Sunday, 20 November 2022

NGHỀ NHÀ GIÁO VỚI HÀNH TRANG CHẾ ĐỘ (VietTuSaiGon)

 



Nghề nhà giáo với hành trang chế độ

VietTuSaiGon  

Thứ Bảy, 11/19/2022 - 17:50 — VietTuSaiGon

https://www.rfavietnam.com/node/7417

 

Còn vài giờ nữa là bước sang ngày 20 tháng 11, dù sao chăng nữa thì với người làm nghề gõ đầu trẻ, nghề quanh năm tiếp xúc với phấn trắng và bảng đen, đây là ngày Tết của nghề, là ngày có ý nghĩa khuyến khích, động viên và nhắc nhủ về những giá trị tinh thần, về thiên lương nghề giáo. Và rồi, đây thường cũng là lúc người ta bình luận, phản ảnh hay suy nghĩ về nghề giáo nhiều nhất, dường như trong lời tụng ca đã nhuốm màu coi rẻ, dường như trong sự kính trọng đã có phần lả lơi… Rồi người ta phải hỏi rằng vì sao nên nỗi?!

 

Ca tụng, bởi điều đó là hiển nhiên, bởi từ xưa, nghề nhà giáo được coi là nghề mang thiên lương, thiên tính nhân loại, hướng con người đến bến bờ Chân - Thiện - Mỹ. Nhưng trong sự ca tụng dường như có cả sự coi rẻ bởi vì hiện tại, mọi giá trị thiên lương, thiên chức của nghề giáo đã bị đánh tráo, đã biến tướng trong sinh quyển vật dục với sự vội vã, cuống cuồng, điên rồ của nó, trong khi đó, bản thân sự ca tụng cũng chẳng xuất phát từ ý hướng tự thân, từ tư tưởng mà nó đến từ một lập trình chế độ, đến hẹn lại lên, có bài có bản và có cả những thông số chính trị đan cài bên trong. Chính sự ca tụng chẳng ra ca tụng và bản thân người được ca tụng cũng chẳng liên quan gì đến bài bản ca tụng ấy nên chi càng lúc, sự ca tụng cũng như đối tượng ca tụng càng trở nên lạc lỏng, nhạt nhẽo.

 

Trong sự kính trọng (đương nhiên, đã là nghề mang thiên lương nhân loại, hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ, hướng con người đến chỗ hoàn thiện và bớt méo mó, bớt què quặt hay lạc hậu… thì bản thân người làm nghề, người truyền lửa nghề phải mang trong họ sự cao quý tự thân, một bản ngã cao quý tương ứng với sứ mệnh mang vác..) dường như đã có gì đó khó nói.

 

Kính trọng, đó là trên lý thuyết, còn thực tế thì ra sao? Rất khó để nói về giáo dục và người thầy giáo thời bây giờ. Bởi bản thân nhà giáo, sự tử tế và tính lươn lẹo đôi khi phải song hành mới đảm bảo tồn tại trong một chế độ chính trị chỉ ưu tiên và trọng dụng kẻ gian manh, lươn lẹo và dám đạp bỏ bất kì sự tử tế nào còn sót lại. Một môi trường giáo dục mà suốt gần nửa thế kỉ sau ngày thống nhất đất nước, mỗi khi nói về đề tài giáo dục, người ta trở nên ngậm ngùi mà nhắc đến nền giáo dục miền Nam trước 1975 như một thời vàng son. Trong khi đó, so với quốc tế và khu vực, chưa chắc giáo dục miền Nam trước 1975 đã hoàn hảo như những gì người ta tiếc nuối. Nhưng dù sao, vẫn còn một sự tiếc nuối về nền giáo dục tử tế, như vậy cũng quá đủ!

 

Một nền giáo dục mà ở đó, nhà giáo, ngoài giờ chính khóa, còn phải thành người chạy xe ôm, người ship hàng, người nhận dạy kèm, người cày dạy thêm, người buôn sản vật rừng qua mạng, người buôn các mặt hàng nhạy cảm và thậm chí, người bán những thứ mà người bình thường cũng không nên, không được phép bán nếu còn nghĩ tới nhân tâm hay đạo đức, phẩm hạnh. Thế đấy, trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa này, người thầy, người đứng trên bục giảng đã phải bán những thứ mà vĩnh viễn họ không thể mua lại được, nó tựa như danh dự nhưng mất nó đi, ngoài sự mất danh dự, người ta còn mang một vết thương mưng mủ trong tâm hồn và truyền nó sang tâm hồn của các học trò, các thế hệ hệ sau… Người ta đã bán hoặc phải bán, bởi không còn lựa chọn nào khác.

 

Người ta không được quyền lựa chọn bởi bên trên của người ta, tức hệ thống quản lý, từ hiệu trưởng đến cán bộ giáo dục, thậm chí giám đốc sở giáo dục và các quan chức cấp tỉnh có thể trở thành khách hàng đột xuất và bản thân giáo viên có chút nhan sắc có thể trở thành kẻ bán hàng bất đắt dĩ bất kì giờ nào. Bởi do đâu? Tại sao người giáo viên không thể chống cự mọi cám dỗ? Câu hỏi này vô hình trung làm tôi nhớ đến một người khóc trước tòa mà tôi không thể ngờ, đó là luật sư Trương Thị Hòa, năm 1998, bà Hòa đã khóc nức nở trước tòa khi bị công tố viên viện kiểm sát chụp mũ rằng bà đi ngược với điều lệ cũng như quy chế của một đảng viên Cộng sản. Và sau phiên tòa, Tăng Minh Phụng không những được bà luật sư Hòa giúp giảm tội mà vẫn giữ nguyên mức tử hình (chỉ vì giỏi làm kinh tế, theo cách nhìn nhận thời bây giờ, không hơn không kém!).

 

Tôi nhớ tới bà Hòa khóc bởi vì với một luật sư, một người hiểu biết, am tường pháp luật và thậm chí được xem là trạng sư của thời đại như bà Hòa vậy mà khi bị chụp mũ chính trị thì cũng khóc tỉ tê, khóc tồ tồ, hóc ư ử… chẳng có gì khác cả! Thế thì có biết bao nhiêu cán bộ, công chức làm việc trong chế độ này, họ không am tường pháp luật, rối mù trước mọi qui định luôn thay đổi xoành xoạch trong cơ chế làm việc hiện tại, có ai dám nói họ không sợ đảng? Chắc chắn là con số đó đếm trên vài đầu ngón tay, nếu không muốn nói là không có. Vì cấp trên cũng là người lãnh đạo đảng trong cơ quan, là kẻ nắm quyền tối thượng, nên đâu dễ gì chống đối họ, và với mức độ lươn lẹo của những kẻ mua bằng bán chức, của kẻ giỏi đội trên đạp dưới để lên được cấp bậc của họ như vậy thì họ còn tránh đi đâu được bây giờ?

 

Trong một cơ chế mà ở đó, con người không có quyền lựa chọn, hoặc là lọt vào con mắt lựa chọn của một bề trên nào đó, hoặc là suốt đời kèn cựa, loay hoay trong vòng lẩn quẩn cho đến ngày về hưu nếu còn may mắn làm việc cho đến ngày ấy, hoặc là trở thành một cái gai trong mắt của ai đó được gọi là đồng nghiệp, lãnh đạo, hoặc là suốt đời sống trong một cái vỏ bọc của đạo đức, liêm sỉ, đoan chính để rồi đến khi có cơ hội, lại lột xác… Dường như cái cơ chế này không chừa một ai, và đặc biệt, nó như ngọn lửa liếm sạch mọi giá trị nhân văn, mọi giá trị nhân bản còn sót lại đâu đó trong nhân quần.

 

Thử nghĩ, người giáo viên phải làm gì, biết làm gì trong cái xã hội mà họ không có quyền lựa chọn? Đó là chưa muốn nói đến một con số không hề nhỏ trong họ vốn dĩ đã lựa chọn hoặc được cha mẹ lựa chọn, định hướng cho ngay từ trứng nước và khi bước vào nghề, họ vốn dĩ đã mang hành trang của chế độ. Chính cái hành trang chế độ này đã làm thay đổi cái nhìn của họ về thế giới cũng như cái nhìn của thế giới về họ. Hay nói khác đi, một khi chất nặng hành trang chế độ, ngành nhà giáo, họa hoằng lắm mới còn một vài góc chật chội để chất thêm hành trang con người, hành trang nhân văn hay hành trang đạo đức trong suốt chặn đường còn lại của nó. Bởi nó đã phải phải tồn tại với tên gọi khá mỹ miều: Đạo Đức Nhà Giáo Xã Hội Chủ Nghĩa!

 

VietTuSaiGon's blog





No comments:

Post a Comment

View My Stats