Friday 11 November 2022

BIDEN GẶP TẬP CẬN BÌNH VÀO TUẦN TỚI, THẢO LUẬN VỀ 'LẰN RANH ĐỎ' MỸ - TRUNG (Người Việt Online)

 



Biden gặp Tập Cận Bình tuần tới, thảo luận về ‘lằn ranh đỏ’ Mỹ-Trung

Người Việt Online

November 10, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/biden-gap-tan-can-binh-tuan-toi-thao-luan-ve-lan-ranh-do-my-trung/ 

 

WASHINGTON, DC (NV) – Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Năm, 10 Tháng Mười Một, xác nhận Tổng Thống Joe Biden sẽ gặp ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, vào Thứ Hai tuần tới tại cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G20 ở Bali, Indonesia, và thảo luận về “lằn ranh đỏ” giới hạn của hai quốc gia, để giảm khả năng xung đột Mỹ-Trung giữa lúc căng thẳng gia tăng về vấn đề Đài Loan, theo AFP.

 

Xác nhận này, được đưa ra ngay trước khi ông Biden bay tới Châu Á, xác nhận hai nhà lãnh đạo có kế hoạch gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, và cũng là cuộc họp đầu tiên kể từ khi họ trở thành lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/11/TS-BidenXi-111022-1536x1082.jpg

Ông Joe Biden (trái), tổng thống Mỹ, và ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, trong cuộc họp trực tuyến. (Hình minh họa: Kevin Frayer/Getty Images)

 

Trong cuộc họp báo hôm Thứ Tư, sau bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, ông Biden nói: “Kế hoạch của tôi với ông ấy khi trò chuyện là đặt ra lằn ranh đỏ của mỗi bên.”

 

Tổng Thống Biden cho hay ông muốn thảo luận về “những gì ông Tập tin là lợi ích quốc gia quan trọng của Trung Quốc, về những gì là lợi ích quan trọng của Mỹ, và xác định xem chúng có xung đột với nhau hay không.”

 

Nếu có xung đột, ông Biden hy vọng hai bên sẽ làm việc cùng nhau để “tìm cách giải quyết.”

 

Ông Biden và ông Tập Cận Bình từng trò chuyện trực tuyến với tư cách nguyên thủ nhưng vẫn chưa gặp mặt trực tiếp, khi chủ tịch Trung Quốc phải tạm dừng việc công du quốc tế cho đến gần đây vì đại dịch COVID-19.

 

Xét về bối cảnh gặp gỡ sắp tới, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đều đến Bali sau khi đạt được thành tích đáng kể trong nhiệm kỳ của họ: ông Tập Cận Bình vừa bảo đảm nhiệm kỳ lịch sử thứ ba làm tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong khi đảng Dân Chủ của ông Biden đạt thành tích mạnh mẽ đáng ngạc nhiên trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua.

 

Xét về mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo, hai vị nguyên thủ này quen biết nhau rõ hiếm thấy khi ông Biden vào năm 2011 từng đến Trung Quốc để gặp gỡ ông Tập Cận Bình khi cả hai đều là phó nguyên thủ.

 

Mười một năm sau, căng thẳng về Đài Loan gia tăng nhanh chóng khi chính quyền Tổng Thống Biden khuyến cáo rằng Trung Quốc đã đẩy nhanh kế hoạch chiếm lấy đảo quốc Đài Loan, vùng đất mà Trung Quốc luôn tuyên bố là lãnh thổ quốc gia. (V.Giang) [qd]

.

==============================================

.

.

Ông Biden nhắm xây ‘nền tảng’ cho quan hệ với Trung Quốc khi gặp ông Tập

Reuters

11/11/2022

https://www.voatiengviet.com/a/ong-biden-nham-xay-nen-tang-cho-quan-he-voi-trung-quoc-khi-gap-ong-tap/6829821.html

 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hy vọng sẽ đưa ra kim chỉ nam cạnh tranh với Trung Quốc khi gặp ông Tập Cận Bình vào tuần tới, nhưng ông sẽ bộc trực về các mối quan ngại của Hoa Kỳ, bao gồm cả vấn đề Đài Loan và nhân quyền, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết ngày 10/11.

 

https://gdb.voanews.com/0f590000-0aff-0242-d372-08da45858bd6_w1023_r1_s.jpg

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden họp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/11/2021.

 

“Tổng thống tin rằng điều quan trọng là phải xây dựng một cơ sở cho mối quan hệ và đảm bảo rằng có những quy tắc ràng buộc sự cạnh tranh của chúng ta”, quan chức này nói với các phóng viên trong cuộc họp.

 

Tòa Bạch Ốc cho biết ông Biden sẽ hội đàm vào ngày 14/11 với ông Tập, chủ tịch Trung Quốc, bên lề hội nghị thượng đỉnh Khối 20 quốc gia ở Indonesia. Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống vào tháng 1/2021.

 

Mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã trở nên căng thẳng, đáng chú ý nhất là kể từ chuyến đi vào tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Loan, hòn đảo dân chủ tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.

 

Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính của Washington và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đang muốn có quan hệ ổn định với Bắc Kinh bất chấp căng thẳng về Đài Loan, Biển Đông, thương mại và một loạt các vấn đề khác.

 

Quan chức vừa kể cho biết sẽ không có tuyên bố chung nào từ một cuộc họp mà tại đó không có kỳ vọng về các thỏa thuận cụ thể.

 

“Tôi dự kiến tổng thống sẽ bộc trực về một số mối quan ngại của chúng ta, bao gồm các hoạt động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đe dọa hòa bình và sự ổn định trên eo biển Đài Loan, cũng như những lo ngại lâu nay của chúng ta về vi phạm nhân quyền”, quan chức này nói.

 

Quan chức này cho biết cuộc chiến của Nga ở Ukraine và Triều Tiên có thể sẽ được thảo luận.

 

Ngày 9/11, ông Biden cho biết ông không sẵn lòng đưa ra bất kỳ nhượng bộ cơ bản nào khi gặp ông Tập, và ông muốn cả hai vạch ra “lằn ranh đỏ” và giải quyết các khu vực xung đột, bao gồm cả vấn đề Đài Loan.

 

Tòa Bạch Ốc tìm cách duy trì một cuộc đối thoại mà Trung Quốc đã quyết định cắt đứt sau chuyến thăm của bà Pelosi trong các lĩnh vực như khí hậu và liên lạc quân sự, quan chức này cho biết, nhưng không có kỳ vọng hai nhà lãnh đạo sẽ có thể ngồi xuống và giải quyết tất cả các vấn đề.

 

Mỹ đã ghi nhận những phát biểu “quan trọng” của ông Tập về việc không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine sau khi ông Tập đồng ý trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tuần trước rằng cả hai nhà lãnh đạo đều phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân, quan chức này cho biết.

 

Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã cáo buộc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, mặc dù Moscow phủ nhận điều đó và Trung Quốc đã kiềm chế không chỉ trích Nga về cuộc xâm lược hoặc kêu gọi Moscow rút quân.

 

Hoa Kỳ và các đồng minh tin rằng Triều Tiên có thể sắp tiếp tục thử nghiệm bom hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017 và cáo buộc cả Trung Quốc và Nga đã tạo điều kiện cho các chương trình phi đạn và bom của Bình Nhưỡng do không thực hiện đúng các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhằm cản trở họ.

 

Trong khi cả Nga và Trung Quốc đều ủng hộ các lệnh trừng phạt cứng rắn sau vụ thử hạt nhân cuối cùng của Triều Tiên, vào tháng 5, họ đã phủ quyết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt thêm các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với các vụ phóng phi đạn đạn đạo mới của Triều Tiên.

 

Washington tin rằng Trung Quốc và Nga có đòn bẩy để thuyết phục Triều Tiên không tiếp tục thử bom hạt nhân.

 

“Đây là một lĩnh vực mà Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có lịch sử làm việc cùng nhau ... có nhiều thành tích về khả năng hợp tác cùng nhau. Và vì vậy tôi nghĩ tổng thống sẽ tiếp cận cuộc trò chuyện trên tinh thần đó”, quan chức này nói.

 

Đối với ông Tập, người đã củng cố vai trò lãnh đạo của mình tại Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng trước, cuộc gặp với ông Biden diễn ra khi nền kinh tế Trung Quốc phải vật lộn với các biện pháp ngăn chặn COVID-19 nghiêm ngặt.

 

Với những biện pháp đó và việc ông Tập hạn chế ra nước ngoài kể từ khi đại dịch bắt đầu, năm cuộc gặp trước đó của ông với ông Biden chỉ được tiến hành trực tuyến.

 

Quan chức Mỹ vừa kể cũng cho biết hai bên đang thảo luận về các thủ tục COVID cho cuộc gặp, nhưng không nêu chi tiết.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats