Friday, 11 November 2022

CHIẾN TRƯỜNG UKRAINE : MẤT KHERSON LÀ MỘT VỐ ĐAU CHO NGA (Phan Minh / RFI)

 



Chiến trường Ukraina: Mất Kherson là một vố đau cho Nga

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 11/11/2022 - 15:27

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20221111-chi%E1%BA%BFn-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-ukraina-m%E1%BA%A5t-kherson-l%C3%A0-m%E1%BB%99t-v%E1%BB%91-%C4%91au-cho-nga

 

Hôm nay 11/11/2022 nhân ngày đình chiến Thế Chiến Thứ I, chỉ có nhật báo ra số mới là Le Monde và Le Figaro cùng với Libération hôm qua ra số kép.Quân đội Nga rút khỏi Kherson, Pháp cho cập cảng tàu Ocean Viking và cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ là những chủ đề chính được các tờ báo quan tâm.

 

https://s.rfi.fr/media/display/3b6c0d66-61c6-11ed-b52b-005056a97e36/w:1024/p:16x9/2022-11-09T172143Z_1659406653_RC2CIX9EQ8YV_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-KHERSON-REGION.webp

Ảnh minh họa: Lực lượng Ukraina gần chiến tuyến Kherson (Ukraina) ngày 09/11/2022. REUTERS - STRINGER

 

Về chiến tranh Ukraina, nhật báo Le Monde dành trang nhất cho cuộc rút quân của Nga khỏi Kherson. Hôm 09/11, chính quyền Nga đã thông báo về tình hình trên chiến trường, dường như từ bỏ nơi mà họ coi là một trong những địa điểm then chốt trong khu vực đã chiếm được. Không thể chống lại đà phản công của Ukraina, quân đội Nga cho biết đang rút khỏi thị trấn Kherson và những khu vực lân cận có diện tích khoảng 4.800 km2, để tập hợp lại ở tả ngạn sông Dnepr.

 

Đây là một vố đau lớn đối với Nga, cả về mặt quân sự lẫn chính trị. Kherson là thủ phủ duy nhất Matxcơva chiếm được mà gần như không tốn nhiều công sức. Đây vốn được coi là điểm tựa cho những cuộc tấn công tiếp theo về phía Odessa và Transnistria. Giờ đây, họ khó còn khả năng làm điều này nữa.

 

Le Figaro: Rút khỏi Kherson vì không còn lựa chọn nào khác

 

Le Figaro thì nói về sự thất vọng của nhiều quan chức Nga sau khi quyết định rút khỏi Kherson. Một trong những phát ngôn viên trong giới truyền thông của Vladimir Putin là nhà tuyên truyền Vladimir Soloviev đã mô tả đây là « một quyết định khó khăn và đáng buồn ».

 

Về phần mình, sĩ quan chỉ huy « chiến dịch đặc biệt » là tướng Sergei Sourovikine cũng nhắc lại rằng vụ rút quân kiện này xảy ra sau vụ di dời 115.000 thường dân khỏi Kherson. Tướng Sourovikine giải thích thêm rằng điều này nhằm bảo vệ người dân, vào thời điểm mà quân đội Ukraina đang đe dọa phá hủy đập Kakhovka ở thượng nguồn sông Dnepr, điều sẽ « tạo ra những khu vực ngập lụt rộng lớn và khiến nhiều người phải bỏ mạng ».

 

Nhưng trên thực tế, do bị thiếu hụt nghiêm trọng về mặt hậu cần và bị pháo binh Ukraina tấn công dồn dập và thậm chí có thể bị bao vây, quân đội Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chuyển vị trí, để tổ chức phòng thủ dọc theo sông Dnepr, như tướng Sourovikine đã xác nhận.

 

Ngoài ra cũng có một tin đồn không thể kiểm chứng được nói rằng việc Nga rút quân khỏi Kherson nằm trong một « thỏa thuận » được ký kết giữa Matxcơva và Washington. Tuy nhiên, ông Soloviev đã bác giả thuyết này và khẳng định rằng không có thỏa thuận chính trị nào đằng sau vụ rút quân này mà đây đơn giản là một quyết định thuần túy về mặt quân sự.

 

Về phần mình, kênh truyền hình chủ nghĩa dân tộc Tsargrad vẫn khẳng định rằng « rút quân không có nghĩa là thất bại ». Họ tự tin rằng Nga chắc chắn sẽ phản công với một « kế hoạch bí mật của Sourovikine ».

 

Le Figaro: Chính phủ Macron sập bẫy nhập cư?

 

Nhật báo thiên hữu Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận cho chủ đề tàu Ocean Viking sẽ cập cảng Toulon vào hôm nay. Pháp cuối cùng đã bật đèn xanh cho con tàu chở 230 di dân cập cảng của mình. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin rất bất bình với thủ tướng Ý Giorgia Meloni, người đã từ chối tiếp nhận con tàu này. Lẽ đương nhiên, khi cuộc chiến chống nhập cư bất hợp pháp là một trong những cam kết đầu tiên của tân thủ tướng Ý lúc bà tranh cử. Kể từ đầu năm, đã có 86.000 người nhập cư bất hợp pháp cập cảng Ý, và đa phần trong số họ đang xin tị nạn tại Pháp. Có thể nói bà Giorgia Meloni theo chủ nghĩa cực đoan cực hữu và thiếu tính nhân văn, nhưng bà đơn giản là đang làm chính trị.

 

Thế còn chính phủ Pháp đang làm gì để ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp ? Le Figaro nhắc lại sự kiện hồi năm 2018, để biện minh cho việc từ chối tiếp nhận tàu Aquarius cùng với 629 « hành khách » của nó, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh rằng « chủ nghĩa nhân văn không đồng nghĩa với lòng nhân đạo mà không có tương lai ».

 

Với việc đưa ra những quyết định trái ngược nhau, chính phủ Pháp dường như đã rơi vào cái bẫy của chính mình. Làm thế nào họ có thể cáo buộc một đảng viên đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) về phân biệt chủng tộc, người đã phản đối cho tàu Ocean Viking cập cảng Pháp, khi chính Emmanuel Macron và Gérald Darmanin cũng đã từng tìm mọi cách để không tiếp nhận Ocean Viking ? Làm thế nào mà chính phủ vừa muốn trục xuất một cách triệt để những người không có giấy tờ trong khi vẫn muốn tạo điều kiện cho việc cấp thẻ cư trú để hỗ trợ các ngành nghề đang trong tình trạng căng thẳng do thiếu hụt nhân công ?

 

Theo Le Figaro, tất cả những điều này không tượng trưng cho sự cứng rắn hay tính nhân văn, mà là một loại chính trị không nhất quán.

 

Pháp-Anh thảo luận về nhập cư

 

Cũng về chủ đề nhập cư, Le Figaro tiếp tục nói về tình hình đang ngày căng thẳng ở Luân Đôn, với việc bộ trưởng Nội vụ Anh nói về « cuộc đổ bộ của di dân ». Tân thủ tướng Rishi Sunak đang phải chịu nhiều áp lực với việc di dân tới Anh Quốc một cách ồ ạt. Đối với ông Sunak, việc tăng cường hợp tác với Pháp đang trở thành một điều thiết yếu.

 

Số lượng « những chiếc thuyền nhỏ » (small boats) vẫn tiếp tục tăng. Khoảng 40.000 di dân đã đến Vương Quốc Anh trên những chiếc thuyền này kể từ đầu năm nay, nhiều hơn cả năm 2021. Trung tâm tiếp nhận di dân ở Manston tại đông nam nước Anh, nơi những di dân phải « quá cảnh » trong vòng 24 giờ sau khi tới Anh đang bị quá tải. Tình hình ở đó được mô tả là hết sức nghiêm trọng, với việc sức chứa của trung tâm này đã bị quá tải tới hàng nghìn người. Căng thẳng ở Anh càng gia tăng sau vụ tấn công bằng bom xăng vào một trung tâm tiếp nhận di dân ở Dover, Kent. Kẻ tấn công sau đó đã tự sát.

 

Hệ thống tị nạn của Vương quốc Anh nhìn chung đang quá tải, với hơn 117.000 hồ sơ tồn đọng. Theo thống kê của bộ Nội Vụ Anh, vào năm ngoái, chỉ có 4% đơn xin tị nạn được xem xét và chi phí lưu trú của di dân trong các khách sạn lên tới gần 7 triệu bảng Anh mỗi ngày.

 

Đối mặt với tình trạng khẩn cấp nói trên, Rishi Sunak đã có lời thỉnh cầu, nhờ Paris giúp đỡ. Từ cuộc điện đàm đầu tiên với tổng thống Macron, thủ tướng Sunak đã kêu gọi Pháp cùng hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực nhập cư. Chủ đề này từ lâu đã là nguyên nhân gây xích mích giữa hai nước, với việc Pháp thường bị Anh cáo buộc là chưa hoàn thành bổn phận.

 

Theo Downing Street, hai lãnh đạo Pháp-Anh đã nhất trí « làm cho những kẻ buôn người không thể sử dụng tuyến đường xuyên biển Manche nữa ». Sau cuộc gặp với ông Sunak bên lề COP27 ở Ai Cập, Emmanuel Macron đã nói về « sự tự tin và lạc quan được tái khẳng định » trong lĩnh vực ngăn chặn nhập cư trái phép.

 

Joe Biden hài lòng về kết bầu cử giữa kỳ

 

Nhìn sang Hoa Kỳ, Le Figaro có bài viết về tình hình bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, với việc quá trình kiểm phiếu vẫn đang được tiến hành tại một số bang để xác định đảng nắm đa số ghế trong Quốc Hội Hoa Kỳ. Nếu đảng Cộng Hòa có nhiều cơ hội nắm quyền kiểm soát Hạ Viện, thì mọi chuyện ở Thượng Viện vẫn chưa ngã ngũ, phần lớn sẽ phụ thuộc vào kết quả của ba bang : Arizona, Nevada và Georgia. Bang Georgia thậm chí có thể sẽ phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới vào ngày 06/12.

 

Nhưng tổng thống Joe Biden đã bày tỏ sự hài lòng trước một kết quả tốt hơn nhiều so với dự kiến. Ông Biden nói trong cuộc họp báo : « Trong khi báo chí và các chuyên gia đã dự đoán về một làn sóng đỏ khổng lồ, thì điều này đã không xảy ra. Tôi biết mọi người khó chịu vì sự lạc quan của tôi, nhưng tôi đã cảm nhận được điều đó trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, tôi nghĩ chúng tôi sẽ vượt qua được mọi thử thách. »

 

Mặc dù Nhà Trắng chưa có phản ứng gì sau phát biểu của ông Biden, nhưng ông thực sự có lý do để vui mừng. Ông không những tránh được một thất bại ê chề được dự đoán từ trước, mà còn đạt được kết quả tốt hơn trong cuộc bầu cử giữa kỳ so với hầu hết những người tiền nhiệm như Donald Trump hay Barack Obama.

 

Tuy nhiên, tổng thống Biden cũng thừa nhận rằng ông sẽ phải sống chung hòa bình với đảng Cộng Hòa nếu họ giành chiến thắng ở Hạ Viện. Ông cho biết : « Tôi đã sẵn sàng làm việc với các đảng viên thuộc Đảng Cộng Hòa và rõ ràng người dân Mỹ cũng mong muốn các thành viên đảng Cộng Hòa cũng sẵn sàng làm việc với tôi ».

 

Biden cũng đề cập đến cuộc bầu cử tổng thống 2024. Khi được hỏi về tuyên bố của Donald Trump ra tái tranh cử vào năm 2024, ông Biden trả lời rằng sẽ làm mọi cách để ông Trump không quay trở lại lãnh đạo Hoa Kỳ. Bản thân ông Biden cũng đã tuyên bố ý định tái tranh cử, ám chỉ rằng ông có thể chính thức tuyên bố tái tranh cử trong những tháng tới. Ông Biden nói : « Đó luôn là ý định của chúng tôi, bất kể kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ này ra sao. »

 

Về phần mình, nhật báo thiên tả Libération thì chú ý đến tính khó lường của chính trường Hoa Kỳ. Libération vẫn tỏ ra thận trọng trước khi kết quả cuối cùng được công bố, nhưng điều đáng chú ý đầu tiên là chính trường Hoa Kỳ giờ đây bị đảo lộn từ 7 năm qua kể từ khi Donald Trump bắt đầu tham gia chính trị. So sánh về mặt lịch sử, dù mất đi tính chính đáng - Joe Biden hiện đang có uy tín rất thấp -  nhưng ông vẫn có thể đạt được kết quả tốt nhất ở một cuộc bầu cử giữa kỳ kể từ tổng thống George W. Bush.

 

Giờ đây, những cơ quan thăm dò dư luận sẽ rất khó có thể dự đoán đúng kết quả. Suy ra cho cùng, người dân sẽ « trừng phạt » đảng Dân Chủ vì lạm phát gia tăng hay sẽ « trừng phạt » đảng Cộng Hòa vì xóa bỏ quyền nạo phá thai ?

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ĐIỂM BÁO

Nga phải rút khỏi Kherson : Chiến thắng ấn tượng của Ukraina

PHÂN TÍCH

Rút quân khỏi Kherson : một thất bại quân sự của Nga nhưng Ukraina vẫn cảnh giác

CHIẾN TRANH UKRAINA

Ukraina thận trọng trước việc Nga rút quân khỏi Kherson

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats