Tuesday, 15 November 2022

XÂM LƯỢC UKRAINA, NGA CÓ NGUY CƠ VUỘT MẤT TRUNG Á (Thụy My / RFI)

 



Xâm lược Ukraina, Nga có nguy cơ vuột mất Trung Á

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 14/11/2022 - 21:23

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20221114-x%C3%A2m-l%C6%B0%E1%BB%A3c-ukraina-nga-c%C3%B3-nguy-c%C6%A1-vu%E1%BB%99t-m%E1%BA%A5t-trung-%C3%A1

 

Le Figaro đặt câu hỏi, « Phải chăng với cuộc chiến Ukraina, Nga sẽ mất đi Trung Á ? » - vốn là vùng ảnh hưởng truyền thống. Tuy lệ thuộc nặng nề vào Nga về chính trị và kinh tế, nhưng năm nước Trung Á Kazakhstan, Uzbekistan, Tadjikistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan đều không ủng hộ cuộc xâm lăng Ukraina.

 

https://s.rfi.fr/media/display/12473f9c-644a-11ed-8b39-005056a97e36/w:1024/p:16x9/kyr_06.webp

Người dân Bishkek (Kyrgyzstan) biểu tình ủng hộ Ukraina ngày 26/03/2022. AP - Vladimir Voronin

 

Bất ngờ Trung Á !

Một số nhà lãnh đạo Trung Á đã gây ngạc nhiên khi tỏ thái độ, đôi khi trực tiếp. Chẳng hạn hôm 17/06 tại Diễn đàn Kinh tế Saint-Pétersbourg, tổng thống Kazakhstan phải trả lời một câu hỏi gây bối rối : có sẵn sàng công nhận các « nước cộng hòa ly khai » Donetsk và Luhansk ? Trước mặt Vladimir Putin, ông Kassym-Jomart Tokaiev đáp : « Nếu quyền tự quyết được áp đặt khắp nơi trên thế giới ; sẽ có trên 600 nước thay vì 193 thành viên Liên Hiệp Quốc hiện nay. Chắc chắn sẽ hỗn loạn ».

Tuy nhiên đa số được ngầm biểu lộ. Chẳng hạn ủng hộ « độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina » (Uzbekistan), không muốn phản đối việc trừng phạt Nga (Kazakhstan), hay cảnh cáo những công dân nào gia nhập quân đội Nga sẽ bị khởi tố hình sự. Các quan điểm này làm Matxcơva không vui. Dù không có trong các tuyên bố của Kremlin, nhưng những chiếc loa tuyên truyền tức tối tố cáo là thiếu trung thành.

 

Bắc Kinh muốn hất cẳng Matxcơva ngay tại sân sau của Nga

Trong số 76 triệu dân Trung Á, có người thông cảm với Nga, người ủng hộ Ukraina, nhưng tất cả đều lo lắng. Trước hết vì có hơn 3 triệu người Tadjikistan, Kyrgyzstan, Uzbekistan đang lao động tại Nga, bên cạnh đó những hành động của quốc gia thực dân cũ thường mang lại cảm giác tiêu cực. Tigran Keosayan, người dẫn chương trình truyền hình thân cận với Kremlin đã bị Kazakhstan cấm nhập cảnh vì nói rằng nước này « vô ơn ». Nhà xã hội học Asel Doolotkeldieva nhấn mạnh, người dân Trung Á không ưa thái độ sô-vanh nước lớn của Nga.

Thực ra những nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu như Kazakhstan hay Kyrgyzstan có thể giúp Matxcơva tránh né cấm vận. Nhưng mùa hè vừa qua Nga cho ngưng hoạt động Caspian Pipeline Consortium (CPC), đường ống đi qua biển Caspi vận chuyển 80 % dầu lửa xuất khẩu của Kazakhstan, bị cho là để trừng phạt Tokaiev, dằn mặt các cổ đông Mỹ và làm tăng giá dầu. Matxcơva nay cũng không còn đóng được vai trò trung gian hòa giải trong khu vực, như cuộc xung đột biên giới giữa Tadjikistan và Kyrgyzstan hồi tháng Chín làm khoảng 100 người chết.

Trò chơi thăng bằng khá tế nhị cho một số chế độ chuyên quyền, vừa không muốn thuận theo dân chủ phương Tây, lại vừa cảnh giác trước Bắc Kinh. Chuyến thăm Kazakhstan và Uzbekistan giữa tháng Chín của Tập Cận Bình cho thấy ý đồ can dự của Bắc Kinh, có thể dẫn đến một thay đổi lớn trong vùng. « Nhưng phương Tây vẫn là đối tác quan trọng trong thời điểm nhạy cảm này » - cố vấn tổng thống Kazakhstan khẳng định. Sự ủng hộ của Mỹ và châu Âu đối với Kiev đã gây ấn tượng mạnh mẽ nơi các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

 

Được giải phóng, dân Kherson ăn mừng suốt ba ngày liền

Tại Kherson vừa được giải phóng, « người dân Ukraina quá sức vui mừng », theo ghi nhận của đặc phái viên Le Figaro. Sau hơn tám tháng bị quân Nga chiếm đóng, suốt ba ngày liên tiếp, người dân Kherson và các làng mạc xung quanh đã tưng bừng đón những người chiến sĩ giải phóng. Đó là một cuối tuần đầy xúc động, với những giọt nước mắt mừng vui. Cả ngàn người tập trung ở quảng trường Tự Do, những bài ca yêu nước nối tiếp nhau. Mỗi khi ngưng tiếng hát, người ta lại thóa mạ Vladimir Putin.

Lá cờ của Olena, 18 tuổi, đầy những chữ ký kỷ niệm của những người lính. « Vinh quang cho Ukraina ! », khi nghe những tiếng hô này hôm thứ Sáu cô mới tin rằng ngày giải phóng đã đến. Suốt tám tháng trời trước đó, không thể nghe được câu này. Trên những áp-phích dọc theo đại lộ dẫn đến quảng trường chỉ thấy « Nga ở đây vĩnh viễn », « Ukraina và Nga là anh em cả thế kỷ », « Nước Nga là sự ổn định ».

« Niềm vui của tôi là vô biên », Tania nói với Le Figaro. Trong thời kỳ chiếm đóng, những người dân yêu nước hạn chế ra ngoài, đặc biệt là ngày « trưng cầu dân ý ». Những « cử tri » có trả lương được đưa đến từ Crimée bằng xe buýt, mọi liên lạc internet đều bị cắt. Thành phố miền nam Ukraina, bị chiếm ngay từ ngày đầu cuộc xâm lăng, được cho là có sự tiếp sức của nội gián, hầu như còn nguyên vẹn. Nhưng trên những con đường dẫn đến Kherson đầy dấu vết những trận đánh dữ dội, những xe tăng, xe quân sự Nga bị bỏ lại hoặc phá hủy, các toán dò mìn của Ukraina tiếp tục làm việc. 

 

Chưa hẳn đã yên, sau tám tháng dưới ách quân Nga

Tại làng Lapkaya, người dân đứng dọc theo đường chào đón đoàn quân giải phóng, mà khi mới nhìn thấy, họ còn chưa dám tin vào mắt mình. Le Monde ghi nhận trên mạng xã hội đầy video cho thấy những tấm áp-phích tung hô Nga bị người dân xé bỏ, xe cộ bóp còi vui mừng, dân chúng xúc động ôm lấy những người chiến binh, tặng hoa cho họ, đám đông hô vang « ZSU (tên tắt của quân đội Ukraina) muôn năm ! ». Những hình ảnh hoàn toàn tương phản với con số được đưa ra là 87 % cư dân bỏ phiếu ủng hộ « sáp nhập Kherson vào Liên bang Nga ». 

Sau khi chiếm Kherson, hàng ngày quân Nga đều bị dân biểu tình phản đối, cho đến khi họ ra tay đàn áp thô bạo. Một người dân Kherson cho rằng đã may mắn tránh được tình trạng của Mariupol, thành phố được giải phóng mà thường dân không phải thiệt mạng - một điều mà vài ngày trước đó khó thể hình dung. Tuy nhiên một sĩ quan Ukraina nói rằng vẫn chưa hết hiểm nguy, hãy còn vài ngàn lính Nga ở lại phía hữu ngạn, trốn đâu đó ở Kherson, hoặc giả dạng thường dân.

Le Monde nhìn thấy bên cạnh niềm vui còn có nỗi sợ bị oanh kích. Để trả thù cho thất bại, Nga cho bắn một loạt hỏa tiễn S-300 vào Mykolaiv cách Kherson 60 kilomet vào lúc 3 giờ sáng, giết chết 7 người dân. Kherson có nguy cơ cùng chung số phận của những thành phố Ukraina không may nằm gần chiến tuyến.

 

« Tôi muốn sống », tổng đài dành cho lính Nga muốn đầu hàng

Đối với những người lính Nga muốn buông súng, đã có « Tôi muốn sống », một số điện thoại của Ukraina dành cho những người Nga bị động viên ra chiến trường nhưng muốn đầu hàng. Le Figaro trích dẫn một số ví dụ. Đường dây đổ chuông từ sáng sớm đến tối mịt. Một giọng nói cho biết bị bắt lính và sắp bị đưa sang Kherson, có người cho số điện thoại này để có thể đầu hàng. Điện thoại viên đề nghị điền vào bản khai qua Telegram, nhưng người này nói rằng chỉ huy đã tịch thu smartphone, chỉ có thể xoay sở tìm điện thoại thông thường. Phía Ukraina nói rằng khi ra đến mặt trận hãy lập tức gọi lại.

Có khoảng 2.500 đề nghị đầu hàng, và nhóm « Tôi muốn sống » trên Telegram được khoảng 40.000 người theo dõi. Những trao đổi được mã hóa nên những người lính Nga có thể an tâm. Một tình nguyện viên của đường dây cho biết những người gọi đến thường ở trên tuyến đầu, một số trong tình thế hết sức khó khăn như đang bị quân Ukraina bao vây, số khác gọi từ Nga vì vừa nhận được lệnh động viên. Cũng có những người liên lạc từ Hoa Kỳ, Bỉ...để tìm cách giúp thân nhân ở Nga. Họ được khuyên nên dùng Telegram thay vì Viber vốn phổ biến ở Nga lẫn Ukraina, và có một điện thoại dự phòng. Dù có nguy cơ bị phục kích, nhưng sau khi điều tra, đặc nhiệm Ukraina có thể được gởi ra mặt trận để bảo đảm việc đầu hàng của lính Nga.

 

Những mạng lưới hỗ trợ người phản chiến đóng tiền phạt ở Nga

Ngay trong lòng nước Nga, vẫn có những hệ thống hỗ trợ người phản chiến. Le Monde cho biết có những cuộc quyên góp để giúp những tiếng nói chỉ trích chính quyền có thể đóng tiền phạt vạ. Tờ báo nêu ra trường hợp Mikhail D., một blogger ở thành phố Samara cách Matxcơva 1.000 km, sở hữu kênh TikTok với 300.000 người theo dõi. Sau khi một video chỉ trích chiến tranh gây được tác động, một tháng sau những người vũ trang súng trường tự động ập vào nhà còng tay anh đưa về đồn cảnh sát. Blogger này bị buộc phải đăng một bài viết được soạn sẵn « xin lỗi toàn bộ cư dân Nga » và được thả, nhưng phải ra tòa nộp phạt 15.000 rúp (240 euro).

Món tiền tuy không lớn nhưng Mikhail không đủ khả năng. Nghe nói về kênh Telegram RosStraf, người vợ bèn liên lạc và chỉ 15 phút sau số tiền đã có đủ. Những mạnh thường quân vô danh khi gởi tặng những món tiền nhỏ đều kèm theo những câu như « Hãy vững vàng », « Mọi chuyện sẽ tốt đẹp », « Phản đối chiến tranh » … khiến Mikhail vô cùng xúc động. Phía sau RosStraf là một ê-kíp tình nguyện viên, đa số đã chạy khỏi nước Nga. Người đầu tiên được mạng lưới trợ giúp là một người về hưu bị tòa phạt 70.000 rúp vì « nói xấu quân đội », trong khi lương hưu chỉ có 15.000 rúp.

Hoạt động của RosStraf hoàn toàn hợp pháp, chỉ nhận đóng góp từ những người trong nước Nga để tránh cho người nhận khỏi bị rắc rối. Theo con số chính thức, đến 31/10 đã có 4.644 bản án dành cho những người phản đối chiến tranh với Ukraina đã được tuyên. Các nhà đấu tranh được RosStraf kêu gọi giúp, khi nhận được quá số tiền cần thiết đều đóng góp trở lại. Đối với các mạnh thường quân, đây là cách duy nhất để phản kháng. Họ không sẵn sàng chấp nhận nguy cơ chịu tù đày hay bị sa thải nếu xuống đường, nhưng có thể giúp đỡ những người đã dám hành động.

 

« Cải tạo » trẻ em Ukraina thành công dân Nga

Về mặt nhân quyền, Amnesty International tố cáo Matxcơva đưa trẻ em Ukraina sang Nga để « cải tạo » thành công dân Nga, với mục đích tiêu diệt bản sắc Ukraina. Không ai có thể đưa ra con số chính xác, nhưng phía Ukraina đã xác định được 10.764 trẻ em bị tách rời khỏi gia đình, hiện đang ở trên đất Nga hoặc tại những vùng bị chiếm đóng. Số liệu này dựa vào các cuộc gọi của người thân đang tìm kiếm, đặc biệt tại vùng Mariupol, Zaporijia, Kherson. Bị cấm hoạt động tại Nga, Amnesty không thể đến tận nơi để hỏi chuyện các em bị cưỡng bức sang Nga, đành phải dựa vào những chứng cớ tự thu lượm được hoặc từ thân nhân.

Nhiều trẻ em Ukraina đã được nhận làm con nuôi trong các gia đình Nga. Trước tình trạng thiếu minh bạch, gia đình và các tổ chức phi chính phủ khó tìm được dấu vết, nhất là tên tuổi, nơi sinh có thể bị thay đổi. Nếu bị bắt đi lúc còn quá nhỏ, các em bé khi lớn lên sẽ chẳng bao giờ biết được tông tích của mình. Chuyên gia độc lập Aksana Filipichyna lo ngại : « Thông qua trẻ em, Matxcơva phạm tội diệt chủng vì dùng tuyên truyền để tẩy não, xác định lại tổ quốc và xóa đi tất cả những gì liên quan đến Ukraina trong ký ức ». Điều 2 Công ước 1946 có định nghĩa về tội ác diệt chủng này.

 

Quá nhiều đau thương, cuộc chiến tranh Ukraina cần phải kết thúc

Trên Le Monde, ngoại trưởng Anh James Cleverly cho rằng « Giải pháp cho cuộc xung đột phải công bằng đối với nhân dân Ukraina ». Người đứng đầu ngành ngoại giao Anh quốc cho biết ngay cả trước cuộc xâm lăng, ông vẫn tin tưởng vào quyết tâm bảo vệ tổ quốc bằng mọi giá của người Ukraina, và những gì diễn ra cho thấy đúng như vậy.

Được hỏi phải chăng qua việc Nga rút quân khỏi Kherson có thể bắt đầu nghĩ đến thời hậu chiến, ông Cleverly nhấn mạnh cần rất thận trọng. Những quyết định liên quan đến cuộc xung đột phải do phải do các nhà lãnh đạo Ukraina, do tổng thống Volodymyr Zelensky quyết định. Phương Tây cần tiếp tục hỗ trợ cho đến khi nào Kiev thấy được một lối ra thuận lợi.

Với câu hỏi tương tự của Les Echos, tổng thống Estonia Alar Karis đang tham dự Diễn đàn Hòa bình tại Paris cho rằng không phải người ngoài có thể nói đến việc bắt đầu đàm phán, mà chính người Ukraina. Đối với họ, biên cương lãnh thổ vô cùng quan trọng, và đã có quá nhiều nạn nhân Ukraina…Cuộc chiến này khiến Estonia thiệt thòi nhiều : giá năng lượng tăng, người tị nạn, phải mua thêm vũ khí, lạm phát lên đến 24 %...nhưng không là gì đối với những mất mát của Kiev. Ông nhấn mạnh « Cuộc chiến tranh ở Ukraina cần phải kết thúc ».

 

FTX, vụ phá sản làm chấn động thế giới tiền ảo

Chuyển sang lãnh vực kinh tế, các báo cùng đề cập đến vụ phá sản của FTX, « một Lehman Brothers của tiền ảo » theo Le Figaro, đã « làm rung chuyển thế giới tiền tệ kỹ thuật số », theo Les Echos và Le Monde. Mới cách đây một tuần, gia tài của Sam Bankman-Fried (SBF), ông chủ 30 tuổi của FTX còn trị giá 16 tỉ đô la, nay chỉ là số 0, công ty được đánh giá 32 tỉ đô la hồi tháng Giêng từ hôm thứ Sáu 11/11 đã khai phá sản.

Sự sụp đổ của nền tảng trao đổi tiền ảo thứ nhì thế giới với 130 chi nhánh được so sánh với vụ Enron trong kiểm toán và Lehman Brothers trong ngành ngân hàng. FTX có 300 nhân viên, được coi là một trong những nền tảng chắc chắn nhất thế giới, nay 100.000 khách hàng coi như sạch túi. Theo báo chí Mỹ, SBF đã chuyển hơn phân nửa số tiền của khách sang công ty tài chính kỹ thuật số Alameda đặt tại Bahamas. Cơ quan quản lý chứng khoán SEC đang điều tra về việc này.

Từ nhiều tháng qua, nhiều đồng tiền ảo đã liên tục mất giá. Riêng bitcoin từ đỉnh 67.734 đô la ngày 11/11/2021, đến Chủ nhật 13/11/2022 chỉ còn 15.890 đô la, chưa đầy 1/4 giá trị. Bên cạnh nỗi lo vết dầu loang, ảnh hưởng đến các nền tảng khác và thị trường chứng khoán truyền thống, còn có một vấn đề khác : tiền ảo chưa có những quy định chặt chẽ, Les Echos gọi là « một miền Viễn Tây mới ».

Đáng ngạc nhiên là đầu tư vào đây gồm toàn những tên tuổi như quỹ đầu tư Sequoia, quỹ hưu bổng giáo viên Ontario, Softbank của Nhật, một chi nhánh của Samsung…Trong số những người nổi tiếng quảng bá cho FTX có thể kể cầu thủ Mỹ Tom Brady và siêu mẫu Gisèle Bünchen. Sam Bankman-Fried được nhiều ưu tiên của chính quyền Mỹ. Là cá nhân tặng rất nhiều tiền cho đảng Dân Chủ (mạnh thường quân thứ nhì, chỉ sau George Soros), anh ta từng được tham vấn về một dự luật. Một số bài viết, hình ảnh trên mạng xã hội đã được vội vã xóa đi : tỉ phú trẻ này đã tặng 40 triệu đô la cho chương trình tranh cử Quốc Hội giữa kỳ của đảng Dân Chủ, và ban đầu còn hứa cho đến 1 tỉ đô la.





No comments:

Post a Comment

View My Stats