Thursday, 10 November 2022

SAU BẦU CỬ GIỮA KỲ, NƯỚC MỸ SẼ RA SAO? (Hiếu Chân / Saigon Nhỏ)

 



Sau bầu cử giữa kỳ, nước Mỹ sẽ ra sao?

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ
8 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/sau-bau-cu-giua-ky-nuoc-my-se-ra-sao/

 

Những hòm phiếu cuối cùng ở Bờ Tây đã đóng lại; có tiểu bang Bờ Đông đã kiểm phiếu xong – nước Mỹ vừa đi qua một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hết sức gay cấn mà nhiều người cho rằng là một phép thử độ bền của nền dân chủ lâu đời nhất thế giới. Sau cuộc bầu cử này, chính trị nước Mỹ sẽ ra sao?

 

Kết quả sơ bộ về bầu 35 thượng nghị sĩ ở Thượng Viện, 435 dân biểu Hạ Viện và 36 thống đốc tiểu bang đã lần lượt hiện lên màn hình ti vi ở từng gia đình dù phải mất vài ngày, thậm chí hàng tuần trước khi kết quả chính thức được xác nhận.

 

Và dự đoán của các tổ chức thăm dò ý kiến cử tri và cơ quan truyền thông có vẻ đúng:

Cuộc cạnh tranh giữa hai đảng Cộng Hòa (đỏ) và Dân Chủ (xanh) diễn ra sát nút. Ba giờ sau khi đóng cửa phòng phiếu, vào lúc 11 giờ tối ngày bầu cử, thứ Ba 8 tháng Mười Một 2022 giờ California, ở Thượng Viện Dân Chủ đã giành được 48 ghế, Cộng Hòa 47 ghế (đảng nào giành được 51 ghế sẽ có vị thế đa số); ở Hạ Viện, số ghế màu xanh là 163 và số ghế đỏ là 190 (đảng đa số phải có tối thiểu 218 ghế); có 24 tiểu bang bầu thống đốc là người Cộng Hòa và 20 tiểu bang có thống đốc Dân Chủ. Hoạt động kiểm phiếu đang tiếp tục diễn ra.

 

Trước khi bầu cử, truyền thông và các tổ chức thăm dò ý kiến cử tri nhận định, đảng Cộng Hòa có cơ may giành được đa số ở Hạ Viện, ngang ngửa hoặc có phần nhỉnh hơn ở Thượng Viện; nghĩa là đảng Cộng Hòa có thể kiểm soát Quốc Hội Mỹ sau hai năm đảng Dân Chủ chiếm vị thế đa số mỏng manh. 

 

Nếu như vậy, cơ cấu quyền lực của Mỹ sẽ được phân chia thành: nhánh Hành pháp do đảng Dân Chủ kiểm soát với Tổng thống Joe Biden ở Tòa Bạch Ốc, nhánh Lập pháp do đảng Cộng Hòa kiểm soát với đảng Dân Chủ ở vị thế đối lập và nhánh Tư pháp độc lập nhưng có phần nghiêng về phía Cộng Hòa với các thẩm phán có quan điểm bảo thủ chiếm hai phần ba số thẩm phán Tối cao Pháp Viện.

 

Những người lạc quan cho rằng, đó là điều tốt vì nó giúp đưa nước Mỹ ra khỏi tình trạng “độc đảng”, có lập pháp làm đối trọng với hành pháp, kiểm soát và cân bằng quyền lực theo đúng tinh thần “tam quyền phân lập”; không cho phép xảy ra tình trạng độc tài khi một đảng nắm trọn cả ba nhánh quyền lực. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1244627546.jpg

Một ủng hộ viên của ông Lee Zeldin (Cộng Hòa) bật khóc nức nở khi thấy chức thống đốc tiểu bang New York đã rơi vào tay bà Kathy Hochul của đảng Dân Chủ sau cuộc kiểm phiếu tối ngày 811-2022. Ông Zeldin vẫn chưa nhận thất bại. Ảnh David Dee Delgado/Getty Images)

 

Nhưng mặt trái của sự phân quyền là sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ và tê liệt của nước Mỹ.

 

Văn hóa dân chủ đề cao sự tương nhượng. Đường lối chính sách của hai đảng rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau gay gắt. Nhưng trước kia, các chính trị gia được bầu lên thường phải làm việc cho dân cho nước chứ không riêng cho đảng mình; gặp vấn đề có nhiều ý kiến khác biệt, họ thường phải bàn bạc, thỏa hiệp để cùng đi đến một giải pháp có lợi nhất cho đất nước dù phải gác lại những ưu tiên của đảng mình. Không ai tự cho mình là đúng đắn tuyệt đối, không ai coi đảng đối lập là kẻ thù cần phải tiêu diệt.

 

Những năm gần đây tình hình đã thay đổi; văn hóa dân chủ đã dần dần bị xói mòn, các chính trị gia hai đảng nhìn nhau bằng con mắt thù hận;  hai nhánh hành pháp và lập pháp không tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề quốc gia đại sự. Ở Quốc Hội mỗi khi thông qua một dự luật nào đó, các dân biểu và nghị sĩ thường bỏ phiếu theo lập trường của đảng mình, không chấp nhận tương nhượng hay thỏa hiệp.

 

Nhiều dự luật chết từ trong trứng do không hội đủ túc số 60 phiếu thuận ở một Thượng Viện chia đều 50 Dân Chủ, 50 Cộng Hòa. Đó là hiện tượng chia rẽ, hay phân cực, trong sinh hoạt chính trị Mỹ hiện nay, cản trở sự đoàn kết, thống nhất cần thiết để giải quyết những vấn nạn của đất nước.

 

Trong hai năm đầu cầm quyền, Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy được một số đạo luật có tác động lớn để xử lý đại dịch COVID, tái thiết cơ sở hạ tầng quốc gia, ứng phó với biến đổi khí hậu và gia tăng sức cạnh tranh của kinh tế Mỹ trước đối thủ Trung Quốc. Tính cách và kinh nghiệm hơn bốn thập niên làm việc ở Thượng Viện và Tòa Bạch Ốc đã giúp ông Biden đứng được trước sự chống đối quyết liệt của đảng Cộng Hòa nhưng không giúp ông đoàn kết được hai đảng.

 

Cho đến nay, hơn 60% những người Cộng Hòa vẫn tin câu chuyện hoang đường của cựu Tổng thống Donald Trump rằng cuộc tổng tuyển cử 2020 bị gian lận để cho rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden là “bất hợp pháp”. Thăm dò mới nhất ghi nhận chỉ 39% cử tri Mỹ ủng hộ Tổng thống Biden. 

 

Nếu may mắn mà đảng Dân Chủ giữ được thế đa số tại Hạ Viện sau cuộc bầu cử này, ông Biden hy vọng sẽ tiếp tục đưa ra những đạo luật mới cấm mua bán súng trường tấn công, cải thiện quyền bầu cử cho người thiểu số và đưa thành quyền hiến định việc lựa chọn sinh sản của phụ nữ trên toàn quốc. Đảng Cộng Hòa tất nhiên sẽ phản đối dữ dội. 

 

Còn nếu chẳng may trở thành tổng thống “vịt què” (lame duck), ông Biden chắc chắn sẽ bị trói tay trói chân.

 

Qua phát ngôn của các ứng cử viên, người ta e rằng Hạ Viện do Cộng Hòa kiểm soát sẽ ngăn chặn những dự luật mà đảng Dân Chủ ưu tiên như quyền sinh sản, chăm sóc trẻ em hoặc chương trình chống biến đổi khí hậu. Đảng Cộng Hòa cũng sẽ siết lại các chương trình an sinh xã hội để giảm nợ công quốc gia và thực hiện những cuộc điều tra gây tranh cãi về chính quyền Biden và gia đình ông. 

 

Trước mắt, Hạ Viện do Cộng Hòa kiểm soát sẽ giải tán ủy ban điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021 tại trụ sở Quốc Hội, ngăn cản các cuộc điều tra hình sự đối với cựu Tổng thống Trump và giảm hoặc chấm dứt viện trợ của Mỹ cho cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1244626244.jpg

Dân biểu Abigail Spanberger (Dân Chủ – Virginia) vui mừng bên người thân sau khi tái trúng cử dân biểu Hạ Viện liên bang tối 8-11-22. Ảnh Anna Rose Layden/Getty Images.

 

Đi xa hơn, những người bi quan hơn cho rằng, thắng lợi của đảng Cộng Hòa – nhất là đảng Cộng Hòa MAGA trung thành với cựu Tổng thống Trump – nước Mỹ có thể bị rơi vào chế độ chuyên chế kiểu mới, giống như nước Hungary hiện nay: Một nền dân chủ chỉ tồn tại trên giấy trong khi thực chất là một chế độ chuyên chế đề cao chủ nghĩa quốc gia dân tộc vị chủng (ethnonationalism), đặt lợi ích dân tộc lên trên nghĩa vụ quốc tế, chống người nhập cư và đề cao bạo lực. 

 

Đảng Cộng Hòa Mỹ không che giấu việc họ coi Hungary là một mẫu mực để theo đuổi; họ ca tụng Thủ tướng Hungary Viktor Orban và mời ông ta làm diễn giả chính tại hội nghị chính trị của đảng Cộng Hòa, bất chấp việc Liên minh Âu Châu (EU) coi Hungary như một kẻ phá bĩnh, chuyên thọc gậy bánh xe mỗi khi EU đưa ra một chính sách đối ngoại quan trọng nào đó, như chính sách giải quyết vấn đề di dân, chính sách năng lượng hoặc việc ủng hộ Ukraine.

 

Nhà bình luận Paul Krugman của báo The New York Times, một giáo sư kinh tế học đoạt giải Nobel thậm chí còn cho rằng, nếu nước Mỹ rơi vào sự cai trị độc đảng thì sẽ tệ hại hơn, xấu xí hơn những gì đang thấy ở Hungary. “Nếu MAGA thắng, có lẽ chúng ta sẽ thấy mình mong ước chế độ cai trị của họ sẽ bao dung dung hơn, nhân hậu hơn và không bạo động như chế độ của Orban hiện hành”, ông Krugman viết ngay trước ngày bầu cử giữa kỳ.

 

Có thể tình hình nước Mỹ sau bầu cử sẽ không đến nỗi đen tối như vậy nhưng nếu đảng Cộng Hòa chiến thắng thì sự chia rẽ chắc chắn sẽ trầm trọng hơn, xã hội sẽ hỗn loạn hơn những năm vừa qua.

 

Về đối ngoại, nếu sau bầu cử, những kẻ Cộng Hòa cực đoan lên nắm quyền và đưa Washington thay đổi theo hướng “Nước Mỹ trước hết” (America First), thì có khả năng các nhà độc tài như Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Kim Jong Un được khích lệ để thêm liều lĩnh trong mưu đồ bành trướng. Những kẻ diều hâu ở Moscow đã mong đợi một nước Mỹ hỗn loạn, thậm chí nội chiến do chia rẽ chính trị và người dân mất niềm tin vào kết quả bầu cử.

 

Khi đó Mỹ sẽ không có khả năng tiếp tục thực hiện chính sách Ukraine và cũng không có khả năng tiếp cứu cho Đài Loan nếu Trung Quốc khởi động cuộc chiến tranh xâm lược và thâu tóm hòn đảo tự trị này. Bên kia đại dương, ông Tập Cận Bình đang mong đợi “Người Mỹ chống người Mỹ” như nhan đề cuốn sách best-seller của Vương Hỗ Ninh, quân sư của ba đời tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc.  

 

Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa – California), người có kế hoạch lên thay bà Nancy Pelosi trong cương vị chủ tịch Hạ Viện, đã tuyên bố nếu giành được Hạ Viện, đảng Cộng Hòa sẽ giảm hoặc chấm dứt viện trợ cho cuộc kháng chiến của Ukraine – tuyến đầu của cuộc chiến tranh giữa dân chủ và độc tài như Tổng thống Biden nhiều lần nhấn mạnh. Nếu viện trợ của Mỹ bị cắt, thất bại của Ukraine trong cuộc chiến chống Nga là chắc chắn.

 

Với những người tị nạn đã chọn nước Mỹ làm quê hương, sự kiện nước Mỹ bị chia rẽ và tê liệt là chuyện buồn và thất vọng. Triển vọng về một nước Việt Nam tự do và dân chủ dưới sự hỗ trợ của Hoa Kỳ xem ra cũng xa vời hơn. Tất cả tùy vào lá phiếu mà cử tri Mỹ lựa chọn hôm nay.

 

----------------

Đọc thêm:

·         Cuộc bầu cử giữa kỳ và những lời nói dối

·         Bầu cử 2022 sẽ mở đầu bất ổn chính trị mới tại Mỹ?

·         Tài phiệt Nga thừa nhận can thiệp vào bầu cử Mỹ





No comments:

Post a Comment

View My Stats