Wednesday, 23 November 2022

PUTIN CHỈ CÓ THỂ THẮNG Ở UKRAINE NẾU TRUMP TRỞ LẠI NẮM QUYỀN? (Die Welt)

 



Putin chỉ có thể thắng ở Ukraine nếu Trump trở lại nắm quyền?

Die Welt

Nguyễn Xuân Hoài, biên dịch

24/11/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/11/24/putin-chi-co-the-thang-o-ukraine-neu-trump-tro-lai-nam-quyen/

 

François Heisbourg cho rằng việc Nga liệu có thua trong cuộc chiến ở Ukraine hay không phụ thuộc chủ yếu vào Hoa Kỳ. Nhà địa chiến lược nổi tiếng thế giới là người am hiểu sâu sắc về các chi tiết của việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn, ông đã tiên đoán về các diễn biến tiếp theo của cuộc chiến này.

 

François Heisbourg, 73 tuổi, là cố vấn tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và Quỹ Paris về Nghiên cứu Chiến lược (FRS), và được coi là một trong những nhà địa chiến lược nổi bật nhất trên thế giới. Ông từ lâu đã đóng góp cho việc xây dựng học thuyết quốc phòng của Pháp. Không lâu trước khi quân đội Nga xâm lược Ukraine, ông đã xuất bản cuốn sách mới nhất của mình, The Return of War (Sự trở lại của chiến tranh).

 

*

Hỏi: Thưa ông Heisbourg, gần đây ông đã tới Trung tâm hậu cần ở Ba Lan, nơi tập kết các lô vũ khí cung cấp cho Ukraine. Ông đã rời nơi đó với những cảm nhận như thế nào?

 

Đáp: Tôi thấy hoạt động của châu Âu không tệ như người ta thường đề cập. Chúng ta cung cấp hơn một nửa số vũ khí đã được chuyển giao, Hoa Kỳ cung cấp 49%. Người Pháp đã nhiều lần bày tỏ nghi ngờ về phương pháp thống kê các vụ chuyển giao vũ khí do các viện nghiên cứu khác nhau công bố. Đôi khi có sự lẫn lộn giữa những lời cam kết cung cấp vũ khí, đạn dược với số vũ khí đã thực sự được chuyển giao. Đó là lý do vì sao tôi đã trực tiếp đến tận nơi để xem xét việc chuyển giao vũ khí trong thực tế, số lượng chuyển giao được quy ra tấn. Chúng ta hãy nghĩ nơi này tương tự như một trung tâm phân phối của tập đoàn Amazon. Việc giao hàng đến ở một bên, được sắp xếp và rời khỏi trung tâm ở phía bên kia để đưa tới Ukraine. Trong bảy tháng đầu tiên của cuộc chiến, khoảng một triệu tấn vũ khí và đạn dược đã được chuyển qua kênh này. Tôi rất tiếc, Pháp chỉ đóng góp một tỷ lệ quá khiêm tốn, 1,4%, xếp hàng thứ 9, thật đáng xấu hổ. Ba Lan cung cấp nhiều nhất, chiếm 20%, Đức chiếm 9%.

 

*

Hỏi: Ở Đức đang có một cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu như vậy đã đủ chưa. Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Đức?

 

Đáp: Nước Đức thường bị chỉ trích vì các quy trình làm việc quá quan liêu và chậm trễ, thêm vào đó là các vấn đề về chính trị, nhưng cuối cùng Đức đã tham gia cung cấp. Cung cấp rất nhiều! Berlin đã làm việc này thật tuyệt vời. Vấn đề không chỉ là cung cấp vũ khí, quan trọng hơn là thời điểm cung cấp. Hệ thống phòng không Iris-T SLM đã đến Ukraine trước các hệ thống khác, vào đúng thời điểm đầu tháng 10, giúp Kiev hạn chế tổn thương trước các cuộc không kích của Nga.

 

*

Hỏi: Những gì Đức hiện đang cung cấp có đủ không?

 

Đáp: Tôi không thuộc những người đang kêu gọi tăng gấp đôi hoặc gấp ba số lượng vũ khí cần chuyển giao. Nếu các chuyến vũ khí tiếp tục như hiện nay, về mặt lý thuyết, nó sẽ tạo điều kiện để Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Trong tám tháng, Ukraine đã lấy lại được một nửa số lãnh thổ mà người Nga đã cướp của họ. Nếu tiếp tục đà này, năm tới họ sẽ lấy lại được mọi thứ. Nhưng đây chỉ là một phép tính đơn giản hóa và do đó có thể sai. Vấn đề không phải là cần nhiều vũ khí hơn, mà là cần có các chủng loại vũ khí khác nhau để thích ứng với những thay đổi của tình hình. Tuy nhiên, tôi thấy xấu hổ vì viện trợ tài chính trực tiếp của Hoa Kỳ cho Ukraine nhiều hơn gấp đôi so với viện trợ tài chính của châu Âu. Điều này thật khó hiểu đối với tôi.

 

*

Hỏi: Với những thất bại mà ông ta phải gánh chịu, liệu Putin có dám sử dụng vũ khí hạt nhân không?

 

Đáp: Tôi không biết, và có thể chính bản thân Putin cũng không biết. Nhưng nếu người ta muốn biết chắc chắn về rủi ro, thì người ta phải phân tích không chỉ ý nghĩa của nó đối với chúng ta mà cả đối với Putin nữa. Đối với chúng ta, việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ là một cơn địa chấn kinh hoàng. Nền kinh tế thế giới sẽ sụp đổ. Nhưng nó có ý nghĩa như thế nào đối với Putin? Trung Quốc sẽ rất tức giận. Ấn Độ, đối tác quan trọng thứ hai của Nga, thậm chí còn phẫn nộ hơn nữa. Thứ hai, ông ta cũng sẽ phải tự hỏi liệu quả bom nguyên tử đó có thực sự hoạt động theo cách mà ông ta tưởng tượng hay không.

Kể từ vụ ném bom nguyên tử ở Nagasaki, không có ai sử dụng vũ khí hạt nhân. Ai dám nghiêm túc tuyên bố điều gì sẽ xẩy ra? Theo thông tin của chúng tôi, trong một thời gian khá dài, người Nga đã không sản xuất vũ khí hạt nhân mới. Điều đó có nghĩa là chúng đã được cất giữ trong kho một thời gian dài. Chúng đáng tin cậy đến đâu? Tình hình thời tiết có vai trò gì? Điều gì xảy ra nếu quả bom rơi xuống thấp và gần như phát nổ trên mặt đất? Bụi phóng xạ, tồn tại trong thời gian ngắn nhưng bức xạ cao, có thể lan ra khắp thế giới và cũng sẽ lan sang nước Nga. Tại sao Putin lại phải chấp nhận rủi ro đó?

 

*

Hỏi: Liệu có đúng không khi nói về một “ngày tận thế” hạt nhân như lời Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, sau khi Putin hầm hè vung thanh kiếm hạt nhân?

 

Đáp: Đối với tôi, một trong nhiều điều bí ẩn của cuộc chiến này là tại sao một người như Biden, từng trải nghiệm Chiến tranh Lạnh, lại rút ra được rất ít các bài học từ cuộc chiến đó. Biden đã có phản ứng giống như Barack Obama khi đối mặt với lằn ranh đỏ ở Syria, ông ấy không phải như John F. Kennedy hay Ronald Reagan trong các cuộc khủng hoảng lớn của Chiến tranh Lạnh, khi mối đe dọa hạt nhân rất hiện hữu. Ông ta không áp dụng các quy tắc nổi tiếng đã phát huy hiệu quả cao vào thời điểm đó.

 

*

Hỏi: Có nghĩa là?

 

Đáp: Tôi nêu một ví dụ: Nếu ta biết các lối thoát hiểm trong rạp hát bị chắn, thì đừng đứng trong hội trường đông đúc và hét toáng lên: Cháy! Cháy!, để rồi chờ xem những gì sẽ xảy ra sau đó. Chính xác là ông Biden đã hành động như vậy khi cảnh báo Putin về một “ngày tận thế hạt nhân”. Làm như vậy, ông ta đã ra hiệu cho Putin hãy tiếp tục hù dọa, rằng ông ta chấp nhận để Putin đe dọa mình và sẽ sợ hãi cúp đuôi ù té chạy.

 

*

Hỏi: Ukraine có khả năng nào để đánh bại Nga hay không?

 

Đáp: May mắn là một yếu tố quan trọng, nhưng thường bị coi nhẹ trong chiến tranh. Và không giống như các chuyên gia khác, tôi mong muốn một mùa đông khắc nghiệt, bởi vì khi đất khô, đóng băng cứng lại mới đảm bảo khả năng cơ động của xe tăng chiến đấu và các phương tiện chủ lực vận chuyển bộ binh. Điểm quan trọng thứ hai là cắt đứt hoặc ít nhất là giảm khả năng thông thương trên bộ giữa Donbass và Crimea. Bởi hiện tại quân Nga đang được bổ sung lực lượng qua dải đất hẹp ven biển Azov, do cầu Crimea chưa được sửa chữa hoàn toàn nên chưa đủ khả năng hoạt động như trước đây. Nếu được như vậy, mọi thứ có thể trở nên căng thẳng về mặt chính trị đối với Moscow. Ngoại trừ có một thỏa thuận bẩn thỉu với Donald Trump, nếu Trump có thể tái đắc cử, và trường hợp một nước Nga chiến thắng, tôi chỉ thấy một kết cục có thể xảy ra, đó là một trong hai chính phủ phải sụp đổ.

 

*

Hỏi: Putin còn có khả năng chiến thắng về quân sự trong cuộc chiến này không?

 

Đáp: Chỉ khi Trump trở lại nắm quyền và người Mỹ quay lưng lại với Ukraine. Tuy nhiên, nếu xu hướng tiếp tục như hiện nay, Putin không thể thắng. Nhưng thật khó để dự đoán. Kiev ước tính chỉ riêng trong ngày 4/11 đã có 840 binh sĩ Nga thiệt mạng. Đành rằng cần thận trọng với các con số kiểu này, nhưng con số này tương tự như tổn thất của Pháp trong Thế chiến thứ nhất! Dù Putin mới đây đã đưa 40.000 binh sĩ đến Ukraine, nhưng nếu 800 người chết mỗi ngày, sau 50 ngày sẽ không còn ai trong số này. Vả lại, Putin có thể tính sai về Trump. Nếu ông này không tái đắc cử, Putin sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ của chính chế độ của ông ta, hay một cái gì đó tương tự như vậy.

 

*

Hỏi: Một viễn cảnh có vẻ xa vời…

 

Đáp: Với tôi thì một cuộc đảo chính thực sự khó xảy ra. Tôi thiên về sự phản đối của người dân, nhưng điều đó cũng chưa hiển hiện trong nay mai. Người ta luôn cho rằng chiến tranh là bom rơi, đạn nổ, gươm giáo vung lên và sự phẫn nộ. Đúng là như vậy. Nhưng yếu tố con người có ý nghĩa quyết định. Chiến tranh cũng là sự tập trung cao độ, phi thường của một vài quyết định vào tay một nhóm nhân vật nhất định.

 

*

Hỏi: Yếu tố con người trong trường hợp Putin là đặc biệt khó lường, có phải như vậy không?

 

Đáp: Putin không phi lý trí khi theo đuổi mục tiêu của mình. Mà chính các mục tiêu mới hoàn toàn không hợp lý. Thực tế, chúng ta không được nhầm lẫn Putin với Hitler, nhưng có một điểm Putin giống Hitler: đó là sự ảo tưởng trong mục tiêu chiến tranh. Cuốn “Mein Kampf” (Cuộc đấu tranh của tôi) của Putin là một bài viết dài 7.000 từ, trong đó ông ta bóp méo, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận quyền tồn tại của người dân Ukraine. Đó là lý do duy nhất khiến ông ta cho rằng quân đội của mình có thể thong dong tiến đến Kiev trong vòng vài ngày mà không gặp một sự kháng cự nào.

 

 

Nguồn: Kann Putin diesen Krieg noch gewinnen? – „Nur wenn Trump wieder an die Macht kommt“”, WELT, 20/11/2022.





No comments:

Post a Comment

View My Stats