Tranh
biện tại Quốc hội: lối mòn bao giờ đổi?
RFA
2022.11.07
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/changes-to-increase-debate-in-parliament-11072022123448.html
Một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mới đây đề xuất cần
đổi mới cách thức thảo luận tại nghị trường để tăng khả năng tranh biện, tránh
‘lối mòn’ mỗi người rút một tờ giấy ra đọc.
Ảnh minh họa: Một kỳ họp Quốc hội trước đây. AFP PHOTO
Tại buổi thảo luận về Dự thảo Nghị quyết ban
hành Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi mới đây, ĐBQH Lê Thanh Vân thuộc Đoàn Cà
Mau và ĐBQH Hà Sỹ Đồng từ Quảng Trị đưa ra đề xuất như vừa nêu.
Theo ông Lê Thanh Vân, chuyển từ tham luận
sang thảo luận sẽ khiến chất lượng hoạt động của Quốc hội được nâng lên. Còn
ông Hà Sỹ Đồng thì cho rằng việc đổi mới cách thức thảo luận có trọng tâm, trọng
điểm, thiên về tranh luận chắc chắn sẽ khiến đa số đại biểu tự tin hơn khi đưa
ra quyết định của mình trước những vấn đề quan trọng của đất nước.
Từ Nha Trang hôm 7/11, nhà báo Võ Văn Tạo
nhận định:
“Tôi thấy hai ĐBQH đó đề xuất cũng đúng, tôi tán
thành… vì lâu nay họp Quốc hội các đại biểu nêu lên rồi các bộ trưởng, thủ tướng
trả lời nó rất chung chung vô bổ. Lâu lâu mới có một đại biểu Quốc Hội hỏi một
câu xác thực được cử tri quan tâm. Nếu như Quốc hội chấp nhận đề xuất đó thì điều
đó tốt cho đất nước, bởi vì những chất vấn thực tiễn đi vào vấn đề nóng bỏng có
lợi cho quốc tế dân sinh.”
Nhưng nhà báo Võ Văn Tạo e rằng hiệu lực của những đề xuất đó không được bao nhiêu. Những vấn đề
thật sự nóng thì chưa chắc đã tiếp thu, ông Tạo nêu dẫn chứng:
“Như vừa rồi đang lúc nóng bỏng ảnh hưởng đến toàn
dân, vì xăng dầu ở Hà Nội và Sài Gòn khăn hiếm bất thường, trong khi giá thế giới
xuống rồi nhưng vẫn không có xăng bán, nhiều cây xăng đóng cửa, đó là hiện tượng
rất không bình thường… Đáng lẽ họp Quốc hội nên bàn cái đó, nếu thống nhất thì
có thể yêu cầu thủ tướng ra quyết định tạm thời để cải thiện tình hình xăng dầu
khăn hiếm. Hay một nghị quyết của Quốc hội sửa luật thì cơ bản sẽ giải quyết được
ngay nếu có sự quan tâm. Nhưng ngay lúc đó Quốc hội lại bàn một chuyện xa lắc
xa lơ kỳ lạ lắm, không đáp ứng được nhu cầu của đất nước và nhân dân.”
Theo ông Tạo hai vị ĐBQH góp ý như vậy mà được
tiếp thu thì rất tốt. Nhưng ông Tạo cho rằng, sự phản ứng của nhà nước Việt Nam
và của Đảng CSVN rất chậm chạp, khó có hy vọng là có thể tiếp thu một một cách
đầy đủ ý kiến của hại ĐBQH này.
Trong thời gian qua, không ít lần các ĐBQH đã
nêu lên công khai tại nghị trường những đề xuất vô bổ, không thiết thực... thậm
chí ngớ ngẩn... mà chính truyền thông nhà nước loan tải. Tình trạng này khiến
người dân không khỏi thắc mắc: ‘Sao một vị ĐBQH, đa phần là cán bộ lãnh đạo các
địa phương, lại ăn nói như vậy?’
Anh Đức, một người dân ở Sài Gòn
cho biết ý kiến của mình:
“Họp Quốc hội ở Việt Nam chỉ là hình thức, lòe mỵ
dân... mọi thứ do một nhóm người quyết định trước rồi... thế thôi.”
Một ĐBQH phát biểu một cách ngô nghê khiến nhiều
người cho rằng ĐBQH bây giờ là những người thích nói và không cần biết đúng hay
không đúng đến mức nào. Họ không cần biết trách nhiệm trong phát biểu của ĐBQH
có thể ảnh hưởng đến dư luận như thế nào?
Đơn cử vào tháng 11 năm 2019, ĐBQH Nguyễn
Ngọc Phương đề xuất quy định ‘không để xe ở hầm chúng cư vì… sợ cháy.’ Theo
bà Phương, mỗi xe có thùng xăng nên đậu xe hơi, xe máy dưới tầng hầm chung cư sẽ
biến nơi đây thành những kho xăng, khi cháy sẽ không thể cứu chữa.
Hay trước đó vào tháng 6 năm 2019, ĐBQH
Nguyễn Quốc Hưng cũng đưa ra một đề nghị gây bàn tán khi đề xuất ‘thu phí
chia tay từ 3USD đến 5USD mỗi người, đối với mỗi công dân khi xuất cảnh.
Sử gia Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2021, khi trả lời
RFA liên quan vấn đề này cho biết:
“Cũng có thể nói một cái yếu của Quốc hội Việt Nam
là tính chuyên nghiệp không cao. Do cơ chế tổ chức, có người có năng lực thể hiện
chưa phát huy hết thì đã hết nhiệm kỳ. Có ra tiếp tục ứng cử hay không thì
không thuộc cái quyền của đại biểu đó, mà do cơ chế của tổ chức phân công. Cái
đó ai cũng nhìn thấy nhưng chưa được khắc phục một cách căn bản.”
Từ trái sang: Chủ tịch
nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc
hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trước
khi phiên khai mạc khóa 15 Quốc hội Việt Nam, ngày 20/7/2021. Nhac NGUYEN /
AFP.
Trở lại với đề xuất của ĐBQH Lê Thanh Vân và
ĐBQH Hà Sỹ Đồng, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trao đổi
với RFA hôm 7/11, cho biết một số ý kiến:
“Thứ nhất
ĐBQH của Việt Nam có thể nói hầu hết họ không đạt trình độ của một chính khách
cần phải có, họ chỉ thể hiện như một quan chức nhà nước. Thứ hai, đặc điểm
chung của ĐBQH hầu hết họ là đảng viên và nếu không phải là đảng viên thì cũng
là người đảng chọn, rồi qua hiệp thương họ vào Quốc hội. Họ không có đủ tư cách
và vị thế để đại diện cho người dân chúng tôi. Thứ ba là hầu hết ĐBQH
không được đào tạo chuyên nghiệp như thế giới, họ không được đào tạo về chính
trị học, triết học, quản trị nhà nước, luật học… và thực tế vì không có cạnh
tranh nên họ không được đào luyện, cũng như vì tất cả đều do đảng chọn nên kỹ
năng tranh luận của họ không có.”
Cũng tại buổi thảo luận về Dự thảo Nghị quyết
ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi, ĐBQH Nguyễn Quang Huân từ Bình
Dương cho rằng: ‘Nếu yêu cầu không được cầm giấy đọc, thì một số ĐBQH sẽ e
ngại, sợ là cử tri không được nêu tiếng nói của mình. Nếu không có giấy đọc thì
có thể đại biểu vô tình phát biểu trùng, nếu không nói rõ thì có một số vị có
thể thấy tổn thương’.
Nhưng nhà báo Nguyễn Ngọc Già lại cho rằng, việc
đề nghị thay vì cầm giấy đọc thì phải tranh luận trên nghị trường là điều tốt.
Tuy nhiên ông Già lo ngại:
“Ngoài những điều vừa nói, tôi nghĩ ĐBQH Việt Nam vì
không đủ kỹ năng nên họ rất sợ mất mặt, bẽ mặt lẫn nhau. Đối với các quốc gia tự
do dân chủ, các dân biểu không ngại chuyện đó, nhưng đối với Quốc hội của Việt
Nam thì đó là nỗi nhục. Một điều nữa là người CSVN rất sợ làm mất đoàn kết, mặc
dù họ không bao giờ đoàn kết, nhưng trước mặt người dân họ cố gắng giữ. Tôi cho
rằng thiếu quá nhiều điều kiện để có thể có một cuộc tranh luận thật sự của những
chính trị gia gia trên nghị trường Quốc Hội.”
Theo ông Nguyễn Ngọc Già, ý định của đề nghị
này là rất tốt, nhưng thực tế thì rất khó khăn khi áp dụng. Mặc dù vậy ông Già
vẫn chúc Quốc hội VN dần dần tiếp cận được cái văn minh nghị trường giống như các
quốc gia khác.
---------------------
Tin, bài liên quan
THỜI SỰ
·
Quốc
hội lấy phiếu tín nhiệm, rồi để làm gì?
·
Các
cuộc chất vấn tại Quốc hội Việt Nam làm lộ rõ tầm của đại biểu
·
Quốc
Hội Việt Nam: Cơ quan quyền lực cao nhất, hay là công cụ “luật hoá” của đảng?
·
Suy
nghĩ về bốn lãnh đạo cấp cao vừa được Quốc Hội bầu lại
·
Quốc
hội có thành công như báo đăng?
No comments:
Post a Comment