Saturday, 12 November 2022

UKRAINE – CHÂU CHẤU ĐÁ XE / PHẦN 2 (Dũng Vũ lược thuật)

 



Ukraine – Châu chấu đá xe (phần 2)

Dũng Vũ lược thuật

Posted on 12/11/2022 by admin

https://boxitvn.online/?p=82221

Quốc gia Ukraine độc lập

Liên Xô sụp đổ, Ukraine trở thành một quốc gia độc lập kể từ tháng 12 năm 1991.

Ukraine rộng 603.628 km2, lớn thứ hai Âu châu sau Nga, hình thể giống hệt nước Cộng hòa Xô viết Ukraine thời Liên Xô. Thủ đô là Kyiv với 2,81 triệu dân (2012).

Ukraine là một nước Cộng hòa theo Tổng thống chế có nghị viện, gồm 24 khu vực hành chính. Cộng hòa tự trị Crimea giữ một vị thế đặc biệt.

Năm 2020, dân số Ukraine là 44,13 triệu người. Theo thống kê cũ năm 2001 (khi Crimea chưa bị Nga sáp nhập), dân cư đông nhất là người Ukraine (77,8%), kế đến là người Nga (17,3%). Tại vùng Donetsk và Luhansk, người Nga chiếm 40% dân số, và tại Crimea thậm chí 58%. Khoảng 1/2 dân số nói tiếng Ukraine; 1/2 còn lại nói tiếng Nga. Tuy vậy hầu hết đều nói hai ngôn ngữ, vì thế Ukraine được ví như một quốc gia song ngữ. Tiếng Ukraine là ngôn ngữ chính của quốc gia.

Ngôn ngữ và dân tộc bỗng trở thành vấn đề vào năm 2014, khi Nga biện minh cho việc chiếm báo đảo Crimea của Ukraine là để bảo vệ “đồng bào” Nga khỏi “những kẻ phát xít” Kyiv theo chủ nghĩa dân tộc đã đàn áp tiếng Nga và người nói tiếng Nga. Nhưng luận điệu này không đúng. Không thể có vấn đề ngược đãi người nói tiếng Nga hoặc sự phân biệt đối xử đối với tiếng Nga vì năm 2012, Quốc hội Ukraine đã thông qua đạo luật cho phép giới thiệu “ngôn ngữ chính của địa phương”, gồm cả tiếng Nga, nếu tỷ lệ người bản ngữ nói ngôn ngữ này hơn 10% tại địa phương đó. Điển hình đã có 9 địa phương tiếng Nga đã trở thành ngôn ngữ chính. Mọi cố gắng bãi bỏ luật này vào năm 2014 đều thất bại. Hơn nữa, yếu tố dân tộc và ngôn ngữ không dính dáng gì tới chính trị. Trên thực tế đa số người Ukraine gốc Nga nói tiếng Nga là những công dân trung thành và đa số họ, theo mọi cuộc thăm dò, luôn phản đối việc sáp nhập nơi họ đang sinh sống vào nước Nga.

Ukraine là quốc gia nghèo thứ hai Âu châu, GDP khoảng 4862$/người (2021). Những ngành kỹ nghệ quan trọng là khai thác than ở Donbass và quặng sắt tại lưu vực Dnepr hoặc chế tạo vũ khí, sản xuất thép, phân bón, hóa chất. Hàng xuất cảng cũng gồm có máy bay, xe tăng và hỏa tiễn nhưng quân đội của họ lại bị lơ là. Chi tiêu cho quân sự chỉ bằng khoảng 5% của Nga. Về năng lượng cũng phụ thuộc vào dầu lửa và khí đốt nhập cảng từ Nga. Chính vì vậy mà Nga thường dễ gây áp lực với Ukraine, đe dọa ngừng cung cấp khí đốt.


Ukraine là một nước nông nghiệp, xuất cảng lúa mì đứng đầu thế giới và được ví như “cái nôi ngũ cốc của Âu châu”. Ngoài ra còn có bắp, củ cải đường, hoa hướng dương.


Giống hầu hết các nước hậu Liên Xô khác, nền kinh tế Ukraine đã sụp đổ vào những năm 1990; mức lương trung bình hàng tháng chỉ độ khoảng 66 Euro. Trong bảy năm đầu sau 2000, kinh tế Ukraine dần dần khá lên và gần như đã bù đắp được những mất mát trong thập niên 1990. Ngày nay tuy kinh tế có khá hơn xưa nhưng cuộc sống nhiều người lao động vẫn còn bấp bênh. An sinh xã hội và y tế còn kém. Tham nhũng phổ biến và có mặt khắp nơi trong giới kinh doanh, cảnh sát, tư pháp, và thậm chí trong hệ thống y tế và giáo dục.


Ukraine độc ​​lập, văn hóa thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa “hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Văn chương Ukraine nói riêng đã vươn lên và lần đầu tiên trong lịch sử Ukraine đã gây được tiếng vang trên thế giới. Các tác phẩm của Yuri Andrukhovych, Oksana Zabushko và Serhii Shadan đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ngoài ra còn có tiểu thuyết và truyện ngắn viết bằng tiếng Nga của Andrei Kurkov.

Tình hình chính trị Ukraine giai đoạn 1991-2013

Năm 1994, Ukraine đã ký kết giác thư Budapest, cùng với Belarus và Kasachstan chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân, đổi lại, Mỹ, Anh và Nga cam kết tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Năm 1997 Ukraine cũng ký kết một hiệp định hữu nghị với Nga, theo đó hai nước bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau. (Vậy mà giờ đây Nga lại đem quân xâm lược Ukraine và đổ thừa Ukraine muốn chế tạo vũ khí nguyên tử).

Trong 20 năm, nền chính trị của Ukraine tương đối bình lặng. Nhiều cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống đã diễn ra một cách minh bạch, có tự do báo chí.

Sự phát triển chính trị được định hình qua nhiều đời Tổng thống: tích cực có, tiêu cực cũng có.

Tổng thống đầu tiên Kravchuk (1991-1994) nổi lên như một người đại diện cho lợi ích quốc gia Ukraine. Kế tiếp là giám đốc Kỹ nghệ Leonid Kuchma (1994-2004), người đã cải thiện quan hệ với Nga và đưa ra những cải cách thị trường tự do. Về mặt đối ngoại, ông theo đuổi đường lối “đa phương” nhằm tạo sự cân bằng giữa Nga và EU. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ thứ hai, ông cai trị ngày càng trở nên độc đoán, đặc biệt là vướng vào những vụ bê bối tham nhũng làm dân chúng bất mãn.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống mới, Kuchma ủng hộ Viktor Yanukovych, cựu Thủ tướng kiêm Thống đốc vùng Donetsk, thân Nga. Ngược lại, đối thủ của ông là Viktor Yushchenko, cựu Chủ tịch ngân hàng quốc gia, lại chủ trương dân chủ hóa và thân Tây phương. Đầu tháng 9 năm 2004, Yushchenko bị đầu độc. Ngày 21 tháng 11, Yanukovych đắc cử Tổng thống nhưng kết quả bị làm giả. Hậu quả là dân chúng đã xuống đường phản đối. Hàng trăm ngàn người đã đổ về quảng trường Độc lập Maidan (Kyiv), đòi tổ chức lại cuộc bầu cử. Sự kiện này được gọi là cuộc Cách mạng Cam. Cuối cùng Yushchenko thắng cử. (Trong vụ này, người ta nghi ngờ Nga đã đầu độc Yushchenko và ngụy tạo kết quả bầu cử để nhân vật Yanukovych thân Nga được đắc cử).


Tuy nhiên, hai nhân vật chính của cuộc Cách mạng Cam, Tổng thống Yushchenko và Thủ tướng Yulia Tymoshenko đã sớm đánh mất uy tín chính trị của mình khi mải lo tranh giành quyền lực thay vì tiến hành các cuộc cải cách cần thiết. Hậu quả, họ đã trả giá đắt: trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2010, Yanukovych đã thắng Tymoshenko sít sao sau lần bỏ phiếu thứ hai.


Tổng thống Yanukovych đã cấp tốc mở rộng quyền lực, hạn chế các quyền dân chủ và đàn áp phe đối lập, đặc biệt là Tymoshenko đã bị ông bắt bỏ tù. Yanukovych cũng lợi dụng thế lực để làm giàu cho bản thân và gia đình. Đối với Nga, ông đã cải thiện được mối quan hệ vốn dĩ đã xấu đi dưới thời Yushchenko. Tuy nhiên Tổng thống Putin đã không thuyết phục được ông gia nhập Cộng đồng Kinh tế Á-Âu được tạo ra để cân bằng với EU. Yanukovych muốn tiếp tục đưa Ukraine xích lại gần EU hơn. Sau các cuộc đàm phán kéo dài, một “hiệp định liên kết” với EU dự tính sẽ được ký kết vào ngày 28-29.11.2013 tại thủ đô Vilnius, Litva. Nhưng một tuần trước đó, dưới áp lực của Nga, Yanukovych đã rút lại cam kết của mình. Điều này lại làm dân chúng giận dữ và lại biểu tình.

Euro Maidan

Một cuộc biểu tình phản đối quyết định này được gọi là “Euro Maidan” lại nổ ra trên quảng trường Độc lập Maidan (Kyiv) vào tối cùng ngày 24 tháng 11. Hàng chục ngàn người đã xuống đường và con số đã tăng lên hàng trăm ngàn vào những ngày 1 và 8 tháng 12. Euro Maidan là phong trào xã hội dân sự quần chúng lớn nhất Âu châu kể từ cuộc cách mạng năm 1989.

https://drive.google.com/uc?id=1npkisLKTDsBszPnos2FFjTM3cL-XHyFY

Người dân biểu tình trên Quảng trường Độc lập Maidan ngày 24.11.2013 ở Kyiv vì Tổng thống Ukraine Yanukovych không muốn ký Hiệp định liên kết EU đã được đàm phán. Ảnh: Wikimedia CC BY 2.0 / Nessa Gnatoush

Các cuộc biểu tình mới đầu ôn hòa rồi trở nên bạo động. Cảnh sát đã ra tay tàn bạo. Nhưng người dân vẫn tràn xuống đường chống lại Yanukovych và chế độ độc tài của ông ta. Biểu tình từ từ lan rộng sang các thành phố khác. Giữa mùa Đông lạnh giá, hàng trăm ngàn người đã tụ tập tại Maidan (Kyiv). Họ được người dân cung cấp thực phẩm, trà nóng và thuốc men.


Nhà cầm quyền không lùi bước, đã ban hành luật khẩn cấp nhưng làn sóng chống đối càng dữ dội. Các cuộc đụng độ vũ trang đạt đến tột đỉnh vào hai ngày 19 và 20 tháng Hai đã cướp đi sinh mạng của khoảng 100 người trong đó có 16 cảnh sát viên. Kết quả của sự kiện bạo động khiến phe chính phủ yếu đi và bị phe đối lập giành được đa số trong Quốc hội. Nhiều đơn vị cảnh sát, quân đội và một số thương gia giàu có đứng về nhóm Maidan. Qua trung gian của các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, Ba Lan và Pháp, một thỏa hiệp đã đạt được giữa Yanukovych và các nhà lãnh đạo ba đảng đối lập. Tuy nhiên nhóm Maidan đã không chấp nhận. Cuối cùng Yanukovych đã bỏ cuộc và trốn sang Nga. (Sự việc này dĩ nhiên làm Putin thất vọng vì Tống thống Yanukovych thân Putin bị dân Ukraine bất tín nhiệm).

Ngày 21.02.2014 Quốc hội Ukraine cách chức Yanukovych, và sau đó, ngày 21 tháng 3, Ukraine đã ký kết phần chính trị của hiệp định liên kết với EU. Yêu cầu chính của cuộc cách mạng Euro Maidan đã được thỏa mãn. Tuy vậy phần lớn người dân ở miền Đông và miền Nam đã không tham gia và vẫn còn lưỡng lự. (Điều này dễ hiểu vì ở đây có nhiều người Nga hoặc người thân Nga sinh sống).


Nga đã giận dữ lên án “thỏa thuận liên kết” với EU lẫn phong trào Euro Maidan và cho rằng sự thay đổi quyền lực tại Kyiv là một “cuộc đảo chính của chính quyền phát xít”, một âm mưu của Tây phương nhằm chống lại Nga. Những tuyên bố này dĩ nhiên là vô cớ nhưng đã bộc lộ sự mất lòng tin của thổng thống Putin đối với EU và NATO. Ông đổ thừa sự bành trướng của Tây phương về phía Đông tới biên giới Nga là sự đe dọa lợi ích an ninh của Nga. Thế nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất cho sự can thiệp của Nga là lo sợ các sự kiện Maidan có thể trở thành “tấm gương” cho phe đối lập trong nước vốn dĩ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn hai năm trước. Vì thế cần phải ngăn chặn điều “Ukraine đã thành công trong việc trở thành một quốc gia dân chủ theo Âu châu”. Nga giả vờ nói, họ phải bảo vệ “đồng bào” mình ở Ukraine khỏi sự đàn áp của chính quyền mới tại Kyiv. Đây là lý do biện minh cho một cuộc can thiệp vũ trang đã nhanh chóng biến thành một cuộc chiến tranh Nga-Ukraine không báo truớc.

Sáp nhập Crimea – Chiến tranh ở Donbass

Mục tiêu đầu tiên của Putin là bán đảo Crimea, vùng đất Ukraine duy nhất có đa số người Nga sinh sống từ thời Cộng hòa Xô viết Ukraine. Cuối tháng 2 năm 2014, nhiều binh lính không mang huy hiệu đã chiếm đóng Quốc hội, trụ sở chính quyền và sân bay tại thủ phủ Simferopol. Ngày 6 tháng 3, một chính phủ mới được dựng nên, báo trước rằng Crimea sẽ được sáp nhập vào Nga. Vài ngày sau, ngày 17 tháng 3, một cuộc “trưng cầu dân ý” giả tạo đã được Nga tổ chức vội vã và đã gây nhiều phẫn nộ. Ngày 20.03.2014, bán đảo Crimea của Ukraine bị sáp nhập vào Nga.

Qua sự sáp nhập Crimea, chính phủ Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế và những hiệp ước công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đã ký kết. Lần đầu tiên sau Thế chiến thứ hai, một quốc gia Âu châu (như Nga) đã chiếm đoạt lãnh thổ của một quốc gia láng giềng. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã lên án Nga.


Tuy nhiên Nga còn mở rộng ảnh hưởng đến miền Đông Ukraine bằng cách cung cấp nhiều vũ khí cho quân ly khai. Lực lượng này chiếm đóng các thành phố quan trọng nhất của vùng Donbass và dựng nên một chế độ cai trị độc đoán. Ngày 11.05.2014, các “nước Cộng hòa Nhân dân có chủ quyền” Donetsk và Luhansk tuyên bố độc lập qua một cuộc trưng cầu dân ý giả tạo. Trong số các thủ lĩnh phe ly khai có nhiều người Nga vốn là thành viên của các tổ chức dân tộc chủ nghĩa. Phe ly khai tự cho họ là những người chiến đấu cho “Nước Nga mới” – một khái niệm có từ thời Sa hoàng bao gồm toàn thể miền Nam và miền Đông Ukraine.

Sự can thiệp quân sự của Nga đi kèm với lời tuyên truyền vô lý. Chính phủ Ukraine bị bôi nhọ là phát xít, theo chủ nghĩa dân tộc, là tay sai của Tây phương. Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin đã được dàn dựng như một phần tiếp theo của “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại” chống lại Đức quốc xã. Thông tin sai lệch bao gồm cả những lời nói dối liên tục được phổ trên đài truyền hình Nga. Phần lớn người dân Nga tin vào lời tuyên truyền này và Putin càng nổi tiếng.

Có thực sự rằng chính phủ Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc?

Kết quả bầu cử Quốc hội Ukraine ngày 26.10.2014 cho thấy các đảng ủng hộ Âu châu đã giành chiến thắng. Đảng Svoboda theo chủ nghĩa dân tộc đã bất ngờ giành được 10% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2012, nhưng lần này không đạt được ngưỡng 5% để lọt vào Quốc hội và không còn đại diện trong chính phủ.

Kỳ bầu cử Quốc hội Ukraine kế tiếp diễn ra vào ngày 21.07.2019. Do sự việc Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3 năm 2014 và việc quân ly khai chiếm đóng Donetsk và Luhansk, chỉ có 424 ghế của “Hội đồng tối cao” (Verkhovna Rada, tương đương Quốc hội) có thể được bầu và khoảng 12% công dân đủ điều kiện không thể tham gia bầu cử. Theo luật bầu cử hiện hành, 225 thành viên của “Hội đồng tối cao” được bầu ra bởi một hệ thống đại diện tỷ lệ trên toàn quốc theo chỉ tiêu “5%” và 199 ghế còn lại trong các khu vực bầu cử theo hệ thống “đa số tương đối”.

Kết quả: Đảng “Sluha Narodu” (“đầy tớ nhân dân”) thân Tây phương của Tổng thống Volodymyr Zelenskyj được 43,2%, đảng “Oppositionsplattform” thân Nga được 13,0%, các đảng của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko (“Tổ quốc”, 8,2%) và cựu Tổng thống Petro Poroshenko (“Đoàn kết châu Âu”, 8,1%). Ngoài ra còn có “Holos” của nhạc sĩ nhạc rock Sviatoslav Vakarchuk với 5,8%. Không một đảng cực hữu nào đạt được 5% để vào được Quốc hội, ví dụ “Swoboda” (1,4%), “NationalenKorps” (0,2%).

Từ kết quả trên, Tổng thống Putin không thể xa rời thực tế mà nói chính phủ Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc để mà phải diệt trừ.

Trong cuộc chiến giành lại lãnh thổ, quân đội Ukraine không được trang bị đầy đủ. Họ thiếu khả năng chống lại lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn với nhiều binh sĩ và vũ khí hạng nặng. Có vũ khí tối tân trong tay, phe ly khai thân Nga thích thử nghiệm. Ngày 17.07.2014, họ đã bắn nhầm một máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines, khiến tất cả 298 người thiệt mạng.

Quân Ukraine liên tục bị tấn công. Bị thất bại, Ukraine buộc phải đàm phán, nhưng sau đó chiến tranh lại tái diễn. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande phải làm trung gian hòa giải và rồi cũng không đi tới đâu. Việc Nga sáp nhập Crimea không được nhắc tới; cả vấn đề quan trọng là kiểm soát biên giới Nga-Ukraine cũng bị hoãn lại. Donbass hầu như không bao giờ bình yên.

Cuộc chiến của Putin càng làm Ukraine ngả về phía Tây phương. Ukraine mong sớm được gia nhập NATO và EU. Thế nhưng Thủ tướng Merkel không ủng hộ vì sợ mất lòng Putin. Bà lập luận Ukraine cần có thời gian để tiến hành dân chủ hóa và giải quyết nạn tham nhũng. Đối với Nga, bà Merkel muốn giữ một thái độ “dĩ hòa vi quý” có lợi cho kinh tế Đức, cụ thể là gia tăng xuất cảng qua Nga và mua được khí đốt giá rẻ từ Nga sau khi hoàn tất đường dẫn khí khổng lồ Nord Stream 2 bất chấp lời khuyên của Mỹ và đồng minh rằng Đức sẽ bị lệ thuộc vào Putin.

Kiểm chứng lý lẽ của Putin

Sau khi đọc lại lịch sử Ukraine, chúng ta thấy những lý lẽ Tổng thống Putin đưa ra để đánh Ukraine là những lời nói dối:

· Chính quyền Ukraine hiện tại tuy có huynh hướng thân Tây phương nhưng không phải là phát xít, không theo chủ nghĩa dân tộc, không đàn áp người nói tiếng Nga và diệt chủng dân Nga tại vùng Donbass.

· Ukraine không làm chủ “vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Suốt cuộc chiến với Nga hôm nay, Ukraine luôn thiếu vũ khí và phải nhờ Tây phương viện trợ. Ukraine cũng không chế tạo vũ khí nguyên tử, vì đã cam kết loại trừ vũ khí này theo giác thư Budapest.

· Tây phương không kết nạp Ukraine vào NATO và đe dọa Nga như Putin khắng định.

· “Ukraine chưa bao giờ có nhà nước hoặc quốc gia” là điều không đúng. Trong quá khứ Ukraine từng bị Nga đô hộ hoặc thuộc về khối Liên Xô, nhưng ngày nay Ukraine là một quốc gia độc lập, có chủ quyền hợp pháp, Nga phải tôn trọng.

Kết quả của cuộc chiến Nga-Ukraine tính đến nay

· “Cuộc chiến chớp nhoáng” của Putin thất baị. Putin dự tính, xua quân đánh Ukraine sẽ chiếm được thủ đô Kyiv trong vòng vài ngày và Ukraine sẽ đầu hàng vô điều kiện nhưng cho tới nay, tháng 11 năm 2022, cuộc chiến đã kéo dài 9 tháng mà vẫn chưa kết thúc. Quân Nga đang bị đẩy lùi trong khi quân Ukraine đang phản công để tái chiếm những phần đất bị quân Nga chiếm đóng chắc chắn sẽ còn kéo dài nhiều tháng. Thiếu vũ khí, Ukraine phải cầu viện Tây phương, ngược lại Nga có vũ khí tối tân và dồi dào, nhưng vẫn không thắng nổi Ukraine, nay Putin còn muốn sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt đối phương.

· Thường dân Ukraine là nạn nhân chính. Vô số người bị thương, bị giết chết, phụ nữ bị hãm hiếp, hàng triệu người phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn. Quân Nga đã dội bom, pháo kích bừa bãi vào thành phố. Khắp nơi, nhà dân, chung cư, trường học, vườn trẻ, nhà thương, cơ sở hạ tầng: điện nước, cầu cống, đường sá, mọi thứ cần thiết cho đời sống người dân bị tàn phá. Đất nước Ukraine tan hoang trong khi đất nước Nga còn nguyên vẹn.

· Nga bị tổn thất nặng nề. Hơn 70.000 binh sĩ thiệt mạng. 10 tướng tử vong trong khi đánh Afghanistan 9 năm không nghe nói có tướng Nga nào tử trận. Tổn thất nặng khiến Putin phải động viên thêm 300.000 quân, bất kể tù nhân nguy hiểm, có tội hình sự, nghiện ngập hoặc mắc bệnh nặng. Động viên bừa bãi khiến dân chúng Nga bất mãn, nhiều người không ủng hộ chiến tranh của Putin đã chạy qua các nước láng giềng trốn quân dịch. Ngoài ra Nga còn trưng dụng lính đánh thuê nổi tiếng tàn bạo của công ty quân sự tư nhân Wagner và quân Hồi giáo Chechens hiếu chiến từng bị Putin xem là khủng bố.

· Nga đã chiếm bốn tỉnh Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine và ngang nhiên sáp nhập vào nước Nga bằng một cuộc trưng cầu dân ý giả tạo.

· Cách xử sự thiếu lương thiện và sự dối trá của chính quyền Putin chỉ làm mất sĩ diện người Nga: chiếm nhà máy điện nguyên tử Ukraine để tống tiền, ăn cắp ngũ cốc của nông dân Ukraine, gây khó dễ không cho xuất cảng, đe dọa dùng vũ khí nguyên tử, dựng kịch vụng về để vu khống đối phương (Ukraine phá hoại đập nước gây lụt lội, dùng “bom bẩn phóng xạ”, v.v.).

Thái độ của thế giới và Tây phương

Hành động Nga xâm lược Ukraine và sáp nhập những vùng chiếm đóng vào nước Nga đã vi phạm trắng trợn chủ quyền của Ukraine và luật pháp quốc tế. Thực tế đã chứng minh, cuộc xâm lược của Nga đã làm hại thường dân Ukraine là chính. Hầu hết các nước trên thế giới phẫn nộ và lên án Putin. Tuy nhiên vẫn có một ít quốc gia thân Nga đã bỏ phiếu ủng hộ Nga, hoặc bỏ phiếu trắng, không lên án Nga, trong đó có Việt Nam.

Hành động Nga xâm lược Ukraine cũng đã vi phạm giác thư Budapest phải bảo vệ và tôn trọng chủ quyền Ukraine. Kể cả Anh và Mỹ cũng vi phạm vì không làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Ukraine. EU và NATO cũng đứng nhìn. Suốt trận chiến, thế giới chỉ thấy Putin tự do đánh Ukraine, các nước Âu châu hầu như chỉ đứng nhìn, không muốn để bị liên lụy. Ukraine như “châu chấu đá xe”, một mình chống lại một gã khổng lồ để sống còn.

Vì lòng ích kỷ, người ta có thể bỏ mặc người cô thế. May mắn thay Ukraine vẫn còn vài người giúp đỡ, đặc biệt là Mỹ. Chỉ có điều, một trận chiến kéo dài có thể sẽ làm “nản lòng” những “mạnh thường quân” và Ukraine sẽ bị bỏ rơi và ngã gục. Đến lúc đó, cánh cửa phía Đông Âu châu hở toang, đoàn Hồng quân Nga sẽ thênh thang bước vào Âu châu; thế giới sẽ được dịp nhìn thấy dân Âu châu phải thay thế người lính Ukraine cầm cây súng để tự bảo vệ lấy mình chăng?

Kết luận

1. Putin đã nói dối và xua quân xâm lược nước láng giềng Ukraine, bất chấp luật pháp quốc tế. Cuộc chiến thật tàn khốc. Nhà nước Ukraine bị mất ổn định vĩnh viễn và mất quyền kiểm soát một phần đáng kể lãnh thổ của mình. Kinh tế bị tàn phá, vô số người thiệt mạng. Hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn khắp Âu châu. Vùng Donbass và phía Nam đang bị phá hủy nặng nề và thảm họa con người rất lớn.

2. Chiến tranh Nga-Ukraine đã củng cố vị thế quyền lực của Putin. Nó kích thích tinh thần yêu nước trong xã hội Nga và ít nhất là vào lúc này, tránh được hiểm họa nước Nga sẽ “du nhập” bài học Maidan của Ukraine. Cuộc chiến đã khiến quan hệ giữa người Nga và người Ukraine xấu đi nhanh chóng. Tuyên truyền của Nga đã mang lại hiệu quả trong giới người Nga ở miền Đông và miền Nam của Ukraine.

3. EU và Mỹ đã cô lập Nga trên bình diện quốc tế và muốn làm suy yếu nước này về mặt kinh tế. Kinh tế Nga bị suy thoái và chắc chắn sẽ trở nên trầm trọng. Tuy nhiên EU và Mỹ hay bất đồng ý kiến và Nga cố lợi dụng điểm yếu này để chia rẽ họ một cách có hệ thống. EU và Mỹ cũng rơi vào khủng hoảng năng lượng và đang bị lạm pháp nghiêm trọng.

4. Mục tiêu của chính phủ Nga trong việc “đánh Ukraine để ngăn Ukraine tiến tới EU” đã không đạt được. NATO cũng không kết nạp Ukraine như Putin lo ngại, nhưng hành động quân sự của Putin đã tạo phản ứng ngược. Các nước như Phần Lan, Thụy Điển vốn dĩ trung lập, nay đã xin gia nhập NATO, nghĩa là vô hình trung, Putin đã giúp NATO mở rộng.

5. Qua trận chiến này, người ta nhìn thấy một Putin đầy mặc cảm và ảo tưởng. Hào quang một đế chế Nga với những vị Sa hoàng “vĩ đại” hoặc một cường quốc Liên Xô đã biến mất. Nước Nga ngày nay thua kém Trung Quốc một trời một vực. Nó cũng thua kém những nước chư hầu cũ của Liên Xô vốn dĩ không có cảm tình với Nga nên đã gia nhập cộng đồng Âu châu. Ukraine tựa vậy, cũng mong muốn gia nhập Âu châu. Điều này làm Putin tự ái, đánh đồng rằng Ukraine bài xích người Nga (dẫu Ukraine là một “người Nga nhỏ”). Đây cũng là một lý do khiến Putin tức giận và muốn “dạy cho Ukraine một bài học”. Mặt khác, cuộc chiến có vẻ như “giận cá chém thớt”. Giận Tây phương mà chém Ukraine để dằn mặt Tây phương.

6. Cũng qua trận chiến này, Mỹ và Âu châu đã nhận thấy thực lực của Nga và con châu chấu Ukraine tuy nhỏ bé nhưng rất kiên cường. Ukraine có thể đánh bại Nga nếu có đầy đủ vũ khí. Chắc chắn EU và NATO đã nhìn thấy Ukraine rất xứng đáng trở thành một “tiền đồn kiên cố” để bảo vệ Âu châu về phía Đông.

D.V.

Stuttgart, 09.11.2022

(Hết)

Tác giả gửi BVN.

———————-

Tài liệu tham khảo

Müller, Michael G.: Die Teilungen Polens – – www.deutsche-digitale-bibliothek.de).

Subtelny, Orest: Ukraine – A History. University of Toronto Press, 2000 )

Kappeler, Andreas: Ungleiche Brüder – Russen und Ukrainer vom Mittelalter bis zur Gegenwart, C.H.Beck, 2017)

Edvard Radzinsky: The last tsar. The life and death of Nicholas II. Doubleday, New York, 1992)

Winston S. Churchill: Der Zweite Weltkrieg. Stuttgart und Hamburg, Scherz & Goverts, 1949-1954.)

Michail Gorbatschow: Erinnerungen. Siedler, Berlin, 1995)

Paul D’Anieri: Gerrymandering Ukraine? Electoral Consequences of Occupation. Sage Journals, 9. August 2016

Putins “Neurussland” beunruhigt die EU

https://www.zeit.de/politik/ausland/2014-08/ukraine-russland-putin-donezk)

https://www.pravda.com.ua/eng/news/2022/10/19/7372573/

http://www.ag-friedensforschung.de/regionen/Ukraine/russland2.html

https://www.rtl.de/cms/ukraine-die-pro-europaeische-partei-sluha-narodu-von-wolodymyr-selenskyj-gewinnt-die-parlamentswahlen-4375195.html

http://www.cvk.gov.ua/pls/vnd2014/wp300pt001f01%3D910.html

https://knoema.de/atlas/Ukraine/Reales-BIP-Wachstum

https://web.de/magazine/politik/russland-krieg-ukraine/ukraine-russlands-blitzkrieg-gescheitert-putins-verheerende-bilanz-monaten-krieg-36804428

https://www.t-online.de/nachrichten/ausland/id_91866488/ukraine-krieg-wladimir-putins-zehn-gefallene-generaele-das-ist-ueber-sie-bekannt.html

.

.



No comments:

Post a Comment

View My Stats