Wednesday 9 November 2022

BẦU CỬ GIỮA KỲ TẠI MỸ : NGUỒN VIỆN TRỢ CHO UKRAINE BỊ ĐE DỌA? (Minh Anh / RFI)

 



Bầu cử giữa kỳ tại Mỹ : Nguồn viện trợ cho Ukraina bị đe dọa ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 08/11/2022 - 14:22

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20221108-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-gi%E1%BB%AFa-k%E1....BB%8B-%C4%91e-d%E1%BB%8Da

 

Thứ Năm, 03/11/2022, ứng viên đảng Cộng Hòa tranh cử tại bang Gieorgia Marjorie Taylor Greene tuyên bố : « Nếu đảng Cộng Hòa giành thắng lợi thì không một xu nào sẽ được gửi đến Ukraina ». Tuyên bố này làm dấy lên mối lo nguồn viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraina có nguy cơ bị cắt giảm vào lúc các cuộc thăm dò cho thấy đảng Cộng Hòa đang chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ.  

 

Chiến tranh Ukraina đang diễn ra trên nhiều mặt trận nếu không muốn nói là cả trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Chuyên gia về quan hệ quốc tế, ông Charles Kupchan, trên nhật báo L’Opinion của Pháp hôm thứ Sáu (04/11) cảnh báo « hậu thuẫn của Mỹ đối với Ukraina sẽ khó xử lý hơn nếu đảng Cộng Hòa giành thắng lợi ».   

 

Quả thật, cho đến lúc này, sự ủng hộ về tài chính và quân sự cho Ukraina là một sự nhất trí lưỡng đảng hiếm có. Tính đến hôm nay, Hoa Kỳ bỏ xa các đối tác khác, là nguồn viện trợ hàng đầu cho Ukraina. Kể từ khi chiến sự bùng phát ngày 24/02/2022, Washington, qua nhiều nguồn khác nhau, đã chi viện cho Kiev 50 tỷ đô la. Hôm thứ Sáu 04/11, Mỹ thông báo cấp một nguồn viện trợ bổ sung mới trị giá 400 triệu đô la. Tổng cộng, chi viện của Mỹ dành cho Ukraina chiếm khoảng 6,5% ngân sách của quốc phòng Hoa Kỳ.  

 

Nhưng sự đồng thuận hiếm hoi giữa hai đảng đã bắt đầu có những dấu hiệu rạn nứt ngay từ tháng 5/2022, khi 57 trong số 212 nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống kế hoạch hỗ trợ 40 tỷ đô la. Cùng với thời gian, bất chấp những chiến dịch quân sự thành công gần đây của Ukraina, cảm nhận của người dân Mỹ về cuộc chiến cũng đang có những thay đổi, đặc biệt là ở những cử tri ủng hộ đảng Cộng Hòa.  

 

Mỹ viện trợ cho Ukraina quá nhiều

 

Nếu như thăm dò của Pew Research thực hiện trong tháng Năm cho thấy, 17% số người được hỏi cho rằng Hoa Kỳ viện trợ quá nhiều, thì tỷ lệ này đã tăng lên ở mức 32% trong tháng Chín, so với mức trung bình là 20% toàn bộ người dân Mỹ và 11% ở cử tri theo đảng Dân Chủ.  

 

Cũng theo các nghiên cứu, 90% các tin nhắn được truyền tải nhiều nhất liên quan đến Ukraina trong khoảng thời gian 01/07 – 11/10/2022 đều do những tiếng nói mang tư tưởng biệt lập đăng tải. Những người này hầu hết phản đối trợ giúp Kiev.

 

Theo giải thích của nhà sử học André Kaspi, chuyên gia về Mỹ, trên đài RFI, sự việc cho thấy một mặt, đối với người dân Mỹ, đó là một cuộc chiến ở xa, tại châu Âu và nhất là ở tận phía đông của châu Âu. Mặt khác, một bộ phận người dân Mỹ tỏ thái độ mệt mỏi, buông xuôi trước triển vọng một cuộc chiến kéo dài không hồi kết thúc, « một cuộc chiến đòi hỏi phải có những trừng phạt chống lại Nga và những trừng phạt này có thể làm tổn hại đến các lợi ích của người dân Mỹ ».   

 

Viện trợ và mục tiêu chính trị

 

Đây chính là chủ đề tranh cử để đảng Cộng Hòa khai thác khi cho rằng tình trạng lạm phát, hệ quả trực tiếp từ các đòn trừng phạt Nga gây chiến. Theo trang mạng Responsible Statecraft của Mỹ, để hạn chế chi tiêu công, viện trợ nước ngoài luôn là một mục tiêu hấp dẫn về mặt chính trị. Ông Kevin McCarthy lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ Viện, trả lời Punchbowl News, tuyên bố : « Tôi nghĩ rằng người dân Mỹ sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế, và do vậy, họ sẽ không sẵn sàng ký "séc khống" cho Ukraina ».  

 

Và cũng chính trong vấn đề này, nếu thắng lợi, đảng Cộng Hòa sẽ gây áp lực nhiều hơn với châu Âu, khi lại đưa ra luận điệu mà NATO đã quá quen thuộc : Chia sẻ gánh nặng giữa đôi bờ Đại Tây Dương. Theo nghiên cứu của Viện Kiel được l’Opinion trích dẫn, toàn bộ chi phí hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu chỉ chiếm có 56% so với viện trợ của Mỹ dành cho Ukraina.  

 

Dẫu sao vẫn còn có chút hy vọng cho Joe Biden và Ukraina trong hồ sơ này, đảng Cộng Hòa cũng đang chia rẽ về chính sách đối ngoại. Nhiều nhân vật kỳ cựu như cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence, hay lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Thượng Viện Mitch McConnell đều cho rằng Nga đang tiến hành một « cuộc chiến phi lý chống Ukraina », khi khẳng định rằng « không có chỗ trong làn sóng bảo thủ cho những ai ca tụng Putin. »  

 

Dù vậy, những do dự này của người dân Mỹ dường như ít nhiều gì cũng đã được chính quyền Biden cảm nhận. Nhật báo Mỹ Washington Post gần đây tiết lộ, Nhà Trắng kín đáo kêu gọi Kiev nên tìm cách tỏ ra sẵn sàng đàm phán với chính quyền Vladimir Putin.  




No comments:

Post a Comment

View My Stats