Wednesday, 23 November 2022

CON ĐƯỜNG ĐƯA TẬP CẬN BÌNH LÊN ĐỈNH CAO QUYỀN LỰC SẼ ĐI QUA ĐÀI LOAN (Katsuji Nakazawa  -  Nikkei Asia)

 



Con đường đưa Tập Cận Bình lên đỉnh cao quyền lực sẽ đi qua Đài Loan

Katsuji Nakazawa  -  Nikkei Asia    

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

23/11/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/11/23/con-duong-dua-tap-can-binh-len-dinh-cao-quyen-luc-se-di-qua-dai-loan/

 

Chủ tịch Trung Quốc đã không hé lộ cho Joe Biden về con đường trở thành ‘lãnh tụ trọn đời’ của mình.

 

Kể từ cuối tháng 10, nhiều công ty nước ngoài hoạt động tại Đài Loan đã bắt đầu chuẩn bị kế hoạch sơ tán trong trường hợp chiến tranh nổ ra. Cuộc tranh luận tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa bế mạc là phần lớn nguyên nhân dẫn đến xu hướng này.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã giành được nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao, nhưng bóng ma chiến tranh vẫn còn lởn vởn đâu đó.

 

Đó là vì Tập chưa đạt được mục tiêu lớn nhất của ông: trở thành lãnh tụ trọn đời – dù ông đã đưa các đồng minh vào dàn lãnh đạo cấp cao và giành lấy quyền lực tối thượng.

 

Các công ty nước ngoài giờ đây đang lo lắng: liệu thống nhất với Đài Loan bằng vũ lực có trở thành một lựa chọn để thực hiện mục tiêu đó hay không.

 

Thống nhất Đài Loan chắc chắn sẽ đưa Tập lên ngang hàng với Mao Trạch Đông về thành tích, và cho phép ông giành được nhiệm kỳ thứ tư tại đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng, diễn ra vào năm 2027. Hơn nữa, giấc mơ phục hồi chức vụ chủ tịch đảng – mà Mao đã nắm giữ cho đến khi qua đời – cuối cùng có thể trở thành sự thật thông qua một cuộc sửa đổi điều lệ đảng quyết liệt hơn nữa trong 5 năm tới

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F2%252F7%252F0%252F4%252F43104072-1-eng-GB%252Fphoto_SXM2022102400004237re.jpg?source=nar-cms

Bộ máy ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc hiện đều là đồng minh của Tập Cận Bình. (Ảnh của Yusuke Hinata)

 

Tập Cận Bình đã thể hiện rằng ông không có vấn đề gì với việc bỏ qua tính hợp lý kinh tế để theo đuổi “thịnh vượng chung.” Nhà lãnh đạo dường như không hề lo lắng trước tình cảnh suy thoái kinh tế mà các chính sách của ông đã gây ra.

 

Cách tiếp cận cứng rắn này khiến mọi người tự hỏi liệu ông có tiếp tục hành động phi lý tính trong chính sách an ninh và tiến hành thống nhất với Đài Loan hay không.

 

“Kể từ nửa cuối tháng 10, chúng tôi đã nhận được vô số câu hỏi từ trụ sở chính, về kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh của chúng tôi,” giám đốc điều hành một công ty nước ngoài tại Đài Loan cho biết. “Thật khó để hoàn thành bất kỳ công việc nào.”

 

Các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc đại lục cũng chia sẻ nỗi lo này, đặc biệt là ở tỉnh Phúc Kiến, ngay bên cạnh Eo biển Đài Loan.

 

Liệu thống nhất với Đài Loan có xảy ra vào năm 2027? Không chỉ là thời điểm tổ chức đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng, 2027 cũng là năm Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập quân đội.

 

Nếu tồn tại nguy cơ chiến tranh, dù nhỏ đến đâu, các công ty đa quốc gia hoạt động ở cả hai bờ Eo biển Đài Loan sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cẩn thận lập kế hoạch sơ tán và kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh.

 

Trong một báo cáo trước đại hội toàn quốc hồi tháng trước, ngày 16/10, Tập tuyên bố rằng Trung Quốc “sẽ không bao giờ hứa hẹn từ bỏ việc sử dụng vũ lực” đối với Đài Loan. Đây là lần đầu tiên ông đề cập đến việc sử dụng vũ lực trong một báo cáo trước đại hội đảng.

 

Dù ông cũng nói rằng Trung Quốc “sẽ tiếp tục phấn đấu vì sự thống nhất trong hòa bình với sự chân thành và nỗ lực cao nhất,” đoạn này đã không nhận được nhiều sự chú ý. Điều này cũng dễ hiểu, vì ông cứ nhắc đi nhắc lại về “an ninh” – gợi nhớ đến thời đại Mao Trạch Đông.

 

Hơn nữa, toàn văn điều lệ đảng sửa đổi – được công bố bốn ngày sau đại hội – nói rằng Trung Quốc sẽ “kiên quyết phản đối và ngăn chặn những phần tử ly khai tìm kiếm ‘độc lập cho Đài Loan’.”

 

Ở Trung Quốc, điều lệ đảng được đặt trên hiến pháp của đất nước. Điều lệ đảng không chỉ ràng buộc tất cả các hành động của đảng mà còn ràng buộc cả các hành động của chính phủ Trung Quốc.

 

Mối nguy đến từ bản sửa đổi lần này là bất kỳ hành động nào của Đảng Dân Tiến của Đài Loan đều có thể bị Bắc Kinh coi là một động thái hướng tới độc lập, và vì thế việc sử dụng vũ lực sẽ có lý do chính đáng.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F3%252F2%252F1%252F4%252F43104123-1-eng-GB%252F2022-11-14T195352Z_1185340475_RC2MLX9B0VZI_RTRMADP_3_G20-SUMMIT-BIDEN-XI-DEMOCRACYre.jpg?source=nar-cms

Tập Cận Bình và Joe Biden, hai người đàn ông đã từng đi công du cùng nhau trong sáu ngày, giờ đây đang vạch ra những lằn ranh đỏ và yêu cầu đối phương không được vượt qua chúng. © Reuters

 

Giữa bối cảnh đầy căng thẳng, Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên tại Bali, Indonesia, vào thứ Hai (ngày 14/11/2022).

 

Trong cuộc họp kéo dài ba giờ, Tập nhấn mạnh với Biden rằng vấn đề Đài Loan là “lợi ích cốt lõi nhất trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” và là “cơ sở cho nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ.”

 

Ông nhấn mạnh đó là “lằn ranh đỏ đầu tiên không được phép vượt qua trong quan hệ Trung-Mỹ.”

 

Biden sau đó nói với các phóng viên: “Tôi không nghĩ rằng phía Trung Quốc sẽ có bất kỳ nỗ lực nào trong tương lai gần nhằm xâm chiếm Đài Loan.”

 

Nhưng chẳng đời nào Tập lại tiết lộ cho Biden lộ trình thống nhất Đài Loan. Làm như vậy có nghĩa là từ bỏ một bí mật quốc gia, đồng thời làm mất uy lực của một vũ khí chính trị mà ông dự định sẽ sử dụng ở chính trường trong nước trong vòng 5 năm tới.

 

Cuối cùng thì, liệu có một chiến dịch nào dành cho Đài Loan hay không, chỉ có một người biết, và đó chính là bản thân Tập.

 

Trung Quốc từ lâu đã tuyên bố rằng vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc. Nhưng sự thật còn hơn thế. Đó là công việc của riêng Tập, có liên quan mật thiết đến các trận chiến chính trị của ông. Đó là một trò chơi mà chính quyền Biden có rất ít hoặc thậm chí không có ảnh hưởng.

 

Cuộc gặp ở Bali còn mang tính lịch sử vì nó đã chính thức chấm dứt những nỗ lực kéo dài hàng thập niên của Trung Quốc nhằm thiết lập “một quan hệ kiểu mới giữa các cường quốc” với Mỹ.

 

Tập đã mơ ước và theo đuổi một mối quan hệ như vậy kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vào năm 2012. Một năm sau, ông đề xuất ý tưởng về việc hai cường quốc cùng lãnh đạo thế giới với Tổng thống Barack Obama.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F4%252F5%252F3%252F4%252F43104354-1-eng-GB%252FPR20221116-0011-01re.jpg?source=nar-cms

Joe Biden và Tập Cận Bình, 11 năm trước tại Bắc Kinh. © Tân Hoa Xã/Kyodo

 

Năm 2011, Phó Chủ tịch Tập và Phó Tổng thống Biden đã đi công du cùng nhau và thiết lập mối quan hệ cá nhân thân thiết.

 

Sau khi hội đàm với Tập, Biden và cháu gái Naomi đã thưởng thức bữa trưa tại Nhà hàng Yaoji Chaogan lâu đời, nằm gần Cổ Lâu, hay Tháp Trống, một khu phố cổ của thủ đô Bắc Kinh.

 

Món ăn nổi bật trong thực đơn của nhà hàng là chaogan, một món ăn quen thuộc với những người dân Bắc Kinh bình thường, được chế biến bằng cách hầm gan và ruột heo.

 

Tập đã đi cùng Biden trong phần lớn chuyến công du sáu ngày của ông tại Trung Quốc, gồm cả lúc đi thăm Thành Đô, ở tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam đất nước. Bầu không khí khi đó rất thoải mái.

 

Năm 2020, khi đã chắc chắn rằng Biden sẽ tiếp quản vị trí tổng thống Mỹ từ tay Donald Trump – một người khó đoán – Tập có lẽ đã cảm thấy nhẹ nhõm, vì nghĩ rằng mình biết rõ về Biden.

 

Tuy nhiên, tương tự như việc bản thân Tập đã thay đổi, Biden cũng đã thay đổi hoàn toàn sau khi chuyển đến Nhà Trắng vào tháng 1/2021, áp dụng chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc so với những người tiền nhiệm.

 

Tập biết rõ rằng giấc mơ về “quan hệ giữa các cường quốc” với một nước Mỹ của Biden là không thể. Ông thậm chí chẳng buồn đề cập đến nó trong cuộc họp ở Bali.

 

Tập Cận Bình đã đổi hướng vào tháng 4 khi đề xuất Sáng kiến An ninh Toàn cầu trong bài phát biểu quan trọng được phát qua video tại lễ khai mạc hội nghị thường niên của Diễn đàn Bát Ngao về Châu Á ở tỉnh Hải Nam.

 

Đề xuất hoành tráng, bao trùm toàn thế giới này gợi nhớ đến các đế chế Trung Quốc cổ đại, trải dài khắp nửa phía đông của lục địa Á-Âu, với các nước chư hầu vươn tới Thái Lan và Ấn Độ ngày nay.

 

Cái gọi là sáng kiến an ninh của Tập cũng liên quan mật thiết đến chiến lược dần dần truyền bá sự hiện đại hóa kiểu Trung Quốc – vốn đã được nhấn mạnh tại đại hội đảng – như một mô hình phát triển cho phần còn lại của thế giới.

 

Động thái này và nhiều động thái khác chủ yếu nhằm tăng cường quan hệ với các nước mới nổi và đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi. Chúng cũng được liên kết với Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc lãnh đạo, kêu gọi tạo ra một vùng kinh tế lớn nối liền Trung Quốc và châu Âu bằng đường bộ và đường biển.

 

Sau khi kết luận rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ không sớm trở thành đối tác thân thiết, Tập đang cố gắng giành được sự hợp tác từ các nước mới nổi và đang phát triển.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F1%252F2%252F0%252F4%252F43104021-1-eng-GB%252FAP22220230977086%2520%25281%2529re.jpg?source=nar-cms

Máy bay của Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông Bộ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan vào ngày 7/8, vài ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc. © Tân Hoa Xã/AP

 

Không đời nào Biden – người đang buộc phải thắt chặt dòng chảy chất bán dẫn và các công nghệ tiên tiến khác sang Trung Quốc – sẽ đồng ý với đề xuất Sáng kiến An ninh Toàn cầu của Tập.

 

Trong cuộc gặp ở Bali với Tập, Biden nói rằng ông không muốn chứng kiến sự phân tách kinh tế Mỹ-Trung. Nhưng chính trị quốc tế đang đi theo hướng ngược lại với câu nói của Biden.

 

Cuộc gặp Biden-Tập đã kết thúc mà không có bất kỳ tiến triển nào trong việc thu hẹp những khác biệt sâu sắc về vấn đề Đài Loan. Các công ty nước ngoài hoạt động ở cả hai bờ Eo biển Đài Loan sẽ tiếp tục phải cập nhật các kế hoạch duy trì kinh doanh của họ.

 

Việc Tập không thể trở thành “lãnh tụ trọn đời” tại đại hội toàn quốc vừa bế mạc đã tạo ra một sự mất cân bằng trong nền chính trị trong nước của Trung Quốc. Và nó là một vấn đề đe dọa an ninh thế giới.

 

Cộng đồng thế giới không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng vĩnh viễn, mà bề ngoài là về vấn đề Đài Loan, chí ít là trong 5 năm tới.

 

-----------------------

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

 

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi Jinping’s path to greater power goes through Taiwan,” Nikkei Asia, 17/11/2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats