Sunday 20 November 2022

XUNG ĐỘT MỸ - TRUNG, EU TÌM CON ĐƯỜNG TRUNG GIAN (Hiếu Chân / Saigon Nhỏ)

 



Giữa xung đột Mỹ-Trung, EU tìm con đường trung gian

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ

19 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/giua-xung-dot-my-trung-eu-tim-con-duong-trung-gian/

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành một tuần lễ công du nước ngoài để hàn gắn quan hệ với Hoa Kỳ, thuyết phục châu Âu (EU) và lên mặt với các nước nhỏ như Canada và Anh. Thành công của ông Tập là ở chỗ các nhà lãnh đạo EU bắt đầu chống lại các biện pháp cứng rắn của chính quyền Biden đối với Trung Quốc.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1442403236.jpg

Tại hội nghị APEC ở Bangkok hôm qua 18-11-2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi EU can dự mật thiết hơn với Trung Quốc, chống lại những nỗ lực chia thế giới thành các khối cạnh tranh; ngụ ý không đứng về phía Hoa Kỳ để cứng rắn với Bắc Kinh. Ảnh ông Macron bắt tay Chủ tịch VN cộng sản Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh Lauren DeCicca/Getty Images

 

Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Tập từ khi dịch Covid bùng phát ở Vũ Hán đầu năm 2020 và là chuyến xuất ngoại đầu tiên sau khi ông củng cố được quyền lãnh đạo tối cao ở đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc giữa tháng trước. Ông Tập đã đến Bali, Indonesia tham dự hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), sau đó ông sang Bangkok, Thái Lan hôm thứ Sáu 18 Tháng Mười Một để tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

 

Tại những hội nghị quan trọng này cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều tìm cách thuyết phục các quốc gia thực hiện tầm nhìn của họ về khu vực giữa lúc mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng căng thẳng trên nhiều lĩnh vực, từ tương lai của Đài Loan, nhân quyền ở Tân Cương và Hong Kong tới chính sách công nghiệp. Tuy không công khai khuyến khích các nước “chọn bên” nhưng cả Washington và Bắc Kinh đều ngầm lôi kéo các nước khác đứng về phe mình.

 

Đáng chú ý là trong cuộc giành giật này, các nhà lãnh đạo EU có dấu hiệu nghiêng về phía Trung Quốc, phản đối chính sách cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền Joe Biden.

 

Hồi Tháng Mười vừa qua, Tổng thống Joe Biden ra sắc lệnh hạn chế việc bán chất bán dẫn và thiết bị sản xuất vi mạch điện tử (chip) cho Trung Quốc nhằm ngăn chặn Bắc Kinh phát triển các vi mạch tân tiến phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa quân đội của ông Tập Cận Bình. Sắc lệnh của ông Biden không chỉ hạn chế các công ty Mỹ mà cả các công ty nước ngoài có sử dụng công nghệ, phần mềm và thiết bị của Mỹ. Washington đã yêu cầu các đồng minh chủ chốt tuân thủ chính sách của Mỹ, làm dấy lên mối lo ngại về sự chia rẽ trong nền kinh tế và công nghệ toàn cầu.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1428277860.jpg

Tổng thống Biden tháng trước đã ra sắc lệnh cấm bán cho Trung Quốc những vi mạch điện tử tân tiến, làm chậm đáng kể sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của nước này, Ảnh công nhân làm việc trong một xưởng sản xuất bán dẫn ở tỉnh Giang Tô, TQ, hôm 27 tháng Chín 2022. Ảnh VCG/VCG via Getty Images

 

Tại Bangkok hôm thứ Sáu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi EU can dự mật thiết hơn với Trung Quốc, chống lại những nỗ lực chia thế giới thành các khối cạnh tranh. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đã đến thăm Bắc Kinh vào đầu tháng này cũng đưa ra lập trường như vậy, còn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte có những nỗ lực phối hợp với các quốc gia sản xuất chip quan trọng khác để chống lại áp lực của Hoa Kỳ.

 

Phát biểu trước các giám đốc điều hành doanh nghiệp tại hội nghị CEO trong khuôn khổ APEC, ông Macron nói: “Giờ đây, dần dần, nhiều người muốn thấy có hai trật tự trên thế giới này. Đây là một sai lầm rất lớn, đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta cần một trật tự toàn cầu duy nhất.” 

 

Thực tế, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình càng ngày càng đi theo một con đường riêng, một thứ chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”, xa rời đường lối cải cách mở cửa thời Đặng Tiểu Bình. Tập Cận Bình không giấu giếm tham vọng lập ra một trật tự thế giới mới lấy Bắc Kinh làm trung tâm, tách khỏi và chống lại cái trật tự thế giới do Phương Tây dẫn dắt suốt bảy mươi năm qua. Sự tồn tại hai trật tự thế giới đã là một thực tế xuất phát từ tham vọng bá chủ của Bắc Kinh, khó có thể phủ nhận được.

 

Trong quá khứ, EU – đặc biệt là Đức và Pháp – chủ trương gắn bó mật thiết với Trung Quốc, một phần để khai thác thị trường tiêu thụ cho các đại công ty của hai quốc gia này, từ phi cơ (Airbus), xe hơi (BMW, Daimler-Benz, Volkswagen…) cho đến rượu vang và các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, mặt khác đi theo quan niệm “thay đổi thông qua thương mại”, hy vọng Trung Quốc phát triển về kinh tế sẽ dần dần chuyển hóa về chính trị, trở nên dân chủ hơn, gần gũi với các giá trị của Phương Tây hơn.

 

Thực tế cho thấy, niềm tin của các nhà lãnh đạo EU đặt vào Trung Quốc chỉ là một ảo tưởng. Tại một số thủ đô châu Âu, giới trí thức tinh hoa ngày càng lớn tiếng kêu gọi EU phải thay đổi, phải cứng rắn hơn với Bắc Kinh về các vấn đề liên quan đến nhân quyền và dân chủ sau các vụ đàn áp khốc liệt của Bắc Kinh ở Tân Cương và Hong Kong. Nhưng những tiếng nói đó đang gặp phải sự chống đối của các tập đoàn công nghiệp lớn vẫn muốn hưởng lợi từ thị trường tiêu dùng của Trung Quốc, bất chấp sự tham gia của họ vào thị trường này và chuyển giao công nghệ theo sự cưỡng bức của Bắc Kinh đã tạo ra hàng loạt đối thủ cạnh tranh với chính họ không chỉ tại Trung Quốc mà cả trên thị trường toàn cầu.

 

Chính sách của Biden cấm bán các công nghệ tân tiến về sản xuất chip cho Trung Quốc là nhằm đáp lại thủ đoạn kinh doanh không công bằng, không sòng phẳng của Bắc Kinh. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng của Hoa Kỳ đối với chip điện tử có thể sớm được mở rộng sang các công nghệ chiến lược khác, đang là thế mạnh của Hoa Kỳ và châu Âu. Nhưng vì quyền lợi trước mắt của các tập đoàn trong nước, EU đang tìm một thái độ “trung lập” trong giao thiệp với Trung Quốc. Thay vì lên tiếng cảnh báo về tham vọng của Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo EU chuyển đề tài sang phản đối cách hành xử “quá đáng” của Washington.

 

Noah Barkin, chuyên gia về Trung Quốc của tập đoàn đầu tư Rhodium, nhận định rằng do kinh tế Đức đang tiến tới suy thoái và châu Âu đối mặt với một mùa đông lạnh giá do không có dầu và khí đốt giá rẻ của Nga, EU “không có ý định đối đầu với Bắc Kinh”. “Với tất cả những lời hoa mỹ về việc đứng lên chống lại Tập, tạo ra một mặt trận chung ở châu Âu và giảm thiểu rủi ro khi can dự kinh tế với Trung Quốc, các hành động trong tháng qua đã không đạt được kết quả. Nguy cơ, nếu điều này tiếp tục, là rạn nứt nhiều hơn trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Chúng ta đã thấy một số rạn nứt trong phản ứng của châu Âu đối với các biện pháp kiểm soát công nghệ gần đây của Hoa Kỳ nhằm vào Trung Quốc,” ông Barkin nói với hãng tin Bloomberg.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1244815059.jpg

Tổng bí thư đảng CSTQ Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (trái) ở Bali, Indonesia hôm 15 Tháng Mười Một để vận động Hà Lan không đi theo chính sách của Hoa Kỳ, hạn chế xuất cảng thiết bị chế tạo chip điện tử cho Trung Quốc. Ảnh Yan Yan/Xinhua via Getty Images

 

Ông Tập đã tìm cách khai thác sự chia rẽ giữa Hoa Kỳ và châu Âu. Trong chuyến đi sáu ngày tới hội nghị G20 và APEC, ông ta đã gặp khoảng 20 nhà lãnh đạo để thực hiện ý đồ đó. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Rutte ở Bali chẳng hạn, ông Tập thúc giục nhà lãnh đạo Hà Lan đừng chiều theo chính sách của Mỹ khi Washington gây áp lực lên công ty ASML Holding NV, công ty gần như độc quyền sản xuất một loại thiết bị cần thiết để sản xuất những con chip tân tiến nhất. 

 

“Chúng ta phải phản đối việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại, đồng thời duy trì sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Tập nói với ông Rutte hôm thứ Ba. Một ngày sau, Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan Liesje Schreinemacher nói Hoa Kỳ không nên mong đợi Hà Lan sẽ làm theo cách tiếp cận của Washington hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc.

 

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao với Hàn Quốc trong cuộc gặp với Tổng thống Yoon Suk Yeol, quốc gia có trụ sở của những gã khổng lồ chip Samsung Electronics Co. và SK Hynix Inc.

 

Mặc dù các nhà lãnh đạo châu Âu ngày càng chống lại áp lực ngày càng tăng từ Washington, nhưng EU còn lâu mới đạt được sự đồng thuận về cách đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Trong khi EU coi Trung Quốc là một đối thủ có hệ thống, chính sách trên khắp lục địa vẫn còn rời rạc. Đặc biệt, các quốc gia thuộc khối Xô Viết cũ đang bắt đầu nghi ngờ ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh đối với EU. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin hôm thứ Năm 17 Tháng Mười Một đã lên tiếng báo động về sự phụ thuộc công nghệ của châu Âu vào Trung Quốc, lưu ý những rủi ro lớn khi trở nên quá phụ thuộc vào một chế độ độc tài.

 

Sự ủng hộ của Tập Cận Bình dành cho Vladimir Putin trong cuộc xâm lược Ukraine, tuyên bố hợp tác “không giới hạn” giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Trung, cũng đã giúp củng cố mối quan hệ Mỹ-EU. 

 

Trong khi đó, Tập Cận Bình lại gây sự với một số nhà lãnh đạo khác. Ông ta công khai mắng nhiếc Thủ tướng Canada Justin Trudeau trước báo chí ở Bali, đơn phương hủy bỏ vào phút chót cuộc gặp song phương với tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak gây bất ngờ cho giới quan sát chính trị.

 

Bằng những tuyên bố và hành động như vậy, Trung Quốc đã góp phần tạo ra ít nhất ba “cực” quyền lực trong các nền kinh tế phát triển: Một là nhóm Anglo-Saxon nói tiếng Anh bao gồm Hoa Kỳ, Anh quốc, Canada và Úc; hai là nhóm độc tài chuyên chế gồm Nga và Trung Quốc, và ba là nhóm EU. Một số nền kinh tế quan trọng của châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc có xu hướng nghiêng về nhóm Anglo-Saxon, còn nhóm EU đang tìm “con đường trung gian” giữa hai nhóm trên.

 

Trong bài phát biểu tại APEC, Tổng thống Pháp Macron đã ví Mỹ và Trung Quốc như “hai con voi lớn” trong rừng rậm. “Nếu họ trở nên quá lo lắng và bắt đầu chiến tranh, đó sẽ là một vấn đề lớn đối với phần còn lại của khu rừng. Chúng ta cần sự hợp tác của rất nhiều động vật khác.”

 

Hợp tác là chuyện nói dễ làm khó khi mỗi nước vẫn đặt quyền lợi riêng của mình lên trên những giá trị chung.

 

---------------

Đọc thêm:

 

Ba giờ gặp gỡ Biden-Tập: Không có thay đổi đột phá

 

Tập Cận Bình đăng quang, thị trường hoảng sợ

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats