Friday, 11 November 2022

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG KHOA HỌC (Nguyễn Văn Tuấn)

 



 

Làm thế nào để thành công trong khoa học   

Nguyễn Tuấn 

7/11/2022  19:08   

https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1606159116498066

 

Sếp cũ của tôi là một nhà khoa học loại lừng danh. Ông tên là John Shine, chính xác hơn là Giáo sư John Shine, xuất thân từ một gia đình lao động, nhưng cả hai anh em đều trở thành giáo sư đại học. Ông từng là một nghiên cứu sinh xuất sắc: trong thời gian học tiến sĩ khám phá ra chuỗi RNA mà sau này được đặt tên là “Shine-Dalgarno sequence”. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, ông sang UCSF làm nghiên cứu hậu tiến sĩ và có hàng loạt bài trên Nature và Science về những công trình gene cloning.

 

Ông quay về Úc và 'đầu quân' cho Đại học Quốc gia Úc (ANU). Nhưng chỉ một thời gian ngắn, ông lại sang Mĩ và làm CEO cho công ti CalBio do sếp cũ của ông là John Baxter thành lập. Sau đó, Úc chiêu mộ ông về làm viện trưởng Viện Garvan. Ông làm viện trưởng đúng 20 năm (1990 - 2010). Sau khi nghỉ việc ở Garvan, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện hàn lâm khoa học Úc, và Viện có hẳn một building lấy tên ông: Shine Dome. Ông được xem là một trong những 'hoàng tử' của khoa học Úc.

 

Trong bài nói chuyện mang tính 'hồi tuởng', ông mô tả ngắn gọn về những công trình của ông, nhưng quan trọng hơn là những lời khuyên cho giới trẻ đang theo đuổi sự nghiệp khoa học. Ông tóm tắt thành 5 lời khuyên: tìm người thầy truyền cảm hứng, thực tế, công bằng, hợp tác, và khiêm tốn.

 

1. Có một người thầy truyền cảm hứng

 

Lời khuyên đầu tiên là tìm một người thầy hay người hướng dẫn say mê với lĩnh vực chuyên ngành và có khả năng truyền cảm hứng. Người thầy hướng dẫn sẽ là người bạn đường của nghiên cứu sinh, người sẽ có một vị trí vĩnh viễn trong sự nghiệp của một nghiên cứu sinh.

 

Thầy truyền cảm hứng tốt sẽ giúp cho trò theo đuổi hướng nghiên cứu đến nơi đến chốn. Đừng tìm những người thầy vua chúa hay độc tài, vì những người này chỉ lo cho họ. Cũng đừng tìm những người thầy chỉ lo 'đánh bóng' hay mang hội chứng 'ái kỉ' (tức tối ngày lo ca ngợi mình), vì những người này chẳng lo lắng gì cho nghiên cứu sinh.

 

2. Đừng quá tham vọng con đường sự nghiệp, mà hãy nên thực tế

 

Rất nhiều người mới vào khoa học (mới xong tiến sĩ hay hậu tiến sĩ) rất nóng lòng tiến nhanh, tiến mạnh lên những vị trí quan trọng. Họ đặt ra những mục tiêu quá xa xôi, như đoạt giải Nobel. Thay vì tập trung thời gian và công sức làm khoa học tốt, họ dành thời gian và trí não để tìm con đường ngắn nhật như PR và và tìm mối quan hệ. Họ là những người “ái kỉ”, họ khó đi xa trong khoa học.

 

Muốn thành công, trước hết phải xây dựng cái “base”, tức làm nghiên cứu tốt và công bố trên những tập san tốt (high impact). Viên gạch sự nghiệp vững chãi nhất nghiên cứu chứ không phải PR hay quan hệ.

 

3. Ghi nhận công trạng và chia sẻ thành tựu

 

Một trong những căn bệnh của mấy người làm khoa học là tranh giành công trạng. Có người thì tranh giành nhau vị trí tác giả cuối hay gần cuối (để chứng tỏ ta đây là sếp). Có người nhất định 'đấm đá' để được đứng tên tác giả đầu.

 

Ông khuyên giới trẻ không nên quá quan tâm đến những tranh chấp trẻ con như thế, mà hãy công tâm ghi nhận công trạng của đồng nghiệp; nếu cần, nhường nhịn một vài lần cũng chẳng sao. Quan trọng là mình có theo đuổi cho đến cùng lĩnh vực mình quan tâm hay không, chứ không phải đứng đâu trong danh sách tác giả hay ai quan trọng hơn ai. Quan trọng hơn là khi vinh quang đến thì nên chia sẻ (share the sunshine), chứ không phải giành riêng cho mình.

 

4. Hợp tác để làm đòn bẩy

 

Làm khoa học ngày nay là phải hợp tác vì bản chất đa ngành của nghiên cứu khoa học. Hợp tác để học hỏi công nghệ mới. Hợp tác để có mối quan hệ mới. Hợp tác để làm đòn bẩy cho nghiên cứu của mình.

 

5. Đừng đánh giá mình quá cao

 

Một trong những căn bệnh của giới khoa học nói chung và giới trẻ nói riêng là lúc nào cũng tự đánh giá mình cao quá. Họ tự xem mình quan trọng và muốn được đối xử như là người quan trọng, muốn mọi người phải tung hô -- một hội chứng ái kỉ. Có người chỉ mới xong PhD hay mới xong podtdoc mà đã nghĩ rằng mình có thể làm tất cả, mình trở thành 'chuyên gia' và có người -- ông nói -- quay lại chê thầy cô họ là kém cỏi! Những người tre trẻ này thường rất tự tin, và họ nói ra cái gì cũng như đinh đóng cột, và họ có "cái tôi" rất lớn.

 

Nhưng những người như thế khó tiến xa trong khoa học. Muốn thành công và tiến xa trong khoa học, đức tính quan trọng nhất -- theo ông -- là khiêm tốn. Khiêm tốn giúp cho mình học nhiều điều từ người khác, và dễ gây cảm tình từ đối tác.

 

Ngày nay, ông vẫn còn một office nhỏ ở Garvan, nơi ông đến hướng dẫn nghiên cứu sinh và cố vấn cho giới trẻ. Năm nay ông đã 80 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn và dí dỏm như 30 năm trước. Trong 3 sếp của Viện Garvan mà tôi có cơ duyên tương tác, tôi thích nhất ông. Thích cái tính tình hòa đồng, thân thiện, và nhất là dí dỏm. (Cái thói quen "cà rởn" của tôi chắc học từ ông này).

 

Tôi nhớ hoài hôm retreat hơn 15 năm trước ở Hunter Valley, ông chỉ xuống đường và nói: các anh chị và tôi phải luôn luôn tự vấn mình cần phải làm gì để đem lại cuộc sống tốt hơn cho những người đang đi trên đường kia? Tôi nằm lòng câu nói này cho đến nay.

 

Thật ra, câu nói đó không chỉ dành riêng cho chúng tôi trong khoa học, mà nó còn đúng cho bất cứ ngành nghề nào. Dù anh/chị là người bán rau, là tiếp viên, là tài xế xe ôm, là luật sư hay kĩ sư, là y tá hay bác sĩ, là tu sĩ, thậm chí là chánh trị gia, nếu ai cũng tự vấn như ông sếp tôi thì xã hội này đẹp biết bao.

 

.

7 BÌNH LUẬN 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats