Nguyễn Gia Kiểng, một nhân cách và trí tuệ hiếm có
8/11/22
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/26712-nguy-n-gia-ki-ng-m-t-nhan-cach-va-tri-tu-l-n
Ông Nguyễn Gia Kiểng sinh ngày 8/11/1942 tại
Thái Bình, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông cũng như các
chú, các bác đều là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng. Sau Cách mạng Tháng 8, Việt
Minh mở chiến dich đàn áp các đảng phái không theo đường lối cộng sản như Việt
Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng… Mẹ ông phải dẫn cả nhà trốn về quê
ngoại ở Hải Dương, một thời gian sau mới quay lại Hà Nội. Năm 1945 gia đình ông
di cư vào Nam. Năm 1961 sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học ông được học bổng
du học Pháp. Sau khi tốt nghiệp trường Ecole Centrale de Paris ông học tiếp cao
học kinh tế và làm việc ở Pháp 5 năm sau đó trở về Việt Nam năm 1973. Về nước
ông làm chuyên viên ngân hàng và dạy môn kinh tế - chính trị tại đại học Minh Đức,
Sài Gòn sau đó làm Phụ tá Bộ trưởng Kinh tế Việt Nam Cộng Hòa (hàm thứ trưởng)
cho đến ngày 30/4/1975.
https://live.staticflickr.com/65535/52479788059_9b6142e433.jpg
Ông Nguyễn Gia Kiểng
tại tư gia - Ảnh minh họa
Sau năm 1975 ông bị đi tù (học tập cải tạo) ba
năm rưỡi rồi sau đó được mời ra làm chuyên viên cho chế độ mới cho đến năm 1982
thì được chính phủ Pháp bảo lãnh sang Pháp. Sang Pháp ông tiếp tục công việc của
một kỹ sư và sau cùng là tổng giám đốc một công ty tư vấn. Năm 2005 ông nghỉ
hưu để dành toàn bộ thời gian cho các hoạt động chính trị.
Ông là một trong những thành viên sáng lập và
hiện đang là người lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Nếu tính từ
lúc ông bước chân vào con đường hoạt động chính trị khi đảm nhiệm chức Chủ tịch
Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp lúc 22 tuổi cho đến nay thì vừa tròn 60
năm. Năm nay Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng vừa tròn 40 tuổi
(1982-2022) và sinh nhật của ông cũng vừa tròn 80 (8/11/1942-8/11/2022).
Ở tuổi 80, ông Nguyễn Gia Kiểng vẫn hoàn toàn
khỏe mạnh và minh mẫn. Ông vẫn viết đều trên Thông Luận và thường xuyên trả lời
phỏng vấn báo chí. Ông cũng đều đặn tham gia các buổi thảo luận cùng với anh
em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Mọi người có thể nhận thấy ông vẫn
viết và nói một cách mạch lạc, rõ ràng và chính xác. Với anh em Tập Hợp thì ông
là một nhà tư tưởng chính trị, một nhà cách mạng xuất chúng. Tư tưởng của ông
được thể hiện qua tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn, Khai Sáng Kỷ
Nguyên Thứ Hai và hàng trăm bài viết về chính trị. Ông là nhà tư tưởng
chính trị đầu tiên của Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Tư tưởng của ông
cũng chính là tư tưởng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Ông là linh hồn
của tổ chức. Đóng góp lớn nhất của ông cho Việt Nam là đã chắp bút cho một dự
án chính trị dẫn đường và soi sáng cho dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ
nguyên của tự do và dân chủ thực sự. Di sản lớn nhất của ông là đã xây dựng cho
Việt Nam một tổ chức chính trị dân chủ đầu tiên trong suốt chiều dài lịch sử
dân tộc.
https://live.staticflickr.com/65535/52487245835_d05b265b1d.jpg
Di sản của
ông Nguyễn Gia Kiểng để lại cho đất nước là một dự án chính trị và một tổ
chức chính trị dân chủ đầu tiên trong suốt dòng lịch sử Việt Nam.
Ông là người đã thay đổi hoàn toàn quan niệm
cũng như phương thức đấu tranh nhằm thiết lập dân chủ cho Việt Nam. Trước ông
người Việt Nam chỉ biết đến một phương pháp duy nhất đó là dùng bạo lực để cướp
chính quyền và sau đó dựng lên một chính quyền mới cũng y chang như vậy. Ba lập
trường căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là ‘Bất bạo động,
Hòa giải dân tộc và Dân chủ đa nguyên’ là rất mới mẻ với người Việt Nam. Chính
vì quá mới và đi ngược lại ‘truyền thống’ đấu tranh của dân tộc nên ông từng bị
‘phe ta’ đâm trọng thương trong một lần diễn thuyết tại Hà Lan năm 1990.
Con đường cách mạng của Tập Hợp là rất mới và
hoàn toàn khác với các cuộc cách mạng bạo lực và lật đổ trong quá khứ nên vẫn
còn xa lạ với nhiều người Việt Nam trong đó có cả thành phần trí thức. Quan niệm
về chính trị và các hoạt động chính trị của ông Nguyễn Gia Kiểng và anh em Tập
Hợp rất khác với suy nghĩ của người Việt. Theo ông, làm chính trị không phải để
được làm ông nọ bà kia hay được giàu sang phú quí, vinh thân phì gia mà là để cống
hiến cho một lý tưởng quảng đại nhằm mang lại nhân phẩm và hạnh phúc cho đa số
người dân. Làm chính trị không được phép thỏa hiệp với cái sai, cái xấu, cái ác
mà phải tôn trọng lẽ phải và sự thật.
Chính trị là bộ môn khoa học tổng hợp của các
bộ môn, nó rất khó nên cần phải học. Chính vì quan niệm chính trị không cần học
nên trí thức Việt Nam đã không có kiến thức về chính trị nên mới có thành kiến
rằng chính trị là xấu xa, nhơ bẩn, gian manh. Người dân thì xem các hoạt động
chính trị là đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các đảng phái và phe nhóm. Họ
không hiểu rằng chính trị là ‘việc nước’, là ‘việc chung’ của tất cả mọi người.
Ai cũng có quyền và nghĩa vụ tham gia vào các hoạt động chính trị tùy theo khả
năng của từng người. Phải hiểu và đồng ý với nhau rằng chính trị là đạo đức, là
lẽ phải và sự thật.
Ông Nguyễn Gia Kiểng đã phân tích và bác bỏ
hoàn toàn những ngộ nhận tai hại đó qua tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn.
Theo ông đã đến lúc người Việt Nam phải thay đổi hoàn toàn tư duy chính trị của
văn hóa Khổng giáo. Tất nhiên là không dễ nhưng nếu quyết tâm thì chúng ta sẽ
làm được, anh em Tập Hợp đã làm được thì mọi người cũng có thể làm được.
Đa số trí thức Việt Nam cho rằng cần phải
‘khai dân trí’ trước, điều đó đúng. Nhưng muốn việc khai dân trí có kết quả thì
người đi khai dân trí phải có kiến thức và trí tuệ. Nếu không, thay vì nâng cao
dân trí thì họ càng kéo dân trí xuống thấp. Ai cũng hiểu người khai dân trí là
những trí thức. Vậy trí thức có cần khai trí không và ai là người khai trí cho
họ ? Câu trả lời là họ cũng cần được khai trí và người khai trí cho họ là các
nhà tư tưởng chính trị. Ông Nguyễn Gia Kiểng là một người như vậy. Kiến thức và
hiểu biết của anh em Tập Hợp về chính trị có được như ngày hôm nay là nhờ sự chỉ
bảo và hướng dẫn tận tình của ông. Di sản lớn nhất của một nhà tư tưởng chính
trị là khai mở ra một con đường đi tới tương lai tươi sáng cho cả dân tộc. Di sản
của ông sẽ được anh em Tập Hợp tiếp nối trong tự hào.
Tổ chức chính trị Tập Hợp Dân Chủ Đa
Nguyên mà ông tham gia thành lập và lãnh đạo rất độc đáo. Tổ chức đó
được ra đời như là một sản phẩm, một đứa con tinh thần của Việt Nam Cộng Hòa
khi mà 8/10 thành viên sáng lập là quan chức cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng
Hòa nhưng đến thế hệ thứ hai (như tôi) thì lại có thêm thành phần con em cán bộ
đảng viên Đảng cộng sản và thế hệ thứ ba tầm tuổi 25-35 thì họ không còn dính
dáng gì đến Việt Nam Cộng Hòa lẫn Đảng cộng sản Việt Nam. Các bạn trẻ đó đại diện
cho tương lai của Việt Nam.
https://live.staticflickr.com/65535/52487367648_65a13ae887.jpg
Tác phẩm ‘Tổ Quốc
Ăn Năn’ của ông Nguyễn Gia Kiểng đã phê phán không khoan nhượng văn hóa Không
giáo. Đó là văn hóa đã kìm hãm dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên dân chủ.
Văn hóa Khổng giáo luôn đề cao những tấm gương
hy sinh, cứ phải chết mới anh hùng. Rất nhiều người Việt Nam đã dâng hiến cuộc
đời mình cho đất nước. Tuy nhiên hy sinh cho đất nước một cách có trí tuệ và viễn
kiến như ông Nguyễn Gia Kiểng thì thật là hiếm có. Ông cũng từng trải qua thời
gian khó khăn khi Việt Nam Cộng Hòa thất trận, bản thân ông từng bị ‘phe thắng
cuộc’ bỏ tù rồi lại bị ‘phe thua cuộc’ hành hung. Suốt 60 năm hoạt động chính
trị ông nhận được nhiều lời khen và cũng không ít lời chê trách, mạ lị… Dù vậy
chúng tôi không thấy ông thù ghét bất cứ ai, kể cả Đảng cộng sản. Ông phê phán
cái sai, cái xấu thẳng thắn và gay gắt nhưng luôn xem mọi người Việt là đồng
bào, là anh em cho dù có khác biệt chính kiến đến đâu đi nữa. Từ lúc biết ông đến
giờ chúng tôi cũng chưa bao giờ thấy ông nói dối hay nói xấu người khác.
Trong cuộc sống đời thường ông là người bình dị,
ông từng là thành viên của một gia tộc người Việt giàu có và thành công nhất
không chỉ tại Pháp mà còn ở cả Châu Âu. Dù vậy ông đã chọn con đường dấn thân
tranh đấu cho nền dân chủ Việt Nam. Hiện tại dù tuổi đã cao, hai con ở xa nên
hai ông bà vẫn tự mình làm hết mọi chuyện trong nhà từ nấu ăn, đi chợ, chăm sóc
nhà cửa vườn tược…Tôi đã từng đến làm khách nhà ông một tuần và không được vào
bếp lần nào vì ông bà không cho. Người ta nói đằng sau thành công của một người
đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Điều đó hoàn toàn đúng với gia đình
ông. Bà Hồ Quì, vợ ông đã làm tất cả mọi việc để ông có thời gian ‘vác tù và
hàng tổng’. Thậm chí bà còn phải đi mua rượi cho ông uống và tiếp đãi bạn bè.
(Pháp là xứ sở của rượu vang với hơn 1.500 thương hiệu. Nhà người Pháp nào cũng
có hàng trăm chai rượi vang trong nhà và bữa ăn nào cũng phải uống). Bà đồng thời
cũng là một ‘bác sĩ riêng’ của ông, luôn nhắc nhở ông ăn uống điều độ và đúng
lúc. Khẩu phần rượu của ông mỗi ngày chỉ được 100 gram vang đỏ. Tuy nhiên những
lúc gặp bạn bè ông vẫn thường phá lệ uống thêm một chút. Cách thưởng thức rượu
của ông cũng khác người, với ông không cần rượu đắt tiền mới ngon mà chỉ cần có
anh em và bạn bè thì rượu nào cũng ngon.
Ông là người luôn lạc quan yêu đời, chưa bao
giờ chúng tôi thấy ông sốt ruột hay thất vọng vì Việt Nam vẫn chưa có dân chủ.
Ông cho rằng thay đổi văn hóa của cả một dân tộc chưa bao giờ là chuyện dễ dàng
nhưng khi đa số người dân đã đồng thuận với một truyện thuyết đổi đời thì tương
lai của đất nước sẽ rất sáng lạn. Anh em chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào
tương lai của Việt Nam và tin rằng ông sẽ có mặt trong ngày vui đó của dân tộc.
Nhân ngày sinh nhật thứ 80 của ông, toàn thể
anh chị em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên kính chúc ông luôn mạnh
khỏe và minh mẫn để tiếp tục dẫn dắt Tập Hợp đi đến thắng lợi cuối cùng. Chúng
tôi cũng xin hứa với ông là sẽ cố gắng để hoàn thành tâm nguyện cuộc đời ông đó
là mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam : Kỷ nguyên của tự do và
dân chủ.
Việt Hoàng
(8/11/2022
No comments:
Post a Comment