Friday 18 November 2022

SILICON VALLEY SẼ RA SAO KHI ĐẢNG CỘNG HÒA KIỂM SOÁT HẠ VIỆN? (Lương Thái Sỹ  -  Saigon Nhỏ)

 




Silicon Valley sẽ ra sao khi đảng Cộng hoà kiểm soát Hạ viện?

Lương Thái Sỹ  -  Saigon Nhỏ

18 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/silicon-valley-se-ra-sao-khi-dang-cong-hoa-kiem-soat-ha-vien/

 

Hạ viện do GOP kiểm soát có ý nghĩa như thế nào đối với các chính sách liên quan Thung lũng Silicon?

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1441764392.jpg

Những vấn đề liên quan kiểm soát giới công nghệ sẽ nóng lên trong nghị trường và có những thay đổi khi Hạ viện chuyển giao quyền lực cho GOP – ảnh: Kevin McCarthy, người được đề cử làm Chủ tịch Hạ viện thay thế bà Nancy Pelosi (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

 

Sẽ có thay đổi

 

Với việc GOP sẽ kiểm soát Hạ viện sau kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ, những gã khổng lồ công nghệ (Big Tech) như Amazon, Google và Meta sẽ sớm đối mặt với bầu không khí chính trị rất khác tại Washington DC so với lúc đảng Dân chủ còn nắm Hạ viện. Dưới thời Dân chủ lãnh đạo, các giám đốc điều hành của những công ty công nghệ hàng đầu thỉnh thoảng được triệu tập đến Hạ viện để giải trình về mọi thứ, từ sự thống trị thị trường đến tác động mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.

 

Các nhà lập pháp Dân chủ muốn hạn chế việc xử dụng những ngôn từ kích động thù địch và “chủ nghĩa dân tộc da trắng” trên các nền tảng trực tuyến như Twitter, Facebook, đồng thời muốn luật pháp ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến mô hình kinh doanh của các công ty công nghệ lớn, không cho đi ra ngoài những giới hạn văn hoá, xã hội, chủng tộc. Trong nhiều phiên họp Quốc hội, các nhà lập pháp đảng Dân chủ thường tìm cách thông qua các luật chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ và những công ty lớn nhất trong ngành đã bỏ ra hàng triệu đôla để vận động hành lang chống lại.

 

Lúc đó, phía GOP không có khả năng giảm áp lực vì đảng Dân chủ nắm đa số lưỡng viện. Nhưng một sự thay đổi quyền lực trong Hạ viện sắp tới có thể đồng nghĩa với việc thay đổi các ưu tiên chính trị tại Quốc hội, ví dụ như đưa ra nghị trường các cáo buộc truyền thông xã hội thiên vị, chống xu hướng bảo thủ và nhấn mạnh hơn nữa đến Trung Quốc (TQ) và các nguy cơ an ninh quốc gia. Nói vậy để thấy kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ ảnh hưởng lớn đến những gã khổng lồ công nghệ với áp lực phải tự điều chỉnh hoặc “bị điều chỉnh” nghiêng sang cánh hữu.

 

Nhìn chung, các công ty công nghệ chuẩn bị đối mặt với nhiều sức nóng và tranh cãi chính trị hơn khi GOP nắm Hạ viện. Paul Gallant, nhà phân tích công nghệ tại Cowen Inc nhận định: “Chiến thắng của GOP sẽ tốt cho các công ty như Google và Apple hơn là các công ty mạng xã hội. Chắc chắn GOP sẽ tổ chức các phiên điều trần về việc thiên vị nội dung, nhưng họ không có khả năng đơn phương thông qua luật chống độc quyền, dù đó là mục tiêu của nhiều nhà lập pháp và là nỗi lo lớn của các công ty công nghệ trong nhiều năm qua”.

 

Một quan chức trong ngành yêu cầu giấu tên cho CNN biết số CEO công nghệ và phụ tá lảng vảng tại Washington để vận động hành lang ngày càng tăng đã cho thấy mối lo này là có thật. “Tôi dự báo cuộc tranh luận về kiểm duyệt nội dung tại Hạ viện mới do GOP kiểm soát sẽ không chỉ xem xét cách các công ty đưa ra quyết định kiểm duyệt trên nền tảng của họ mà còn cả cách họ đã nhượng bộ với chính quyền Biden thế nào. Câu hỏi ở đây là chính sách kiểm duyệt nội dung của họ có được dẫn dắt hay bị áp lực bởi chính quyền không?” – ông nói.

 

Trong số các mạng xã hội sẽ sớm bày tỏ sự “sám hối” về “phương thức kiểm duyệt quá khứ” có Twitter mà chủ sở hữu mới Elon Musk đã giành được sự khen ngợi từ những người bảo thủ, sau khi ông gợi ý “có thể khôi phục tài khoản Twitter bị cấm của cựu Tổng thống Donald Trump và một số người nổi tiếng khác”. Musk đã sử dụng tài khoản của mình để vận động bỏ phiếu cho những ứng viên GOP trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua.

 

Mục 230

 

Các phiên điều trần tại Hạ viện mới có thể lên đến đỉnh điểm với nhiều đề xuất mạnh mẽ hơn để tạm ngưng áp dụng Mục 230 (Section 230) của Đạo luật Khuôn phép Thông tin (Communications Decency Act), một luật liên bang cho phép các nền tảng công nghệ quyền tương đối lớn để kiểm duyệt nội dung trực tuyến nếu thấy không phù hợp. Trong quá khứ, đảng Dân chủ luôn kêu gọi thu hẹp quyền của Mục 230 để các nền tảng công nghệ dễ bị kiện hơn, nếu không tích cực loại bỏ những ngôn từ kích động thù địch và nội dung cực đoan.

 

Ngược lại, GOP kêu gọi truy cứu trách nhiệm đối với các mạng xã hội khi có tố cáo lạm dụng quyền được giao để “kiểm duyệt không công bằng” các ý kiến bảo thủ. Tuy nhiên, các đề xuất trước đây nhằm thu hẹp Mục 230 luôn gặp phải các câu hỏi về tính hợp hiến hoặc không thu hút được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Nay những rào cản đó vẫn còn. Một người ủng hộ quyền kỹ thuật số không muốn Mục 230 biến thành rào chắn “bảo vệ trẻ em”, “chống phổ biến các hoạt chất opioid” hoặc điều gì đó “nghe có vẻ đúng, nhưng lại có những tác động tiêu cực”.

 

Đó cũng là ý kiến của Evan Greer, phó giám đốc của nhóm bảo mật kỹ thuật số Fight for the Future. Chỉ trích của Tổng thống Joe Biden đối với Mục 230 đã được Toà Bạch Ốc nhắc lại vào Tháng Chín. Nhưng viễn cảnh xem xét lại Mục 230 vẫn còn quá sớm và các nhà phân tích chỉ ra, chính Tối cao Pháp viện chứ không phải Quốc hội, là trung tâm giải quyết vấn đề. Hiện hai vụ kiện cấp cao đang chờ Tòa án giải quyết có thể ảnh hưởng mạnh đến quyền của các nền tảng công nghệ. Cả hai vụ kiện liên quan đến việc liệu các mạng xã hội có thể bị kiện theo luật chống khủng bố của liên bang?

 

Nếu Tòa án thấy phán quyết là có thì phạm vi bảo vệ các công ty công nghệ của Mục 230 sẽ thu hẹp đáng kể. “GOP chắc chắn có quan điểm của họ về việc kiểm duyệt nội dung, nhưng điều quan trọng là Tối cao Pháp viện sẽ làm gì! – Andy Halataei, phó chủ tịch điều hành các vấn đề chính phủ của Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin (Information Technology Industry Council), một nhóm vận động được hỗ trợ bởi giới công nghệ, nhận định – Sự đồng thuận của Toà án sẽ tạo ra cú huých để Quốc hội đi xa hơn.

 

Và những ưu tiên khác

 

Cả hai đảng đều tỏ ra cứng rắn với TQ, nhưng GOP sẽ biến TQ thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự của họ. Trong vài ngày đầu tiên họp Hạ viện mới, GOP có thể tạo ra một Ủy ban chọn lọc riêng cho vấn đề TQ và xem xét tác động của TQ đối với chuỗi cung ứng Mỹ. Ngoài các vấn đề kinh tế có yếu tố TQ, uỷ ban còn cân nhắc các rủi ro an ninh quốc gia từ sự thống trị của TQ trên thị trường khoáng sản, đất hiếm đến các sản phẩm nông nghiệp. GOP không chỉ tăng cường giám sát đối với các doanh nghiệp có dính líu đến Trung Quốc, gồm cả TikTok, nhưng họ cũng sẽ tác động đáng kể đến ngành công nghiệp bán dẫn bằng cách tìm ra các giải pháp khác để hạn chế sự thâm nhập của TQ vào công nghệ của Mỹ.

 

Nhiều người theo dõi Quốc hội mới tin rằng sự ủng hộ đối với luật về quyền riêng tư của liên bang vẫn là lưỡng đảng và đây vẫn là một trong số ít vấn đề mà các nhà lập pháp hai đảng có thể đạt được tiến bộ trong thời gian tới. Một đề xuất được gọi là Đạo luật về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu của Mỹ (American Data Privacy and Protection Act) nếu thành luật sẽ lần đầu đưa quyền riêng tư về dữ liệu người tiêu dùng Mỹ vào luật pháp Mỹ.

 

Đạo luật đã được một ủy ban chủ chốt của Hạ viện phê duyệt trong năm nay và các nhà phân tích chính sách cho rằng sẽ có nhiều cơ hội đi xa hơn trong năm tới. Evan Greer nhận định: “Vấn đề quyền riêng tư ngày càng trở nên quan trọng đối với người tiêu dùng khi quyết định của Tối cao Pháp viện lật lại án lệ ‘Roe v. Wade’ về quyền phá thai liên bang đã khiến việc bảo mật dữ liệu vị trí, lịch sử tìm kiếm và các thông tin cá nhân khác trở thành vấn đề quan trọng. Việc đấu tranh cho quyền riêng tư dữ liệu, chống độc quyền và kiểm duyệt nội dung sẽ có tác động rất lớn đến những vấn đề cốt lõi khác, như quyền phá thai, quyền bầu cử, công bằng chủng tộc và bảo vệ LGBTQ +”.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats