Monday, 14 November 2022

NGHĨ VỀ TRUYỀN THỐNG TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO (GS. Nguyễn Kiến Thiết / Saigon Nhỏ)

 



Nghĩ về truyền thống tôn sư trọng đạo

GS Nguyễn Kiến Thiết

13 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/cao-thom-lan-gio/nghi-ve-truyen-thong-ton-su-trong-dao/

 

Tôn Sư Trọng Đạo là một nét đẹp văn hóa của người Việt có giá trị nhân văn sâu sắc. Nét đẹp ấy đã tồn tại từ ngàn xưa, được thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, tiếp tục xây dựng và phát huy để trở thành truyền thống: Truyền Thống Tôn Sư Trọng Đạo.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/gg-2.jpg

Một lớp học xưa (file photo)

 

Tôn Sư Trọng Đạo Ngày Xưa

 

Trước khi bàn về truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo, thiết tưởng nên hiểu thế nào là “Tôn Sư”, thế nào là “Trọng Đạo”. Để cắt nghĩa Tôn Sư, nên phân biệt giữa “Sư” và “Thầy”. Trong thư tịch cổ từ thế kỷ XIII, từ “thầy” đã song song tồn tại với “sư” đều mang ý nghĩa tôn xưng. Chẳng hạn như trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo của vua Trần Nhân Tông (1258-1308) có các câu:

 

Nguyện mong thân cận minh sư, quả bồ đề một đêm mà chín.

 

Và:

Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo.

 

“Sư” và “thầy” ở đây là một, dùng để gọi nhà sư.

 

Riêng trong Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi (1380-1442), lại thấy có câu:

 

Thủy chung mấy vật đều nhờ chúa; Động tĩnh nào ai chẳng bởi thầy?

 

“Thầy” ở đây chính là người dạy học, như chú giải của Văn Tân-Đào Duy Anh: “Việc động tĩnh hành chỉ ở đời, ai lại không học ở thầy là thánh hiền của nho gia (phu tử)”.

 

Trong các trường hợp khác, “thầy” còn được dùng để gọi chung một lớp người được xã hội tôn trọng như thầy tu, thầy tăng, thầy thuốc… để phân biệt với các loại thầy đã giảm đi sắc thái nghĩa tôn xưng (thầy bà, thầy dùi, thầy rờ mu rùa).

 

Tôn Sư là kính trọng thầy, quý mến thầy học. Muốn thế, ta phải nghe lời thầy dạy, nhớ ơn thầy, ở cho có nghĩa với thầy, cúng giỗ khi thầy đã qua đời (sống tết, chết giỗ).

 

Còn Trọng Đạo là gì?

 

Đạo chữ Hán nghĩa đen là “con đường”, “đường đi”, nghĩa bóng là “nguyên tắc”, “đường lối”, “phương cách” ứng xử mà con người có bổn phận phải giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội (đạo làm người, đạo thầy trò, đạo vợ chồng). Đạo còn là Nội dung học thuật của một học thuyết được tôn sùng ngày xưa (đạo Nho, đạo Phật, tìm thầy học đạo, mến đạo thánh hiền). Đạo trong bài này nên hiểu là đạo Nho, rộng hơn là việc học hành, chữ nghĩa kiến thức. Đạo còn là luân lý đạo đức.

 

Trọng Đạo: Người học đạo tất nhiên phải coi trọng đạo, phải đánh giá thật cao đạo lý thánh hiền, xem như mẫu mực để người đời noi theo. Đạo lý thánh hiền nói cho dễ hiểu là luân lý đạo đức của thánh nhân tức Khổng Tử, một lương sư, một “vạn thế sư biểu”.

 

Tôn Sư Trọng Đạo: Muốn trọng đạo phải tôn sư. Đó là lòng biết ơn đối với người có công, tức thầy học của mình, cũng như thầy học của con mình. Bởi vậy ngày xưa, từ dân đến quan và ngay cả vua chúa đều tôn trọng thầy học.

 

Thời phong kiến, trong bậc thang giá trị Quân-Sư-Phụ, nhà giáo được xếp sau vua, trước cả cha mẹ, nhưng được kính thờ như một:

 

Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi; Kính thờ như một, con ơi ghi lòng!

Ngày xưa, việc học hành của con cái, cha mẹ hoàn toàn tin tưởng ở ông thầy.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/54268397_2420023461376478_5324646805697200128_n.jpg

Bài THƯ THĂM THẦY của Thôi Sao (trích trong Tân Việt Văn lớp Nhứt của Bùi Văn Bảo – Sống Mới xuất bản năm 1967 – file photo)

 

Ông thầy/thầy đồ, dở nhứt cũng có chút đỉnh chữ nghĩa (Thầy dở cũng đỡ láng giềng), nhưng thường là những bậc lão thông văn tự, học vấn uyên bác. Từ anh khóa sinh “lảo đảo trường ốc”, đến các bậc khoa cử không thích bị “giàm danh khóa lợi” trói buộc, đều có thể mở lớp dạy học. Ngay cả các vị hưu quan cũng noi gương thầy Khổng, thầy Mạnh mở lớp đào tạo nhân tài cho đất nước. Danh sư nước ta có Chu Văn An đời Trần, Lương Đắc Bằng rồi Nguyễn Bỉnh Khiêm (tức Trạng Trình- học trò nổi danh của Lương Đắc Bằng) đời Lê-Mạc, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu đời Nguyễn.

 

Trở lại việc học ngày trước. Lúc đứa trẻ lên năm, sáu tuổi (thường là con trai, “ăn chưa no, lo chưa tới”), cha mẹ bắt đầu cho đi học. Trước hết, người ta chọn ngày lành tháng tốt, sắm sửa lễ vật và tắm rửa, cạo đầu sạch sẽ (có chừa ba vá) cho đứa trẻ để làm Lễ Khai tâm cho nó. Lễ Khai tâm phải thành kính gồm đầy đủ các lễ như Lễ cáo Tiên sư/Thánh sư (Khổng Tử), Lễ cáo gia tiên và Lễ bái sư (Lễ sống thầy đồ). Sau đó mới làm Lễ nhập môn, bắt đầu buổi học đầu tiên. Kể từ đây, đứa trẻ bắt đầu một quãng đời mới, chánh thức là một môn sinh của ông đồ, phải sống theo đời học trò, bị bó buộc theo khuôn khổ, quy luật của ông thầy.

 

Thời xưa, học vỡ lòng không nhứt thiết phải đến trường. Thường thì người ta dẫn con tới nhà thầy hoặc nơi thầy ngồi dạy học. Có người còn cho con tới ở luôn nhà thầy vài ba năm để học lấy cái chữ. Những nhà khá giả đón thầy đồ về “ngồi” tại tư gia để dạy con em của gia chủ. Đồng thời thầy có thể nhận thêm học trò khác trong hoặc ngoài làng. Thầy đồ xưa không được hưởng lương bổng của nhà nước. Thầy tuy nghèo nhưng tiền học chỉ lấy tượng trưng, đôi khi không phải trả. Hằng năm, cha mẹ đứa trẻ chỉ cần mang biếu thầy vào những dịp ngày lễ, ngày tết khi trầu rượu, mâm xôi, khi con gà, gói mứt.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/60335301_2517194318326058_6050482826883629056_n.jpg

Thư của một hiệu trưởng gửi phụ huynh với lời lẽ lịch sự tử tế (file photo)

 

Nhiều học trò chỉ theo học một hoặc vài ba ông thầy từ lúc vỡ lòng cho đến khi thành đạt. Ông thầy là khuôn mẫu, là tấm gương sáng cho học trò noi theo. Câu chuyện “Học Trò Biết Học” trong sách Cổ Học Tinh Hoa (do Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc soạn năm 1925) cho ta thấy: Học trò như Công Minh Tuyên, thầy dạy như Tăng Tử mới thật sự là học trò biết học, ông thầy biết dạy, xứng đáng thầy-trò. Bởi vì làm ông thầy không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn lấy đức tánh làm gương giáo hóa cho học trò nữa, như sách có câu: “Dĩ ngôn di giáo, dĩ thân vi giáo”.

 

Chữ thầy là chữ ông thánh, lời thầy là “khuôn vàng thước ngọc” để học trò học theo, nghe theo và làm theo ngõ hầu trở thành người quân tử. Mà người quân tử phải biết “Tu thân” làm gốc, sau đó mới “Tề gia” để có thể “Trị quốc” rồi “Bình thiên hạ”; phải giữ ba giềng mối quan hệ thiêng liêng (Tam cang: Quân-thần, Phụ-tử, Phu-phụ); và năm điều phải hằng có (Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) để ra phò đời giúp nước.

 

Ông thầy còn có trách nhiệm tinh thần lớn lao đối với môn sinh của mình. Học trò hư, ông thầy mang tiếng. Học trò đi thi phạm trọng húy, thầy cũng bị tội lây. Học trò đỗ đạt bái tổ vinh quy, trong đám rước, ngoài “ngựa anh đi trước”, “võng nàng theo sau”, nhiều nơi còn có cả “võng thầy” nữa. Có trách nhiệm lớn lao như vậy nên ông thầy dạy học trò phải nghiêm khắc. Bởi vì dạy mà không nghiêm, ấy là lỗi ở ông thầy (Giáo bất nghiêm, sư chi nọa). Cho nên những ông thầy “hay chữ” thường “dữ đòn” đối với học trò hư thân lười biếng!

 

Oai quyền, thế lực tinh thần của ông thầy rất lớn, không chỉ đối với đám học trò “thò lò mũi xanh”, “mặc quần hổng đít” mà còn với đám môn sinh đã thành đạt trong đó có cả vua chúa, quan lại trong triều nữa. Chẳng hạn như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh đều là học trò lỗi lạc của thầy Chu Văn An, tuy đỗ Tiến sĩ, làm quan lớn trong triều, khi đến thăm vẫn cúi lạy thầy “được thầy khuyên vài câu, rồi ra đi, rất lấy làm mừng”. Địa vị, vai trò của người thầy được người đời tôn trọng như thế đó.

 

Vậy bổn phận người học trò đối với thầy phải như thế nào? Sách Luân Lý Giáo Khoa Thư do Trần Trọng Kim chủ biên, xuất bản năm 1941, còn ghi rõ: “Luân lý ta lấy quân, sư, phụ làm trọng hơn cả. Người học trò tốt phải biết ơn thầy, phải tôn kính thầy, phải yêu mến thầy và phải vâng lời thầy” (tr.26). Nếu làm trái lại bị xem là “những quân vô hạnh”, “như thế là vong ân bội nghĩa rất đáng khinh bỉ” (tr.28).

 

Kính thầy, biết ơn thầy là truyền thống tốt đẹp của người Việt. Lòng yêu kính ấy được biểu hiện qua nét ứng xử bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó có phong tục lễ Tết, phải sống “có nghĩa” với thầy: Đạo thầy trò. Phan Kế Bính đã viết về phong tục lễ Tết thầy trong Việt Nam Phong Tục như sau: “Lúc học gặp khi mồng 5 ngày Tết như Tết Nguyên Đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Dương, Tết Trung Thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà, thúng gạo, hoặc đường mứt, bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền tùy tình đa thiểu mà đem đến lễ thầy”.

Trong Gia Huấn Ca, Nguyễn Trãi đã có những câu nhắc nhở đạo thầy:

 

Khuyên chồng nhớ đến đạo thầy; Vật dâng lớn nhỏ gọi nay lễ thường! (cc.147-148).

Dưới thời vua Lê Thánh Tông, đạo nghĩa thầy trò còn được luật hóa. Bộ luật Hồng Đức còn ghi rõ: “Cha mẹ phải răn con em về đạo thờ thầy học… Nếu không sẽ bị khép vào tội bất kính” (Điều 25).  “Học trò phải tôn kính thầy, chăm chỉ về đường học, lấy đức hạnh làm gốc… Ai trái lệnh sẽ bị tội tám mươi trượng” (Điều 90).

 

Như vậy quan hệ thầy trò là mối quan hệ thiêng liêng cao cả. Nó gắn bó về tình và lý. Nó ràng buộc con người phải sống cho “phải đạo”, ăn ở cho có tình có nghĩa với nhau: Đạo nghĩa thầy trò. Từ ngàn xưa tình cảm cao quý này luôn được tôn kính, luôn được trân trọng gìn giữ: Đó chính là Truyền Thống Tôn Sư Trọng Đạo của người Việt.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/1554382_699338270111681_319953430_n.jpg

Trong một lớp học thời VNCH (file photo)

 

Tôn Sư Trọng Đạo Thời Cận Hiện Đại

 

Tôn Sư Trọng Đạo ngày xưa chú trọng về lễ nghĩa, đề cao giá trị tinh thần hơn là vật chất. Nó xuất phát từ một tấm lòng, một tình cảm sâu xa nồng thắm chớ không phải chỉ là sản phẩm đơn thuần của lý trí. Nếu có chút đỉnh “vật dâng lớn nhỏ”, “tùy tình đa thiểu” cũng chỉ là để đền ơn đáp nghĩa công thầy dạy dỗ.

 

Truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo của dân tộc ta cứ thế mà được nâng niu, gìn giữ và phát huy bằng nhiều hình thức khác nhau. Nếu ngày xưa người dạy học là những “ông thầy”, người đi học là những “cậu trò” thì thời cận, hiện đại đã xuất hiện thêm những “cô giáo” và “cô trò” trong nhà trường. Xưa “bà thầy” chỉ là cái bóng của ông thầy, chỉ đóng vai người nội trợ, phụ giúp chồng chăm sóc cái ăn, cái ngủ cho đám học trò còn “thò lò mũi xanh”, vô cùng tinh nghịch!

 

Có câu ca dao nói tới “bà thầy” như sau:

 

-Học trò ăn vụng cá kho; Bà thầy bắt được, đánh mo lên đầu.

 

Thời cận, hiện đại không thiếu những thầy cô giáo có lương tâm đã thể hiện thiên chức nghề thầy, đào tạo biết bao nhân tài cho đất nước.

 

Đất nước ta đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thử thách. Nhà giáo Việt Nam cũng trải qua nhiều bước thăng trầm, vinh nhục. Đã có thời xã hội không còn mặn mà với nghề dạy học. Sinh viên sư phạm coi như “dưa leo chấm với cá kèo” và “chuột chạy cùng sào”. Có lúc một số thầy cô bỏ dạy, học trò bỏ học. Nếu còn bám theo nghề thầy, họ bắt buộc phải làm thêm bất cứ nghề phụ gì để sống miễn là lương thiện (!). Hình ảnh người thầy bị mờ nhạt, có lúc thật thê lương. Vì vậy, ông đồ xứ Nghệ đã tuôn ra đôi câu đối:

 

Thầy giáo, tháo giày, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án, dán áo;

Nhà trường, nhường trà, nhường cả hoa, nhòa cả hương, lấy lương hưu, lưu hương. 

 

Để vinh danh người thầy, nhà nước Việt Nam gọi họ là những “kỹ sư tâm hồn”, đánh giá nghề dạy học là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”, lấy ngày 20 Tháng Mười Một  hằng năm (từ 1982) làm “Ngày Nhà Giáo Việt Nam”. Ở hải ngoại, Hội Lăng Ông tức Hội Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation tổ chức hằng năm bốn ngày lễ nói lên lòng nhớ ơn của người Việt Nam, trong đó có “Ngày Nhớ Ơn Thầy” tức “Ngày Tôn Sư Trọng Đạo” được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 26 Tháng Mười Một 2006 tại Nam California, Hoa Kỳ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/1497729_693569177355257_2049106712_n.jpg

Cô và trò (file photo)

 

Những năm gần đây, tôn sư trọng đạo không còn như trước, nếu không muốn nói thiên về vật chất hơn là giá trị tinh thần qua hình thức đi Tết thầy, cô giáo. Dưới thời “văn hóa phong bì”, nhiều hiện tượng tiêu cực diễn ra, nói lên thực trạng cùng nỗi nhục vinh của nghề giáo.  Nguyên nhân bởi tại đâu? Khách quan mà nói là do xã hội thời hội nhập, thời đại “Phú quý sinh lễ nghĩa” nên “không ai dám không đi tết thầy ngày Tết” và “hay kèm theo món quà đắt giá”. Chính học sinh và cha mẹ học sinh đã góp phần làm hư hỏng một số thầy, cô giáo (như chạy trường, mua điểm, mua bằng cấp, v.v…).

 

Nguyên nhân chủ quan một phần về phía nhà giáo. Đành rằng “có thực mới vực được đạo”, nhưng một số nhà giáo đã đánh mất nhân cách, lòng tự trọng, coi dạy học cũng như nghề đi buôn, cũng mặc cả, trả treo, thêm bớt một cách sòng phẳng. Lớp nhỏ thì việc mua bán theo quà cáp của phụ huynh. Còn lớp cao đẳng, đại học thì việc “bán-mua” này biến hóa thiên hình vạn trạng và mang “tầm vóc” vĩ đại hơn, lịch sự hơn, kể cả việc “tống tiền”, “tống tình”. Đành rằng “Con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng nếu có cả bầy sâu thì biết phải làm sao? Học trò hư còn được thầy giáo dục. Nhưng thầy hư thì lấy ai giáo dục đây?

 

Ngày xưa, các cụ cũng hay chế giễu những thói hư tật xấu của những thầy đồ (thầy đồ dốt, tham ăn, ăn cắp vặt). Nhưng cách xưng hô với thầy vẫn còn trân trọng, là chuyện đạo đức. Chỉ có đại từ ông thầy, thầy giáo/cô giáo hoặc thầy/cô mới nói lên được sự tôn kính. Những năm gần đây khi nạn tiêu cực phát triển trong học đường, nhiều người gọi thầy cô giáo bằng những đại từ nghe thật chói tai.  Câu tục ngữ “Không thầy đố mầy làm nên” đã được sửa lại là “Làm thầy mầy không nên đố”. Lại có câu ca dao: “Không thèm ăn gỏi cá chầy; Không thèm nói với thằng thầy mầy đâu!”.

 

Kết:

 

Giáo dục là phải đổi mới. Đổi mới không phải là bỏ hết cái cũ (cả tốt lẫn xấu) để thay vào cái mới lạ không liên hệ gì tới quá khứ. Người làm giáo dục chân chánh phải biết chắt lọc cái cũ, chọn lấy cái hay cái đẹp của quá khứ để từ đó mà đổi mới. Chẳng hạn như “Hệ thống luân lý” của Khổng Tử cũng có cái tiêu cực, chỉ nhắm vào bổn phận hơn là quyền làm người. “Đạo lý thánh hiền” cũng còn mặt hạn chế, chỉ khuyên người ta đừng làm những cái xấu hơn là phải tích cực làm những cái tốt. Ngay cả cái “Đạo học ngày nay đã hỏng rồi”, trong thời đại mới, đặc biệt trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” của lịch sử, chúng ta phải tìm mọi cách thoát dần hệ tư tưởng Nho giáo lỗi thời của ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ.

 

Tôn Sư Trọng Đạo từ ngàn xưa là cái cũ, là cái gốc đã trở thành truyền thống. Còn tệ nạn tiêu cực là cái ngọn trong thời đại “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Làm sao vun bồi cho cái gốc truyền thống tốt đẹp được “sâu gốc, bền rễ”, gọt tỉa cái ngọn không cần thiết để cái tốt luôn được nở hoa kết trái. Làm sao để truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo không bị tổn thương. Làm sao để thầy còn đủ điều kiện để làm thầy, học trò còn cơ hội để học làm người. Thầy có “đạo làm thầy”, trò có “đạo làm trò”.

 

Mong rằng những cái tiêu cực chỉ là “hiện tượng” nhứt thời không thể lấn át được “bản chất” tốt đẹp của nghề thầy. Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã có đề nghị rất xác đáng: “Tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo hơn bao giờ hết cần phải được phục hồi. Truyền thống tốt đẹp đã có cần được chấn hưng để những thế hệ sau này còn có cơ hội xây dựng lại tinh thần Nhân Bản, Dân Tộc, Khai Phóng rất cần cho việc hiện đại hóa và phát triển quốc gia trong những thập niên tới” (Tập San Đồng Nai-Cửu Long. Số 5 tháng 1/2007, tr.273). Người viết rất mong được trả lại tình cảm trong sáng: tình nghĩa thầy trò đích thực, cao quý, thiêng liêng.

_____________

Canada, Tháng 11 | 2022

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats