Saturday, 19 November 2022

MÙA THU PARIS, MÙA THU NHÂN VĂN (Phúc Tiến)

 



Mùa thu Paris, mùa thu nhân văn    

Phúc Tiến 

12:04 | Thứ bảy, 19/11/2022

https://nguoidothi.net.vn/mua-thu-paris-mua-thu-nhan-van-37147.html

 

Giữa tháng Chín, vườn Luxembourg đầy nắng dịu ngọt. Dòng sông Seine êm đềm soi bóng những tòa nhà duyên dáng. Dọc bờ sông là những kiosque sách cũ đầy vẻ phong trần. Và rồi Khải Hoàn Môn, tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà lộng lẫy, tất cả đều còn đó như một Paris yêu kiều và giàu có văn hóa đã được tạo hình trong lòng nhiều thế hệ người Việt xa gần.

 

·         Phố đi bộ - kỳ thú và thách thức

 

Văn chương, thi ca, âm nhạc, phim ảnh cùng những cuộc viếng thăm và các sự kiện chính trị lớn đã làm Paris trở thành kinh đô độc đáo bậc nhất của thế giới. Cảm ơn nhà thơ Nguyên Sa đã viết nên thành ngữ thân thương: Paris có gì lạ không em? Thì đây, trong một tuần ngắn ngủi trở lại thành phố hoa lệ đó, tôi hồi hộp tìm xem mùa thu Paris của mình có gì khác xưa. Nhất là sau những ngày hè 2022 nóng bức và những tháng Covid kinh hoàng.

Hơn nữa, âm vang từ cuộc chiến ở Ukraine đang giằng xé châu Âu vọng đến thành phố hoa lệ này như thế nào?

 

Hình mẫu cho giấc mơ đại học

 

Thật may mắn, tôi đến Paris đúng lúc Journées du Patrimoine - Ngày Di sản, diễn ra vào hai ngày cuối tuần 17 và 18.9. Dịp này, khoảng 20 dinh thự và các bảo tàng của thủ đô Pháp mở cửa tự do cho dân và du khách vào xem.

 

Trước Covid, năm 2019, cũng nhờ lễ hội đặc biệt ấy, tôi có được “chìa khóa”  bước vào Tòa Thị chính. Còn giờ đây, tôi chọn đi thăm Trường Đại học Sorbonne cổ xưa. Đây là ngôi trường lừng danh trên thế giới, sánh vai cùng Đại học Oxford và Cambridge của Anh, cũng như Đại học Harvard và Yale của Mỹ. Học xá chính của trường đặt ở một khu phố lớn, rất gần ngôi vườn Luxembourg thơ mộng và đền Panthéon uy nghi – nơi thờ các vĩ nhân từ sau cuộc cách mạng 1789.

 

Tôi đến con phố mang tên Rue des Écoles - Phố Học đường, nhập vào một hàng dài cả trăm người kiên nhẫn chờ vào xem. Trên đường đi, tôi bước qua một dãy nhà sách, tiệm cà phê, rạp xinê nhỏ, nhìn vào các khung cửa kiếng loang loáng bóng người, xen lẫn hình ảnh ngôi trường trầm mặc. Lòng tôi bỗng bồi hồi nghĩ đến những bước chân sinh viên Việt nào đã qua đây. Trong đó, có những người sau này sẽ trở thành nhà giáo, nhà thơ, nhạc sĩ, bác sĩ và kể cả chính khách nổi tiếng của nhiều thời đại khác nhau.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/1c8d5dad-b09d-4e05-99f2-be2cb6661f80.gif

Tượng nhà văn Victor Hugo tại sân Đại học Sorbonne. 

 

Học xá Đại học Sorbonne là một tòa lâu đài đồ sộ về cả kiến trúc và lịch sử. Sau chiếc sân rộng dẫn vào tòa nhà chính là một đại sảnh sang trọng như trong một cung điện. Tại đây có hai cầu thang lát đá cẩm thạch trắng dẫn lên khu vực đại giảng đường và các phòng họp lớn.

 

Thật ngạc nhiên, đại giảng đường Sorbonne là một không gian mênh mông, to rộng hơn cả một nhà hát lớn hay phòng khánh tiết của một dinh thự. Tại đây có những bức bích họa chiều cao 4-5 mét khổng lồ, những chiếc vòm lấy ánh sáng lấp lánh, những bức tượng danh nhân cao lớn và những hàng ghế nhung xanh quý phái. Tất cả đem đến một cảm giác lịch lãm và thiêng liêng, thoáng đãng và trang trọng.

 

Ở các phòng ốc và các gian nhà khác, đi đến đâu cũng thấy từ cánh cửa cho đến hành lang và cầu thang, từ hoa văn chạm trổ trên cột đến các tranh tượng và đèn trang trí, mọi thứ đều được chăm chút như trong một “thánh đường” hoàn mỹ. Trên sân bao la của học xá đang diễn ra một cuộc hòa nhạc tràn đầy những giai điệu tươi vui.

 

Nhiều du khách ngắm nghía và chụp hình trước hai bức tượng lớn vinh danh nhà văn Victor Hugo và bác học Louis Pasteur. Quả thật, Đại học Sorbonne ra đời từ thế kỷ XIII, xứng đáng là hình mẫu thành công của một đại học công lập đào tạo tinh hoa đa ngành cho đất nước và nhân loại. Cho nên, tôi chắc người Việt nào vào Sorbonne cũng sẽ chạm tay vào hai bức tượng không chỉ để cầu may mắn cho những nguyện vọng khoa bảng mà sẽ có thêm ý tưởng và năng lực cho giấc mơ canh tân nền giáo dục nước nhà.

 

Giao lộ lớn của cái đẹp

 

Paris có hơn 130 bảo tàng kỳ thú, lần này tôi chỉ có thời gian để đi thăm 3 bảo tàng là Guimet, Cernuschi và Jacques Chirac. Tại Guimet, tôi chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồ sộ về các cổ vật nghệ thuật đến từ các nước Á Đông trước đây. Nổi bật ở phần Việt Nam là các tượng Phật và đồ gốm, trong đó có một tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt, phong cách khác hẳn bức tượng cùng dạng ở bảo tàng lịch sử tại Hà Nội.

 

Với bảo tàng Cernuschi cũng chuyên về cổ vật châu Á, thật hào hứng, tôi được xem bộ sưu tập tranh ký họa Nam kỳ những năm 1930 của các họa sĩ Trường Mỹ nghệ Gia Định. Bảo tàng Jacques Chirac- mới ra đời, là một bảo tàng nghệ thuật “vừa xưa vừa nay”, có cả trống đồng Đông Sơn và một triển lãm tranh đương đại của họa sĩ Mỹ gốc Việt Đinh Q. Lê.

 

Vào những ngày thu quyến rũ của Paris, tôi còn có hân hạnh thấy tận mắt sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội, do tôi chủ biên, tại gallery của chị Loan de Fontbrune. Từng là nữ sinh Marie Curie của Sài Gòn, chị Loan sang Pháp đã lâu, trở thành một chuyên gia lịch sử nghệ thuật phương Đông.

 

Biệt thự và cửa hàng Du côté de chez Loan - chốn thân hữu của Loan, chính là một “salon văn hóa” Việt Nam xinh xắn giữa lòng Paris quốc tế. Tại đây, chị Loan thường tổ chức các cuộc gặp gỡ, triển lãm của nhiều tác giả người Việt. Buổi ra mắt sách của tôi, diễn ra từ 11 giờ trưa, đón khoảng 20 khách Pháp và Việt.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/18ed742c-a455-41c6-8cda-0993cac3512c.gif

Bạn đọc Pháp trong buổi ra mắt sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội (Phúc Tiến chủ biên) ngày 18.9.2022. Người đứng ngoài cùng bên phải cạnh tác giả là chị Loan de Fontbrune. Ảnh: CTV

 

Trong các khách đến dự, ngoài các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư và họa sĩ, còn có những người yêu di sản, gắn bó với Việt Nam bằng nhiều ngả đường. Một phụ nữ Pháp chưa từng đến xứ sở Đông Dương lại là khách bước vào sớm nhất, xem sách kỹ từng trang.

 

Bà Marie cho biết chồng bà là người gốc Việt đất Bắc, hôm nay bà đến tìm hiểu thêm về quê chồng và mua sách tặng “phu quân”. Trong khi ấy, một ông cụ ngoài 80, bác sĩ Richard Gras, cũng đến từ sớm. Ông cụ nói tiếng Anh chậm rãi nhưng lưu loát, hỏi tôi về đời sống Việt Nam hiện tại sau đại dịch Covid. Hóa ra, ông có nhiều người bạn Việt Nam và nói sẽ giới thiệu sách này cho những người bạn mình. Cuối buổi ra mắt sách, ông cụ rất tử tế, lái xe hơi đưa tôi về chỗ ở.

 

Rất bất ngờ, tại đây tôi gặp lại ông Martin Rama, người Mỹ, cựu chuyên gia Ngân hàng Thế giới, sống nhiều năm ở Hà Nội. Đang đi thăm Paris, nghe tin có buổi ra mắt sách, ông liền đến chung vui. Ông Martin là người hâm mộ văn hóa Việt Nam, viết nhiều sách báo nghiên cứu về di sản rất uy tín. Vừa rồi, trước sự kiện khu nhà cổ 61 Trần Phú ở thủ đô bị chủ đầu tư “lỡ” phá bỏ, ông Martin đã viết bài nêu phương án giữ lại dáng dấp xưa trong thiết kế kiến trúc mới.

 

Tôi còn được gặp ông Philippe Chaplain, Chủ tịch Hiệp hội Di sản Pháp. Tôi mới kết nối với ông Philippe do sự giới thiệu của nhà sưu tập “Hai Lúa” - Huỳnh Minh Hiệp. Chính ông đã tặng cho “Hai Lúa” nhiều poster điện ảnh và kỷ vật liên quan đến Việt Nam để trưng bày tại quán cà phê của anh. Ông Philippe nồng nhiệt “khoe” đang lưu giữ hàng ngàn bưu ảnh, bản đồ Việt Nam xưa và sẵn sàng hợp tác với tôi để làm sách.

 

Đến dự buổi họp mặt còn có hai nhà sử học nổi tiếng, một già một trẻ là Tiến sĩ  Pierre Brocheux và Tiến sĩ Pascal Bordeau. Bác Pierre có tác phẩm nổi tiếng là Indochine, la colonisation ambiguë 1858-1954: Đông Dương, một nền thuộc địa nhập nhằng - vừa được dịch ở Việt Nam. Còn anh Pascal, hai tháng trước, tại văn phòng Trường Viễn Đông Bác Cổ - TP.HCM đã có cuộc thuyết trình thú vị về dinh Độc Lập và chùa Vĩnh Nghiêm.

 

Càng vui hơn nữa, tôi được gặp các đồng hương sống lâu năm ở Paris như giáo sư Trần Hải Hạc, bác sĩ Đặng Quốc Nam, nhà nghiên cứu Ken Nguyễn (Khanh), nghệ sĩ Kim Frédéric Pournin, nhà báo Thanh Phương. Từ Đức sang có Tiến sĩ sử học Nguyễn Hồng Cúc đi cùng cô con gái đang học ngành thiết kế. Gặp lại chị Loan và những thân hữu cũ mới sau mùa Covid đau thương, cũng như được đi thăm những địa chỉ “trầm tích văn hóa” đa dạng ở Paris, tôi càng thấy Paris gần gũi với mình và người Việt Nam lắm. “Kinh thành Ánh sáng” chính là một “giao lộ” lớn của những tấm lòng yêu cái đẹp và sáng tạo của con người.

 

Chuyện thế sự bên ly cà phê

 

Buổi chiều đầu tiên ở Paris tôi không cưỡng được cái ham muốn phải ra ngay một quán cà phê để “nhấm nháp” trở lại cái cảm giác mùa thu lan tỏa nhẹ nhàng ở phố phường thủ đô nước Pháp.

 

Thì đây, quán cà phê Jules ở quảng trường Italie đã đặt sẵn những chiếc ghế mây đan trắng đỏ trên vỉa hè để đón lữ khách. Lòng tôi hân hoan với khung cảnh yên bình - tách cà phê thơm thoang thoảng, ánh nắng vàng đan dệt trên những tàn cây cao, gương mặt người qua lại tươi vui. Chỉ một ít người trên đường phố đeo khẩu trang, gợi nhớ nỗi lo Covid còn đó.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/f30cc685-c57a-4a18-b470-a875d0059e8f.gif

Cà phê Jules, Quảng trường Italie chiều 17.9.2022.

 

Trong khi ấy, bên kia quảng trường, ngay trên mặt tiền tòa thị chính quận 13, người ta trải rộng một lá cờ thật to, màu vàng - xanh của đất nước Ukraine, như một lời cổ võ. Những ngày sau, tôi  vẫn gặp hình ảnh lá cờ ấy trên các tờ báo và một số địa điểm nhận hàng cứu trợ cho người dân Ukraine.

 

Trong Thư viện quốc gia Pháp, có hẳn một gian trưng bày tác phẩm văn chương và âm nhạc của xứ sở kiên cường này. Paris vậy đó, dù đang sống vẫn không thể quên một phần máu thịt của nhân loại đang trong cơn binh lửa nguy khốn. Một tuần sau khi tôi rời Paris, cuộc chiến ở Ukraine lại leo thang thảm khốc sau khi Nga dùng tên lửa và máy bay không người lái tấn công thủ đô Kyiv và nhiều nơi khác.

 

Ngày chủ nhật 18.9 được chọn là ngày không xe hơi ở trung tâm Paris bắt đầu từ 11 giờ trưa đến khoảng 5 giờ chiều. Đường phố thưa vắng xe cộ, chỉ thấy khách bộ hành thong dong trên hè phố. Thi thoảng một vài chiếc xe đạp nhà và xe đạp du lịch dạo qua nhàn nhã. Tôi hỏi một anh bạn nhà báo phải chăng nước Pháp đang tiết kiệm năng lượng vì ảnh hưởng của xăng dầu lên giá? Anh lắc đầu cho biết không hẳn vậy vì thật ra phong trào giảm xe hơi ở các thành phố lớn đã có từ vài năm nay.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/844aa3b4-5a4c-49e7-9adb-c11254910aa5.gif

Sáng sớm yên bình đợi Metro ở ga Nationale.

 

Ngoài việc giữ gìn môi trường, chính quyền chủ trương dành nhiều không gian thư thái cho thị dân. Ngay cả các kiến trúc, bắt đầu có xu hướng lồng ghép với thiên nhiên. Chẳng hạn, bảo tàng Jacques Chirac mới mở - gần khu tháp Eiffel được đặt trong một cánh rừng nhân tạo.

 

Còn về năng lượng, nước Pháp sử dụng nhiều điện hạt nhân, tuy nhiên cũng phải nhập một phần nhỏ khí đốt của Nga. Ai cũng biết nếu cuộc chiến Ukraine còn kéo dài thì người dân Pháp và châu Âu sẽ phải chật vật đối phó về năng lượng, giá cả và thực phẩm. Nhưng hiện tại, chính phủ Pháp và người dân Pháp tỏ rõ thái độ không ủng hộ những “cuộc chiến bẩn thỉu”- cái chữ đầy cay đắng mà báo chí Pháp từng dùng để chỉ chiến tranh Đông Dương và Algerie trước đây.

 

Tôi về lại Sài Gòn, vẫn giữ trong mình hình ảnh một mùa thu Paris dịu ngọt mà xôn xao. Thế nhưng, một tin buồn lại đến, nhà thơ Cung Trầm Tưởng – tác giả của hai bài thơ bất hủ Mùa thu Paris và Chưa bao giờ buồn thế được Phạm Duy phổ nhạc, vừa qua đời. Ôi, vậy là mùa thu Paris tràn dâng đôi mi

 

Bao vui buồn và biến động đã xảy ra liên quan đến thành phố này càng làm gương mặt Nhân Văn của Paris trở thành một phần ký ức và tình cảm không thể thay thế trong lòng nhiều người trên thế giới!

 

Bài và ảnh: Phúc Tiến

·          

Cần bảng lưu niệm để phố phường không mất ký ức





No comments:

Post a Comment

View My Stats