Thursday, 17 November 2022

Ý NGHĨA THỜI SỰ của VIỆC CHUYỂN LỜI MỜI TỔNG THỐNG BIDEN THĂM VIỆT NAM (Hải Lê, VOA)

 



Ý nghĩa thời sự của việc chuyển lời mời TT Biden thăm VN

Hải Lê

16/11/2022

https://www.voatiengviet.com/a/y-nghia-thoi-su-cua-viec-chuyen-loi-moi-tt-biden-tham-vn/6836840.html

 

Có lẽ một trong những ý nghĩa thời sự quan trọng của việc chuyển lời mời Tổng thống Biden thăm Việt Nam là lời cảnh báo dành cho Hoa Kỳ rằng, có thể Trung Quốc đã “chèn một cái nêm” trong “Trật tự” do Mỹ và các nước dân chủ dẫn dắt.

 

https://gdb.voanews.com/03180000-0aff-0242-7ddc-08da34e0d606_w1023_r1_s.jpg

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Nhà Trắng ngày 12/5/2022. Photo US Embassy in Hanoi. Và bao giờ thì TT Biden sẽ ghé thăm Việt Nam?

 

Một khi TBT Nguyễn Phú Trọng đã công khai đánh giá tích cực đối với ba trụ cột chủ yếu của “Pax Sinica” là BRI, GDI và GSI mà vẫn nói “Không” với “Đối tác Chiến lược” với Hoa Kỳ, thì có thể, ông Trọng sẽ phải nhắc lại lời mời một vài lần nữa…

 

Tại sao một lời mời đáng trân trọng như thế này – trân trọng đến mức, ít nhất đã được phía TBT Nguyễn Phú Trọng cho các cấp dưới nhắc đi nhắc lại nhiều lần – lại không để diễn ra trong khuôn khổ của một hoạt động “ngoại giao chính diện”, mà lại dùng hình thức “ngoại giao hành lang” để lobby?

 

Trong gần 60 hoạt động “chính diện” giữa “mùa Thượng đỉnh” ASEAN và EAS tại Phnom Penh từ 9 đến 13/11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tranh thủ tiếp xúc, chuyển lời mời chính thức của TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng tới TT Mỹ Joe Biden, mời ông sang thăm Việt Nam. Theo tường trình của “Zing News” ngày 12/11, Tổng thống Joe Biden đã vui vẻ nhận lời và hứa sẽ thu xếp chuyến thăm vào thời điểm thích hợp cho cả hai bên. Trong khi đó, theo đài VOA (của Chính phủ Hoa Kỳ), Phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đã trả lời rằng, bà “không có gì để chia sẻ” khi hồi đáp yêu cầu của VOA xác nhận về một cuộc điện đàm khả dĩ giữa ông Biden với ông Trọng trong thời gian tới đây.

 

“Ngoại giao hành lang” hay “ngoại giao chính diện”

 

Tại sao một lời mời quan trong như thế này – quan trọng là vì, ít nhất đã được phía TBT Nguyễn Phú Trọng cho các cấp dưới nhắc đi nhắc lại nhiều lần – lại không để diễn ra trong khuôn khổ của một hoạt động “ngoại giao chính diện”, mà lại dùng hình thức “ngoại giao hành lang” để lobby? Và đúng là do “ngoại giao lobby” nên nữ phát ngôn Nhà Trắng trả lời với chính truyền thông Mỹ rằng, bà chẳng có gì để chia sẻ về một cái tin, theo góc nhìn của Hà Nội là rất “hot”, liên quan đến hai nhà lãnh lãnh đạo hàng đầu Việt Nam và Hoa Kỳ. Phải chăng từ phía các nhà hoạch định chính sách của Mỹ – Ngoại trưởng Antony Blinken hay Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan chẳng hạn – họ đang nghĩ về những trở ngại mới trong bang giao bộ ba Việt-Mỹ-Trung, sau chuyến thăm có thể nói là lịch sử của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Trung Quốc? Nhiều khả năng, cả Hà Nội lẫn Whashington thông qua các đại sứ ở mỗi thủ đô, đã có những hình thức phù hợp, để thông báo một cách đàng hoàng, trong chừng mực đôi bên chấp nhận được, về những thông tin mà phía bên kia có thể quan tâm lúc này, tới “mối tình tay ba” đầy ngang trái nhưng cũng hết sức… “exciting”.

 

Trong khi đó, theo truyền thông Việt Nam, giữa khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 – 41 và các hội nghị cấp cao liên quan tại thủ đô Phnompenh (Campuchia), thì ngày 12/11 hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ đã có cuộc gặp gỡ chớp nhoáng. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định coi trọng và dành ưu tiên cao cho quan hệ “Đối tác Toàn diện” giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi, đối thoại ở tất cả cấp, đặc biệt là cấp cao, bằng nhiều hình thức linh hoạt. Trước mắt, hai bên sẽ phối hợp chuẩn bị tốt cho điện đàm sắp tới giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và TT Mỹ Joe Biden, tiến tới thực hiện chuyến thăm cấp cao giữa hai bên vào thời điểm thích hợp và điều kiện cho phép. Tổng thống Joe Biden, được Zing News dẫn lời, đề nghị hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong thời gian tới, tận dụng hiệu quả các dư địa hợp tác nhằm đưa quan hệ giữa hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, nhất là trên những lĩnh vực hai bên cùng có lợi, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

 

Nếu người viết bài này không nhầm thì ít nhất, đây là lần thứ tư, Việt Nam đã có nhã ý mời TT Hoa Kỳ Joe Biden thăm chính thức Hà Nội. Lần thứ nhất là vào chiều 15/4/2021, tại trụ sở Trung ương Đảng, trong buổi tiếp Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink, TBT Nguyễn Phú Trọng gửi lời cảm ơn đến TT Joe Biden đã gửi thư chúc mừng ông được bầu lại làm TBT Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN; trân trọng mời TT Mỹ sớm thăm Việt Nam. TBT Trọng cũng đã bày tỏ tin tưởng, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển hiệu quả, thực chất. Lần thứ hai, tại phủ Chủ tịch, nhân dịp Phó TT Mỹ Kamala Harris thăm Hà Nội, TBT Nguyễn Phú Trọng đã thông qua Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cũng nhắc lại lời mời TT Joe Biden thăm Việt Nam trong thời gian tới. Lần thứ ba là vào tối 12/5/2022 (giờ địa phương), trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng. Tại cuộc gặp này, theo như báo chí trong nước đưa tin, ông Chính đã nhắc lại lời mời của TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mời TT Joe Biden sớm thăm Việt Nam. TT Biden, được dẫn lời, trân trọng cảm ơn và cho biết sẽ thu xếp thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp với cả hai bên.

 

Quá tam ba bận, vào ngày 13/6/2022, trong cuộc gặp gỡ làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã đề nghị người đồng cấp, Thứ trưởng thứ nhất BNG Mỹ Wendy Sherman phối hợp nhằm thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam của TT Joe Biden trong năm 2022. Về phía Mỹ, Washington mong nâng tầm quan hệ với Việt Nam “khi phù hợp”. Trong cuộc làm việc với bà Thứ trưởng thứ nhất BNG Sherman sáng 13/6, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Ông Sơn khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng Mỹ thúc đẩy quan hệ “Đối tác toàn diện” đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Về phần mình, Thứ trưởng Sherman khẳng định Washington coi trọng quan hệ với Hà Nội, nhất quán ủng hộ một Việt Nam giàu mạnh và thịnh vượng. Bà Thứ trưởng cũng bày tỏ phía Mỹ mong muốn nâng tầm quan hệ với Việt Nam khi điều kiện phù hợp.

 

Việt Nam chưa hiểu hết Mỹ hay ngược lại?

 

Thật ra thì với mạng lưới tình báo hìện nay, Mỹ không cần thông tin trực tiếp từ Hà Nội cũng đã có thể đánh giá khá đầy đủ tác động, trong cả tương lai gần lẫn tầm xa, các thỏa thuận Trung – Việt vừa qua tại Bắc Kinh đối với quan hệ Mỹ – Việt và cục diện khu vực. Trong các tiếp xúc cấp cao vừa qua, không phải là lần đầu Washington phát đi tín hiệu về việc mong muốn đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8/2021, Phó TT Mỹ Kamala Harris đã đề xuất nâng từ quan hệ “Đối tác toàn diện” lên “Đối tác chiến lược”. Những lời đề nghị liên tục này được đưa ra từ hàng chục năm nay về việc nâng cấp quan hệ, nhưng từ hai năm trở lại đây có vẻ như dồn dập và bức thiết hơn, nhìn từ góc độ chiến lược Indo-Pacific (IPS), khiến Việt Nam không khỏi lúng túng. Bởi vì, từ chiến tuyến bên kia, ĐCSTQ không dưới một lần yêu cầu ĐCSVN phải cam kết rõ ràng với “Cộng đồng chung vận mệnh” (hoặc một tên gọi khác là “Cộng đồng tương lai chung”). Tức là cam kết phải đi theo “Trật tự” do Trung Quốc và nước Nga của Putin cầm chịch!

 

Trong khi đó, cách thức Việt Nam và nhiều thành viên ASEAN khác từng đề xướng “không chọn bên” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gần như trở thành một nguyên tắc đối ngoại của cả khối. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine (không thể gọi tên khác được) đã khiến cho nguyên tắc này bắt đầu có dấu hiệu bị phân hóa. Nhất là từ nay, Ukraine đã đã ký “Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á” (TAC). Với bộ quy tắc xử sự giữa các quốc gia ĐNÁ này, Việt Nam và ASEAN càng không thể bước lên con tàu của Nga và Trung Quốc được. Nếu chiến tranh càng kéo dài và tăng mức độ tàn khốc (Putin còn dọa dùng bom A), lập trường “trung lập” đối với xung đột lớn nhất từ Thế chiến Hai đến nay, quả thật khó đứng vững. Nữ nhà văn Việt Nam đã đánh giá các lá phiếu trắng của Hà Nội suốt năm qua tại Liên hợp quốc là những hành vi liều lĩnh. Nhà văn Võ Thị Hảo ví, Hà Nội như một con ếch ngồi chồm chỗm vỗ tay tán thưởng ngọn lửa dưới đáy nồi đang luộc đồng loại và sẽ đến lượt luộc chết chính cả bản thân mình. Nếu một khi Trung Quốc khởi binh trên Biển Đông hoặc dọc theo các tỉnh biên giới từ cả hai đầu, phía Bắc và phía Tây Nam.

 

Dẫu sao mặc lòng, một khi TBT Nguyễn Phú Trọng đã công khai đánh giá tích cực đối với ba trụ cột chủ yếu của “Trật tự Trung Hoa’ (Pax Sinica) là BRI, GDI và GSI mà vẫn nói “Không” với xây dựng quan hệ “Đối tác chiến lược” với Hoa Kỳ, thì đồ rằng, ông Trọng sẽ còn phải nhắc lại lời mời thêm một vài lần nữa, trước khi dàn cố vấn của TT Biden đưa ra quyết định cuối cùng, khi nào Tổng thống nên thăm Việt Nam. Phải công bằng thừa nhận một thực tế, chuyện tham gia “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) thì từ trước đến nay, Hà Nội cũng chỉ nói suông. Khi bị Bắc Kinh ép quá thì đành nối “Hai hành lang một vành đai” của Việt Nam với BRI. Tuy nhiên, với “Sáng kiến Phát triển Toàn cầu” (GDI) và “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” (GSI) thì câu chuyện có thể đã “quặt sang” một hướng khác. Rủi ro và nguy hiểm không chỉ cho một mình Việt Nam và các nước ASEAN! Hãy xem bài phân tích sâu sát của Tạp chí “Asia Nikkei” từ tập đoàn truyền thông uy tín bậc nhất tại Nhật, để thấy hết độ rủi ro và nguy hiểm khôn lường ấy! Có lẽ một trong những ý nghĩa thời sự quan trọng của việc chuyển lời mời Tổng thống Biden thăm Việt Nam là lời cảnh báo dành cho Hoa Kỳ rằng, có thể Trung Quốc đã “chèn một cái nêm” trong “Trật tự” do Mỹ và các nước dân chủ dẫn dắt.


--------------------------------------------------------------

XEM LẠI

 

‘Quá tam ba bận’: Việt Nam ‘đi với ma’ đến bao giờ”?

Hải Lê

14/10/2022

https://www.voatiengviet.com/a/qua-tam-ba-ban-viet-nam-di-voi-ma-den-bao-gio-/6789853.html

 

Trong một lần bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề Ukraine - Nga. Việt Nam một lần nữa bỏ phiếu trắng, tức là ngầm ủng hộ Nga.

 

Nhưng quan trọng hơn chuyện vũ khí là não trạng phụ thuộc của Việt Nam vào Nga trong việc bảo vệ đất nước.

 

Hôm 13/10/2022, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA), Việt Nam đã bỏ phiếu trắng, tức là ngầm ủng hộ Mátxcơva sáp nhập bốn vùng đất mới cưỡng chiếm từ Ukraine vào Lãnh thổ Nga. Động thái ngoại giao này được nhà văn Võ Thị Hảo ví, Hà Nội như một con ếch ngồi chồm chỗm vỗ tay tán thưởng ngọn lửa dưới đáy nồi đang luộc đồng loại và sẽ đến lượt luộc chết chính cả bản thân mình.

 

XEM TIẾP >>>>>  

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats