Thursday 11 April 2024

CHUYẾN THĂM VIỆT NAM CỦA GIÁO HOÀNG PHANXICÔ ĐANG ĐƯỢC CHUẨN BỊ (Anh Vũ / RFI)

 



Chuyến thăm Việt Nam của giáo hoàng Phanxicô đang được chuẩn bị

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 10/04/2024 - 16:09

 https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240410-chuy%E1%BA%BFn-th%C4%83m-vi%E1%BB%87t-nam-c%E1%BB%A7a-gi%C3%A1o-ho%C3%A0ng-phanxic%C3%B4-%C4%91ang-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B

 

Liên quan đến thời sự châu Á, nhật báo Công Giáo La Croix ngày 10/04/2024 có bài viết đáng chú ý đề cập đến quan hệ Vatican và Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của tổng giám mục Paul Richard Gallagher, bộ trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh từ ngày 09 đến 14/04.

 

https://s.rfi.fr/media/display/e9367f8a-f6a8-11ee-abe3-005056a90284/w:980/p:16x9/AP24100607378529.webp

Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn tiếp tổng giám mục Paul Richard Gallagher, bộ trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh (T) tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 09/04/2024. © AP - Lam Khanh

 

Nhật báo Công Giáo nhận thấy, « chuyến thăm đánh dấu một giai đoạn mới cho việc tái lập quan hệ song phương giữa quốc gia Cộng sản và Vatican » đã bị cắt đứt từ năm 1975 và quan trọng hơn chuyến đi còn nhằm chuẩn bị cho khả năng một chuyến tông du của giáo hoàng tới Việt Nam.

 

Tờ báo cho hay sau tổng giám mục Gallagher, thời gian tới đây quốc vụ khanh của Tòa Thánh, hồng y Pietro Parolin sẽ tới Việt Nam để làm các công tác tiền trạm cho chuyến đi của Giáo Hoàng. Chính tổng giám mục Gallagher hồi tháng Giêng đã nói : « Tôi nghĩ là chuyến đi sẽ diễn ra. Giáo hoàng Phanxicô cũng muốn tới Việt Nam và cộng đồng Công giáo cũng mong mỏi rất nhiều điều đó ».

 

Hiện tại Vatican chưa xác nhận điều gì, nhưng theo La Croix, chuyến thăm này có thể diễn ra trong khuôn khổ vòng tông du hơn chục ngày của Giáo Hoàng tới một loạt các quốc gia : Indonesia, Papouasia New-Guinea, và có khả năng cả Đông Timor và đảo quốc Singapore, được dự trù vào cuối tháng 8 đầu tháng 9.

Tờ báo cho biết, chính giáo hoàng cũng đã tỏ ý muốn thăm Việt Nam. Trên chuyến bay thăm Mông Cổ trở về giáo hoàng đã nói đùa « nếu tôi không đến đó thì chắc chắn sẽ có ông Jean XXIV đến » trước khi ngài nhấn mạnh : « Chắc chắn một chuyến đi như vậy sẽ diễn ra (...), Việt Nam là một trong những trải nghiệm đối thoại rất tốt đẹp mà Giáo Hội đã có được trong thời gian qua ».

 

Thực tế thì đã có nhiều sáng kiến để nối lại quan hệ giữa Hà Nội và Vatican. Từ năm 2009, hai bên đã thiết lập nhóm công tác chung. Mới đây nhất là trong cuộc gặp của nguyên chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng với giáo hoàng tại Vatican hồi tháng 7 năm ngoái, hai bên đã đạt thỏa thuận đặt văn phòng đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Trước đó các liên lạc giữa Vatican và Việt Nam đều thông qua văn phòng đại diện tại Singapore.

 

Chuyên gia về Công Giáo châu Á, Michel Chambon nhận định : « Hoạt động của Giáo hội Công Giáo ở Việt Nam rất sống động, năng động, đặc biệt trong lĩnh vực xã hội, phong phú, giữa một trong những xã hội đang tiến bộ nhanh nhất khu vực ».

 

La Croix ghi nhận, trong những thập kỷ gần đây, chính sách ngoại giao kín đáo của Giáo Hội đã giúp dỡ bỏ những hạn chế về số lượng chủng sinh và linh mục được thụ phong. Tuy nhiên, chính quyền vẫn nắm quyền hạn chế số lượng và quy mô của các giáo xứ và tổ chức các cuộc tham vấn trước khi bổ nhiệm các giám mục. Ông Michel Chambon cho biết thêm: « Một số chủ đề vẫn còn gây tranh cãi, chẳng hạn như đòi đền bù tài chính cho đất đai của các Giáo hội bị chính phủ tịch thu, hoặc việc mở các trường tiểu học và trung học trong nước ».

 

 

Liên Âu cải cách kiểm soát di dân

 

Tiếp tục với chủ đề chính của La Croix : « Di dân : Liên Hiệp Châu Âu muốn siết chặt biên giới ». Hôm nay, Nghị Viện Châu Âu xem xét Hiệp ước về di dân và tị nạn, một vấn đề luôn nan giải của Liên Âu từ nhiều năm nay.

 

Xã luận của La Croix phân tích, thực chất của các văn kiện được nghị viện xem xét là Liên Âu muốn phân định rõ giữa di dân và người xin tị nạn. Một trong những điều khoản chính là dự trù lập những trại tạm giữ những người xin tị nạn ở gần biên giới nơi có dòng người nhập cư hợp pháp tràn vào đông, trước khi xét duyệt và trả những người bị từ chối trở lại nơi xuất phát.  

 

Ngoài ra, văn kiện còn quy định việc phân bổ giữa các nước thành viên Liên Âu về trách nhiệm đón tiếp người nhập cư được chấp nhận tị nạn.

 

Mục tiêu của văn kiện là ngăn chặn người nhập cư không kiểm soát được, đồng thời vẫn bảo đảm tôn trọng các giá trị nhận đạo chung là che chở cho những người yêu cầu được bảo vệ vì cuộc sống bị đe dọa trong đất nước họ. Nhưng có vẻ như các nhà chính trị châu Âu còn hướng tới mục tiêu khác, đó là cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu tới đây. La Croix nhấn mạnh : Không phải ngẫu nhiên cuộc bỏ phiếu hôm nay diễn ra 9 tuần trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu (09/06). Trong khi mà nhập cư là lá bài chủ của các đảng cực hữu ở châu Âu để thuyết phục lôi kéo cử tri.

 

 

Chiến tranh Ukraina : Người Đức bị cáo buộc dính líu với Nga

 

Liên quan đến chiến tranh tại Ukraina, vẫn trên nhật báo La Croix có bài : « Hai công ty Đức bị cáo buộc tham gia tuyên truyền của Nga ở Mariupol ». Sự việc liên quan đến những vật liệu xây dựng có hình hiệu (logo) của hai công ty Đức đã được phát hiện trong các công trình tái thiết khổng lồ thành phố Mariupol của Ukraina, bị Nga chiếm đóng. Chính quyền Đức đang nỗ lực xác minh tính hợp pháp của vụ việc này.

 

Theo thông tín viên của La Croix tại Đức, gần hai năm trước, vào ngày 21 tháng 5 năm 2022, thành phố Mariupol của Ukraina thất thủ, sau ba tháng bị Nga bắn phá khốc liệt khiến hơn 20.000 người thiệt mạng. Matxcơva nắm quyền kiểm soát Mariupol sau khi đã tàn phá 90% thành phố cảng và 3/4 cư dân ở đây đã bỏ đi. Ngay sau đó, tổng thống Nga Vladimir Putin hứa sẽ xây dựng lại thành phố mà chính ông đã ra lệnh cho biến thành cát bụi.

 

Tuy nhiên, tuần trước, kênh truyền hình nhà nước Đức ARD đã tiết lộ sự tham gia của 2 công ty Đức vào dự án tái thiết này. Với những bằng chứng là hình ảnh và báo cáo hoạt động, tạp chí Monitor xác nhận sự hiện diện của tấm thạch cao và bê tông đúc sẵn mang nhãn hiệu Knauf với logo của tập đoàn WKB Systems.

 

Trước những cáo buộc như vậy này, WKB Systems vẫn giữ im lặng. Mặt khác, công ty Knauf đã công bố một thông cáo báo chí phủ nhận thông tin.

 

 

Ukraina với chiến thuật tiêu hao nhiên liệu

 

Vẫn về chiến tranh Ukraina, trên trang báo Les Echos có bài : « Các cuộc tấn công của Kiev vào các nhà máy lọc dầu Nga gây thiệt hại nặng nề cho Matxcơva ».

 

Tờ báo cho hay : Cuộc chiến tiêu hao nhiên liệu Nga do quân đội của Kiev tiến hành là một trong những thành công thấy rõ nhất trong những tháng gần đây, đến mức Matxcơva buộc phải tạm thời cấm xuất khẩu xăng dầu và phải nhờ đến sự giúp đỡ của các đồng minh.

 

Kể từ đầu năm, hàng chục máy bay không người lái của Ukraina đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng nhiên liệu của Nga, đôi khi ở các khu vực xa biên giới. Một chiến lược thắng lợi khi Matxcơva buộc phải tạm thời cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel kể từ ngày 1/3 trong thời hạn sáu tháng.

 

Cuối tháng 3, các cuộc không kích của Ukraina đã khiến Nga mất 14% hoặc 15% công suất lọc dầu, theo ước tính của Reuters và NATO. Cơ quan này tiết lộ thêm rằng Nga đã yêu cầu Kazakhstan sẵn sàng cung cấp 100.000 tấn xăng trong trường hợp tình trạng thiếu hụt trở nên trầm trọng hơn do các cuộc tấn công này. Về phần mình, Belarus cũng sẽ đồng ý giúp Nga tự cung cấp xăng nếu cần thiết.

 

Chiến thuật của Kiev còn gây ra hệ quả ở mặt trận. Theo tình báo Anh, Nga đã phải đưa các hệ thống phòng không hiện đại về bảo vệ xung quanh các nhà máy lọc dầu, nên các vị trí của Nga trên mặt trận sẽ được bảo vệ kém hơn. Và những khó khăn về hậu cần do thiếu nhiên liệu có thể gây ra có thể gây ra sự chậm trễ trong việc vận chuyển quân.

 

 

Vì sao xe hơi điện Trung Quốc làm ùn tắc cảng châu Âu ?

 

Liên quan đến kinh tế, Le Figaro có bài viết với hàng tựa : « Xe hơi điện sản xuất tại Trung Quốc làm tắc nghẽn các cảng Châu Âu ».

 

Bài báo cho hay, các cảng của châu Âu giờ đang trở thành bãi đậu cho các xe hơi điện chế tạo tại Trung Quốc. Hiện tượng không hẳn cho thấy xe hơi điện Trung Quốc đang bán rất chạy ở châu Âu. Vấn đề là ở chỗ những nhà chế tạo xe hơi Trung Quốc, những người mới nhảy vào thị trường, không dự trù được hết vấn đề giao thông để vận chuyển xe của họ về các đại lý bán hàng hoặc họ không thuê được xe vận tải vì nhiều lý do khác nhau.

 

Một yếu tố khác là các nhà chế tạo xe Trung Quốc không bán được hàng nhanh như dự liệu nên mới bị dồn ứ lại cảng, trong khi các hãng xe điện Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu. Riêng trong năm 2023 đã tăng 58%. Ở một số cảng của châu Âu, xe điện Trung Quốc nằm chết dí ở sân cảng đến cả gần 2 năm trời.

 

 

Daech đe dọa tấn công Champions League UEFA

 

Le Figaro cho biết tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vừa tung lên internet đe dọa sẽ tấn công các sân vận động tổ chức các trận đấu sắp tới của Champions League (Cúp C1 bóng đá châu Âu) ở các thủ đô Madrid, Luân Đôn và Paris. Những đe dọa như thế này không có gì mới, nhưng phản ứng của cơ quan an ninh của các thành phố trên chứng tỏ nguy cơ khủng bố Hồi Giáo cực đoan ở châu Âu là có thực và không hề nhỏ, đặc biệt từ sau vụ tấn công rạp hát Crocus City Hall ở ngoại ô Matxcơva hôm 22/03.

 

Hàng nghìn cảnh sát sẽ được huy động ở Pháp, Tây Ban Nha và Vương Quốc Anh ngay hôm nay, ngày diễn ra các trận tứ kết lượt đi của Champions League. Pháp đã nâng mức báo động khủng bố lên mức cao nhất từ đầu tháng, thông báo tăng cường lực lượng bảo vệ trận cầu trên sân Parc des Princes tối nay giữa câu lạc bộ Paris Saint-Germain và Barcelona

Tại Tây Ban Nha, mức báo động khủng bố nâng lên cấp 4 trên 5, bộ Nội Vụ cho biết họ đã tăng cường an ninh với hơn 2.000 đặc nhiệm từ cảnh sát quốc gia và Lực lượng Bảo vệ Dân sự. Các biện pháp tương tự cũng được triển khai tại Luân Đôn. Trong mọi trường hợp xảy ra, điều có thể thấy ngay lúc này là những kẻ tuyên truyền của Nhà Nước Hồi Giáo đã đạt được một phần mục tiêu là gây hoang mang lo sợ.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Việt Nam - Vatican : Ba thập niên nỗ lực cải thiện quan hệ

 

VATICAN - VIỆT NAM

Vatican bổ nhiệm đại diện thường trú đầu tiên ở Việt Nam

 

VIỆT NAM - VATICAN

Lần đầu tiên, một ngoại trưởng Vatican đến thăm chính thức Việt Nam

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats