Sunday 20 November 2022

JUSTIN TRUDEAU ĐỤNG TẬP CẬN BÌNH (Ngô Nhân Dụng)

 



NỘI DUNG :

Justin Trudeau đụng Tập Cận Bình

Ngô Nhân Dụng

.

Hoa Kỳ sẽ tổ chức hội nghị cấp cao APEC 2023 ở San Francisco

Reuters

.

Kamala Harris đến Philippines, khôi phục quan hệ song phương

Người Việt

 

===============================================

.

.

Justin Trudeau đụng Tập Cận Bình

Ngô Nhân Dụng

19/11/2022

https://www.voatiengviet.com/a/justin-trudeau-dung-tap-can-binh-/6841524.html

 

Câu chuyện dài chưa tới một phút, được báo chí khắp thế giới tường thuật. Ông chủ tịch Trung Quốc ám chỉ là ông thủ tướng Canada không trung thực. Ông kia bèn dạy lại một bài học thế nào là trung thực...

 

https://gdb.voanews.com/099c0000-0a00-0242-62f7-08dac7ef574c_w1023_r1_s.jpg

Thủ Tướng Trudeau (trái) và chủ tịch Tập Cận Bình (phải) tại G20 hôm 16 tháng 11.

 

Tập Cận Bình làm chủ 1,4 tỷ dân Trung Hoa lục địa, nói gì ai cũng phải nghe. Ông mang ảo tưởng mình có thể dạy dỗ cả thế giới. Justin Trudeau mới phá vỡ ảo tưởng đó.

 

Tới dự cuộc họp thượng đỉnh 20 nước kinh tế lớn nhất G20 ở Bali, Indonesia, ông Tập Cận Bình kéo thủ tướng Canada ra nói chuyện riêng. Ông trách ông Trudeau tiết lộ để cho báo chí loan tin về những đề tài họ đã bàn bạc. Ông Trudeau gật đầu công nhận, Tập Cận Bình bèn trách rằng không nên làm như thế; và “lên lớp” dạy: “Nếu ông trung thực thì khi chúng ta nói chuyện ông nên giữ thái độ kính trọng, nếu không sẽ gây những hậu quả khó lường.”

 

Khi nghe thông dịch viên mới dịch câu đầu, “Nếu ông trung thực …,” ông Trudeau đã cắt ngang, nói liền: “Ở Canada, chúng tôi tin tưởng vào các cuộc đối thoại tự do, thành thật, không che giấu, và chúng tôi sẽ tiếp tục như thế.”

 

Câu chuyện dài chưa tới một phút, được báo chí khắp thế giới tường thuật. Ông chủ tịch Trung Quốc ám chỉ là ông thủ tướng Canada không trung thực. Ông kia bèn dạy lại một bài học thế nào là trung thực; bằng cách mô tả lối sống cởi mở, thẳng thắn ở những xã hội tự do dân chủ. Ai cũng thấy thái độ trịch thượng của Tập Cận Bình quá lố và phục cách đối đáp của Trudeau.

 

Tập Cận Bình đã nổi nóng với Trudeau vì báo chí loan Canada tin ông thủ tướng đã cảnh cáo Trung Cộng về các vụ đàn áp người thiểu số Uyghurs ở Tân Cương. Tháng Chín vừa qua, ông Trudeau đã tuyên bố rằng vị đại sứ Canada mới được cử sang Bắc Kinh phải lên tiếng về những vi phạm nhân quyền. Ông Trudeau còn phản đối Cộng sản Trung Quốc đã tìm cách can thiệp vào việc bầu cử ở Canada.

 

Báo Globe and Mail ở Toronto cho biết đầu năm nay tình báo Canada tường trình trước quốc hội rằng Trung Cộng đã âm mưu ảnh hưởng trên cuộc bầu cử quốc hội năm 2019. Trung Cộng đã bí mật đóng góp cho quỹ tranh cử của 11 ứng cử viên và thuê người cổ động cho họ. Ngoài ra, gián điệp cộng sản Trung Quốc còn vận động trong cộng đồng người Canada gốc Hoa, bêu xấu những đại biểu quốc hội không thân thiện với Bắc Kinh. Trung Cộng đã bí mật thiết lập một “trạm công an” ở Canada; cũng giống như FBI đã tố cáo một tổ công an Trung Cộng hiện nằm vùng ở Houston!

 

Để gỡ thể diện sau những tin xấu đó, Tập Cận Bình có cơ hội gặp Trudeau tại cuộc họp G20 bèn tỏ thái độ hằn học, trịch thượng, cố cho cả thế giới thấy mình coi thường nhà lãnh đạo trẻ tuổi của một “nước nhỏ.” Trung Cộng vẫn có thói quen cậy mình “nước lớn,” đóng vai đàn anh trên những “nước nhỏ!”

 

Năm 2009, bộ trưởng ngoại giao Trung Cộng Dương Thiết Trì đã nói với một số nhà ngoại giao Đông Nam Á rằng “Trung Quốc là một nước lớn, quý vị là những nước nhỏ; đó là một sự thật!” Canada, dù vẫn thuộc nhóm G7, bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới không kể Trung Quốc, nhưng chỉ có 38 triệu dân, phải biết mình phận là nước nhỏ!

 

Nếu chính phủ Canada có chống Trung Cộng trên các mặt trận ngoại giao, kinh tế, thì cũng không gây ảnh hưởng đáng kể, mà các công ty Canada có thể phản đối vì họ sẽ bị thiệt hại! Năm 2009 Thủ tướng Canada Stephen Harper, thuộc đảng Bảo Thủ, qua thăm Trung Quốc, đã bị Thủ tướng Ôn Gia Bảo công khai trách cứ tại sao ông nhậm chức từ ba năm trước mà không qua đây sớm hơn! Ôn Gia Bảo nói, “Đây là cuộc hội kiến đầu tiên trong 5 năm trời giữa thủ tướng Trung Quốc và thủ tướng Canada!” Ông Harper đáp lại: “Cũng vậy, từ 5 năm trời nay chưa thấy ông và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới nước tôi!” Năm 2008, Harper không qua dự lễ khai mạc Thế Vận Hội ở Bắc Kinh mặc dù bị đảng Cấp Tiến đối lập đả kích về thái độ “tẩy chay” đó!

 

Có thể đoán Tập Cận Bình đã chọn cơ hội “lên lớp” thủ tướng Canada vì muốn “mắng làm gương” cho các nước nhỏ khác! Tập đã lầm khi gây sự với Trudeau, một người thuộc đảng Cấp Tiến, vì từ khi cầm quyền ông rất thân thiện với Trung Quốc, đã bị các đại biểu Bảo Thủ đối lập trong quốc hội phàn nàn. Chính phủ Trudeau đã vận động ký một hiệp ước mậu dịch tự do với Trung Quốc, còn muốn ký thêm một hiệp ước về dẫn độ.

 

Chắc ông ta rất cay cú sau khi bị Justin Trudeau lên giọng giải thích về quyền tự do phát biểu tại các nước tự do dân chủ khác cách sống ở những nước độc tài chuyên chế như thế nào. Có lẽ chưa có một chính khách quốc tế nào nói thẳng với các lãnh tụ Trung Cộng như thế, trước mặt công chúng và các máy truyền hình, cho cả thế giới chứng kiến!

 

Nghe Trudeau nói, người Trung Hoa nào trong lục địa biết suy nghĩ chắc cũng thấy xấu hổ vì chính họ không ai được nói một lời nào khác với ý kiến của “lãnh tụ vĩ đại!” Cho nên trong mấy ngày sau còn ở Bali, Tập Cận Bình vẫn họp mặt chính thức với các nhà lãnh đạo các “nước lớn” như Tổng thống Joe Biden (Mỹ), Emmanuel Macron (Pháp), các Thủ tướng Narendra D. Modi (Ấn Độ) và Anthony Albanese (Úc châu), vân vân, mà không thèm họp riêng với Trudeau.

 

Nhưng trong thời gian hội nghị, Trudeau và Tập Cận Bình vẫn có dịp trao đổi ý kiến về các vấn đề chiến tranh Ukraine, mối đe dọa của Bắc Hàn, và về hội nghị bảo vệ môi trường trong tháng tới, mà hai nước cùng đóng vai ban tổ chức. Khi đó thì không còn phân biệt nước lớn, nước nhỏ nữa!

.

================================================

.

Hoa Kỳ sẽ tổ chức hội nghị cấp cao APEC 2023 ở San Francisco

Reuters

20/11/2022

https://www.voatiengviet.com/a/6842546.html

 

Thành phố San Francisco của Hoa Kỳ sẽ tổ chức cuộc họp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào năm tới, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thông báo hôm thứ Bảy, khi hội nghị thượng đỉnh năm 2022 sắp kết thúc tại Bangkok.

 

https://gdb.voanews.com/00d80000-0aff-0242-974c-08daca262671_w1023_r1_s.jpg

Bà Kamala Harris trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha ở Bangkok hôm 19/11.

 

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha của Thái Lan, nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh trong tuần này, đã trao lại vai trò Chủ tịch APEC 2023 cho Hoa Kỳ, đánh dấu sự kết thúc của diễn đàn năm nay.

 

"Tôi rất vui khi trao lại chức chủ tịch cho Hoa Kỳ. Chúng tôi sẵn sàng tiến hành hợp tác liền mạch với họ", ông Chan-ocha nói và đưa cho bà Harris một chiếc giỏ đan bằng tre thường được dùng để đựng hàng hóa và quà tặng ở Thái Lan.

 

“Năm đăng cai của chúng tôi sẽ chứng minh cam kết kinh tế lâu dài của Hoa Kỳ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, bà Harris nói trong một tuyên bố được Nhà Trắng công bố.

 

Bà Harris, người dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tại cuộc họp thượng đỉnh ở Bangkok, cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực tăng cường các mối quan hệ kinh tế của mình khắp khu vực, bao gồm cả việc tăng cường dòng chảy thương mại hai chiều và dòng vốn tự do, vốn hỗ trợ hàng triệu việc làm cho người Mỹ".

 

Tuyên bố của Hoa Kỳ cho biết cuộc họp tại thành phố ở California sẽ diễn ra vào tuần lễ ngày 12 tháng 11 năm sau.

 

Trong một tuyên bố riêng, các nhà lãnh đạo APEC cho biết nhóm hoan nghênh đề nghị của Peru đăng cai cuộc họp cấp cao vào năm 2024 và của Hàn Quốc đăng cai vào năm 2025.

 

Được thành lập để thúc đẩy hội nhập kinh tế, 21 thành viên của APEC chiếm 38% dân số toàn cầu, 62% tổng sản phẩm quốc nội và 48% thương mại.

.

==============================

.

Kamala Harris đến Philippines, khôi phục quan hệ song phương

Người Việt

November 20, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/ptt-harris-cong-du-philippines-tai-thiet-lap-quan-he-song-phuong/

 

MANILA, Philippines (NV) – Bà Kamala Harris, phó tổng thống Mỹ, đến Philippines vào Chủ Nhật, 20 Tháng Mười Một, để đàm phán nhằm tái khôi phục mối quan hệ một đồng minh châu Á Thái Bình Dương trong nỗ lực ngăn chặn các chính sách ngày càng cứng rắn của Trung Quốc đối với Đài Loan, theo Reuters.

 

Phó tổng thống Mỹ sẽ gặp ông Ferdinand Marcos Jr., tổng thống Philippines, giữa lúc chính quyền Biden tìm cách tăng cường quan hệ với các đồng minh trong bối cảnh lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á và xung đột có thể xảy ra tại Đài Loan, đảo quốc tự trị nhưng lại bị Bắc Kinh luôn xem là tỉnh ly khai.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/11/TS-harris-philippines-1536x1024.jpeg

Phó Tổng Thống Kamala Harris (giữa) tham dự hội nghị APEC hôm 18 Tháng Mười Một tại Bankok, Thái Lan. (Hình: Lauren DeCicca/Getty Images)

 

Với vị thế địa chính trị của Philippines tại Thái Bình Dương, Tổng Thống Joe Biden và các phụ tá an ninh quốc gia đánh giá ông Marcos, con trai của nhà độc tài một thời của Philippines, là một đồng minh chiến lược và mạnh mẽ trong chính sách cạnh tranh với Trung Quốc. 

 

Về mặt quân sự, lãnh thổ Philippines chỉ cách Đài Loan 120 dặm (193 km) và tiếp giáp với Biển Đông, đảo quốc này đứng ở vị trí khiến bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm xâm lăng Đài Loan và khống chế Biển Đông trở nên vô cùng khó khăn, phức tạp, theo các chiến lược gia.

 

Phó Tổng Thống Harris là giới chức cấp cao nhất của chính phủ Mỹ hiện nay đến Philippines, đánh dấu một bước chuyển biến rõ nét trong quan hệ hai quốc gia.

 

Người tiền nhiệm của ông Marcos, cựu Tổng Thống Rodrigo Duterte, khiến Washington thất vọng với phong cách thân Bắc Kinh và giọng điệu chống Mỹ nặng nề.

 

Chính quyền Biden đang cố gắng thiết lập lại quan hệ với Philippines khi ông Marcos trở thành tổng thống.

 

Tổng Thống Biden đã gọi điện cho ông Marcos khi ông này đắc cử, phần lớn cuộc gọi đều tránh những vấn đề hóc búa, chỉ thuần tuý là gửi đến lời chúc mừng chiến thắng.

 

Ông Doug Emhoff, chồng bà Harris, có mặt tham dự buổi  lễ nhậm chức của Tổng Thống Marcos hồi Tháng Sáu, mang theo một lá thư riêng của ông Biden ngõ lời mời ông Marcos thăm nước Mỹ.

 

Theo dự trù, bà Harris và ông Marcos ​​sẽ thảo luận các chủ đề về Đài Loan và Biển Đông cũng như chia sẻ các điểm nhấn trong các cuộc gặp gỡ giữa ông Marcos với ông Tập Cận Bình tại hội nghị APEC và ông Biden với nhà lãnh đạo Trung Quốc diễn ra tại hội nghị khối G20. (MPL) [kn]

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats