Friday, 4 November 2022

NHÀ Ở XÃ HỘI LÀ SỰ BAN ƠN HAY SỰ ĐÁNH ĐỔI?   (Ngô Huy Cương)

 



 

NHÀ Ở XÃ HỘI LÀ SỰ BAN ƠN HAY SỰ ĐÁNH ĐỔI?   

Ngô Huy Cương

3-11-2022  10:14   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid049Ct9XEneU2JJ7x4eJoscbwHZcw9JGXdALZmwphtC1K12Jeeq5oScUWKVpB2oJdRl&id=100010780718014

 

Xem Nguyễn Thanh Nghị (Bộ trưởng Bộ Xây dựng) trả lời chất vấn của các vị ĐBQH hôm nay tại phiên chất vấn tại Hội trường, tôi có cảm giác dường như chúng ta đang tỏ vẻ ban ơn cho người nghèo.

 

Thôi thì cứ tạm thời bắt đầu từ việc chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Vậy làm sao chúng ta lại không xem xét tới “quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội” là gì để chúng ta thấy cái “tiến bộ” của nó?

 

“Quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội” cho rằng vì mục đích đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng tăng của nhân dân lao động, do đó phải bằng cách không ngừng phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động xã hội trên cơ sở kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với thiết lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa… (tóm tắt ý chính với mục đích của bài viết này). Lưu ý: Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980 đều ghi nhận quy luật này.

 

Bởi thế trước kia chúng ta công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất và kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân.

 

Đói nghèo khủng khiếp. Và vì vậy nền kinh tế kế hoạch “chết thảm”. Chúng ta đổ tội cho “duy ý chí”.

 

Chúng ta buộc phải xây dựng nền kinh tế thị trường và gắn thêm vào đó cái đuôi là “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 

Thế nhưng nền kinh tế thị trường lại dựa trên nền tảng tư hữu về tài sản và tự do ý chí, tự do cạnh tranh.

 

Vậy cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” hay cái tính chất xã hội chủ nghĩa còn lại là gì trong nền kinh tế mà chúng ta đang xây dựng?

 

Xét từ quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội như trên đã nói, thì có lẽ cái gọi “xã hội chủ nghĩa” còn lại chỉ có thể là “mục đích đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng tăng của nhân dân lao động”.

 

Vì vậy xem nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân được đáp ứng như thế nào để có thể nói rằng chúng ta làm tốt hay làm chưa tốt trong việc xây dựng đất nước.

 

Nhu cầu cốt yếu nhất của con người và trước hết phải được đáp ứng là ăn, mặc, ở (theo triết học Mác).

 

Việt Nam có câu “Có an cư thì mới lạc nghiệp”. Vậy người dân không có chỗ ở thì liệu mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” có đạt được không? Chắc chắn là không!

 

Hiến pháp 1980 của chúng ta, để có được tuyên bố “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” tại Điều 19, phải có cam kết bảo đảm cho công dân quyền có nhà ở (Điều 62), bảo đảm cho kinh tế tập thể phát triển (Điều 23)…

 

Về nguyên lý, không có chuyện tịch thu ruộng đất của người lao động. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga cũng “để người nông dân tự suy nghĩ trên luống cày của mình”, chứ không ép buộc họ vào nông trang tập thể (về mặt tuyên bố).

 

Điều đó có nghĩa là Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải đánh đổi việc bảo đảm đời sống thiết yếu cho công dân để lấy chế độ “sở hữu toàn dân về đất đai”.

 

Nay thừa hưởng chế độ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, trong khi Hiến pháp 2013 không cam kết bảo đảm quyền có nhà ở của công dân, nhưng tại Điều 59, khoản 3 có cam kết “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở”.

 

Vậy mà chính sách nhà ở xã hội, nhà ở của người có thu nhập thấp, nhà ở công nhân cứ lúng túng như gà mắc tóc vài chục năm nay, không đạt được kết quả gì đáng kể.

 

Để giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội, ít nhất phải trả lời được hai câu hỏi: (1) Làm thế nào để phát triển được nhà ở xã hội? và (2) Những ai được ưu tiên trong chính sách nhà ở xã hội và bảo vệ sự ưu tiên này như thế nào?

 

Cả hai câu hỏi này liên quan tới rất nhiều bộ, ngành, các địa phương, kể cả hệ thống tư pháp. Chẳng hạn: Khi có sự lạm dụng mua được nhà ở xã hội giá rẻ, sau đó bán đi hoặc cho thuê để kiếm lời, thì chế tài vô hiệu hợp đồng phải được áp dụng; Muốn phát triển nhà ở xã hội nhanh cần có khu vực tư nhân tham gia, vậy phải có chính sách ràng buộc đối với thương nhân kinh doanh bất động sản…

 

Vì vậy để thi hành Hiến pháp 2013, chúng ta phải có một chương trình quốc gia về nhà ở xã hội và ngay lập tức sửa đổi, bổ sung nhiều luật có liên quan.

 

Nghe Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói về đề án xây dựng 01 triệu nhà ở xã hội tới năm 2030 mà không rõ triết lý làm cho dân những tưởng mình được ban ơn, lại còn lúng túng chẳng biết bắt đầu từ đâu, chẳng rõ chính sách và giải pháp, thì làm sao chấp nhận được?

 

 

46 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment

View My Stats