Friday 11 November 2022

SÀI GÒN : DÂN QUẬN 7 KHÔNG NHỚ ĐÃ NÂNG NỀN NHÀ MẤY LẦN VÌ TRIỀU CƯỜNG (Tường Vy / Saigon Nhỏ)

 



Sài Gòn: Dân quận 7 không nhớ đã nâng nền nhà mấy lần vì triều cường

Tường Vy  -  Saigon Nhỏ

10 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/sai-gon-dan-quan-7-khong-nho-da-nang-nen-nha-may-lan-vi-trieu-cuong/

 

Chiều 10 Tháng Mười, triều cường tiếp tục dâng khiến nhiều tuyến đường ở quận 7 (Sài Gòn) bị ngập, người dân vất vả di chuyển sau giờ tan sở. Nhiều nhà dân ở những đoạn đường trũng thấp phải tốn nhiều tiền nâng nhà để thoát tình trạng này.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/07-trieu-cuong-1.jpeg

Nhiều người vất vả di chuyển qua đường Trần Xuân Soạn khi triều cường lên – Ảnh: Thanh Niên

 

Đây là ngày thứ ba liên tiếp đường này bị ngập trong đợt triều cường này. Do ngập vào giờ tan sở nên nhiều người phải vất vả di chuyển, ai nấy đều ngán ngẩm cảnh lội nước.

 

Ông Phạm Văn Khải (52 tuổi, ở đường Trần Xuân Soạn) kinh doanh đồ nhôm sắt. Ông Khải quê ở Nam Định vào sinh sống ở đường này cách đây hơn 30 năm. Ông đã quá quen cảnh con đường trước nhà bị ngập mỗi lần triều cường dâng. Ông Khải chia sẻ:

 

“Mỗi chiều có đợt triều cường là không buôn bán được, người ta chỉ cố đi qua cho nhanh chứ không dừng lại mua”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/07-trieu-cuong-2.jpg

Nhà ông Khải cách xa mặt đường để không bị ngập – Ảnh: Thanh Niên

 

Cách đây bảy năm, để đối phó với triều cường, ông Khải quyết định thay vì nâng nền nhà cũ lần 1.5 mét so với mặt đường, ông quyết định xây nhà mới và lùi vào sâu vào trong hẻm 25 mét, chấp nhận buôn bán khó khăn hơn.

 

Ông Vương Quốc Khánh (58 tuổi, ở đường Trần Xuân Soạn) cho biết, ông đã sống ở đây 36 năm. Khoảng chục năm nay, đường này liên tục bị ngập do triều cường.

 

Gia đình ông đã nâng nền nhà bốn lần, hiện nhà đã cao hơn mặt đường 1.5 m. Lần đầu cách đây tám năm. Ông cho biết hồi đó chính quyền nâng vỉa hè ông cũng phải nâng lên theo.

 

“Năm đó, chi phí nâng nhà đã “ngốn” cả chục cây vàng. Lần gần đây nhất là cách đây ba năm, tôi cũng tốn hơn cả trăm triệu để tránh ngập. Nâng nền xong phải nâng cả nóc nhà nữa. Những nhà xung quanh họ cũng nâng lên nhiều vì nếu thấp hơn mặt đường, nước lại ngập vào nhà”, ông cho biết.

 

Trước đây, mỗi khi triều cường dâng, ông phải sử dụng máy bơm nước ra ngoài. “Nước ngập như hồ bơi luôn”, ông ngán ngẩm.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/07-trieu-cuong-3.jpeg

Hẻm 185 đường Trần Xuân Soạn ngập do triều cường – Ảnh: Thanh Niên

 

Dù đã nâng nhà nhiều lần nhưng mỗi khi có xe container đi qua, nước vẫn tạt vào nhà. Ông phải sử dụng đồ đẩy nước và rác ra ngoài đường.

 

“Tôi cũng từng có dự định bán nhà để mua nơi khác nhưng chưa đủ điều kiện. Nước mỗi năm một cao, nhà tôi phải nâng nhà để chạy đua với triều cường”, ông chia sẻ.

 

Bà Lê Thị Thúy (46 tuổi, ở hẻm 185 đường Trần Xuân Soạn) cho hay, bà không nhớ nổi bao lần nâng nhà và số chi phí bỏ ra.

 

“Đến giờ nhà tôi gần như nâng hết nổi. Tám năm trước, các hộ gia đình trong hẻm này đã cùng góp tiền để nâng hẻm lên 60 cm nhưng nước ngập vẫn vào nhà. Tôi bán nước giải khát, mỗi lần triều cường vắng khách, dọn hàng cũng bất tiện. Nước ngập bốc mùi rất khó chịu, da dẻ ngứa ngáy, đồ đạc cũng bị ngấm nước bẩn”, bà chia sẻ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/07-trieu-cuong-4.jpeg

Bà Xuân chán nản vì buôn bán ế ẩm mỗi khi triều cường dâng – Ảnh: Thanh Niên

 

Bà Võ Thị Thanh Xuân (64 tuổi, ở đường Huỳnh Tấn Phát) ngán ngẩm nhìn hàng trái cây bán ế vì nước ngập, không ai dừng lại mua. Thuê mặt bằng để bán trái cây khoảng bốn năm nay, bà đã quá quen cảnh ngập nước do triều cường. Nếu không ngập, mỗi ngày bà bán được khoảng 500,000 – 600,000 đồng nhưng triều cường dâng, bà đành chấp nhận buôn bán ế ẩm. Bà thở dài cho biết:

 

“Nước mỗi năm một dâng cao hơn, tháng hơn hai lần. Nước ngập nên không ai ghé mua, người ta lo chạy, dừng lại là chết máy. Buôn bán không được trái cây hư hết, lỗ vốn luôn. Nhiều người muốn mua nải chuối, ký mận cũng đành bó tay, không ai dừng vì muốn đi qua đoạn ngập cho nhanh. Nước xuống tôi mới bán được chút đỉnh chứ giờ ngồi chơi, tới tối không ai mua là bê vào. Bởi vậy lỗ vốn hoài luôn, buôn bán càng khó khăn”.





No comments:

Post a Comment

View My Stats