Phải
chăng đã đến lúc chấp nhận Bắc Triều Tiên là cường quốc hạt nhân ?
Phan Minh - RFI
Đăng ngày: 10/11/2022 - 13:54
Sau hàng loạt các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng
kể từ đầu năm đến giờ, trang mạng Mỹ CNN ngày 29/10/2022 có bài viết với
câu hỏi : Phải chăng đã đến lúc chấp nhận Bắc Triều Tiên là cường quốc có
vũ khí nguyên tử ? RFI xin trích dịch.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố với
toàn thế giới hồi tháng trước rằng Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt
nhân và sẽ không bao giờ từ bỏ loại vũ khí này.
Ông nói rằng quyết định này « không
thể đảo ngược được », rằng những vũ khí này đại diện
cho « phẩm giá, cốt lõi và sức mạnh tuyệt đối của Nhà nước » và
Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển chương trình này « chừng nào vũ
khí hạt nhân còn tồn tại trên trái đất ».
Có thể ông Kim không lạ lẫm gì trong
việc dùng ngôn từ bóng bẩy, nhưng điều đáng nói là không nên coi thường tuyên bố
của ông ta – điều mà ông đã ký thành luật. Nên nhớ rằng
ông Kim là một nhà độc tài không thể bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và ông
là người thường nói là làm.
Cũng nên nhớ rằng Bắc Triều Tiên đã
thực hiện số vụ phóng tên lửa nhiều kỷ lục trong năm nay với hơn 20 vụ
và tuyên bố rằng họ đang triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật cho bộ binh, và
cũng được cho là đã sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ 7.
Tất cả những điều này đã khiến ngày càng nhiều
chuyên gia đặt câu hỏi liệu bây giờ đã phải là lúc chấp nhận rằng Bắc Triều
Tiên trên thực tế là một cường quốc có vũ khí hạt nhân hay không. Làm như
vậy sẽ chôn vùi những mong muốn lạc quan hay thậm chí
là ảo tưởng khi hy vọng rằng chương trình hạt nhân của
Bình Nhưỡng có thể vẫn chưa hoàn thiện hoặc vẫn có thể thuyết
phục họ tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Như Ankit Panda, chuyên nghiên cứu chương
trình chính sách hạt nhân tại tổ chức Carnegie Endowment for International
Peace nói : « Đơn giản là chúng ta phải đối xử
với Bắc Triều Tiên theo đúng bản chất của nó chứ không
phải như chúng ta mong muốn ».
Nói những điều không
thể nói ra
Nhìn dước góc độ thuần túy thời sự, Bắc Triều
Tiên có vũ khí hạt nhân và rất ít người theo dõi sát tình hình Bắc Triều
Tiên có thể bác bỏ điều này.
Thống kê gần đây trong tờ Bulletin of the
Atomic Scientists ước tính rằng Bắc Triều Tiên có thể đã sản xuất đủ vật liệu
phân hạch để chế tạo từ 45 đến 55 đầu đạn hạt nhân. Hơn nữa, các cuộc
thử nghiệm tên lửa gần đây cho thấy họ có một số phương pháp vận chuyển những
vũ khí này.
Tuy nhiên, việc thừa nhận một cách công khai
điều này hết sức nguy hiểm đối với nhiều quốc gia, chẳng hạn như Hoa Kỳ. Một
trong những lý do lớn nhất để Hoa Kỳ không làm vậy vì Washington lo ngại châm
ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở châu Á.
Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan chỉ là một vài
láng giềng mong muốn sánh vai ngang hàng với vị thế của Bình Nhưỡng.
Nhưng một số chuyên gia nói rằng việc từ chối
thừa nhận sức mạnh hạt nhân của Bắc Triều Tiên, trước những bằng chứng ngày
càng rõ ràng, không khiến cho các nước lân cận cảm thấy yên tâm. Ngược lại, họ
lại càng lo lắng hơn vì có cảm giác là các đồng minh của Mỹ đang rúc đầu, không
muốn nhìn thẳng vào sự thật.
Andrei Lankov, giảng viên tại đại học Kookmin ở
Seoul, nhận định : « Hãy chấp nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia có vũ
khí hạt nhân và họ có tất cả các loại vũ khí cần thiết có thể mang đầu đạn hạt
nhân, kể cả ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) khá hiệu quả ».
Giải pháp
Israel
Nhiều chuyên gia gợi ý rằng
có thể nên nhìn nhận chương trình hạt nhân của Bắc Triều
Tiên giống chương trình của Israel – tức là ngầm chấp nhận
chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đó là giải pháp được Jeffrey Lewis, giáo
sư thỉnh giảng tại trung tâm James Martin về Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân tại
Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey đưa ra.
Ông Lewis nói : « Tôi
nghĩ rằng bước quan trọng mà tổng thống Joe Biden cần thực hiện là
ông phải tự hiểu và làm cho chính phủ Mỹ hiểu rằng chúng ta sẽ không ép
Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí và về cơ bản chấp nhận Bắc Triều
Tiên là một nước có vũ khí hạt nhân ».
Ông nói thêm rằng cả Israel và Ấn Độ đều
là những ví dụ mà Mỹ có thể tham khảo để tìm ra một đối sách
áp dụng với Bắc Triều Tiên.
Israel được cho là đã bắt đầu phát triển chương
trình hạt nhân từ những năm 1960, luôn tuyên bố mơ hồ về kho vũ khí hạt
nhân của mình trong khi từ chối gia nhập Hiệp ước không phổ
biến vũ khí hạt nhân, trong khi Ấn Độ thì duy trì sự mập mờ về hạt
nhân trong nhiều thập kỷ trước khi từ bỏ chính sách đó với vụ thử hạt nhân năm
1998.
Ông Lewis nói thêm : « Trong
cả hai trường hợp này, Mỹ đều biết rằng những quốc gia đó có
bom nguyên tử, nhưng nếu như họ không đề cập đến vũ
khí này, không dùng nó để đe dọa, không gây ra các vấn đề chính trị, thì
chúng ta sẽ không đáp trả. Tôi nghĩ đó là thỏa thuận mà chúng ta
muốn đạt được với Bắc Triều Tiên ».
Phi hạt nhân hóa :
« Giống như theo đuổi một phép màu »
Tuy nhiên, hiện tại, không có dấu hiệu nào cho
thấy Washington ngừng hy vọng thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt
nhân.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nhấn mạnh
điều này trong chuyến thăm gần đây tới DMZ, khu phi quân sự giữa Bắc Triều Tiên
và Hàn Quốc.
Bà Harris nói : « Mục tiêu
chung của chúng ta (Hoa Kỳ và Hàn Quốc) - là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo
Triều Tiên ». Đó có thể là một mục tiêu chính đáng, nhưng nhiều
chuyên gia cho rằng nó ngày càng không thực tế.
Ông Panda nói : « Không ai không
đồng ý rằng phi hạt nhân hóa sẽ là một kết quả lý tưởng trên bán đảo Triều
Tiên, nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế ».
Bởi việc Kim Jong-un muốn duy trì chế độ của
mình sẽ là trở ngại lớn nhất trong việc phi hạt nhân hóa. Andrei Lankov nhận định
rằng mặc dù ông Kim đã rất hoang tưởng, nhưng cuộc xâm lược Ukraina của Nga được
coi là sự củng cố kịp thời cho niềm tin của ông ta đối với việc « vũ
khí hạt nhân là sự bảo đảm đáng tin cậy duy nhất cho an ninh ».
Thuyết phục ông Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân dường
như là một nhiệm vụ bất khả thi vì Bình Nhưỡng đã tuyên bố rõ rằng sẽ không có
ý định đàm phán với chính quyền Mỹ về phi hạt nhân hóa.
Ông Lankov nói : « Nếu Mỹ muốn
đàm phán về phi hạt nhân hóa, Bắc Triều Tiên sẽ từ chối và nếu Washington không
đàm phán, thì Bình Nhưỡng sẽ phóng ngày càng nhiều tên lửa và các vũ khí này sẽ
ngày càng tiên tiến. Đơn giản là vậy ».
Ngoài ra còn có một vấn đề là nếu các nước
láng giềng kết luận rằng chính sách của Washington đối với Bắc Triều Tiên không
đi đến đâu, thì bản thân điều này có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mà Mỹ
luôn muốn tránh.
Cheong Seong-chang, nhà nghiên cứu cấp cao tại
viện Sejong, viện nghiên cứu của Hàn Quốc, là một trong số nhiều tiếng nói bảo
thủ ngày càng gia tăng kêu gọi Seoul xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân của
riêng mình để chống lại Bình Nhưỡng.
Ông nói, những nỗ lực ngăn cản Bắc Triều Tiên
phát triển vũ khí hạt nhân đã « kết thúc trong thất bại » và
thậm chí bây giờ, theo đuổi phi hạt nhân hóa cũng giống như theo đuổi một phép
màu.
Trump có từng đi
đúng hướng ?
Giấc mơ phi hạt nhân hóa có vẻ xa vời,
nhưng nhiều người nói rằng thừa nhận, chính thức hay không chính thức,
Bắc Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân, cũng sẽ là một
sai lầm.
Soo Kim, một cựu sĩ quan CIA, hiện là nhà
nghiên cứu tại viện nghiên cứu Mỹ RAND Corporation nhận định : « Về
cơ bản, sau tất cả những cuộc đọ sức, giằng co này, chúng ta sẽ nói với
Kim Jong-un rằng ông sẽ đạt được những gì ông muốn. Câu hỏi lớn hơn sau đó
tất nhiên là : toàn bộ khu vực Đông Á sẽ ra sao ? »
Điều đó để lại một khả năng khác cho
chính quyền Biden và các đồng minh của ông, mặc dù đó là một khả năng có
vẻ khó xảy ra trong bối cảnh hiện tại. Họ có thể theo đuổi một
thỏa thuận với việc Bình Nhưỡng chấp nhận ngừng việc phát triển vũ khí đánh đổi
lấy việc dỡ bỏ trừng phạt.
Nói cách khác, thỏa thuận này không khác nhiều
so với thỏa thuận mà cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tại hội nghị thượng
đỉnh ở Hà Nội vào tháng 02/2019.
Biện pháp này cũng có nhiều người ủng hộ. « Ngừng
phát triển vũ khí thực sự là một cách chắc chắn để bắt đầu mọi đàm phán. Rất
khó để có thể loại bỏ những vũ khí tồn tại, nhưng điều có thể được làm là ngăn
cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn ». Ông Jeffrey Lewis của Trung tâm
James Martin cho biết như trên.
Tuy nhiên, vì đây là ý tưởng của chính quyền
Trump, nên có thể khiến điều này trở thành bất khả thi. Khi được hỏi liệu ông
có nghĩ rằng tổng thống Biden có cân nhắc chiến thuật này không, ông Lewis cười
và nói : « Tôi là một giảng viên, vì vậy tôi chuyên đưa ra những
lời khuyên mà không ai sẽ thực hiện ».
Từ chối đàm
phán
Nhưng ngay cả khi chính quyền Biden có ý định
làm như vậy, thì Kim Jong-un sẵn sàng đàm phán của năm 2019 khác xa so với Kim
Jong-un của năm 2022.
Ông Kim hiện đang tập trung vào kế hoạch hiện
đại hóa quân đội trong 5 năm được công bố vào tháng 01/2021 và việc không nhận
được lời đề nghị đàm phán nào từ chính quyền Biden hay những nước khác sẽ không
làm thay đổi tình hình.
Ankit Panda có cùng quan điểm với nhiều chuyên
gia và một số nhà lập pháp Hoa Kỳ và Hàn Quốc khi cho rằng sẽ phải sống chung với
một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân trong ít nhất vài thập niên tới.
---------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
BẮC
TRIỀU TIÊN - VŨ KHÍ HẠT NHÂN
Giới
phân tích lo ngại học thuyết mới về hạt nhân của Bắc Triều Tiên
Bắc
Triều Tiên bắn 2 "tên lửa hành trình chiến lược tầm xa"
Bắc
Triều Tiên khẳng định đã mô phỏng các cuộc “tấn công hạt nhân chiến thuật”
No comments:
Post a Comment