Wednesday, 23 November 2022

YÊU NƯỚC hay THƯƠNG DÂN, KHI ĐỘI TUYỂN IRAN TỪ CHỐI HÁT QUỐC CA (tổng hợp)

 



Yêu nước hay thương dân?   

Nguyễn Trường Sơn

22-11-2022  02:55   

https://www.facebook.com/truongson.nk/posts/pfbid02Y5M6TkpjZqTKa51gaCiR7ijbxAbTEvFhmBQio7opH7dZhqpXk1BAPUMi6zTfdPAwl

 

Trận đấu giữa hai đội tuyển bóng đá Anh và Iran hôm qua gây chú ý không bởi tỉ số chênh lệch như một set tennis, mà bởi sự bất khuất của các cầu thủ Iran.

 

Trong khi các cầu thủ Anh đồng thanh hát vang bài quốc ca của họ, dẫu có cầu thủ còn chưa quen với việc đổi từ, giữa god save the queen với god save the king. Thì các cầu thủ Iran đồng loạt im bặt trong lúc quốc ca của họ vang lên trên khán đài.

 

Một sự im lặng có hiệu ứng chói tai đối với bất cứ ai theo dõi tình hình chính trị Iran gần đây.

 

Nếu áp dụng tiêu chuẩn văn hoá của người Việt chúng ta, thì rõ ràng các cầu thủ Iran đã có hành động không yêu nước, thiếu sự tự hào dân tộc trầm trọng. Chắc không người Việt nào có thể tưởng tượng ra viễn cảnh đội tuyển bóng đá nam của chúng ta rủ nhau không hát quốc ca ở các trận đấu quốc tế.

 

Nhưng hãy thử xem các nhân vật chính nói sao về hành động của mình. Trả lời phỏng vấn sau trận đấu, đội trưởng Alireza Jahanbakhsh của tuyển Iran nói: "Chúng tôi nhận thấy rằng tình hình ở quê nhà là không thể chấp nhận được, người dân đang rất không hài lòng. Chúng tôi muốn người dân biết rằng chúng tôi đứng về phía họ, và ủng hộ họ. Và chúng tôi đồng cảm với nhân dân bất chấp hậu quả."

 

Iran đang diễn ra làn sóng biểu tình trên quy mô toàn quốc kể từ khi một cô gái 22 tuổi bị lực lượng cảnh sát đạo đức tra tấn đến chết, chỉ vì cô này không đeo khăn trùm đầu của Đạo Hồi một cách "đúng đắn". Người dân Iran đòi hỏi chấm dứt chế độ cai trị hà khắc, và phải dân chủ hoá đất nước.

 

Nói đến đây có lẽ sẽ có nhiều người Việt Nam cảm thấy khựng lại, vì hai từ dân chủ và chính trị. Một thì vốn bị coi là giá trị của Phương tây và mang mầm mống hỗn loạn. Cái còn lại thì vẫn được cho là nên được đặt ra ngoài khuôn khổ của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng.

 

Vậy tại sao các cầu thủ Iran không làm theo điều mà chúng ta cho là lẽ thường? Sao họ không hát quốc ca để thể hiện lòng yêu nước, và sao họ không tập trung vào chuyên môn và tránh xa chính trị?

 

Có lẽ bởi vì họ thương dân hơn là yêu nước.

 

Nước ở đây là nhà nước, tức là chế độ cai trị. Điều vốn dĩ không đồng nhất với đất nước, tổ quốc.

 

Các cầu thủ Iran đã nói rõ, họ đứng về phía người dân. Bởi người dân Iran chính là cha mẹ, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp của các cầu thủ này.

 

Bài quốc ca là đại diện của chế độ chính trị, và một khi niềm tin và sự tôn trọng dành cho chế độ đã hết thì bài quốc ca cũng không còn giá trị nữa. Thậm chí, việc hát vang lên bài quốc ca đó, còn được coi là hành vi đồng loã với kẻ cầm quyền. Đó là vì sao các cầu thủ Iran không hát. Họ muốn gửi đi một thông điệp đanh thép rằng họ không ủng hộ nhà nước Iran.

Nhiều người Việt có thể sẽ nghĩ rằng, tại sao không về nước mà biểu tình, thể hiện thái độ ở một trận bóng đá làm gì?

 

Thực ra đây không phải là một trận bóng đá thông thường. Đây là một trận bóng đá ở World Cup. Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, có hàng tỉ người theo dõi. Đây là cơ hội có một không hai để bày tỏ thái độ. Có lẽ các cầu thủ này muốn cả thế giới chú ý đến tình cảnh ở quê hương họ, khi mà nhà nước Iran với quân đội và công an, vẫn hàng ngày đàn áp dân thường. Hơn 400 người đã bị giết hại. Họ cũng hiểu rằng người dân Iran sẽ theo dõi họ, và đây cũng là cơ hội trời cho để gửi thông điệp đến người dân rằng đội tuyển quốc gia đứng về phía nhân dân.

 

Đúng là về mặt tinh thần thì chính trị và thể thao nên được tách bạch, nhưng một khi đất nước ở vào tình cảnh đau thương, thì ranh giới giữa thể thao và chính trị cần phải bị loại bỏ. Bởi im lặng còn có nghĩa là đồng loã với cái ác. Và rõ ràng là các cầu thủ Iran đã vì lợi ích của nhân dân mà hy sinh lợi ích của cá nhân. Họ hiểu rõ sau kỳ World Cup này, giây phút họ đặt chân xuống sân bay ở Tehran, có thể họ sẽ bị bắt đi tù.

 

Sẽ rất dễ dàng để chúng ta dè bỉu người nước ngoài khi họ lôi chuyện chính trị nước họ vào trong bóng đá. Đơn cử như việc nhiều người Việt bày tỏ sự diễu cợt đối với các cầu thủ bóng đá Ukraine khi họ lên tiếng phản đối Nga xâm lược nước họ. Bởi vì chúng ta không ở vào vị thế của họ, và cũng không có năng lực đặt bản thân vào vị trí của người khác. Hy vọng qua hành động của các cầu thủ Iran, nhiều người sẽ thay đổi cách tiếp cận với vấn đề này.

 

Quan trọng hơn nữa, bài học quý giá mà theo tôi các cầu thủ Iran đã trao cho người Việt Nam, đó là biết cách phân biệt giữa chế độ chính trị (nhà nước) với tổ quốc và nhân dân. Nhà nước là cỗ máy của tầng lớp cai trị, còn nhân dân mới làm nên tổ quốc. Và cần phải đứng về phía người dân, tức là chính mình, bất cứ khi nào, ở bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt là khi nhà nước sử dụng bạo lực.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=5652964448122683&set=a.144450858974097

Đội tuyển Iran

 

.

30 BÌNH LUẬN  

 

================================

.

Khi đội tuyển Iran từ chối hát quốc ca   

Lâm Bình Duy Nhiên

2-11-2022  14:49   

https://www.facebook.com/duynhienlambinh/posts/pfbid02UPx7tyiDNZeTfvbTsWqZyGKCuKU8ag9SkrsNV4NDQfofHb4VN1wfvfUxUv5WEbDtl

 

Đội tuyển quốc gia Iran đã không hát quốc ca trước trận gặp Anh tại Cúp Thế giới.

 

Một hành động được cho là can đảm của các tuyển thủ nhằm ủng hộ phụ nữ Iran trong cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết, không trùm khăn Hijab tại quê nhà.

 

Cuộc phản kháng của người phụ nữ Iran bùng nổ khắp nơi, kéo theo hàng triệu người dân xuống đường biểu tình, đối đầu với chế độ Hồi giáo từ trung tuần tháng 9 đến nay. Máu đã đổ, nhiều người bị giết chết, trong đó có cả trẻ em. Nhưng tất cả vẫn không làm chùn bước người dân Iran trong cuộc cách mạng giành quyền tự do và tự quyết.

 

Hôm nay trò chuyện với một cô đồng nghiệp gốc Iran. Tôi tỏ ý ngưỡng mộ tinh thần của các tuyển thủ Iran khi họ từ chối hát quốc ca. Họ cũng không vui mừng khi ghi hai bàn vào lưới đội tuyển Anh. Một sự kiềm chế cảm xúc dẫu đó là những thời khắc khó quên trong cuộc đời thể thao của một tuyển thủ. Họ thừa hiểu, bóng đá không thể nào xoá được những thảm cảnh đang diễn ra tại quê hương.

 

Thế nhưng cô đồng nghiệp lại có cái nhìn khác. Cô bảo đó là sự tối thiểu mà các cầu thủ Iran có thể làm được cho quê hương, cho những người phụ nữ Iran đang can đảm, không sợ chết để đối đầu với cảnh sát và quân đội tại quê nhà.

 

Đối với cô và xã hội Iran, đội tuyển quốc gia đã tự đánh mất chính mình trong lòng người dân khi chấp nhận sự đón tiếp của Tổng thống Ebrahim Raïssi trước khi lên đường sang Qatar. Đối với người dân Iran, lẽ ra đội tuyển quốc gia phải từ chối sự tiếp đón có chủ đích và mang tính tuyên truyền của chế độ. Một thái độ dứt khoát của đội tuyển sẽ là sự động viên và tiếp lửa cho cuộc tranh đấu của phụ nữ Iran. Đội tuyển bóng đá quốc gia Iran phải đứng về phía dân tộc chứ không là “tài sản” của chế độ Cộng hoà Hồi giáo Iran. Tiếc thay, các tuyển thủ đã chọn chế độ và ngoảnh mặt lại với những nỗi đau của dân tộc.

 

Đó chính là lý do, theo cô, đội tuyển Iran đã bị người dân Iran chối từ, không nhìn nhận trong giải đấu này.

 

Đội tuyển bóng đá đã bỏ một cơ hội lớn và một sứ mệnh lịch sử để đứng về người dân chống bạo quyền, nhất là trên phương diện truyền thông quốc tế.

 

Cho nên, theo cô kể, tại Teheran, mỗi khi đội Anh ghi bàn, người dân lại vui mừng, ca hát. Một hình thức phản đối một đội bóng, đã trở thành công cụ tuyên truyền của chế độ Hồi giáo cực đoan.

 

Cộng đồng người Iran tại thành phố Geneva cũng chán nản trước thái độ của đội tuyển quốc gia. Dẫu hôm nay họ không hát quốc ca, nhưng tất cả đã quá muộn. Nhiều người Iran đã từ chối, không xem trận bóng, một hình thức “tẩy chay” dành cho sự thiếu can đảm của các tuyển thủ.

 

Cô nhìn tôi, bảo rằng, anh biết không, chúng tôi mê bóng đá lắm. Người Iran chơi bóng đá từ nhỏ, họ không bỏ sót một trận đấu nào của đội tuyển quốc gia. Nhưng có những thời điểm, bóng đá chẳng là gì so với sự thống khổ, đàn áp, chết chóc của người dân trong xã hội. Sự Tự do và dân chủ mới chính là khát vọng của chúng tôi, của cả dân tộc Iran.

 

Tôi tự nhủ, cứ tưởng rằng chối từ hát quốc ca là sự can đảm và đáng trân trọng. Nhưng đối với dân tộc Iran, đó là sự tối thiểu, thậm chí đã quá muộn màng khi họ đã không đủ dũng khí để đứng về phía nhân dân, những người đang bị tàn sát.

 

Khái niệm dân tộc và chế độ rất rõ ràng nơi cô bạn đồng nghiệp người Iran. Chế độ chính trị chỉ là tạm bợ, phút chốc. Chỉ có dân tộc mới là vĩnh cữu và trường tồn!

 

Theo cô, chế độ chính trị Hồi giáo tại Iran dứt khoát phải bị xoá bỏ bởi sức mạnh vũ bão của khát vọng tự do và dân chủ.

 

Một trận bóng mang nhiều ý nghĩa và cảm xúc. Ai dám bảo thể thao và chính trị không có sự liên quan mật thiết?

 

Chợt hỏi, có bao nhiêu dân tộc, vốn đang bị chà đạp bởi một chế độ độc tài toàn trị, dám thức tỉnh và anh dũng xuống đường phản kháng chống lại bạo quyền như dân tộc Iran?

 

Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ khiến người viết tin rằng cuộc cách mạng khởi xưởng bởi những người phụ nữ Iran anh hùng sẽ thành công, bất chấp bao mạng người sẽ phải hy sinh.

 

Tôi nói với cô đồng nghiệp rằng, giá gì một ngày nào đó, chúng tôi, những người Việt, cũng cùng số phận như đồng bào của cô, sẽ thức tỉnh để can đảm giành quyền tự quyết cho tương lai của dân tộc!

 

Vì chỉ có dân tộc mới là trường tồn và vĩnh cữu…

 

Hình :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10228654163116060&set=pcb.10228654288039183

Tổng thống Ebrahim Raïssi đón tiếp đội tuyển Iran vào ngày 14/11/2022.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10228654172196287&set=pcb.10228654288039183

Các cầu thủ Iran không hát quốc ca trong trận gặp Anh ngày 21/11/2022

 

33 BÌNH LUẬN    

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats