Monday, 21 November 2022

VÀI ĐIỂM MỚI TRONG VỤ ÁN và PHIÊN TÒA THẦY GIÁO BÙI VĂN THUẬN (Nguyễn Vũ Bình)

 



Vài điểm mới trong vụ án và phiên tòa thầy giáo Bùi Văn Thuận

Nguyễn Vũ Bình

Thứ Hai, 11/21/2022 - 07:30 — nguyenvubinh

https://www.rfavietnam.com/node/7418

 

 Ngày 17/11/2022, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử thầy giáo Bùi Văn Thuận (sinh năm 1981 tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) bị khép vào tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 Bộ Luật hình sự. Sau ngày 17, đến trưa ngày 18/11, tòa án đã tuyên án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế với thầy giáo Bùi Văn Thuận. Cũng như rất nhiều người đấu tranh kiên cường khác, thầy giáo Bùi Văn Thuận đã không công nhận mình vi phạm pháp luật, thêm nữa, Anh còn không thèm kháng án vì không tin vào hệ thống tòa án và pháp luật của Việt Nam.

 

     Theo dõi vụ án và phiên tòa, chúng ta thấy có hai điểm mới trong vụ án cũng như phiên xử Bùi Văn Thuận so với các vụ án và phiên tòa cùng tội danh tương tự trước đó. Trước hết, đó là việc trong cáo trạng có các thông tin về 12 người tố cáo anh Bùi Văn Thuận, trong đó có ba người làm đơn tố cáo gồm các ông Chế Ngọc Trung, Nguyễn Văn Thanh và bà Hà Thị Duyên. Các nhân chứng thậm chí được mời đến phiên tòa để đối chất nhưng chỉ có ông Lê Quốc Quyền là bạn facebook của bị cáo cùng với trưởng công an phường Mai Lâm (nơi gia đình anh Bùi Văn Thuận sinh sống) tham dự phiên tòa. Trước phiên tòa này, trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin về việc an ninh ép những người thân, bạn bè của thầy giáo Đặng Đăng Phước (còn gọi là Đặng Phước, giáo viên âm nhạc trường Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc, cũng bị bắt theo điều 117 BLHS ngày 8/9/2022) tố cáo Thầy vi phạm pháp luật. Nhưng hình như những người đó không thực hiện điều an ninh yêu cầu.

 

     Như vậy, việc truy tố, xét xử những người đấu tranh đã có thêm vấn đề mới (bài mới) của an ninh. Trước đây, an ninh và tòa án không cần các nhân chứng, những người tố cáo như vậy, tại sao bây giờ lại bày đặt ra việc này? Có lẽ họ muốn gây thêm mâu thuẫn giữa những người đang đấu tranh, gây hỗn loạn trên cộng đồng mạng. Tất nhiên, để làm việc này, họ cũng cần huy động người của họ đang ở trong phong trào tham gia để khoét thêm mâu thuẫn giữa những người đấu tranh, để cho những người có cảm tình nhìn vào chán nản với phong trào dân chủ. Đây quả thực cũng là một âm mưu thâm độc của an ninh. Nhưng âm mưu này có vẻ không diễn ra theo ý muốn của an ninh. Một mặt, hầu hết những người có lương tâm, có uy tín hoặc thân nhân các tù nhân lương tâm không tham gia vào việc tố cáo. Điều này sẽ dẫn tới hai trường hợp, một là chỉ có những người vô danh, những kẻ ất ơ, chả ai biết chả có giá trị gì tố cáo. Hai là, tạo thông tin giả để lừa cộng đồng (tức là nói những người có tên tuổi, thân nhân tù nhân Lương tâm tố cáo), nhưng thông tin giả thì nhanh chóng bị lộ vì thời buổi kết nối mạng rất dễ kiểm chứng. Hình như vụ việc tố cáo thầy giáo Đặng Đăng Phước đã bị bại lộ, nằm trong trường hợp thứ hai, tạo thông tin giả.

 

     Điểm mới thứ hai xung quanh phiên xử Bùi Văn Thuận là, đột nhiên, tài khoản facebook “Thuan Van Bui”, tài khoản mà Viện kiểm sát nói rằng, Bùi Văn Thuận sử dụng để phạm tội, hoạt động trở lại ngay trước ngày xử Bùi Văn Thuận một hai hôm. Vấn đề rắc rối cho Viện kiểm sát và Tòa án là ở chỗ, trong cáo trạng có đoạn viết rằng, Bùi Văn Thuận đã sử dụng tài khoản facebook “Thuan Van Bui” để phạm tội, bằng chứng là sau khi Bùi Văn Thuận bị bắt, facebook đó không còn hoạt động nữa. Vậy mà đột nhiên facebook “Thuan Van Bui”  hoạt đông trở lại. Vậy là Bùi Văn Thuận và các luật sư bào chữa của Anh chỉ xoáy vào chi tiết này khiến Viện kiểm sát và Tòa án cứng họng, không biết xử lý ra sao đành phải lờ đi.

 

     Điều cốt tử là, theo Viện Kiểm sát, những hoạt động chính vi phạm pháp luật của  Bùi Văn Thuận được thực hiện trên trang facebook , bằng chứng chính mà tòa án dùng để kết án người đấu tranh là tài khoản facebook của họ, vậy mà nay, tài khoản đó không phải của họ, không thuộc về họ (bằng chứng là họ đang ở tù, mà tài khoản vẫn đang hoạt động). Nếu vào trường hợp tòa án và hệ thống tòa án tôn trọng pháp luật, nếu Việt Nam có công lý thì họ phải được trả tự do ngay lập tức. Nhưng ở Việt Nam không có luật pháp đúng nghĩa, không có công lý, nên người đấu tranh vẫn tiếp tục phải chịu án tù vô lý.

 

     Chúng ta đều biết rằng, với nhà cầm quyền độc tài toàn trị, những việc điều tra, truy tố và xét xử trong các vụ án những người đấu tranh chỉ là những việc làm cho có để biểu diễn và biện minh với dư luận và thế giới. Nhưng càng ngày, những việc làm đó càng bị phanh phui do nhận thức tiến bộ của người dân, và sự linh hoạt của giới đấu tranh trong một thế giới thông tin ngày càng rộng mở./.

 

Hà Nội, ngày 21/11/2022

N.V.B

 

nguyenvubinh's blog

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats