Vụ
tên lửa rơi ở Ba Lan là lời cảnh báo cho tất cả các bên
Stephen
M. Walt - Foreign
Policy
Nguyễn Thị Kim Phụng,
biên
dịch
https://nghiencuuquocte.org/2022/11/22/vu-ten-lua-roi-o-ba-lan-la-loi-canh-bao-cho-tat-ca-cac-ben/
Vụ mảnh vỡ tên lửa
của Ukraine rơi ở Ba Lan là một lời nhắc nhở rằng chiến tranh luôn có thể vô
tình leo thang.
Nếu bạn nghĩ rằng rủi ro leo thang trong cuộc
chiến ở Ukraine là không đáng kể, thì cái chết bi thảm của hai công dân Ba Lan
gây ra bởi một tai nạn tên lửa phòng không của Ukraine hôm thứ Ba (ngày
15/11/2022) sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại. Một cuộc chiến lớn đang diễn ra ở
Ukraine, và ngay cả khi các bên đều hết sức cẩn thận, thì những cuộc chiến lớn
vẫn cực kỳ lộn xộn, đầy bất trắc, và đầy những hậu quả không lường trước được.
Vũ khí gặp trục trặc, các chỉ huy trên chiến trường không phải lúc nào cũng
tuân theo mệnh lệnh, và “sương mù chiến tranh” khiến bạn khó nhận ra kẻ thù
đang làm gì và dễ hiểu sai ý định của họ.
Dù những cái đầu lạnh đã sớm chiếm ưu thế
trong vụ việc lần này, nhưng nó vẫn là bằng chứng cho khả năng leo thang ngẫu
nhiên hoặc vô ý. Thoạt tiên, khi người ta công bố báo cáo rằng một tên lửa đã tấn
công lãnh thổ Ba Lan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi đó là hành động
“leo thang” của Nga, trong khi các quan chức Ba Lan nói về việc viện dẫn Điều 4
và 5 của Hiệp ước NATO, coi sự kiện này là mối đe dọa đối với an ninh của liên
minh. Tuy nhiên, khi nguồn gốc thực sự của “vụ tấn công” được hé lộ, các quan
chức phương Tây đã nhanh chóng miễn trừ cho Ukraine mọi trách nhiệm đối với thảm
kịch, lưu ý (một cách chính xác) rằng Ukraine đã bắn tên lửa đi lạc để tự vệ
trước việc Nga tấn công bằng tên lửa vào cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời nhắc
nhở mọi người rằng Nga mới là kẻ khơi mào chiến tranh và đang chiếm đóng trái
phép lãnh thổ Ukraine.
Các quan chức
Mỹ và Ba Lan xứng đáng được ghi nhận vì đã nhanh chóng xác định bản chất thực sự của sự kiện đáng tiếc này
và hành động để giảm bớt áp lực leo thang, nhưng chúng ta không thể vì thế mà tự
mãn. Hãy tưởng tượng điều gì có thể xảy ra nếu một
tên lửa của Nga đi chệch hướng và tấn công lãnh thổ Ba Lan, giết chết hai người
trong quá trình đó. Moscow sẽ hoặc phủ nhận mọi liên quan, hoặc tuyên bố rằng
đó là một tai nạn, nhưng ngay cả khi người Nga nói ra sự thật, thì ai sẽ tin họ?
Áp lực phải đáp trả ở một mức độ nào đó sẽ rất lớn, và nó được thúc đẩy bởi suy
đoán rằng Moscow đã ra lệnh tấn công để kiểm tra quyết tâm của NATO. Một số nhà
phân tích cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thăm dò phản ứng để chuẩn
bị cho một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng, hoặc cố gắng đánh giá xem liệu Nga
có thể tấn công trực tiếp vào các điểm hậu cần quan trọng bên ngoài Ukraine mà
sau đó không phải chịu trách nhiệm hay không. Nhiều ý kiến cho rằng NATO phải
trả đũa Nga để “khôi phục khả năng răn đe”.
Vụ việc tại Ba Lan – và đặc biệt là phản ứng của
Zelensky – cũng cho thấy rằng Ukraine sẽ cố gắng sử dụng các sự kiện kiểu này để
đổ lỗi nhiều hơn cho Nga, cũng như thu hút sự đồng cảm và ủng hộ nhiều hơn từ
thế giới bên ngoài. Thật vậy, tờ New York Times đưa tin rằng vào tối thứ
Tư, Zelensky đã nói rằng “cuộc điều tra ban đầu vẫn chưa thuyết phục được ông,
và ông vẫn tin rằng có sự liên quan của tên lửa Nga.” Người ta có thể hiểu
logic đằng sau cách hành xử của ông, nhưng nó không có lợi cho chúng ta [người
Mỹ], dù có thể nó có lợi cho Ukraine. Và cách tiếp cận này có thể dễ dàng phản
tác dụng, Financial Times trích lời một nhà ngoại giao phương Tây giấu
tên: “Thật lố bịch. Người Ukraine đang phá hủy niềm tin [của chúng ta] vào họ.
Không ai đổ lỗi cho Ukraine và họ đang nói dối một cách công khai. Thứ này có sức
tàn phá còn lớn hơn cả tên lửa.”
Rõ ràng Ukraine xứng đáng có tiếng nói trong
việc quyết định số phận của mình, nhưng các cường quốc đang ủng hộ Ukraine cũng
nên có tiếng nói. “Sát cánh cùng Ukraine” không và không nên có nghĩa là tạm thời
gạt bỏ các lợi ích và mối quan tâm của chính chúng ta, đặc biệt là khi chúng
không phải lúc nào cũng trùng lặp với các lợi ích hoặc mục tiêu của Kyiv. Không
một nhà lãnh đạo thế giới có trách nhiệm nào có thể hoặc nên hy sinh lợi ích của
nước mình vì lợi ích của nước khác, và một đồng minh tốt sẽ nói cho đối tác của
mình biết, nếu họ cho rằng đối tác đó đang hành động thiếu khôn ngoan.
Cũng đừng quên rằng sự leo thang “ngẫu nhiên”
hoặc “vô ý” không phải là cách duy nhất, hoặc cách khả thi nhất, khiến cho cuộc
chiến này mở rộng và trở nên nguy hiểm hơn. Các quốc gia đang có chiến tranh
thường leo thang không phải vì đối thủ đã vượt qua một ‘lằn ranh’ quan trọng
nào đó, hoặc vì họ hiểu sai hành động nào đó của đối thủ, mà là vì họ đang thua
cuộc. Đó là lý do tại sao Đức triển khai chiến tranh tàu ngầm không hạn chế
trong Thế chiến I, rồi sử dụng tên lửa V-1 và V-2 trong Thế chiến II. Đó là lý
do tại sao Nhật bắt đầu các cuộc tấn công kamikaze trong Chiến tranh Thái Bình
Dương, và tại sao Mỹ xâm lược Campuchia vào năm 1970.
Động lực này đã xuất hiện ở Ukraine ngày nay.
“Chiến dịch quân sự đặc biệt” ban đầu, dự kiến chỉ kéo dài vài ngày hoặc vài tuần,
đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao lớn không có hồi kết. Sau nhiều lần thất bại,
Nga đã huy động thêm vài trăm nghìn quân (một bước đi mà Putin rõ ràng không
mong muốn thực hiện khi bắt đầu chiến tranh), và hiện đang tiến hành một chiến
dịch có chủ đích nhắm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine. Cùng lúc đó, các đồng
minh của Ukraine đã tăng cường hỗ trợ ngoại giao, kinh tế, và quân sự. Chẳng có
gì là “ngẫu nhiên” trong quá trình này; leo thang đang xảy ra vì không bên nào
sẵn sàng ngồi xuống thương lượng, và bên nào cũng muốn thắng chứ không muốn
thua.
Rất dễ hiểu lập trường của Ukraine: Người
Ukraine đang chiến đấu vì sự sống còn của họ. Chúng ta nên đồng cảm và hỗ trợ vật
chất cho họ. Nhưng vì người Mỹ đã quen đổ lỗi rằng các vấn đề của thế giới là
do bản chất xấu xa của các nhà lãnh đạo chuyên chế, nên rất khó để họ hiểu rằng
Putin và các cộng sự của mình cũng cho rằng lợi ích sống còn của họ đang bị đe
dọa. Thừa nhận thực tế đó không đồng nghĩa với việc biện minh cho mệnh lệnh của
Putin, hay cho hành động của quân đội Nga ở Ukraine; nó chỉ đơn giản là một lời
nhắc nhở rằng Moscow không tham chiến cho vui, và rằng họ sẽ không dễ dàng chấp
nhận thất bại.
Thật không may, tình huống này làm nổi bật cả
hai vấn đề: tại sao chúng ta nên kết thúc chiến tranh và tại sao làm như vậy sẽ
gặp phải những trở ngại to lớn. Nếu chiến tranh tiếp diễn, nguy cơ xảy ra các sự
cố nguy hiểm hơn và nguy cơ leo thang có chủ đích sẽ vẫn ở mức cao đến khó chịu.
Hơn nữa, chúng ta không thể tự tin rằng các sự cố trong tương lai sẽ được giải
thích đúng đắn, hoặc người ta sẽ luôn cưỡng lại được những cám dỗ để hành động
quyết liệt hơn. Những người đã kêu gọi chú ý hơn đến ngoại giao và nỗ lực
nghiêm túc hơn để đạt được thỏa thuận đã đúng khi nhấn mạnh rằng nguy cơ vẫn
còn tồn tại chừng nào đạn và tên lửa còn bay.
Tuy nhiên, đàm phán không phải là thuốc chữa
bách bệnh; thật vậy, rất khó để lạc quan về triển vọng của hoạt động ngoại
giao. Ukraine hiện có lợi thế đáng kể trên chiến trường, nhưng không có dấu hiệu
nào cho thấy Moscow đã sẵn sàng thỏa hiệp, chứ chưa nói đến việc đáp ứng mọi
yêu cầu của Ukraine. Nếu cả hai bên tin rằng họ có thể cải thiện tình hình bằng
cách tiếp tục chiến đấu, thì sẽ không có thỏa thuận nào là khả thi.
Ngay cả khi các bên đều quan tâm đến đàm phán
nghiêm túc, những trở ngại cho thành công vẫn là rất lớn. Có sự thù hận sâu sắc,
nhưng lại không có sự tin tưởng giữa Moscow và Kyiv. Có rất nhiều bên liên quan
và bên có lợi ích muốn có tiếng nói trong kết quả sau cùng. Danh sách các vấn đề
thực tế phải được giải quyết là rất dài và rất khó: rút quân, phân định biên giới,
hồi hương tù nhân và công dân bị bắt cóc, hỗ trợ tái thiết Ukraine, đảm bảo an
ninh trong tương lai, trách nhiệm giải trình đối với các tội ác chiến tranh, dỡ
bỏ lệnh trừng phạt,… tất cả đều cực kỳ khó giải quyết. Một nhà hòa giải với những
ưu điểm của Talleyrand, Metternich, Bismarck, Chu Ân Lai, Lakhdar Brahimi,
Richard Holbrooke, và Jimmy Carter cũng khó mà đạt được tiến bộ đáng kể vào thời
điểm này.
Dù vậy, tôi có thể chỉ ra một điểm sáng trong
sự cố đáng tiếc này. Nếu nó nhắc nhở mọi người rằng cuộc chiến kéo dài càng
lâu, thì càng có nguy cơ leo thang – và sự leo thang đó có thể dẫn đến những kết
quả thảm khốc, thì quả tên lửa đi lạc kia có thể khuyến khích các nhà lãnh đạo
của cả hai bên cố gắng chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt. Nếu không, chắc chắn
sẽ có một sự cố nguy hiểm khác xảy ra, và ai biết được điều gì sẽ xảy ra vào lần
tiếp theo.
---------------------
Stephen
M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là
giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.
Nguồn: Stephen M. Walt, “Deaths
in Poland Are a Warning for Everyone,” Foreign Policy,
17/11/2022
No comments:
Post a Comment