Tuesday, 15 November 2022

KẾ HOẠCH TỎA SÁNG KHẮP HÀNH TINH và NHỮNG CÂU CHUYỆN CƯỜI RA NƯỚC MẮT (Lê Thiếu Nhơn)

 



Kế Hoạch Tỏa Sáng Khắp Hành Tinh và những câu chuyện cười ra nước mắt   

TRẦN TÂY CÔN thực hiện   / Tạp chí Ngày Nay

02:29 14/11/2022

http://www.lethieunhon.vn/2022/11/ke-hoach-toa-sang-khap-hanh-tinh-va.html 

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEipRsfn8yff3Ho0obYLecHXFxXdqqz9lIRtPnS0iEXsBDy0bTkbJ91brOb1iqEyxdC8xGlb_pA3s-Cwpsm5IRa6ET8RaCWoKLy8P1r1tsraQWxWFXPx3HAwjUn15Kxad4-0uBtuv2bLMXWd4bv8uqo_nPyoriEMxGzi-AVvsDtBm30O80o43Me3VK4HHA/s1600/1%20ke%20ho%E1%BA%A1ch.jpg

Hình bìa Kế hoạch toả sáng khắp hành tinh”

 

“Khi xã hội xuất hiện quá nhiều những câu chuyện cười mà là cười ra nước mắt thì đó cũng là một lời cảnh tỉnh rằng chúng ta đang đối mặt với quá nhiều nghịch lý và mâu thuẫn, len lõi cả vào trong cuộc sống hằng ngày của những người dân bình thường nhất

 

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn đã phác hoạ lại một phần bức tranh xã hội với đầy rẫy những điều kỳ lạ, khó hiểu, đi ngược lại lẽ tự nhiên qua những mẩu truyện trào phúng trong “Kế hoạch toả sáng khắp hành tinh”, để dành cho những ai biết cười và dám cười. Cười, như, một ngày nọ, thôn Thiên Lôi rầm rầm rộ rộ tuyển chọn nhân tài để xây dựng nông thôn mới xứng tầm kiểu mẫu nhân loại. Thế là, Doanh nhân quốc tế Mỏ Quạ, Giáo sư vũ trụ Mũi Khỉ và Nhà khoa học thế giới Cổ Cò thay nhau bày mưu, hiến kế sách đặt Trạm thu phí, Trạm thu giá và Trạm thu tiền. Một kế hoạch toả sáng đến từ các vị áo cao mũ rộng làm dân chúng trong thôn người nọ ngó người kìa, nữ nhìn nam, già nhìn trẻ đầy ngơ ngác và ngỡ ngàng!

 

Nhân dịp Tập truyện “Kế hoạc tỏa sáng khắp hành tinh” được phát hành, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Nhà báo Lê Thiếu Nhơn về những điều ông muốn gửi gắm qua con chữ, qua những tràn cười ra nước mắt.

 

Cười cũng là một cách giải quyết mâu thuẫn

 

@ Có rất nhiều cách để giải quyết một vấn đề, nghịch lý hay mâu thuẫn trong xã hội, tại sao Nhà báo lại chọn tiếng cười?

 

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn: Trong xã hội hiện nay, cuộc sống có rất nhiều mỏi mệt, nhiều xung khắc đôi khi không thể giải quyết bằng cách tranh đấu cho từng vụ việc, mà ta phải coi đó là một chuyện buồn cười. Tiếng cười góp phần hoá giải mâu thuẫn trong xã hội mà không cần một hình thức đấu tranh nào khác.

 

Một nhân vật được trào lộng hoá để gây tiếng cười thì thứ nhất có thể giúp những (tạm gọi là) nạn nhân của cường quyền hay đồng tiền cảm thấy bớt xót xa, thứ hai là những nhân vật được nhắc đến đó cũng sẽ nhìn lại bản thân mình vì sao lại trở thành một hình tượng để người khác mỉa mai, châm biếm. Một con người khi dùng đến tiếng cười tức là đã không muốn dùng bất cứ một hình thức tác động nào khác, kể cả sự hằn hộc hay cay cú mà chỉ cười, cười để giải toả, giải toả cho cả hai, bên đè nén và bên bị đè nén, bên có quyền quyết định vấn đề và bên chịu đựng hệ lụy. 

 

Tôi cho rằng, trong xã hội Việt Nam hiện nay có những sự việc không thể truyền tải bằng lối bút pháp thông tấn thông thường được và con người cũng không thể ngồi đó khóc than cho xã hội mà phải giải quyết nó bằng cách tốt hơn. Hãy nhìn nó một cách nhẹ nhàng hơn, như một câu chuyện vui, chuyện cười mà chúng ta có thể bỏ qua được, để sống tiếp.

 

*

@ Nhà báo nghĩ như thế nào về một xã hội có quá nhiều câu chuyện cười ra nước mắt như vậy?

 

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn: Con người trong xã hội là muôn mặt. Đời sống hiện đại cho phép một người ở nơi này là một người rất nghiêm trang nhưng khi đến nơi khác thì vẫn là một người rất lịch lãm, biết ca hát, biết nhảy múa. Trong cái lối sống đó, khi va chạm thì hình thành nhiều khuôn mặt khác nhau. Như trong quyển sách này, nhân vật xuất hiện rất buồn cười nhưng đó cũng chỉ là khoảnh khắc, còn những lúc bình thường, lại rất khác.

 

Tuỳ theo mỗi người một góc độ, thì người ta nhìn thấy những nhân vật này là hiện thân của nhân vật nào ngoài đời thật. Văn học trào phúng không mục đích xây dựng một thế giới khác biệt, mà là thế giới hiện thực được nhìn một cách hài hước hơn.

 

Có hai nhân vật mà tôi chủ đích cho họ xuất hiện thường xuyên là hai cha con Tiều Phu và Mục Đồng, đây là hai nhân vật thuộc thành phần lao động thu nhập thấp, thân phận nhỏ bé trong xã hội, là người đàn ông đốn củi và đứa bé chăn trâu. Thông qua hai nhân vật này người ta nhìn thấy xã hội đang biến động như thế nào, lý giải theo cách chất phác nhất của một con người hiện đại.

 

Mục đích duy trì sự xuất hiện tương đối nhiều, lặp đi lặp lại của hai nhân vật này để nói con người từ sự lương thiện bước vào thế giới đang thay đổi, gặp những chuyện dở khóc cười. Họ là những người đứng ngoài “hội chợ phù hoa” của xã hội hiện thực, có thể là người ta chậm chân lỡ nhịp thôi hoặc cũng có thể là người ta tự nguyện lương thiện.

 

Văn học trào phúng không phải văn học hiện thực phê phán, cũng không phải là báo chí tranh đấu nhưng nó là một phương tiện hữu hiệu cho những người muốn nói và dám nói trong xã hội được thể hiện tâm tư. Văn học trào phúng suy cho cùng chỉ là phiếm chỉ, nghĩa là chấp nhận vai dưới, thì những người (tạm gọi là) đang chiếm lợi thế trong cộng đồng phải tự kiểm điểm lại mình đang sai ở đâu hoặc làm gì chưa đúng để chấn chỉnh. Những nhà quản lý cần phải tự nhắc mình rằng đang có rất nhiều vấn đề mà người dân bình thường loay hoay không có lối thoát, và họ phải tìm đến tiếng cười như một sự chia sẻ chốt lát.

 

*

Người cầm bút phải trung thực

 

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn: Ông bà mình ngày xưa đã nhắc rồi, một người lo bằng kho người làm, một tiếng nói phản biện thường chói tai nhưng bao giờ cũng là một tiếng chuông buộc những người có lương tri phải thức tỉnh. Bởi vì, dù là một tiếng nói yếu ớt nhất, nhưng khi người ta đã dám nói ra thì chúng ta phải biết lắng nghe, ít nhất là bằng trái tim của đồng loại.

 

Khi viết trào phúng thì tôi cũng mơ ước rằng, người Việt từ một trong những dân tộc ít biết cười, ta phải học cách biết cười. Bởi người thông minh chưa chắc biết đùa, nhưng người biết đùa là những người thông minh và khéo léo. Đùa như thế nào, đùa làm sao để mang lại tiếng cười và những giá trị cho xã hội thì không phải dễ. 

 

Điều đáng sợ nhất của xã hội hiện nay là người ta chỉ chăm chăm nhìn vào những giá trị vật chất phù phiếm, mùi nước hoa thơm phức hay là một siêu xe tiền tỷ để ngưỡng mộ, mà quên đặt câu câu hỏi quan trọng là những thứ đó từ đâu mà ra? Người Việt không nhìn vào gốc của vấn đề mà chỉ nhìn vào bề ngoài, khi tất cả lao theo cái danh lợi nhất thời thì sẽ bỏ rơi rất nhiều thứ, làm đảo lộn giá trị, làm lệch lạc chuẩn mực.

 

Bây giờ cứ thấy ai giới thiệu một người nào đó là Viện sĩ thì cũng gọi theo là Viện sĩ mà không biết ông đó làm gì để được phong Viện sĩ. Nghe nói Giáo sư thì gọi theo là Giáo sư mà không cần biết ông đó giảng dạy môn gì và giảng dạy ở đâu. Hay, loạn giải trí trong thời buổi hiện nay cũng thế. Những kiểu cười cợt được dịp bùng phát, mở ti vi lên là thấy danh hài, ở ngõ cong đường cụt nào cũng thấy danh hài. Có người nổi tiếng nhờ õng à õng ẹo giả gái, có danh hài nổi tiếng nhờ động tác vừa đi vừa kéo quần… 

 

*

@ Nhà báo đánh giá như thế nào về những tiếng cười tiểu xảo đó? 

 

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn: Hài kịch của Việt Nam hiện nay không chú trọng nội dung, chi tiết và thiếu hẳn những người thật sự viết được hài kịch, mà chủ yếu là tiểu xảo chọc lét gây cười chứ không đọng lại trong lòng công chúng một chút gì. Trong khi, xã hội có rất nhiều chất liệu để viết hài kịch.

 

Sân khấu, bao giờ cũng phải là thể loại xung kích nhất của xã hội, thì nó lại đang tránh mọi thứ của xã hội, điều này thật sự đáng âu lo. Hài kịch đang rất yếu và sân khấu né hết các vấn đề nóng bỏng. Trước đây, Đoàn Phú Tứ dựng kịch về sự lầm than của người Việt, đến thời Lưu Quang Vũ dựng kịch về sự rối ren của cộng đồng rất được đồng cảm, nhưng đến bây giờ không thấy sân khấu lên tiếng. Sân khấu im lặng hoàn toàn.

 

*

@ Đó cũng chỉ là một lĩnh vực, nhìn rộng ra về người cầm bút thì như thế nào?

 

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn: Cái rất ái ngại trong xã hội hiện nay là niềm tin giữa con người với con người có nguy cơ hao hụt đến trữ lượng cuối cùng, mà nguyên nhân cốt lõi vì chúng ta không dám nói thật. Những người tầng lớp trên của xã hội, những người có tiền và có quyền thường mang mặt nạ để sống, trong cuộc họp nói khác, ra ngoài cuộc họp nói khác và làm còn khác nữa. Thế thì người ta không tin cũng hợp lẽ thôi.

 

Một xã hội phải bắt đầu trên niềm tin giữa con người với con người. Nếu không thì sự nghi kỵ dần dần sẽ len vào từng gia đình, từng quan hệ ruột thịt thì đó sẽ là một thất bại. Bởi vì nhà cửa tiền bạc mất đi có thể lấy lại được, còn mất niềm tin là mất tất cả. 

 

Thời nào, người cầm bút cũng phải trung thực. Sự trung thực có thể phản ánh bằng nhiều cách khác nhau nhưng phải lên tiếng. Nếu không lên tiếng bằng thái độ quyết liệt nhất là trực diện, thì cũng phải lên tiếng bằng một cách nói nhỏ nhẹ hơn, khiêm nhường hơn, thậm chí lạc lõng hơn. Nếu như một người cầm bút mà im lặng trước một hiện thực ngổn ngang của xã hội, thì tốt nhất nên chọn một nghề khác.

 

*

@ Cái tên Lê Thiếu Nhơn được biết đến là một Nhà thơ, Nhà báo, Nhà phê bình văn học, bây giờ là tác giả truyện trào phúng. Tại sao lại có sự biến chuyển này?

 

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn: Đấy cũng là một sự chuyển động về thái độ cầm bút. Trước đây, khi còn trẻ, tôi có nhiều bay bổng, lãng mạn thì làm thơ. Khi thấy cần phản ánh xã hội trực diện, tôi viết báo. Khi thấy cần đóng góp cho văn chương thì viết phê bình văn học. Và bây giờ, thấy rằng trong một xã hội rất nhiều chua xót, dằn vặt mà không thể giải quyết ngay bằng những biện pháp rốt ráo thì tôi chọn tiếng cười. Nó là một thứ huyền sử, nhưng có khả năng nuôi nấng và bồi đắp cho thực sử. Người ta đọc trào phúng thì có thể nhận ra cái ác cái xấu đang nhởn nhơ ngoài xã hội, theo một cách kín đáo hơn.

 

Ở “Kế hoạch toả sáng khắp hành tinh”, tôi muốn nói đến cái nghịch lý đang tồn tại. Tức là khi anh làm một điều nó không đúng với dòng chảy tiến bộ của xã hội thì nó cũng là một thứ toả sáng, chỉ là theo hướng nào mà thôi. Như ở một xứ sở vừa trạm thu phí, vừa trạm thu thuế, vừa trạm thu giá mà cũng rối loạn lên, cãi nhau ầm ĩ là đang đi ngược lại với sự văn minh. Chính sự đi ngược đó cũng là một sự toả sáng, theo một cách đầy trào lộng.

Có rất nhiều điều chúng ta cần phải ghi chép lại, phản ánh lại mà chưa có điều kiện xuất hiện dưới dạng đường đường chính chính hay dưới dạng thông tấn, thì phải xuất hiện bằng hình thức khác.

 

TRẦN TÂY CÔN (thực hiện)

 

Nguồn: Tạp chí Ngày Nay




No comments:

Post a Comment

View My Stats