Mặt
trận ‘‘chip’’ chống Bắc Kinh: Mỹ mất đồng minh nếu đòi quá nhiều
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 22/11/2022 - 15:24
Từ hơn nửa năm nay Hoa Kỳ ráo riết xúc tiến chiến
lược cắt đứt Trung Quốc khỏi các nguồn công nghệ bán dẫn tiên tiến. Ngay trước
dịp Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc tháng trước (tháng 10/2022), Mỹ
ra thông báo siết chặt việc kiểm soát xuất khẩu chip điện tử cao cấp với Trung
Quốc. Washington cũng thúc đẩy thành lập nhanh chóng một liên minh khống chế
tham vọng của Trung Quốc về bán dẫn (‘‘Chip 4’’). Liệu Hoa Kỳ có thành công
trong chiến lược này ?
Tại cơ sở của một
nhà máy sản xuất chip của hãng Micron (Hoa Kỳ), Manassas, bang Virginia, Mỹ. Ảnh
chụp ngày 11/02/2022. AP - Steve Helber
Nhiều chuyên gia, nhà quan sát, tỏ ra thận trọng
với cảnh báo : chủ trương gây áp lực quá mức với các đồng minh của chính
quyền Biden có thể khiến mặt trận ‘‘chip’’ chống Bắc Kinh bất thành.
Điều gì có thể
giúp Mỹ thắng Trung trong cuộc chiến bán dẫn ?
Tạp chí Time, Hoa Kỳ, có bài phân tích đáng
chú ý của Gregory Allen, giám đốc dự án AI Governance, thuộc Center for
Strategic and International Studies (CSIS), nhan đề “The Only Way the U.S. Can Win the Tech War with China”
(‘‘Con đường duy nhất để Mỹ có thể chiến thắng Trung Quốc trong cuộc chiến
công nghệ’’ (17/11/2022). Phân tích của chuyên gia Gregory Allen chỉ ra những
điểm mạnh và điểm yếu trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với các
nguồn công nghệ bán dẫn tiên tiến. Điểm mạnh trước hết nằm ở mục tiêu và hướng
hành động chung của chính quyền Biden.
Ngày 07/10/2022 vừa qua, bộ Thương Mại Mỹ ban
hành chính sách xuất khẩu mới, dài 139 trang, trên thực tế là lệnh cấm xuất khẩu
sang Trung Quốc các loại chip điện tử máy tính tiên tiến cho phép vận hành các
thuật toán trí tuệ nhân tạo (‘‘advanced computer chips that power AI
algorithms’’). Mà, 95% các linh kiện được sử dụng tại Trung Quốc thuộc loại
này là do các công ty bán dẫn của Hoa Kỳ thiết kế, và do đó phải tuân thủ các
quy định của luật pháp Mỹ. Một bộ phận căn bản của phần thượng nguồn của ngành
công nghệ này, như phần mềm thiết kết chip, thiết bị sản xuất chất bán dẫn, phụ
tùng, linh kiện của thiết bị sản xuất, là do Hoa Kỳ nắm giữ, và gần như không
thể thay thế.
Việc bị cắt đứt các nguồn cung ứng này khiến
toàn bộ tương lai của ngành công nghệ tin học đỉnh cao của Trung Quốc sẽ bị đe
dọa nghiêm trọng, chặn đứng giấc mơ trở thành siêu cường công nghệ của Trung Quốc.
Quy định mới của bộ Thương Mại Mỹ, cắt đứt Trung Quốc khỏi công nghệ chất bán dẫn
Hoa Kỳ sẽ ngăn chặn Trung Quốc xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn
tiên tiến.
“Bản án tử hình về
công nghệ” với Trung Quốc
Chuyên gia Gregory Allen nói đến một “bản
án tử hình về công nghệ”. Ngành công nghệ bán dẫn toàn cầu với doanh thu
khoảng 646 tỉ đô la năm 2022 không những là một ngành kinh tế quan trọng, mà
còn là ngành kinh tế có ý nghĩa sống còn, cơ sở cho hàng loạt lĩnh vực kinh tế
quan trọng khác, với trị giá hàng chục nghìn tỉ đô la. Chất bán dẫn có mặt
trong mọi hàng hóa thiết yếu trong xã hội hiện đại, như điện thoại, máy tính,
xe hơi, máy giặt, cơ sở mạng lưới điện, cũng như gần như mọi khí tài quân sự.
Theo Goldman Sachs, chất bán dẫn là đầu vào cho các sản phẩm chiếm đến 12% GDP.
Việc thiếu chip điện tử đã có thể khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2021
chẳng hạn sụt giảm 1%, tức một nửa mức tăng trưởng bình quân của kinh tế Mỹ.
Hoa Kỳ có trong tay các lá chủ bài, các công
ty hàng đầu trong lĩnh vực này, như Applied Materials, LAM Research và KLA, đủ
sức bóp nghẹt tham vọng của Trung Quốc trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên,
chuyên gia Gregory Allen cũng chỉ ra “rủi ro lớn” về trung hạn và dài hạn,
nếu chính quyền Biden đơn phương áp đặt các quy định, mà bộ Thương Mại Mỹ đưa
ra ngày 07/10.
Rủi ro lớn, nếu đồng
minh không theo: Bài học MIG-15
Rủi ro đó xuất phát từ chỗ không tạo được một
mặt trận chung nhằm cô lập đối thủ. Chuyên gia về chính sách đối với lĩnh vực
trí tuệ nhân tạo của CSIS, nêu bật một bài học đau đớn của khối phương Tây vào
thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh. Vào thời điểm đó, do khó khăn tài chính, ngành
công nghiệp chế tạo máy bay phản lực của nước Anh đã bán cho Liên Xô các động
cơ của phi cơ Rolls Royce Nene Jet. Động cơ được bán cho Liên Xô với cam kết chỉ
sử dụng cho công nghiệp dân dung. Nhưng sau đó, Liên Xô đã dùng công nghệ này để
thiết kế máy bay quân sự MIG-15, cơn ác mộng sau đó đối với Mỹ trên chiến trường
Triều Tiên.
Bài học xương máu này khiến Hoa Kỳ và các đồng
minh phải thiết lập một hệ thống kiểm soát xuất khẩu mang tính đa phương, kiểm
soát chặt việc xuất khẩu các công nghệ lưỡng dụng (dân dụng-quân sự), tức mặt
trận chung để ngăn chặn Liên Xô tiếp cận với các công nghệ đỉnh cao, có thể sử
dụng cho mục tiêu quân sự.
Chuyên gia Gregory Allen nhấn mạnh là, trong
hiện tại, khi một mặt trận chống Trung Quốc tương tự như vậy chưa hình thành,
nguy cơ rất lớn là Trung Quốc sẽ thành công trong việc thuyết phục được một số
đồng minh của Mỹ cung cấp giải pháp thay thế cho nhiều công nghệ quan trọng của
Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc mua tới 29% tổng lượng thiết bị sản xuất chất bán dẫn
toàn cầu, với 29,6 tỉ đô la, tăng gần gấp đôi so với 15,6% vào năm 2016. Xu thế
này có thể tiếp tục gia tăng mạnh.
Tác giả bài “Con đường duy nhất để Mỹ có thể
chiến thắng Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ” kết luận bài viết với nhận
định: Hoa Kỳ không thể thành công, nếu đơn độc tiến hành cuộc chiến ngăn chặn
xuất khẩu công nghệ bán dẫn chống lại Trung Quốc.
Thỏa thuận “Wassenaar”
bất thành : Hà Lan, Nhật, Hàn phản đối Mỹ
Về chủ đề này, hãng tin Hoa Kỳ Bloomberg có
bài tổng hợp đáng chú ý mang tựa đề “Biden’s chip curbs outdo Trump in forcing world to align on China”
(tạm dịch là ‘‘Chính sách về chip của Biden cứng rắn hơn cả Trump buộc thế
giới ngả về Trung Quốc’’) (ngày 13/11/2022). Cụ thể là đàm phán về một mặt
trận chip chống Trung Quốc, giữa các nước, với đằng sau là các nhà sản xuất
chip hàng đầu thế giới, đổ vỡ sau khi đã rất gần đạt một thỏa thuận sơ bộ hồi đầu
năm nay, được ví như thỏa thuận “Wassenaar” (ngụ ý nhắc đến thành công của
thỏa thuận quốc tế kiểm soát xuất khẩu công nghệ lưỡng dụng, ký kết tại
Wassenaar, Hà Lan, năm 1995). Lý do là vì Hoa Kỳ không chấp nhận dừng ở mức
chip 5nm, và các loại tân tiến hơn (các loại chip nhỏ hơn) mà muốn hạ thấp ngưỡng
trần này, đe dọa trực tiếp đến việc kinh doanh của các công ty Hà Lan, Hàn Quốc
và Nhật Bản tại Trung Quốc, vốn là thị trường số một.
Các tập đoàn lớn của các nước đồng minh đã có
các phản ứng khác nhau để chống lại sự áp đặt của Mỹ. Nhìn chung, các công ty
gây áp lực lên chính phủ nước mình, để phản ứng lại các đòi hỏi thái quá của Mỹ
(cụ thể là ASML của Hà Lan và Tokyo Electron của Nhật). Chính phủ Hà Lan hôm
18/11 đã lên án việc chính quyền Mỹ gây áp lực (“Dutch minister says U.S.
can’t dictate approach to China exports”, Japan Times, 19/11). Thủ tướng Hà
Lan có chuyến công du Hàn Quốc, một quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực chất bán dẫn,
để tìm kiếm đồng minh. Nhật Bản tuy không phủ nhận trực diện đòi hỏi của Mỹ,
nhưng lẳng lặng không nghe theo.
Mặt trận chip điện tử tân tiến với vai trò đầu
tầu của Mỹ, nếu không có được sự tham gia của Hà Lan sẽ gặp khó. Công ty ASML,
Hà Lan, là công ty chiếm vị trí số một trong việc chế tạo “các máy in thạch
bản” sản xuất chip điện tử cao cấp, đặc biệt là ‘‘máy in thạch bản tia cực
tím” (EUV). ASML độc quyền về ‘‘máy in thạch bản tia cực tím”, cho
phép chế tạo các chip điện tử thuộc loại tiên tiến nhất.
Chính quyền Biden:
Tiếp tục chính sách của Trump hay hành động mềm dẻo ?
Theo Bloomberg, hiện tại chính quyền Biden đứng
trước ngã ba đường. Hoặc làm như chính quyền tiền nhiệm Donald Trump với chủ
trương quyết liệt, nhanh chóng cắt đứt với Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn
tiên tiến, với nguyên tắc buộc các đồng minh phải chọn hoặc theo Mỹ chống
Trung Quốc hoặc ngược lại bị coi là đi với Trung Quốc chống Mỹ (with-us-or-against-us
approach to China). Nguy cơ rất lớn của nỗ lực đơn phương này là dẫn đến việc Mỹ
không có đủ đồng minh trong trận chiến bán dẫn. Phản ứng của các chính phủ Hà
Lan và Nhật Bản trong những tuần qua là một minh chứng rõ ràng cho thất bại của
cách làm, vốn được nhiều thế lực gọi là “diều hâu” (hay cứng rắn quá mức)
trong chính quyền Mỹ thúc đẩy.
Chính quyền Biden cũng có thể có lựa chọn thứ
hai. Đó là hành động một cách chừng mực, khôn khéo, từng bước một, để thu hút sự
tham gia của các đồng minh, đối tác. Cách làm này sẽ buộc phải kéo dài, với nhiều
thương lượng phức tạp, nhưng rõ ràng sát với hoàn cảnh thực tế, và có cơ hội
thành công. Một số dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden có thể đang đi theo hướng
này. Đây có thể là hướng hành động mà bộ trưởng Thương Mại Mỹ Gina
Raimondo vừa thông báo. Cần 9 tháng nữa mới có thể đúc kết được một cơ chế hợp
tác đa phương với các đồng minh về chip điện tử, nhằm ngăn chặn tham vọng của
Trung Quốc.
-----------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
TT.
Mỹ ký luật đầu tư sản xuất chip bán dẫn, cạnh tranh với Trung Quốc
Chip
điện tử, trung tâm điểm cuộc thương chiến Mỹ-Trung
No comments:
Post a Comment