Friday, 11 November 2022

KHI CÁC ÔNG CHỦ CÔNG NGHỆ MẮC SAI LẦM NGỚ NGẨN (Lương Thái Sỹ / Saigon Nhỏ)

 



Khi các ông chủ công nghệ mắc sai lầm ngớ ngẩn

Lương Thái Sỹ

11 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/doi-song/cong-nghe/khi-cac-ong-chu-cong-nghe-mac-sai-lam-ngo-ngan/

 

Đội ngũ nhân viên cốt cán của các công ty công nghệ đang phải trả giá đau đớn khi bị sa thải hàng loạt vì sai lầm của những ông chủ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/10-11-cong-nghe-Unsplash-1024x672.jpg

Những màn “đánh cược” về tương lai công nghệ dựa vào COVID-19 khiến hàng ngàn người bình thường phải trả giá bằng kế sinh nhai của họ. (minh họa: Unsplash)

 

Tất cả các giám đốc điều hành (CEO) công nghệ đều mắc phải sai lầm ngớ ngẩn giống nhau: Tưởng rằng đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài mãi mãi, và cơ hội cứ thế kéo dài.

 

Phút nhận lỗi muộn màng

 

Mark Zuckerberg nhận trách nhiệm về sai lầm dẫn đến việc cắt giảm 11,000 việc làm trong tuần này tại công ty Meta sở hữu mạng xã hội Facebook và Instagram. Sai lầm là do Zuckerberg tin rằng thời kỳ tốt đẹp của đại dịch đối với công nghệ sẽ tồn tại mãi mãi khi người dân phải chôn chân ở nhà nhiều hơn ra ngoài. Không thể tụ tập đông người, họ phải ngồi nhà ôm máy tính, điện thoại thông minh lướt web, giải trí với Facebook và chờ giao hàng tận nhà.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/10-11-zoom-Unsplash.jpg

Hội nghị truyền hình từ xa Zoom, “đứa con cưng” của thời đại đại dịch. (minh họa: Unsplash)

 

Nhiều công ty công nghệ khác cũng mắc lỗi tương tự Meta. Rõ ràng, không có gì tồn tại mãi mãi, đặc biệt là công nghệ. Sự biến động và thích nghi là cần thiết nhưng không cố định, kéo dài. Hệ quả của sự mất cảnh giác và tự tin quá đáng vào tương lai xán lạn của công ty là thị trường lao động Mỹ đang ở giữa những gì chỉ có thể mô tả chính xác là “cuộc tắm máu nhân sự”. Khi những gã khổng lồ công nghệ sa thải hàng ngàn công việc trong tình hình kinh tế khó khăn, khiến nhiều người lệ thuộc vào đồng lương hơn bao giờ hết.

 

Sau các công ty đi trước đó như Twitter, Stripe, Snap, Netflix Oracle, Salesforce đang thực hiện các đợt cắt giảm lớn, sa thải lực lượng lao động với tỷ lệ đáng kể. Các công ty này hoạt động trong các lĩnh vực rất khác nhau, nhưng có một điểm chung: Phát triển nhanh nhờ đại dịch làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số. Hiện nay, khi cuộc sống xã hội trở lại gần như bình thường trong tình hình lãi suất tăng, lạm phát cao khiến người dân phải xiết chặt hầu bao, thời kỳ tốt đẹp nhờ COVID-19 đương nhiên phải dừng lại. Dừng lại tức là doanh thu giảm vì nhu cầu giảm.

 

Giải thích lý do tại sao Meta lại cắt giảm hàng chục ngàn nhân viên, Zuckerberg thú thật: “Khi COVID-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, thế giới chuyển sang trực tuyến nhanh chóng. Sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại điện tử dẫn đến tăng trưởng doanh thu vượt trội. Nhiều chuyên viên công nghệ dự đoán phong trào sẽ sớm trở thành xu hướng và sự tăng tốc phát triển doanh nghiệp sẽ vĩnh viễn ngay cả sau khi đại dịch kết thúc. Tôi cũng không thoát khỏi niềm tin này khi quyết định tăng đáng kể các khoản đầu tư. Nhưng thật không may, thực tế không diễn ra như mong đợi”.

 

Nhưng Zuckerberg không phải là người duy nhất hay đầu tiên nhận ra sai lầm, mà gần đây có nhiều lãnh đạo công nghệ khác cũng bày tỏ suy nghĩ tương tự. Những người sáng lập Stripe phải cắt giảm 1,000 nhân viên, tức 14% lực lượng lao động của họ.

 

Tất cả ví dụ trên đặt ra câu hỏi tiếp theo: Làm thế nào những giám đốc điều hành công nghệ hàng đầu này (thường được xem là lãnh đạo kinh doanh kiệt xuất, được chứng minh khả năng, trí thông minh và có thể nghiên cứu hàng núi dữ liệu có giá trị) lại đánh giá sai về tương lai như thế?  Dĩ nhiên, dù đặt lợi nhuận lên hàng đầu khi quyết định nắm bắt nhanh cơ hội từ COVID-19 thì thành thực mà nói, chiến thuật phát triển của họ không hoàn toàn thiếu logic.

 

Hậu quả khó lường

 

Còn nhớ những ngày đầu tiên của đại dịch, một số công ty phải tạm dừng tuyển dụng hoặc sa thải nhân viên để tiết kiệm chi phí vì cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ sớm làm suy yếu nền kinh tế. Tháng Ba, 2020, công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia nổi tiếng viết trong bản ghi nhớ để cảnh báo các công ty khởi nghiệp về thời kỳ khó khăn phía trước: “Sẽ phải mất nhiều thời gian nữa kinh tế toàn cầu mới phục hồi hoàn toàn?”. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/10-11-YouTube-Unsplash.jpg

Đại dịch và lockdown buộc mọi người phải dành nhiều thời gian hơn để mua sắm trực tuyến, xem video trên YouTube,

 

Đại dịch và lockdown buộc mọi người phải dành nhiều thời gian hơn để mua sắm trực tuyến, xem video trên YouTube, TikTok, chơi các trò chơi điện tử như Roblox, “Among Us” và nói chung là đổ khá tiền vào lĩnh vực công nghệ. Các công ty khởi nghiệp công nghệ huy động được nhiều tiền và các công ty công nghệ lớn chứng kiến ​​giá cổ phiếu của họ tăng cao. Ngay cả ngành công nghiệp máy tính lâu đời cũng chứng kiến thời kỳ phục hưng khi người người mua thiết bị mới để làm việc, giải trí và học tập tại nhà.

 

Thật dễ dàng để hình dung sự thay đổi đột ngột đó trở thành cơ hội thứ hai, một cơ hội để tiến lên và theo đuổi những tham vọng lớn. Lãi suất thấp, cố phiếu cao giá và công việc từ xa tăng khả năng tiếp cận nhân tài ở mức độ chưa từng có, tạo cho các ông lớn công nghệ cảm giác như đang bước vào “thời điểm vàng” của lịch sử công nghệ.

 

Các lãnh đạo công nghệ như Larry Ellison của Oracle không ngớt lời ca ngợi công cụ hội nghị truyền hình từ xa Zoom, “đứa con cưng” của thời đại đại dịch, thậm chí xem đây như “dịch vụ thiết yếu” sẽ đóng cửa vĩnh viễn thế giới lao động. Tuy nhiên, cơn hưng phấn không kéo dài như mọi người nghĩ. Gần một năm trước, Zoom báo cáo mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của Phố Wall. Đây là dấu hiệu nữa cho thấy sự sẵn có của vaccine và việc mở cửa trở lại nói chung của nền kinh tế toàn cầu đã khiến sự phụ thuộc vào công nghệ giảm dần.

 

Trong mùa hè, Roblox cho biết dự kiến ​​sắp bị thua lỗ vì người dùng trẻ chiếm đa số dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời thay vì trong nhà. Công nghệ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, nhưng nó không còn là trung tâm của vũ trụ. Không khó để hiểu lý do tại sao những ngôi sao công nghệ như Zuckerberg đầu tư như thể thế giới đang thay đổi mãi mãi và cũng không khó để hiểu “không có gì tồn tại mãi mãi”.

 

Nhưng những màn “đánh cược” về tương lai công nghệ dựa vào COVID-19 khiến hàng ngàn người bình thường phải trả giá bằng kế sinh nhai của họ, thậm chí có nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ nếu họ là công nhân công nghệ nhập cư. Điều tích cực là Zuckerberg và các giám đốc điều hành khác biết nhận trách nhiệm và hiểu rõ hậu quả tầm nhìn sai lầm của họ.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats