Tuesday, 1 November 2022

NHỮNG GIẤC MƠ TAN VỠ CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA - 1 (George J. Veith / Hiếu Chân lược thuật)

 



Những giấc mơ tan vỡ của Việt Nam Cộng Hòa - 1

Lược thuật sách “Rút gươm nơi xứ xa” của George J. Veith

Hiếu Chân
1 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/nhung-giac-mo-tan-vo-cua-viet-nam-cong-hoa-1/

 

Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/GettyImages-515455944.jpg

Dân chúng Sài Gòn mang cờ và biểu ngữ xuống đường mừng Thủ tướng Ngô Đình Diệm chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý bãi bỏ chức Quốc trưởng của cựu hoàng Bảo Đại và thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa tháng 10 năm 1955. Ảnh Bettmann, Getty Images.

 

 

Bài 1: Việt Nam Cộng Hòa – một công cuộc kiến quốc

 

“Sáng sớm ngày 2 Tháng Mười Một 1963, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu hoảng hốt nhảy xuống khỏi chiếc xe jeep, chạy vội về phía một chiếc thiết vận xa đậu bên ngoài đại bản doanh quân đội Nam Việt Nam trong phi trường Tân Sơn Nhất. Trong mười tám tiếng đồng hồ vừa qua, ông chỉ huy các lực lượng quân đội bên trong thành phố Sài Gòn lật đổ chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bên trong chiếc xe bọc thép là thi thể bầm dập của ông Diệm và em trai tổng thống, ông Ngô Đình Nhu. 

 

Ông Thiệu chỉ tham gia cuộc đảo chánh sau khi ông được bảo đảm rằng Tổng thống Diệm và gia đình sẽ không bị hãm hại. Giờ đây, ông cần kiểm chứng lại cái tin tức gây sốc, cần xác nhận cho chính ông rằng lời cam kết mà người ta đã hứa với ông và đồng đội cùng đảo chính với ông đã thật sự bị phá vỡ.

 

Đại tá Thiệu lệnh cho người lái xe mở cửa sau của chiếc thiết vận xa. Nhiều năm về sau, ông nhớ lại, khi nhìn thấy thi thể của hai anh em giữa vũng máu, ông đã suýt nôn mửa. Ông đưa tay chào họ, tháo chiếc mũ sắt ông đang đội và cúi đầu thật thấp về phía hai người đang nằm. Khoảnh khắc khủng khiếp đó, dù chỉ là một giọt nước nhỏ trong dòng sông rộng lớn của lịch sử Việt Nam hiện đại, đánh dấu một sự chuyển giao tượng trưng từ nền Đệ Nhất Cộng Hòa của ông Diệm sang nền Đệ Nhị Cộng Hòa với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bốn năm sau đó. Vào phút giây đau đớn đó, lịch sử chính trị của miền Nam Việt Nam đã vĩnh viễn thay đổi.”

 

Trên đây là đoạn mở đầu cuốn sách “Rút gươm nơi xứ xa” (Drawn Swords in a Distant Land) của nhà sử học George J. Veith do Encounter Books xuất bản lần thứ nhất ở Hoa Kỳ năm 2021. Ông Veith cũng là tác giả của một cuốn sách nổi tiếng khác về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa: “Tháng Tư Đen: Sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, 1973-75” (Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-75).

 

Cuốn “Rút gươm…” mô tả một thời kỳ lịch sử dài hơn, bao quát cuộc chiến trường kỳ trong đó những người Việt Nam Không Cộng Sản, mà ông gọi là “người quốc gia” phấn đấu để xây dựng một quốc gia có chủ quyền gọi là Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), còn gọi là Nam Việt Nam.

 

Cuộc phấn đấu đó, theo tác giả, có thể chia thành bốn giai đoạn: Quốc gia Việt Nam của cựu hoàng Bảo Đại; Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng thống Diệm; bốn năm đứt quãng sau đó và cuối cùng là Đệ Nhị Cộng Hòa của Tổng thống Thiệu. Giai đoạn Quốc gia Việt Nam và Đệ Nhất Cộng Hòa đã được các nhà sử học, nhà nghiên cứu dày công xem xét và trình bày chi tiết nên tác giả chỉ tập trung vào hai giai đoạn sau, kể từ vụ đảo chánh ông Diệm và nền Đệ Nhị Cộng Hòa ngắn ngủi sau đó, vốn chưa được nghiên cứu nhiều. SGN sẽ lần lượt giới thiệu những nội dung chính của cuốn sách xoay quanh những sự kiện của hai giai đoạn này để bạn đọc tham khảo về một giai đoạn lịch sử nhiều biến cố thương đau.

 

                                                           ***

“Cuốn sách này xem xét những nỗ lực đau đớn và thất bại của Nam Việt Nam trong công cuộc xây dựng một nhà nước độc lập. Nhà nước đó tập trung vào cuộc chiến đấu để bảo đảm an ninh vùng nông thôn, vượt qua những mưu đồ và trắc trở của tiến trình chính trị, những cố gắng định hình sự thống nhất quốc gia và cuộc tiến hóa của các mối quan hệ phức tạp về xã hội, sắc tộc, tôn giáo ở Nam Việt Nam.” Giáo sư Veith gọi đây là “Những giấc mơ tan vỡ của Nam Việt Nam” như nhan đề phụ của cuốn sách.

 

Ngay từ thời chiến tranh, dư luận trong giới nghiên cứu và chính trị đã quan niệm một cách đơn giản rằng Hà Nội mặc nhiên đại diện cho chủ nghĩa dân tộc của người Việt “chống đế quốc Mỹ”, là chính nghĩa và Sài Gòn, là bù nhìn, không có tính chính danh nên tất yếu phải sụp đổ. Đây là một biến tướng của luận điệu tuyên truyền của cộng sản Bắc Việt, nhằm che giấu bản chất xâm lược miền Nam. Sự kiện tháng Tư 1975 góp phần chứng minh cho quan niệm đơn giản mà độc hại đó. 

 

Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Theo Veith, Nam Việt Nam có câu chuyện riêng của mình, mà người ở nước ngoài thường không để ý tới. Một người bạn Việt Nam nói với tác giả: “Chúng tôi có nhiều giấc mơ: Giấc mơ tự do; giấc mơ độc lập, giấc mơ đưa dân tộc ra khỏi nghèo đói. Người Cộng sản chỉ có một giấc mơ duy nhất: Thắng cuộc chiến tranh với bất cứ giá nào”.

 

Những giấc mơ của VNCH chính là những phương diện của một tiến trình lập quốc sau khi thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Để biến giấc mơ thành sự thực, Tổng thống Thiệu và chính phủ của ông đã có nhiều nỗ lực quan trọng để xây dựng một nhà nước dân chủ hiện đại và xóa bỏ sự nghèo đói kinh niên của người dân – một cố gắng mà họ chưa bao giờ được ghi nhận tương xứng.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/GettyImages-517264474.jpg

Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu (giữa) đặt viên đá xây dựng tượng đài kỷ niệm quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Đông Dương. Bên trái ông là Đại sứ Ellsworth Bunker và bên phải là Tướng Frederick Weyand, tư lệnh quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam. Ảnh Bettmann, Getty Images.

 

Nhiệm vụ thì rất to lớn nhưng VNCH phải vượt qua những tàn dư bệnh hoạn của thời kỳ thực dân, cùng với những vấn đề cố hữu của công cuộc lập quốc như thiếu sự đoàn kết quốc gia, xung đột quân sự-dân sự; các định chế chính trị chưa phát triển và nhiều thứ khác. Hơn thế nữa, họ phải vượt qua các chướng ngại này trong lúc một kẻ thù hung hãn luôn kề dao tận cổ. 

 

Và cũng như ở nhiều quốc gia non trẻ khác, người Quốc gia phải đối mặt với một vấn đề sinh tử: Làm thế nào để một nền dân chủ mới manh nha và một xã hội mở có thể đánh bại một kẻ thù chuyên chế toàn trị, một kẻ thù rất giỏi xâm nhập hàng ngũ đối phương, lũng đoạn tâm lý và chính trị? Nói cách khác, Nam Việt Nam có thể tự mình chống lại mối đe dọa Cộng sản hay không? 

 

Ngay trong nội bộ những người quốc gia, vẫn tồn tại dai dẳng sự xung khắc giữa những đường lối kiến quốc khác nhau, giữa những người muốn cai trị thông qua một mô hình quản trị tập trung quyền lực ở trung ương với những người muốn tìm một hình thức dân chủ kiểu Việt Nam trao nhiều quyền kiểm soát hơn cho các địa phương. 

Một vấn đề khác của phe Quốc gia là làm thế nào bãi bỏ những lề lối cũ, những thiết chế đã thất bại và thay thế chúng bằng những ý tưởng mới, những thiết chế hiện đại để phát triển một bản sắc cộng hòa có tính dung nạp ở một đất nước đa dạng về sắc tộc và tôn giáo. 

 

Để trả lời những câu hỏi này cần tìm hiểu cặn kẽ những nỗ lực của người quốc gia trong việc tạo dựng một nhà nước có thể tồn tại độc lập. Sự kiện Nam Việt Nam bại trận ngày 30 tháng Tư năm 1975 không có nghĩa là họ không có tính chính danh về chính trị nếu xem xét cuộc chiến trong những phương diện thiết yếu như hoàn cảnh xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế của cuộc chiến. Thất bại của Nam Việt Nam cũng tương tự như ở một số nước khác, nhất là những nước trải qua chiến tranh dai dẳng và chết chóc: Suy cho cùng, người ta không thể cùng một lúc vừa xây dựng vừa chiến đấu tự vệ.

 

Dân chủ luôn là một công trình luôn đang trong tình trạng xây dựng, nhất là ở các nước mới thoát ra khỏi thân phận thuộc địa và đang tìm chỗ đứng trong một cuộc chiến tranh ác liệt. 

Một nhân vật thể hiện đầy đủ công trình dân chủ hóa miền Nam Việt Nam là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Sự nghiệp chính trị của Tổng thống Thiệu là chủ đề thống trị cuốn sách của giáo sư George Veith. Ông Veith cho rằng, “Bởi vì sự nghiệp của ông [Thiệu] tương ứng chính xác với quãng đời của quốc gia ông, ông [Thiệu] cung cấp một phương tiện hoàn hảo để nghiên cứu sự nổi lên và sụp đổ của Nam Việt Nam”. Cuốn sách của ông Veith không phải là cuốn tiểu sử Tổng thống Thiệu nhưng công nhận rằng ông Thiệu giữ vai trò trung tâm của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, là người chỉ huy thực hiện những giấc mơ tan vỡ của miền Nam Việt Nam mà cho đến nay, ông Thiệu là đồng minh quan trọng nhất của nước Mỹ ít được phân tích nhất.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/GettyImages-1354438290.jpg

Ngày 26 tháng 10-1966 tại Sài Gòn, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo quốc gia (thứ ba từ trái) và Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ (bìa phải) cùng Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson (bìa trái) và Tướng William Westmoreland dự một sự kiện quân sự. Ảnh Pictures From History/Universal Images Group via Getty Images.

 

Nói ngắn gọn, công trình nghiên cứu công phu của giáo sư George Veith tái hiện lại lịch sử đấu tranh để xây dựng quốc gia dân chủ tự do VNCH thông qua nhân vật trung tâm Nguyễn Văn Thiệu. Cuốn sách sẽ “đính chính” lại những quan điểm lệch lạc của nhiều học giả Mỹ về VNCH, trong đó ông Thiệu hiện ra hoặc như một tay chơi trong ván bài chiến tranh lớn của Hoa Kỳ, hoặc như một nhà độc tài quân phiệt mà các chính sách đàn áp nhân dân miền Nam đã trực tiếp dẫn tới sự sụp đổ của chế độ. Sự lãng quên hoặc đánh giá thấp những giấc mơ của VNCH, vai trò của Tổng thống Thiệu đã để những lỗ hổng to lớn trong nhận thức lịch sử về cuộc chiến tranh.

 

Đón xem kỳ 2: Vai trò lịch sử của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

_________

 

ĐỌC LẠI: 

 

Sách của tác giả George J. Veith tiết lộ gì mới về Tổng thống Thiệu?

Mạnh Kim
25 tháng 3, 2021

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/sach-cua-tac-gia-george-j-veith-tiet-lo-gi-moi-ve-tong-thong-thieu/

 

Kỳ một: Ông Thiệu là người như thế nào?

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/nguyen-van-thieu-1-1024x683.jpg

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (file photo)

 

Cựu đại úy quân đội Hoa Kỳ George J. Veith vừa cho phát hành quyển sách sử VNCH – Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam’s Shattered Dreams (nhà xuất bản Encounter Books). George J. Veith (sống tại Delaware) từng viết khá nhiều về chiến tranh Việt Nam (Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-1975; Code-Name Bright Light: The Untold Story of U.S. POW Rescue Efforts during the Vietnam War; và Leave No Man Behind: Bill Bell and the Search for American POW/MIAs from the Vietnam War).

 

Trong Drawn Swords in a Distant Land mới ra mắt ngày 23-3-2021, tác giả điểm lại những sự kiện chính trị chính tại miền Nam Việt Nam trước 1975 và nhắc nhiều đến giai đoạn nắm quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. So với những gì chúng ta từng biết về Tổng thống Thiệu, qua vô số tư liệu, từ Việt Nam máu lửa quê hương tôi của Đỗ Mậu đến Tâm tư Tổng thống Thiệu của Nguyễn Tiến Hưng, chưa kể nhiều quyển sách khác của giới sử học Mỹ chẳng hạn Vietnam: An Epic Tragedy, 1945-1975 của Max Hastings mới tung ra cách đây vài năm, hoặc các bộ phim tài liệu trong đó có The Vietnam War của Ken Burns…, Drawn Swords in a Distant Land có mang lại thêm thông tin gì mới? Chúng tôi xin lược thuật một số tư liệu trong quyển sách này…

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/nguyen-van-thieu-1a.jpg

Hình bìa sách “Drawn Swords in a Distant Land”

 

                                         ----------------------------------

 

Kỳ một: Ông Thiệu là người như thế nào?

 

Về nhân thân Tổng thống Thiệu, tác giả kể:

 

Vì ông Thiệu là một trong hai nhân vật có ảnh hưởng nhất lịch sử miền Nam Việt Nam – cùng với ông Ngô Đình Diệm – chúng ta hãy xem lại những năm tháng đầu đời của ông. Do thế giới quan thường là kết hợp của văn hóa, cách dạy dỗ, tính cách và kinh nghiệm, nên cần phải xem xét cách thức nuôi dạy và sự nghiệp quân sự ban đầu của ông Thiệu để có thể thấy những điều đó ảnh hưởng đến tính cách và các chính sách trong tương lai của ông như thế nào. Những gì chúng ta biết về những năm tháng định hình con người ông là rất mỏng.

 

Ngay cả thông tin tiểu sử cơ bản về ông cũng mâu thuẫn. Chẳng hạn, một phóng viên lâu năm ở Việt Nam và người viết cáo phó của ông Thiệu cho New York Times đã lặp lại sự hiểu lầm phổ biến về ngày sinh thực sự của ông. Fox Butterfield viết: “Thiệu sinh vào tháng 11 năm 1924, nhưng theo phong tục Việt Nam, đã lấy một ngày khác làm ngày sinh – ngày 5 tháng 4 năm 1923 – nhằm mang lại may mắn hơn. Ông là con út trong gia đình có năm người con, sinh tại một ngôi làng ven biển miền Trung Việt Nam”. Một số người khác cũng tin rằng ông Thiệu đã thay đổi ngày sinh “theo lời khuyên của một nhà chiêm tinh”.

 

Dù đúng là người dân ở các làng quê Việt Nam thỉnh thoảng thay đổi ngày sinh vì lý do chiêm tinh, nhưng vợ của ông Thiệu khẳng định ông không làm như vậy. Mặc dù nhiều người tin rằng sinh nhật thật của ông là ngày 12 tháng 11 năm 1924 nhưng chi tiết này xuất phát từ một sai lầm hồi ông còn nhỏ. Theo lời kể của bà Thiệu, khi còn nhỏ, lúc đi thi, cậu học trò Thiệu được thầy hỏi ngày tháng năm sinh. Do không biết chính xác nên cậu chạy vội về nhà hỏi mẹ. Không gặp bà, cậu quay trở lại trường và khai đại rằng ngày sinh của mình là 12 tháng 11 năm 1924.

 

Dù mẹ của ông Thiệu sau đó sửa lại ngày sinh cho con trai nhưng liệu bà có thay đổi ngày sinh thành điều gì đó có ý nghĩa hơn về mặt chiêm tinh hay không thì vẫn chưa rõ. Ông Thiệu sinh ngày 5 tháng 4 năm 1923, tại Tri Thủy, một ngôi làng ven biển đẹp như tranh gần thành phố Phan Rang, thủ phủ của Ninh Thuận. Cha mẹ ông không phải là nông dân nghèo sống với ruộng đồng. Họ là gia đình trung lưu tương đối giàu có, có đất có đai và một số cơ sở làm ăn. Họ đã truyền cho ông đức tính lao động cần mẫn và gieo sâu những giá trị văn hóa tiêu biểu Việt Nam để tất cả luôn theo ông khi ông trưởng thành. Cha ông là ông Nguyễn Văn Trung; ông nội và ông cố kiếm sống bằng nghề ngược xuôi bán hàng trên biển.

 

Sau khi ông Thiệu ra đời, cha ông đã “làm nghề khác. Ông ấy đi Qui Nhơn, mua súc vật, bò… về bán ở Phan Rang, rồi vào Sài Gòn mua bán hàng hóa” (theo Larry Engelmann, “The Man Who Lost Vietnam: Interview with Nguyen Van Thieu,” April 9, 1990 – chú thích của tác giả George J. Veith). Cha của ông Thiệu mồ côi bố từ năm mười tuổi. Ông luôn nhắc nhở con trai (Thiệu) những bài học khó khăn từ cuộc sống vất vả của mình. Ông Thiệu nói với một người phỏng vấn thời hậu chiến rằng, “cha ông ấy luôn dạy ông ấy về sự thận trọng và không bao giờ bất cẩn hay liều lĩnh”, một bài học trở thành đặc điểm tính cách của ông Thiệu.

 

Ông Thiệu là con út trong gia đình bảy người con. Ông có bốn anh trai và hai chị gái. Trong gia đình, ông được gọi là “cậu Tám”. Không có nhiều thông tin về các chị gái và hai anh trai, nhưng hai người anh lớn, Hiếu và Kiểu, sau này đều trở thành các đại sứ cho Việt Nam Cộng Hòa. Người lớn nhất là ông Hiếu, sinh ngày 4 tháng 4 năm 1906. Gia đình gửi ông sang Pháp học đại học. Ông Hiếu tốt nghiệp cử nhân luật Đại học Đại học Paris năm 1933.

 

Ông trở về Việt Nam và làm giám đốc thẩm ở Huế cho đến năm 1939. Khi cha của họ qua đời ngày 12 tháng 1 năm 1969, là con trai cả, ông Hiếu được xem như “quyền huynh thế phụ”. Tuy nhiên ông rời Việt Nam vào năm 1956 vì các nhiệm vụ ngoại giao. Năm 1966, ông trở thành đại sứ Nam Việt Nam tại Ý. Khi người vợ của ông Hiếu qua đời vì ung thư năm 1966, ông Thiệu đã nhận nuôi con gái của ông Hiếu. Đây là một bí mật gia đình rất ít người biết.

 

Là Phật tử, ông Hiếu là người trầm lặng, không có tham vọng chính trị. Sau khi được bổ nhiệm sang Ý, ông không tham gia chính trường Việt Nam và ở lại Rome cho đến khi Sài Gòn sụp đổ. Trong khi đó, ông Kiểu tham chính mạnh hơn. Ông sinh năm 1916, sau này cải đạo sang Công giáo. Khoảng năm 1940, ông Kiểu trở thành một trong những người sáng lập chi nhánh Nam Việt của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Sau đó ông Kiểu làm đại sứ tại Đài Loan và cũng là sứ giả chính của ông Thiệu với vai trò trung gian trong các cuộc thương thuyết với các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo tại Nam Việt Nam.

 

Cha mẹ ông Thiệu rất tận tâm trong việc giáo dục con cái, đặc biệt là ông Hiếu và ông Kiểu. Để trang trải cho việc học, cậu bé Thiệu phải phụ giúp mẹ là bà Bùi Thị Hạnh bán hàng ở chợ. Ông kể:

 

Khi còn đi học, tôi phải giúp các chị bán bánh tráng và khoai lang. Ngoài ra, hàng ngày tôi đi chợ cho mẹ và giúp các chị tôi kiếm tiền để sống. Hai anh trai đi học còn tôi ở nhà phụ các chị dọn hàng ra chợ rồi dọn về. Tôi làm việc rất cực. Mẹ tôi có một cửa hàng tạp hóa nhỏ trong làng. Tôi giúp mẹ ở đó. Lúc đó, ba mẹ tôi phải nuôi hai anh tôi và cho hai anh đi học ở Sài Gòn. Cha tôi luôn cố gắng cho chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn. Ông ấy làm việc rất cực khổ, cũng như mẹ và hai chị gái tôi, để chu cấp tiền cho hai anh tôi đi học tiểu học rồi trung học và sau đó đến lượt tôi (theo Larry Engelmann, “The Man Who Lost Vietnam: Interview with Nguyen Van Thieu,” April 9, 1990 – chú thích của tác giả George J. Veith).

 

Một người Việt quen biết ông Thiệu trong nhiều năm xác nhận rằng ông Thiệu xuất thân trong một gia đình nền nếp theo đúng kiểu truyền thống Việt Nam. Người này viết: “Hồi đó, tôi đặc biệt kính trọng ông Thiệu vì cha mẹ ông Thiệu là những người lớn tuổi sống tốt, rất có đạo đức, luôn nhắc nhở và dạy dỗ con cái sống tử tế và tuân theo truyền thống Tam giáo” (theo Việt Nam máu lửa quê hương tôi, Hoàng Linh Đỗ Mậu – chú thích của tác giả George J. Veith).

 

Sự chấp nhận hiện đại hóa kiểu Mỹ là điểm khác biệt chính giữa ông Thiệu và nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam khác. Những nghi lễ quân đội cũng củng cố niềm tin mãnh liệt của ông vào truyền thống, đặc biệt khi nhìn qua lăng kính thuần phong mỹ tục Việt Nam. Sau này, ông còn áp dụng các nguyên lý Công giáo, dù ông đặt nó giữa nền tảng các giá trị cốt lõi của dân tộc. Vì cha mẹ luôn nhấn mạnh sự học là con đường dẫn đến thành công, ông Thiệu có được một nền giáo dục tốt theo tiêu chuẩn của Việt Nam thuộc địa. Học hành đã rèn giũa trí tuệ mang đặc tính dân tộc cho ông, giúp ông có một lợi thế hiếm có ở thế hệ trẻ Việt Nam lúc bấy giờ.

 

Ông Thiệu học tiểu học ở quê và sau đó học lên lớp cao hơn ở thành phố Phan Rang. Hai lần một ngày, ông phải đi phà để qua con đầm phá giữa Tri Thủy và Phan Rang. Một trong những người thầy của ông là cha của người em họ, ông Hoàng Đức Nhã. Ông Thiệu học trung học ở Trường Pellerin danh tiếng tại Huế. Pellerin là một trong bốn trường trung học duy nhất do Pháp quản lý dành cho nam sinh ở Việt Nam, nơi chỉ tuyển những người có điểm xuất sắc. Ông Thiệu vào được trường này một phần nhờ sự động viên của anh trai Hiếu. Khi ông Hiếu rời Huế vào năm 1939, ông Thiệu rời Pellerin và chuyển vào Sài Gòn sống với anh trai Kiểu, và học tại trường trung học Lê Bá Cang.

 

                                                   *****

 

Về ngày sinh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, trong Tâm tư Tổng thống Thiệu, tác giả Nguyễn Tiến Hưng thuật:

 

Xuất thân từ một gia đình khiêm nhượng, ông kể lại rằng ngày sinh đích thực của ông là ngày 5 tháng 4, 1923 nhưng vì khi đến trường ghi danh xin học lần đầu, song thân ông đã vắng mặt không có ở nhà để cho ông biết ngày sinh đích xác, nên ông đã chọn đại ngày 24 tháng 12, 1924. Người ta nói là theo thầy tướng số thì nhằm đúng giờ Tý, tháng Tý và năm Tý – là một tuổi có điềm tốt theo tử vi. Là con út trong một gia đình bảy người con, mọi người đều gọi ông là cậu Tám. Cha ông mồ côi từ năm mười một tuổi, đã sống với một người chú ở vùng quê, và phải đi chăn bò để kiếm ăn: “Ông cụ đã thành một thứ cowboy; hồi đó, không có đường xá nhiều, cho nên thường khi cụ dẫn đàn bò từ tỉnh này sang tỉnh khác để bán, dọc đường có khi mất đến một nửa”…

 

“Mẹ ông đêm đêm nấu bánh tét và từ khi ông lên năm, bà đã giao cho ông bưng thúng bánh ra chợ bán lúc sáng sớm. Ông bán đủ tiền mua vật liệu cho nồi bánh ngày hôm sau, và được lãi chút đỉnh. Ông rất mê đá banh, nên hay dành dụm chút tiền kiếm được để rồi mỗi chiều chủ nhật, ông bỏ chợ đi coi đá banh. Hôm đó, ông lấy bánh ra ăn và còn cho bạn ăn nữa”…

(Tâm tư Tổng thống Thiệu, trang 360, Nguyễn Tiến Hưng)

 

______________

 

ĐỌC TIẾP:

 

Ổ “nằm vùng” bên cạnh ông Thiệu

Mạnh Kim
26 tháng 3, 2021

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/o-nam-vung-ben-canh-ong-thieu/

 

George J. Veith tiết lộ gì mới về Tổng thống Thiệu? (Kỳ 2)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/ng.jpg

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

 

Quanh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không chỉ là kẻ thù chính trị mà còn là những điệp viên cộng sản được cài cắm rất sâu vào bộ máy VNCH. Trong Drawn Swords in a Distant Land, tác giả George J. Veith đã nhắc lại một số chi tiết…

 

Ngay sau Tết Mậu Thân, “Ngành Đặc biệt” (Special Branch-SB, trực thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia), bắt đầu kiểm tra xem làm thế nào mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) có thể thu thập thông tin chi tiết trong kế hoạch tấn công Bộ Tổng tham mưu và Dinh Độc lập. Sau đó, khi Mỹ phát hiện loạt tài liệu nhạy cảm của Việt Cộng trong một chiến dịch truy quét ở Tây Ninh, SB lập tức nghi có nội gián.

 

Họ tăng cường giám sát những người tình nghi có móc nối bí mật với Cộng sản. Thời điểm đó, SB đang theo dõi một người sống ở Sài Gòn tên Lê Hữu Thúy. Nấp dưới một bút danh, Thúy từng đăng các bài viết chỉ trích chính phủ trên một tờ báo do dân biểu Hoàng Hồ làm chủ. Hoàng Hồ hóa ra cũng là điệp viên Cộng sản. Khi điều tra hồ sơ Thúy, SB phát hiện thêm rằng nhiều năm trước, cảnh sát thời ông Diệm đã bắt đương sự vì tình nghi làm Việt Cộng nằm vùng nhưng đương sự được thả theo lệnh ân xá chung của tướng Big Minh đối với tất cả tù nhân chính trị sau vụ chính biến lật đổ ông Diệm.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/lehuuthuy-1_zpvp.jpg

Điệp viên cộng sản Lê Hữu Thúy (báo Pháp Luật)

 

Khởi động chiến dịch có mật danh “Projectile”, SB cử một đặc vụ chìm đóng giả làm thợ sửa chữa lân la đến làm thân với Thúy. Thúy sập bẫy. Một lần, đương sự buột miệng khoe với “người bạn” này về số gián điệp đang được cài trong bộ máy VNCH. SB lẻn vào nhà Thúy và đặt “bọ” nghe trộm.

 

Đầu năm 1969, SB té ngửa khi phát hiện rằng người thường xuyên đến nhà Thúy lại là Vũ Ngọc Nhạ chứ không ai xa lạ. Nhạ là cố vấn tổng thống đặc trách các vấn đề tôn giáo. Tương tự Phạm Ngọc Thảo, Nhạ thoạt đầu chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh. Nhạ là người miền Bắc, cải đạo sang Công giáo, gia nhập giáo xứ của Linh mục Hoàng Quỳnh ở Phát Diệm. Sau khi vào Nam năm 1954, Nhạ định cư gần Huế, nhưng cuối tháng 12 năm 1958, ông bị bắt vì tình nghi hoạt động cho Cộng sản.

 

Nhạ dĩ nhiên không nhận tội. Big Minh cuối cùng cũng trả tự do cho đương sự sau cuộc đảo chính ông Diệm 1963. Cha Quỳnh sau đó giới thiệu Nhạ với ông Thiệu và Nhạ được tín cẩn giao nhiệm vụ phụ trách các vấn đề liên quan tôn giáo… Bám đuôi Nhạ từ nhà Thúy, SB phát hiện Nhạ gặp Huỳnh Văn Trọng, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Thiệu về các vấn đề chính trị, từng được ông Thiệu cử sang Mỹ với sứ mệnh nghiên cứu chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Đặc vụ SB thấy Trọng chuyển một phong bì cho Nhạ. Sau khi Trọng rời đi, SB tiếp tục theo dõi và thấy Nhạ giao một gói hàng cho một phụ nữ…

 

Toàn bộ vụ việc trở nên chính trị hóa cao độ vì cả Nhạ lẫn Trọng đều là cố vấn tin cậy của Tổng thống Nam Việt Nam. Khi CIA và SB báo ông Thiệu và đề nghị bắt giam hai nhân vật trên, ông Thiệu đồng ý nhưng nhấn mạnh rằng bằng mọi giá phải tìm được chứng cứ vì nếu không chứng minh được thì vụ việc sẽ trở thành thảm họa. Sau khi thu thập bằng chứng, SB bắt Trọng và Nhạ vào tháng 7 và tìm thấy những tài liệu tuyệt mật mà họ sở hữu. Lần này, Nhạ khai mình đã “nằm vùng” hai mươi năm. Phần mình, Trọng cũng nói rằng ông ta biết Nhạ là gián điệp cộng sản khi chuyển tài liệu mật cho Nhạ. Tổng cộng, có hơn 50 người bị bắt trong đường dây tình báo Vũ Ngọc Nhạ, trong đó có một số nhà báo và hai quan chức cấp cao trong Bộ Chiêu Hồi. Phiên tòa sau đó kết án Thúy, Nhạ và Trọng tù chung thân

 

                                                        *****

Trở lên là những gì George J. Veith thuật trong quyển Drawn Swords in a Distant Land. Khá sơ sài. Về Vũ Ngọc Nhạ, đã có rất nhiều tư liệu được công bố. Ở đây xin thuật thêm về tay điệp viên sừng sỏ và nguy hiểm Lê Hữu Thúy – bí danh “A25” – một mắt xích phải nói là rất quan trọng trong đường dây tình báo nằm vùng tại miền Nam thời ông Thiệu. Thúy là một trong những thành viên của Lưới tình báo H10 (thuộc Cụm A22), trong đó Vũ Ngọc Nhạ làm cụm trưởng. Những người khác trong Cụm A22 đều là những kẻ được cài cắm rất sâu: Nguyễn Xuân Hòe, công cán ủy viên Phủ Tổng thống; Vũ Hữu Ruật, Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ; Hoàng Hồ, dân biểu; Lê Hữu Thúy, công cán ủy viên Bộ Chiêu hồi; và Huỳnh Văn Trọng, cố vấn chính trị đối ngoại của Tổng thống Thiệu.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/image024.jpg

Huỳnh Văn Trọng (giữa)

 

Sinh năm 1926 tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa, trong gia đình tuy không người theo đạo nhưng Thúy được cho đi học trường dòng. Năm 1956, khi vào Sài Gòn, Thúy được trùm tình báo cộng sản Mười Hương chỉ thị thâm nhập khối Công giáo di cư. Thúy bắt mối với linh mục Vũ Đình Trác làm tờ báo Di cư; làm phụ tá chủ bút báo Đường sống

 

Trong một bài viết trên báo Nông Nghiệp ngày 2-5-2012, con gái của ông Lê Hữu Thúy – bà Thanh Hương (lúc đó là Trưởng ban Tuyên giáo quận ủy quận 4, TP.HCM) – cho biết thêm, ông Thúy được gia đình cho học trường Trung học Alexandre de Rhodes của Nhà chung Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp tú tài, Thúy ra Hà Nội, học đại học cùng với đồng hương Trần Kim Tuyến. Năm 1949, Thúy được kết nạp vào Đảng Cộng sản và hoạt động ở Hà Nội với bí danh A25. Trước đó, Thúy công tác tại Ty Công an Thanh Hóa.

 

Tháng 10-1954, Thúy được giao nhiệm vụ trà trộn cùng những người Công giáo di cư vào Nam. Năm 1959, Thúy bị bắt do một Việt Cộng chiêu hồi khai. Sau vụ chính biến lật đổ ông Diệm, Thúy được thả. Và nhờ mối quan hệ với Trần Kim Tuyến cũng như với Đỗ Mậu – giám đốc Nha An ninh Quân đội, Thúy thậm chí được tuyển vào Nha An ninh Quân đội Sài Gòn. Vai trò của Thúy nói chung là rất lớn trong Lưới tình báo H10. Chính Thúy là người cùng Vũ Ngọc Nhạ xây dựng lá bài chính trị Huỳnh Văn Trọng, từng bước đưa Trọng trở thành cố vấn chính trị cho Tổng thống Thiệu.

 

Huỳnh Văn Trọng từng là Đổng lý Ngự tiền thời Vua Bảo Đại. Thời Đệ nhất Cộng Hòa, Trọng bị bỏ rơi nên bất mãn. Vũ Ngọc Nhạ, cùng Lê Hữu Thúy, đã bày vẽ đường đi nước bước cho Huỳnh Văn Trọng xây dựng uy tín lẫn thanh thế, giúp ông Thiệu chạy đua vào ghế Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Do đó, Trọng được ông Thiệu tín cẩn đưa lên vị trí cố vấn đặc biệt. Nhờ đó, Trọng có điều kiện lấy được vô số tài liệu mật, giao lại cho Vũ Ngọc Nhạ để chuyển cho Trung ương Cục Miền Nam.

 

Khi vào làm cho Nha An ninh Quân đội, Thúy cũng thu được nhiều thông tin có giá trị. Trong sự kiện Mậu Thân 1968, Thúy lập bản đồ chi tiết Khu Tam giác Bến Lức-Đức Hòa-Chợ Lớn tạo điều kiện dễ dàng cho Việt Cộng thâm nhập nội đô Sài Gòn. Từ năm 1967, Thúy chuyển sang làm công cán ủy viên Bộ Chiêu hồi, cho đến bị lộ và bị bắt. Báo Pháp Luật ngày 20-10-2015 cho biết thêm, thời gian bị giam ở Côn Đảo, Lê Hữu Thúy còn đánh cắp được danh sách tù chính trị và chuyển an toàn ra ngoài…

 

Ðầu năm 1973, Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng được đưa về khám Chí Hòa, Sài Gòn. Ngày 23 tháng 7 năm 1973, Chính quyền VNCH trao trả Vũ Ngọc Nhạ cho MTDTGPMNVN. Năm 1974, Vũ Ngọc Nhạ được Cộng sản Bắc Việt phong trung tá Quân đội Nhân dân. Tháng 4-1974, Nhạ về Củ Chi, hoạt động bí mật, với chiến dịch tái dựng Cụm Tình Báo Chiến Lược, móc nối với Thành phần Thứ ba và khối Công Giáo. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Vũ Ngọc Nhạ có mặt tại Dinh Ðộc Lập, đứng bên cạnh Big Minh, khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Vũ Ngọc Nhạ chết ngày 7 tháng 8 năm 2002 tại Sài Gòn. Phần mình, Lê Hữu Thúy được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1996. Đương sự chết năm 2000…

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/119.jpg

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/130.jpg

Vụ bể lưới tình báo cộng sản với những gương mặt cộm cán gần gũi ông Thiệu đã làm chấn động Sài Gòn

 

Những kẻ nằm vùng nguy hiểm không chỉ là “Lưới tình báo H10” của Cụm A22. Từ sau 1975 đến nay, báo chí cộng sản đã tiết lộ không ít gương mặt tình báo được cài cắm và phá hoại miền Nam – ngoài những gương mặt quá quen thuộc và được nói nhiều như Phạm Xuân Ẩn. Báo Lao Động ngày 30-4-2020 cho biết một trong những nhân vật như vậy, ít được nói đến, là Đinh Văn Đệ, từng là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện chính quyền Sài Gòn, từng tham gia phái đoàn VNCH sang Mỹ xin viện trợ trong những ngày cuối tháng 3-1975. Đinh Văn Đệ sinh năm 1924, quê ở Đồng Tháp, xuất thân từ một gia đình đạo Cao Đài “có truyền thống cách mạng”. Năm 1952, Đệ vào Trường sĩ quan trù bị Thủ Đức; sau đó được tướng Lê Văn Tỵ chọn làm trợ lý Tổng Tham mưu trưởng; rồi trung tá Chánh Văn phòng Tổng tham mưu trưởng quân lực VNCH.

 

Cuối năm 1957, tướng Nguyễn Chánh Thi đảo chính hụt ông Ngô Đình Diệm. Ông Đệ bị nghi dính líu với lực lượng đảo chính và bị quản thúc hơn một tháng. Nhờ mối quan hệ thân thiết của bố vợ ông với ông Phan Khắc Sửu nên Đệ được bảo lãnh và sau đó được vào học Trường Đại học Quân sự Đà Lạt và đỗ thủ khoa. Đinh Văn Đệ sau đó được cử làm Thị trưởng Đà Lạt, sau kiêm Tỉnh trưởng Tuyên Đức, đến năm 1966 thì được thăng cấp đại tá và chuyển sang làm tỉnh trưởng Bình Thuận. Cuối năm 1967, ông Đệ từ chức tỉnh trưởng, ứng cử vào Hạ viện, trở thành Phó Chủ tịch Hạ viện, Phó Trưởng khối đối lập. Trong hai khóa Quốc hội với danh nghĩa Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện, Đinh Văn Đệ đã cung cấp cho cộng sản nhiều tin tức quan trọng…

 

---------------------------

 

XEM LẠI: Kỳ một – Ông Thiệu là người như thế nào?

 

=================

TÀI LIỆU

 

Khả năng nói Tiếng Anh của TT Nguyễn Văn Thiệu

(US Troops To Be Replaced By South Vietnamese)

https://www.youtube.com/watch?v=ODXfYUp1rvw

Nhảy Dù Cố Gắng

 

Khả năng nói Tiếng Pháp của TT Nguyễn Văn Thiệu

(Le président Thieu parle)

https://www.youtube.com/watch?v=0Peo6CAYuek

Nhảy Dù Cố Gắng

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats