Sunday, 20 November 2022

MỤC TIÊU CỦA "ỦY BAN NHÀ NƯỚC VỀ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI" CỦA NHÀ CẦM QUYỀN CSVN (Thục Quyên / Báo Tiếng Dân)

 



Mục tiêu của “Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài” của nhà cầm quyền CSVN

Thục Quyên

20/11/2022

https://baotiengdan.com/2022/11/20/muc-tieu-cua-uy-ban-nha-nuoc-ve-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-cua-nha-cam-quyen-csvn/

 

Bài liên quan: Đối tượng của “Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài”

 

                                                               *

 

Nhà cầm quyền CSVN muốn gì?

 

Nhiều người nghĩ ngay đến con số 18 tỷ USD kiều hối chuyển về VN năm 2021. Thật ra, đó không phải là điều nên mất thời gian bàn tính vì nó là một thực thể không thay đổi được. Người gởi tiền có những lý do riêng không ai lay chuyển được và người Việt trong nước đều muốn nhận những đồng tiền từ thân nhân của họ gởi về.

 

Nhưng còn những món tiền khổng lồ khác từ các chương trình viện trợ đủ mọi kiểu cho dân VN, từ các chính phủ Âu Mỹ mà người dân không hay biết, những nguồn tài trợ đã từ lâu bị thất thoát, hoặc biến mất mà không ai đặt câu hỏi. Đây là một địa hạt cần soi rọi.

 

Một bài viết dựa theo điều tra của Tổ chức Minh bạch Thế giới đầu năm nay đã kết luận về tình trạng tham nhũng ở VN bằng câu “Quy mô thực sự của tảng băng tham nhũng Việt Nam sẽ vẫn còn là một câu đố” (1).

 

Còn nhóm Dữ liệu mở về phát triển Việt Nam ODV nhận định (2): Trong quá trình cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở Việt Nam với vốn ODA thường được ưu tiên cho những dự án tại khu vực thành thị như xây dựng đường cao tốc hơn là cải thiện đường xá ở khu vực nông thôn. Tình trạng tham nhũng ở một vài nơi, ngay cả với dự án được triển khai bởi các đối tác có uy tín, đã làm giảm tính hiệu quả của hỗ trợ phát triển trong việc đem lại lợi ích cho người dân.

 

Có phải Viện trợ quốc tế chính là địa hạt cấm mà một số người trong nước chỉ vì hợp tác với các tổ chức quốc tế dù chỉ là hoạt động về môi trường, hoặc muốn tham gia vào “Nhóm Tư vấn DAG phù hợp với quy định của EVFTA… nên bị ngồi tù (3), trong khi Tổ chức Minh bạch Quốc tế thì bị ngăn cấm hoạt động ở Việt Nam? (4)

 

Nhà cầm quyền CSVN muốn bảo vệ nguồn viện trợ quốc tế vì nó đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong ngân sách nhà nước, và sau khi các tiếng nói chỉ trích trong nước đã bị đè bẹp, nên họ cần một đội ngũ những người Việt ở hải ngoại, ra vào Việt Nam dễ dàng để có vẻ rất hiểu biết về tình hình VN. Những người này ngược với người dân trong nước, được lựa chọn có khả năng lên tiếng và được khuyến khích lên tiếng nhiều, nhưng hoàn toàn phải tránh né, không nhắc về các vấn đề vi phạm nhân quyền, về sự tham nhũng của các quan chức chính phủ, tình trạng thiếu một nhà nước pháp trị v.v… ở VN, để nhà cầm quyền VN thoải mái tuyên truyền, kêu gọi sự viện trợ, kể cả giúp đỡ nhân đạo, mà chi thu cũng như thành quả không bị kiểm soát hoặc kiểm soát lỏng lẻo.

 

Cái vòng luẩn quẩn là, chính một phần nhỏ những trợ giúp khổng lồ của thế giới tự do mấy chục năm qua đã giúp vài vùng quê VN có điện, có nước, có vài con đường tráng nhựa, có điện thoại di động, nên đội ngũ những người này thường “hú còi” rằng “đời sống chung của quần chúng đã được nâng cao rất nhiều” (5). Thứ nhất, đó là tầm nhìn của riêng họ, và thứ hai, ngay cả những “nâng cao” này cũng chỉ so sánh VN ngày nay với VN của nửa thế kỷ trước.

 

Đội ngũ những người này là những công dân Mỹ gốc Việt  (hoặc kín đáo song tịch) được hưởng những dễ dãi lợi lộc ở Việt nam.

 

Đối đầu với những hoạt động của “Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài” của nhà cầm quyền CSVN

 

“Cộng đồng người Việt ở Mỹ không là công dân VN” cho tới nay dồn lực để từ tay không xây dựng cộng đồng và loay hoay chống lại sự xâm nhập của CSVN. Sự thành công cá nhân trong cộng đồng này rất cao và đáng là niềm tự hào, nhưng khoảng hai chục năm sau này thì không hơn gì những thành công cá nhân trong “Cộng đồng những công dân Việt Nam ở Mỹ” mà có thể lu mờ hơn trên những bảng thống kê, vì thế hệ thứ 2, thứ 3 của họ đã hoàn toàn hội nhập vào xã hội Mỹ, nên không còn xuất hiện như là người Việt nữa.

 

Khi UBNN về NVNN và những cánh tay nối dài của họ xâm nhập vào cộng đồng này thì phải có sự phản đối rõ ràng và mãnh liệt bằng những phương cách hợp pháp.

 

Thái độ tảng lờ vì sợ đối đầu, hay vì cho rằng “không đáng” là thái độ sai lầm. Phổ biến nhận thức trong dân chúng là một điều quan trọng. Tranh đấu trong dân chủ thì cần dân, nghĩa là cần đám đông, mà đám đông không biết, không hiểu, chỉ cắm đầu vào chút hưởng thụ nhất thời thì sức mạnh của súng ống và lừa bịp sẽ mãi mãi ngự trị.

 

Một lập luận sai lầm khác để cắt nghĩa sự bất động của mình là cho rằng không nên tấn công cá nhân. Khi một cá nhân tuyên bố hay làm những điều hại đến cộng đồng thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm và cần bị khiển trách trước công chúng, có khi phải vào tù. Tấn công cá nhân là bới móc nhỏ nhen về hình tướng, gia đình, chuyện riêng tư … dĩ nhiên là điều không nên làm, nhưng những hành vi xấu xa để vụ lợi như người đó nói không đúng sự thật, giúp nhà cầm quyền CSVN thì phải bị lôi ra trước công chúng.

 

Quan trọng hơn cả là những việc cần làm để người dân trong nước được hưởng lợi ích.

 

Mục tiêu của “Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài” là nhà cầm quyền CSVN được quốc tế tin tưởng, đổ tiền vào giúp đỡ. Nắm được số đông người Việt ở hải ngoại chỉ là phương cách để đạt tới sự im lặng, không phản kháng của họ, để CSVN tha hồ múa gậy vườn hoang, đó mới là quan trọng.

 

Đúng như Martin Luther King đã nói: “Bi kịch lớn nhất không phải là sự áp bức và tàn ác của những người xấu, mà là sự im lặng của những người tốt“.

 

Lên tiếng là quan trong, thế nhưng cũng còn tùy cách lên tiếng. Phản kháng, biểu tình trong cộng đồng với nhau thì buồn thay, cũng chỉ như la lối trong phòng đóng kín cửa.

 

Hàng ngày chỉ cần vào các trang Facebook của những toà đại sứ Âu Mỹ là có thể thấy họ khoe những dự án giúp VN, những hoạt động kinh tế thương mại. Rất có ý nghĩa, nhưng đằng sau những dự án này là tiền bạc. Ai kiểm soát đây?

 

Tổ chức Minh bạch Quốc tế vạch ra 4 yếu tố cần thiết để một quốc gia ‘không có tham nhũng’ (4):

 

– Cơ chế kiểm tra và cân bằng,

– Một xã hội dân sự tự trị,

– Nhà nước pháp quyền mạnh mẽ và

– Báo chí độc lập.

 

Tại Việt Nam, các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát chỉ đăng tải các bài báo về tham nhũng do các cơ quan nhà nước cung cấp. Những hạn chế về quyền tự do báo chí ngăn chặn điều tra độc lập của giới  truyền thông, giảm thiểu khả năng phát hiện tham nhũng và không có khả năng gây áp lực lên chế độ để đòi hỏi phải giải trình.

 

Ông Nguyễn phú Trọng và các nhà lãnh đạo đảng CSVN khác, thường noi theo lãnh tụ tinh thần Hồ Chí Minh của họ: ‘Cán bộ là gốc của mọi công việc’. Và chính cán bộ quan chức đặc biệt dễ bị tham nhũng trong một xã hội thiếu sự kiểm tra và cân bằng này.

 

Quốc tế không ngây thơ để không biết tình trạng tham nhũng ở Việt Nam, nhưng đa số người Việt trong và ngoài nước êm ả, không lên tiếng, dân Âu-Mỹ lại càng không lưu tâm. Tuy cái gọi là “thay đổi thông qua thương mại” rõ ràng đã không hiệu quả sau trường hợp của Trung Quốc, nhưng Âu-Mỹ tin rằng Việt Nam không bao giờ có thể mạnh như Trung Quốc để gây họa, vả lại chiến tranh Ukraine đã đưa vấn đề địa chính trị lên hàng quan trọng.

 

Trong một thế giới đang đảo điên, 253 nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền VN đang ngồi trong tù dĩ nhiên không là con số có thể làm thế giới bận tâm như hàng trăm ngàn người dân tràn ra đường biểu tình trước họng súng như ở Myanmar, Afghanistan, Iran… chưa kể những người Ukraine đang can đảm tranh đấu bảo vệ tự do trên đất nước họ.

 

Có thật ưu tiên địa chính trị luôn luôn hơn mọi giá trị khác?

 

Không. Giá trị Nhân quyền, giá trị Đạo đức vẫn còn chỗ đứng.

 

Vì vậy nhà cầm quyền CSVN mới cần có UBNN về NVNN và cần đội binh “còi hụ” để phóng đại và đánh bóng những thành quả hiện nay của họ, và cần mọi người Việt ở hải ngoại im mồm ngậm miệng.

 

Những chương trình viện trợ quốc tế cho VN là một phần quan trọng để giúp cải thiện phúc lợi cho người dân, tăng cường phát triển công bằng và bền vững, do đó cần được bảo vệ không bị tham nhũng đục khoét.

 

Tham gia vào các tổ chức có mục đích bài trừ tham nhũng như Minh bạch Quốc tế (Transparency International TI) là một công việc cần thiết. Nếu người trong nước không thể lên tiếng thì vẫn có thể chuyển tin và tài liệu cho những tổ chức này.

 

Người Việt ở hải ngoại có thể kết hợp để hoạch định chương trình làm việc, đồng thời liên lạc hoặc gia nhập các tổ chức quốc tế về chống tham nhũng vì công việc này đòi hỏi phải học và trau dồi một số kỹ năng. Đây là dịp để các gia đình có thể kêu gọi con em đã thành tài của mình tham gia. (Những người trẻ này vì không thành thạo tiếng Việt nên cho tới nay không cảm thấy liên quan đến VN).

 

Đồng tiền các nước Âu-Mỹ viện trợ cho VN là tiền của dân của họ đóng thuế. Do đó phanh phui tham nhũng luôn luôn được người dân Âu-Mỹ và truyền thông chú ý và áp lực lên chính phủ của họ, đòi hỏi phải xử lý.

 

Một việc làm quan trọng, cấp thiết, nhưng cần có tâm và lực.

_______

 

Ghi chú:

 

(1) https://www.eastasiaforum.org/2022/02/23/looking-beyond-the-tip-of-vietnams-corruption-iceberg/

 

(2) https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/aid-and-development/

 

(3) https://baotiengdan.com/2021/12/07/ly-do-that-su-nha-bao-mai-phan-loi-va-luat-gia-dang-dinh-bach-bi-bat-la-gi/

 

(4) https://www.bbc.com/vietnamese/forum-63564782

 

(5) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd12z9pw073o





No comments:

Post a Comment

View My Stats