vào lúc nguy cơ Olympic Paris gặp sự cố
tin học « cao hơn gấp từ 8 đến 10 lần so với Thế Vận Hội Tokyo hồi năm
2021 ». Một lãnh đạo cao cấp của Atos đã nhắc lại là « 450 triệu sự cố
cyber » đã xảy ra nhân Olympic Tokyo 2021. Cơ quan quốc gia Pháp đặc trách
về an toàn cho các hệ thống tin học ANSSI trong báo cáo cuối tháng 2/2024 đặc
biệt chú ý đến các hoạt động của tác toán tin tặc do Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc
Triều Tiên giật dây.
.
Hỏa
ngục tài chính
Vậy mà hơn
100 ngày trước lễ Khai Mạc Thế Vận Hội Paris, các tin xấu dồn dập đổ vào
Atos : Từ nay đến cuối tháng 7, tập đoàn này phải gấp rút huy động 3,5 tỷ
euro thanh toán nợ đáo hạn (trước cuối 2025). Hai đối tác duy nhất và được coi
là có triển vọng nhất đang đàm phán để mua lại một phần vốn của Atos thì vào giờ
chót tuyên bố bỏ cuộc.
Điều đó có
nghĩa là tập đoàn số 3 thế giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tin học phải
đàm phán lại - gần như là từ đầu, mất thêm thời gian để huy động vốn. Trên sàn
chứng khoán, cổ phiếu của Atos rơi xuống còn chưa đầy 2 euro thay vì cả trăm
euro như hồi năm 2020.
Trên kênh
truyền hình tư nhân BFM TV, Guy Mamou Mani, chủ tịch - tổng giám đốc cơ quan tư
vấn Gadax Conseil, trụ sở tại quận 9 Paris, nhấn mạnh đến một nghịch lý khó hiểu
: Atos bị các cổ đông ruồng bỏ cho dù vẫn không ngừng thu vào thêm những hợp đồng
mới.
Những
khách hàng của Atos là những « giá trị đáng tin cậy » như Ủy Ban Thế
Vận Quốc Tế CIO, như nhà nước Pháp, quân đội Pháp, như Cơ Quan Vũ Trụ và Không
Gian Châu Âu, là những tên tuổi lớn trong ngành tài chính ngân hàng, năng lượng
… của Pháp và châu Âu : « Atos là một tập đoàn với hơn 100 ngàn
nhân viên trên thế giới, là một hãng chuyên cung cấp những dịch vụ về điện toán
hiếm có trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nghịch lý ở đây
là Atos vẫn đang ký thêm hợp đồng, làm việc với nhiều hãng lớn, không
ngừng mở rộng danh sách các thân chủ tín nhiệm Atos và nhất là đang nắm giữ nhiều
lĩnh vực then chốt và chiến lược, khó có thể ủy thác cho các công ty nước
ngoài. Nhưng bên cạnh đó là tình trạng tài chính vô cùng tệ hại của
con chim đầu đàn này ».
.
Nguy
cơ bị xẻ lẻ
Ngay từ
khi được thành lập năm 1997 Atos có nhiệm vụ quản lý hệ thống tin học cho các
cơ quan nhà nước. Với vai trò càng lớn của công nghệ kỹ thuật số, của các dịch
vụ trên mạng, Atos giờ đây quản lý, bảo đảm an ninh cho hệ thống điện toán của
sở thuế vụ quốc gia, của các cơ quan bảo hiểm y tế, xã hội, thất nghiệp … tại
Pháp. Các nhà máy điện lực, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống tài chính
ngân hàng của Pháp … và nhiều đối tác châu Âu đều trong tay Atos. Các hoạt động
này được tập trung trong thực thể mang tên Tech Foundations.
Ngoài ra,
Atos còn là một trong những nhà sản xuất « siêu máy tính » hiếm hoi
trên thế giới với chức năng tiến hành hàng tỷ, tỷ phép tính số học mỗi ngày để
sử dụng trong cac lĩnh vực khoa học, quân sự hay trí tuệ nhân tạo … Atos cũng
chuyên về phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ data, bảo đảm an ninh trong
môi trường digital. Mảng hoạt động này đang được phát triển mạnh, do Eviden và
BDS điều hành, cả hai cùng là những chi nhánh của Atos.
Trở lại
câu hỏi vì sao Atos rớt đài ? Chủ tịch - tổng giám đốc cơ quan tư vấn
Gadax Conseil của Pháp thực sự lấy làm tiếc là tương tự như nhiều đại tập đoàn
công nghiệp trên thế giới, tiếng nói của các cổ đông càng lúc càng được lắng
nghe. Hệ quả kèm theo là « không một kỹ sư có kinh nghiệm trong ngành được mời
tham gia hội đồng quản trị của Atos. Đây là câu lạc bộ độc quyền của một số
chính khách và rất nhiều ông chủ ngân hàng, chủ nhân các quỹ đầu tư
… »
Leïla
Marchand, nhà báo chuyên phụ trách chuyên mục Tech Medias của báo kinh tế Les
Echos, giải thích : « Về mặt chính thức, chúng ta biết hãng này
đang gặp khó khăn, sau một loạt những tính toán sai lầm, và từ năm 2021 Atos đã
tính đến khả năng chuyển nhượng lại một số hoạt động của công ty. Chủ yếu là
tách rời hai mảng : bán đi các chi nhánh đang gặp khó khăn, để chỉ giữ lại
những lĩnh vực đang cho phép thu về lợi nhuận cao và như là bảo đảm các dịch vụ
an ninh mạng và sử dụng siêu máy tính để điều hành các nhà máy điện hạt
nhân ».
.
Nguy
cơ chuyển nhượng một lĩnh vực « nhậy cảm » cho một nhà đầu tư nước
ngoài
Do vậy,
nghịch lý ở đây là Atos bị đẩy vào thế phải chạy đua với thời gian, tìm ra vài
tỷ euro để thỏa mãn đòi hỏi ngày càng lớn của các cổ đông. Trong cuộc chạy đua
đi tìm lợi nhuận đó, « một trong những con chim đầu đàn có thể bảo đảm được
thế tự chủ của Pháp về công nghệ trong thời đại kỹ thuật số » có
nguy cơ đánh mất đi những công cụ quý giá, như là một đội ngũ chuyên
gia với tay nghề cao, uy tín của một rào cản đáng tin cậy để bảo mật những
thông tin liên quan đến an ninh quốc gia. Tệ hơn nữa, Atos, trong thế yếu, đang
đàm phán với một nhà tài phiệt gốc Séc để chuyển nhượng lại một phần những hoạt
động mà chính nhà nước Pháp coi là « ưu tiên hàng đầu để giành lấy quyền tự
chủ và độc lập với công nghệ của Mỹ ».
Leïla
Marchand, báo Les Echos của Pháp, giải thích tiếp : « Điều cấp
bách nhất hiện nay là phải có tiền mặt vì Atos đang bị đẩy vào chân tường, trước
một núi nợ 5 tỷ euro, trong đó 3,5 tỷ phải được thanh toán trước cuối năm
2025. Tức là trong bối cảnh đó, Atos đang phải đàm phán lại với các chủ nợ, đồng
thời nằm trong tầm ngắm của các cơ quan thẩm định tài chính. Tháng
Giêng 2024, mức độ đáng tin cậy của Atos đã bị hạ 3 nấc điểm. Vào lúc cần phải
đi vay thêm, cần phải tìm kiếm các đối tác để mua lại một phần các hoạt động của
mình thì Atos lại bị công ty thẩm định tài chính Mỹ, S&P, xếp vào loại những
tập đoàn mang tính rủi ro cao ».
Về phần
Gwenaëlle Barzic, cũng thuộc tờ Les Echos, bà coi việc Atos bị S&P hạ điểm
tín nhiệm là một đòn chí tử gây thêm khó khăn cho một trong những công ty có
triển vọng nhất của Pháp trong lĩng vực digital : « Đây là một
tin quan trọng vì bị hạ điểm tín nhiệm như vậy tạo hoang mang nơi một số thân
chủ của Atos, và thậm chí là một số khách hàng có thể quay lưng lại với một tập
đoàn có điểm tín nhiệm quá thấp. Hơn nữa, với điểm tín nhiệm thấp như vậy, Atos
càng bị suy yếu vào lúc hãng này cần đàm phán lại về hợp đồng để chuyển nhượng
lại một số hoạt động và cần huy động vốn để chuẩn bị thanh toán nợ hàng tỷ euro
sắp đáo hạn ».
Trước mắt,
Atos khẳng định những biến động về tình hình tài chính của tập đoàn này không ảnh
hưởng đến các thân chủ và sẽ vẫn chu toàn nhiệm vụ theo hợp đồng trong mùa Thế
Vận Hội Paris năm nay.
.
Ba
bài học từ Atos
Tuy nhiên,
hiện thời có ít nhất ba bài học có thể rút ra được từ trường hợp đặc biệt của
Atos : một là thế rất mạnh của các cổ đông có thể tạo nên một cơn bão vô
tiền khoáng hậu và thậm chí là có nguy cơ khai tử một trong những tập đoàn được
cho là thuộc diện an toàn nhất.
Thứ hai là
bên cạnh những tính toán đầy mạo hiểm từ nhiều đời lãnh đạo khác nhau để phát
triển và vươn lên thành một trong những công ty mũi nhọn trên thế giới digital,
Atos đang trả giá cho một số sai lầm, mà điển hình là núi nợ 5 tỷ euro phải
thanh toán trước ngưỡng 2029.
Điểm thứ
ba là cho dù chính phủ Pháp, cũng như Liên Âu, đã đề ra mục tiêu « tự chủ
về công nghệ, data, trí tuệ nhân tạo, tăng cường an ninh mạng ... », nhưng những
khẩu hiệu đó đang vấp phải thực tế như trong trường hợp của Atos hiện nay.
Đó là chưa
kể đến những đòn cạnh tranh nguy hiểm ngay giữa các thành viên của châu Âu là
Pháp và Đức. Bởi trong hồ sơ giải cứu Atos này, dự án tập đoàn Airbus, mà Pháp
và Đức là hai thành viên chủ chốt, mua lại chi nhánh BDS đã nhiều lần bị hỏng,
để rồi tạm thời một tập đoàn của Đức, đối thủ cạnh tranh với Atos, hưởng lợi.
115 ngày
trước Olympic Paris 2024 và trước áp lực rất lớn mà các toán tin tặc đang đặt
ra, ai cùng biết rằng thành công hay thất bại của Thế Vận Hội lần này phần nào
tùy thuộc và khả năng của Pháp « bảo đảm an ninh và an toàn cho các hệ thống
tin học ». Đối với Atos cũng như nước chủ nhà, mục đích duy nhất sẽ là làm
thế nào để tất cả các toán tin tặc bị việt vị trong suốt mùa Thế Vận Hội và
Paralympic Paris.
No comments:
Post a Comment