Thách
thức lương thực để nuôi sống 8 tỷ người trên hành tinh
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 22/11/2022 - 15:37
Trái Đất có đủ nguồn tài nguyên cho phép 600 triệu
nông dân nuôi sống 8 tỷ và thậm chí là 10 tỷ miệng ăn trên hành tinh hay
không ? Dân số thế giới còn tăng mạnh từ nay đến cuối thế kỷ XXI, vậy đâu
là những thách thức đang đặt ra cho ngành nông nghiệp khi dân số toàn cầu
càng lúc càng tăng ?
Trên một phố ở thủ
đô New Delhi, Ấn Độ, nước sẽ có số dân đông nhất hành tinh. (Ảnh chụp ngày
12/11/2022). AP - Altaf Qadri
Năm 2011 truyền thông quốc tế đã hân hoan chào
đón thành viên thứ 7 tỷ trên hành tinh. Lần này công luận quốc tế tập trung vào
chiến tranh Ukraina, khủng hoảng năng lượng, dịch Covid, biến đổi khí hậu vào nạn
đói đe dọa một phần nhân loại.
Theo báo cáo được cập nhật hồi tháng
10/2022 của Tổ Chức Lương Nông Thế Giới về tình trạng an ninh thực phẩm và dinh
dưỡng toàn cầu – SOFI 2022, đủ ăn ngày hai bữa đang trở thành một « nhu cầu
cấp bách » đối với 50 % dân cư ở châu Phi, đối với 10 % nhân loại.
Quá đông người
trên hành tinh ?
Trên đài RFI Pháp ngữ, giáo sư địa lý đại học
Sorbonne Paris, bà Sylvie Brunel giải thích « nhiều yếu tố
cùng lúc » đẩy thêm 46 triệu người trên thế giới vào cảnh đói kém trong
năm qua, đa số là ở châu Phi :
« Đương nhiên dưới tác động của dịch Covid, các
đợt phong tỏa liên tiếp ảnh hưởng trước hết đến những người mà cuộc sống vốn đã
khó khăn. Kế tới là tác động dây chuyền từ chiến tranh Ukraina gây nên, bởi vì
châu Phi lệ thuộc vào nhập khẩu lương thực thực phẩm của Nga và Ukraina. Họ mua
vào từ lúa mì đến bắp, dầu ăn, phân bón … Chính vì thế mà nhiều quốc gia đã
tránh bỏ phiếu lên án Matxcơva xâm chiếm Ukraina. Cuối cùng phải kể đến lạm
phát. Trước bấy nhiêu khó khăn, bảo đảm đủ ăn ngày hai bữa không phải là chuyện
dễ. Bên cạnh đó còn đặt ra thách thức về môi trường, về khí hậu. Nông dân châu
Phi không còn biết là khi nào phải bắt đầu các đợt gieo trồng … An ninh lương
thực tại châu Phi càng lúc càng bị đe dọa ».
Năm 2021 đã có thêm 828 triệu người bị đẩy vào
cảnh đói kém, con số này tăng thêm hơn 18 % so với hồi 2019 tức là trước khi xảy
ra đại dịch Covid, theo thẩm định của FAO. Cũng năm ngoái gần 30 % nhân loại
trong tình trạng mà Tổ Chức Lương Nông Thế Giới gọi là « bất an ninh về
lương thực ». Nhìn về tương lai, cơ quan này không mấy lạc quan khi cho rằng « ngay
cả trong kịch bản kinh tế thế giới phục hồi cũng phải đợi đến năm 2030 số người
bị đói kém mới rơi xuống trở lại tương tự như hồi 2015 ».
Giám đốc Chương Trình Lương Thực Thế Giới PAM
của Liên Hiệp Quốc David Beasley tuần trước báo động « cuộc khủng hoảng về
lượng thực và nhân đạo nghiêm trọng nhất từ sau Thế Chiến Thứ Hai đang ở
trước mặt ».
Chiến tranh
Ukraina chỉ là một khía cạnh của vấn đề
FAO thẩm định : từ tháng 2/2022 hóa đơn nhập
khẩu lương thực của thế giới tăng 10 % so với cùng thời kỳ một năm trước đó.
Giá phân bón tăng 48 %. Các nước trong khu vực hạ Sahara-châu Phi phải cắt giảm
khoảng 10 % lương thực nhập khẩu và phải thanh toán hóa đơn đắt hơn đến 5 tỷ đô
la cho các nhà cung cấp.
Các hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán
hay các đợt nắng nóng dài ngày tại Ấn Độ, Trung Quốc và châu Âu, gây thiệt hại
mùa màng. Lũ lụt nhận chìm 1/3 diện tích Pakistan trong nhiều tuần lễ đẩy hàng
trăm ngàn người dân quốc gia Nam Á này vào cảnh thêm khốn khó. Một số vụ bạo động
bùng lên tại Indonesia, hay Sri Lanka, Perou, Panama xuất phát từ tình trạng
đói kém.
Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, các dự phóng
của Liên Hiệp Quốc đều cho thấy dân số toàn cầu sẽ còn tăng thêm đến cuối thể kỷ
này : 10 tỷ người, liệu chúng ta có đông quá hay không trên hành tinh
này ?
Laurent Toulemon, nhà dân số học thuộc Viện Nghiên
Cứu Dân Số Quốc Gia Pháp INED trả lời :
« Câu hỏi này không đích đáng lắm. Vấn đề ở đây
là liệu rằng Trái Đất có đủ nguồn tài nguyên để nuôi sống 8 hay thậm chí là 10
tỷ người trên hành tinh hay không nếu như chúng ta cứ sống trong những điều kiện
như hiện tại ? Tức là chúng ta phung phí các nguồn tài nguyên như điện, nước
… Theo tôi câu trả lời sẽ là không. Chúng ta biết rõ là trong tương lai dân số
trên địa cầu sẽ tăng lên tới 10 tỷ. Điều đó có được là nhờ tỷ lệ tử vong bị đẩy
lùi. Nhờ những tiến bộ về y khoa, về khoa học, tuổi thọ của con người tăng lên.
Như vậy có nghĩa là chúng ta sẽ phải tổ chức lại cuộc sống, rà soát lại cách mà
chúng ta tiêu thụ các nguồn tài nguyên. Thực sự mà nói nếu như không lãng phí
tài nguyên, thì Trái đất này đủ sức nuôi sống đến 15 tỷ người nhất là nếu nhu cầu
thấp như đời sống ở bên châu Phi hay là ở Ấn Độ. Ngược lại nếu như chúng ta giữ
nguyên các thói quen như của dân châu Âu và nhất là dân Mỹ từ cung cách ăn uống,
đến mua sắm, từ nhu cầu về điện, nước … thì chắn chắn là không để phục vụ 10 tỷ
con người. Nói cách khác, theo tôi câu trả lời nằm trong cách sống của mỗi cá
nhân, vào mức độ mà chúng ta tiêu thụ tài nguyên ».
Valentin Brossard, đại
diện cho tổ chức phi chính phủ CCFD Terre Solidaire chống nghèo-đói, giải thích
thêm, thuần túy xét từ khía cạnh sản xuất nông phẩm, thì Trái Đất có đủ khả
năng để nuôi sống thêm 2 hay 3 tỷ miệng ăn so với hiện nay.
« Hiện tại ở cấp quốc tế chúng ta sản xuất đủ để
nuôi sống nhân loại. Trung bình chúng ta bảo đảm cho mỗi đầu người 6.000
calories mỗi ngày. Mức này như vậy cao gần gấp ba so với tiêu chuẩn về dinh dưỡng
Tổ Chức Y Tế Thế Giới quy định. Vấn đề đặt ra là có những nơi dư thừa lương thực,
nơi lại không có đủ để bảo đảm mức dinh dưỡng tối thiểu. Chênh lệch đó dẫn tới
hiện tượng lãng phí thực phẩm. Có khoảng 25 % sản xuất bị lãng phí, 15 % được
dùng để chế tạo các loại xăng, dầu phục vụ công nghiệp và như vậy là chỉ còn lại
có 60 % nông phẩm trên thế giới dành để nuôi sống nhân loại ».
Khí hậu, bất ổn an
ninh và thiếu cơ sở hạ tầng
Chuyên gia kinh tế nghiên cứu về nông nghiệp
Ollo Sib thuộc Chương Trình Lượng Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc cho biết tại
Sahel – phía nam sa mạc Sahara, và khu vực Sừng Châu Phi, nơi 12 trên tổng số
50 triệu người không đủ ăn. Hạn hán, thiên tai chỉ giải thích một phần thảm họa
này. Đây còn là nơi các lực lượng nổi dậy, các tổ chức khủng bố hoành hành. Các
tuyến đường vận chuyển lương thực, thực phẩm thường xuyên bị gián đoạn. Châu
Phi cũng là nơi còn thiếu cơ sở hạ tầng, mất nhiều thời gian vận chuyển nông phẩm
từ làng quê lên thành phố … Giáo sư Sylvie Brunel đại học Sorbonne cho rằng, nếu
tháo gỡ được những « nút thắt này » châu Phi bớt lệ thuộc vào lương
thực nhập khẩu từ các châu lục khác :
« Thách thức nào cũng có thể vượt qua, và đừng
quên rằng một khi tháo gỡ được những bế tắc hiện tại, châu Phi chẳng những trở
thành một vựa lúa cho châu lục này mà còn dư sức xuất khẩu ra thế giới. Đây là
nơi đất canh tác còn chưa được khai thác hết và châu lục này có một nguồn lao động
dồi dào. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, khi một nền kinh tế bắt đầu trỗi dậy, dân
chúng có khuynh hướng bỏ làng quê lên thành phố sinh sống. Do vậy châu Phi cần
có một nền công nghiệp hiệu quả, có năng suất cao để dù với ít người, nhưng vẫn
đủ sức bảo đảm lương thực, thực phẩm cho dân cư của châu lục này ».
Quy luật thương mại
thế giới
Tổ chức phi chính phủ CCFD Terre Solidaire đưa
ra một chìa khóa khác để tháo gỡ nút thắt lương thực cho một phần nhân loại :
đó là các quy luật về thương mại quốc tế.
Valentin Brossard giải thích :
« Tại Pháp cũng như rất nhiều
nơi khác trên thế giới, từ 5 năm trở lại đây các công ty đầu cơ hoạt động càng
lúc càng mạnh và phải nói là họ làm giầu khi đánh cuộc vào nồi cơm của nhân loại.
Thí dụ như trên thị trường Paris, ba năm trước, 70 % các dịch vụ mua bán nông
phẩm trong tay giới tiểu thương, các nhà sản suất quy mô nhỏ. Nhưng đến tháng
6/2022 các nhà đầu cơ, các quỹ đầu tư tung tiền mua vào đến 80 % lượng lúa mì
bán ra trên thị trường Paris. Các tổ chức này hoạt động càng mạnh thì giá nông
phẩm lại càng bị đẩy lên cao. Điều đó có nghĩa là miếng ăn sẽ đắt đỏ hơn đối với
dân Pháp, dân châu Phi hay là bên Nam Mỹ, châu Á… »
Nói cách khác, Trái đất vẫn có đủ tài nguyên để
bảo đảm lương thực cho 8 hay 10 tỷ dân với điều kiện là dân cư tại một số nơi
điều độ hơn trong cách tiêu thụ hàng ngày. Kèm theo đó là một « chính sách
nông nghiệp » hiệu quả hơn. Theo bà Sylvie Brunel một chính sách nông nghiệp hiệu
quả cần chú trọng đến những điểm như là : bảo đảm cho nông gia một mức thu
nhập nhất định, bảo vệ các nhà trồng trọt và chăn nuôi trước lòng tham của đại
tập đoàn chế biến nông phẩm, trước các nhà môi giới, các quỹ đầu tư ham lợi.
Bên cạnh đó các quốc gia sở tại cũng phải phân định rõ ràng về quyền ở hữu đất
đai vì có như thế thì các nông gia mới yên tâm đầu tư để nâng cao năng suất.
Một điểm khác nữa giáo sư Brunel ghi nhận đó
là « chiến tranh luôn đồng nghĩa với đói kém » cho nên hòa bình là một
chìa khóa về tự chủ lương thực. Đương nhiên nông nghiệp bao giờ cũng lệ thuộc
vào thiên nhiên vào các nguồn nước ngọt … Các vựa ngũ cốc không thể đầy nếu thiếu
vắng các biện pháp bảo vệ môi trường, các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Báo
cáo của nhóm chuyên gia liên chính phủ trực thuộc Liên Hiệp Quốc về biến đổi
khí hậu GIEC năm 2019 đã báo động : « Hiện tượng khí hậu bị đảo lộn
là một trong những nguyên nhân gây thêm căng thẳng trên thị trường nông phẩm,
đe dọa các nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho nhân loại ».
Vào thế kỷ XXI, mọi người chờ đợi nhiều vào
các phát minh, vào những tiến bộ về kỹ thuật để nâng cao năng suất trong các
ngành chăn nuôi và trồng trọt, bởi bỏ làng quê lên thành thị kiếm sống là tiến
trình không thể đảo ngược. Song nâng cao năng suất đồng nghĩa với việc sử dụng
phân bón hóa học nhiều hơn, và nông nghiệp cũng là một lĩnh vực phát khí thải
làm hâm nóng trái đất và ô nhiễm môi trường. Vậy làm thế nào dung hòa hai mục
tiêu : nuôi sống 8 tỷ người mà vẫn bảo vệ được môi trường thiên
nhiên ?
No comments:
Post a Comment