Wednesday, 23 November 2022

IRAN BỊ NGA KÉO VÀO CHIẾN TRANH UKRAINA? (Thu Hằng / RFI)

 



Iran bị Nga kéo vào chiến tranh Ukraina ?

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 22/11/2022 - 14:41

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20221122-iran-b%E1%BB%8B-nga-k%C3%A9o-v%C3%A0o-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina

 

Bế tắc trong đàm phán hạt nhân, bị phương Tây gia tăng trừng phạt vì trấn áp đẫm máu người biểu tình, Iran dường như không còn lựa chọn, « bắt tay » với Matxcơva. Nga đang dần cạn kiệt vũ khí, cũng cần hỗ trợ quân sự của Teheran để duy trì cuộc chiến ở Ukraina.

 

https://s.rfi.fr/media/display/c2a4873c-4ea1-11ed-9941-005056a90284/w:1024/p:16x9/%D0%94%D1%80%D0%BE%D0%BD%D0%B8.webp

Một drone được phóng đi từ tàu chiến Iran. Ảnh cho quân đội Iran cung cấp, ngày 25/08/2022. AP

 

Kể từ chiến tranh Việt Nam hay chiến tranh Iran-Irak, chưa bao giờ lại có nhiều tên lửa được sử dụng, như trên chiến trường Ukraina. Nga duy trì được khả năng oanh kích nước láng giềng trong thời gian dài nhờ vào kho vũ khí lên đến vài nghìn tên lửa, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Tuy nhiên, « khối lượng vũ khí được sử dụng cũng đáng kể » và Nga « hiện còn khoảng một nửa kho vũ khí », theo nhận định của phó đô đốc Pháp Jean-Louis Vichot trên đài truyền hình TF1 ngày 17/11. Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định « Matxcơva đã bắn khoảng 4.700 tên lửa vào Ukraina » từ đầu cuộc chiến.

 

Ngoài thiệt hại về vũ khí trên chiến trường, khoảng 52 kho vũ khí Nga đã bị quân Ukraina đánh phá từ cuối tháng 03 đẩy Nga vào tình thế cấp bách : bổ sung kho vũ khí bị tiêu hao. Về sản xuất đạn pháo không cần công nghệ cao, phó đô đốc Vichot cho rằng Nga hiện chỉ cần tiền và thời gian để sản xuất vì có sẵn nguyên liệu, trong khi các nhà máy sản xuất không hẳn bị tác động. Riêng vũ khí cần công nghệ cao, hoạt động sản xuất bị đình trệ vì các biện pháp cấm vận của phương Tây. Tuy nhiên, Nga đang « mượn tay » một số nước thứ ba (Kazakhstan hay Armenia) để nhập khẩu thiết bị điện tử gia dụng để lấy chất bán dẫn, theo một số cơ quan truyền thông Pháp, như tăng gấp đôi, gấp ba số lượng máy giặt và tủ lạnh nhập khẩu so với năm 2021.

 

Ngoài ra, Nga có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của Iran, quốc gia Trung Đông đang tìm đồng minh để đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đổi lại, theo phát biểu của thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nicolai Patruchev, được trang Almanar của Liban trích dẫn ngày 21/11, Matxcơva « ghi nhận vai trò chủ đạo của các cơ quan tình báo phương Tây trong công tác tổ chức các cuộc bạo động ở Iran, tiếp theo là tuyên truyền thông tin thất thiệt về tình hình tại Iran trên những kênh truyền thông bằng tiếng Ba Tư do phương Tây kiểm soát. Chúng tôi coi đó là sự can thiệp rõ ràng vào công việc nội bộ của một nước có chủ quyền ».

 

Trong chuyến thăm Iran vào tuần trước của ông Nicolai Patruchev, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên mức « chiến lược ». Quyết định tăng cường quan hệ với Nga được tổng thống Iran Ebrahim Raissi đánh giá là biện pháp « đáp trả chính sách trừng phạt và gây bất ổn do Mỹ và các đồng minh của họ tiến hành ».

 

Minh chứng đầu tiên là Teheran sắp nhận được 60 chiến đấu cơ SU-35 của Nga. Đổi lại, thay vì nhập drone từ Iran, Nga sẽ được chuyển giao công nghệ và thiết kế để sản xuất trong nước. Thông tin được trang Washington Post tiết lộ còn cho thấy mối nguy hiểm về khả năng « Nga gia tăng đáng kể kho vũ khí rẻ tiền nhưng có độ hủy diệt cao khi xây dựng được chuỗi lắp ráp riêng ». Những thiết bị bay rẻ tiền này đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong các chiến dịch tàn phá cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng, ở Ukraina.

 

Quyết định chuyển giao công nghệ của Iran cho thấy Teheran dấn thêm một bước vào cuộc chiến ở Ukraina và gián tiếp đối đầu với phương Tây - những nước đang đẩy Iran vào thế « cô lập » và dự kiến gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với chế độ do trấn áp đẫm máu người biểu tình từ nhiều tháng qua.

 

Tình hình tại Trung Đông vốn bất ổn, có nguy cơ trở nên căng thẳng hơn trong khi Iran và Israel là kẻ thù trong khu vực, đối đầu trên chiến trường Syria. Giới chuyên gia đang lo lắng về thông tin drone giám sát và tấn công Mohajer-6 do Iran sản xuất sử dụng ống kính hồng ngoại « giống hệt một mẫu mã do một doanh nghiệp Israel (Ophir Optronics Solutions Ltd.) sản xuất », thậm chí, đa số các linh liện trong Mohajer-6 có nguồn gốc từ Mỹ hoặc Nhật Bản, một số khác là sản phẩm của Trung Quốc và Đức. Từ năm 2018, quân đội Iran bắt đầu tăng cường đội drone dựa vào kỹ thuật thu thập từ những drone của Israel và Mỹ bị bắn hạ.

 

Cuối cùng, phương Tây cũng lo ngại về thông tin Iran đã phát triển được một tên lửa siêu thanh, có thể đạt vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh và « có thể vượt qua tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay », theo phát biểu của tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (CGRI). Trước đó vài ngày, chính quyền Teheran cũng thông báo đã phóng lên không gian một tên lửa đạn đạo chở vệ tinh. Nếu đúng vậy, từ giờ Iran sở hữu tên lửa đạn đạo có khả năng không chỉ bắn đến « Israel, mà đến tận châu Âu ».

 

---------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Chiến tranh Ukraina : Iran giúp Matxcơva chế tạo drone để có công nghệ tên lửa Nga và phương Tây

 

Nga dùng drone Iran ở Ukraina: Hướng tới trục Matxcơva - Teheran





No comments:

Post a Comment

View My Stats