Saturday 26 November 2022

BÀN VỀ SỰ AN TOÀN CỦA CÁ ĐỘ BÓNG ĐÁ (VietTuSaiGon)

 



Bàn về sự an toàn của cá độ bóng đá

VietTuSaiGon

Thứ Năm, 11/24/2022 - 07:00 — VietTuSaiGon

https://www.rfavietnam.com/node/7422

 

Nói tới cá độ, đề đóm, cờ bạc mà còn gắn với hai chữ “an toàn” thì nghe ra chẳng dễ chịu chút nào, hay nói khác đi, đó là không bình thường, điên rồ. Nhưng, tại Việt Nam, vấn đề lại khác, thậm chí nghe ra minh triết hơn rất nhiều, bởi tự sâu thẳm căn tính, người Việt vốn dĩ là người Việt, nên cho đến lúc này, cờ bạc, đề đóm và cá độ vẫn có gì đó thật sự hấp dẫn.

Bởi, suy cho cùng thì bài học xương máu của người Việt qua suốt nhiều thời kỳ cũng đã thấm nhuần, chí ít người ta thấy rằng những gì càng tỏ ra đạo đức, càng tỏ ra phẩm hạnh và tương thân tương ái thì bên trong nó rất khắm và đi ngược với thứ nó đang tỏ ra. Bởi nếu nó thực sự tốt thì chẳng cần phải tỏ ra mình tốt.

 

Nhìn lại suốt nhiều thời kỳ, những gì gọi là danh môn chánh phái, chính quy, được nhà nước bảo hộ đều có vấn đề, từ những đồng lâm tín cục, đồng công trái, đồng trái phiếu mang danh nghĩa xây dựng đất nước và đầy hứa hẹn tương lai về giá trị của nó, người ta phải bán vàng, bán áo kháo bành, bán lúa non, bán lợn gà, trâu bò để mua cho được, và cuối cùng thì sao, khi mua một đồng công trái mất cả con bò, con trâu, nhưng khi bán nó lại cho nhà nước mà thu hồi vốn, có thể mua được một bát phở bò hoặc một khúc dồi trâu, không hơn không kém!

 

Gần đây nhất là tiền mua tín phiếu, gởi tiết kiệm ở các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt các ngân hàng có liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát, người gởi như đang ngồi trên đống lửa, mất ăn mất ngủ, thậm chí mất cả mạng cũng chỉ vì trao trọn niềm tin của mình vào cái được gọi là chính quy, được bảo hộ…

 

Nhưng, mấy chuyện trên đây liên quan gì đến an toàn của cá độ bóng đá? Giả sử làm một phép so sánh giữa cá độ bóng đá với chơi hụi và giữa chơi hụi với mua trái phiếu, công trái, thì câu chuyện trở nên hết sức khôi hài.

 

Đầu tiên là cá độ bóng đá, đương nhiên nó không/chưa được nhà nước công nhận, cho đến lúc này, nó là loại hình giải trí đen, có tính cờ bạc và ai tham gia đều có thể bị phạt hành chính nếu nhẹ, phạt hình sự nếu có tổ chức, qui mô. Thế nhưng, nó lại rất hấp dẫn, nhiều người, mà hầu hết là dân lao động lao vào nó như một ước mơ, tham vọng lột xác. Nhiều người sau một trận đấu, từ chỗ ở nhà trọ, ăn cơm bụi thành ra tiền bạc rủng rẻng, ở villa, đi xế hộp.

 

Nhưng đó là con số ít ỏi và vô cùng lý tưởng, số còn lại bán nhà ra thân ăn mày, thậm chí mất trắng mọi thứ, nhảy cầu. Cái con số có nguy cơ nhảy cầu sau mỗi mùa bóng đá hết sức cao. Thế nhưng dù biết là rủi ro, biết là chết chóc, biết là tuyệt vọng, người ta vẫn cứ theo. Hay nói khác đi, ham mê cá độ là một thứ tình yêu mù quáng của giới lao động.

 

Thứ đến là chơi hụi, đó cũng là một cách tiết kiệm, luân chuyển đồng vốn có tính toán trong một nhóm chơi, nguy cơ mất nhà cũng có luôn, nhưng phần lớn người ta chấp nhận nó như một thứ luật chơi vừa có phần rừng rú lại vừa có phần léo hánh thị thành. Và khi chấp nhận luật chơi này, người ta cũng không hẳn thiếu cơ hội làm giàu, bởi kĩ thuật luân chuyển vốn của hụi rất linh động, đảm bảo tự trọng và không phải hầu hạ bất kì ngân hàng hay quan chức địa phương nào giống như đi vay tiền ngân hàng nhà nước. Thậm chí, nói tới ngân hàng nhà nước, người ta chấp nhận bốc tiền cho vay nặng lãi trong thời hạn ngắn, được ăn cả, ngả về không. Bởi trong thời hạn ngắn, để có được vốn ở ngân hàng chính thống thì vô cùng khó, khoản chung chi, lót tay còn nặng hơn tiền lãi của vay nặng lãi nữa.

 

Và, nói đến một khoản tiền khác, hoàn toàn mang tính chính thống, đó là tiền nhàn rỗi hoặc tiền đầu tư vào trái phiếu, công trái hoặc gởi tiết kiệm ở ngân hàng chính thống. Chuyện gì đã/sẽ xảy ra?

 

Chuyện xảy ra rồi, đó là nhiều người xếp hàng rồng rắn để rút tiền và cơ hội rút được số tiền họ đã ký thác cho ngân hàng dường như không có, nỗi tuyệt vọng của họ ngày càng được định dạng và rõ nét bởi các tuyên bố không liên can của chính phủ. Điều đó cũng đồng nghĩa với quyền lợi khách hàng bị mất hoàn toàn và chính phủ sẽ không nhúng tay vào để bảo vệ người dân. Thêm nữa, ngay cả tiền mà chính phủ bảo đảm về giá trị thanh khoản như công trái, trái phiếu, đó là khoản tiền chính phủ, nhà nước mượn của nhân dân để xây dựng, tái thiết đất nước và sẽ trả cho dân cả vốn lẫn lãi đúng hạn thanh toán. Thế nhưng, đúng hạn thanh toán, từ chỗ bán một lượng vàng để mua tờ công trái, đến khi lấy cả vốn lẫn lãi từ tờ công trái ấy, mua chưa được một ổ bánh mì. Như vậy, lời hứa của chính phủ, nhà nước còn ghê gớm, cay độc hơn cả tâm địa của kẻ gạt lường, lừa đảo ngoài xã hội.

 

Đã có rất nhiều người bị mất trắng hoặc mất rất nhiều thứ vì tin vào chính phủ, nhà nước, tin vào ngân hàng chính thống, gởi tiết kiệm tức là dùng tiền nhàn rỗi của mình tham gia vào vòng quay chung của đồng tiền quốc gia, nhằm xây dựng đất nước. Điều này là một lựa chọn đáng khen và cao quý, thế nhưng khi hữu sự, có biến cố với đồng tiền gởi tiết kiệm của người dân thì các chuyên gia tiền tệ nhà nước lại trở cờ, lật kèo, cho rằng “vì người dân quá ham lãi, quá tham nên gởi tiền tiết kiệm. Có sự cố mất tiền trong ngân hàng là do người gởi…”. Với cách nói lật lọng như vậy, ngoài việc kinh tởm một loại trí thức da lươn, lạn lách và bẻm mép ra, người ta còn thất vọng về một cơ chế  điều hành mà hằng ngày, mọi hoạt động của người dân đều bị/được tác động bởi nó.

 

Và nếu làm một phép so sánh nhỏ giữa các loại dịch vụ chính thống với các dịch vụ tự phát của người dân như lô đề, cá độ, vay nặng lãi, hụi… có vẻ như trong một chừng mực nào đó, chẳng hạn giữa mức lãi tương đối và trọng chữ tín với nhau thì các dịch vụ tự phát luôn hấp dẫn so với dịch vụ chính thống kiểu ngân hàng. Bởi để tiếp cận được ngân hàng, mọi thủ tục rất gian nan, nhiêu khê và tiêu cực khiến các khoản người cần huy động phải tốn chẳng kém gì vay nặng lãi, thậm chí nặng hơn.

 

Chính vì lẽ này mà hầu như người nghèo, người lao động Việt Nam thường chọn lối chơi mạo hiểm, tức cá độ, cá cược, bốc hụi, đề đóm… với hi vọng đổi đời. Bởi có một niềm tin chắc chắn giữa những người chơi là nếu như tính về độ gian dối, thì giữa họ và các ngân hàng chính thống, các loại hình chính thống cũng chẳng khác gì nhau một khi có ý gạt, quỵt.

 

Và đâu đó trong sâu thẳm tâm thức, hay nói đúng ra là vô thức tập thể, người ta vẫn thấy giới giang hồ tuy rằng hung hăng, bắt ép nhưng vẫn có nghĩa khí hơn giới cán bộ tuy miệng nói ngon ngọt, trang phục lịch sự, bóng lộn nhưng đầu óc, tâm hồn thì đen tối, chứa toàn ý đồ giật dọc, gạt lường và cướp cạn của dân. Đâm ra, người ta tin người trong giang hồ hơn cán bộ và chọn loại dịch vụ nhiều rủi ro trong giang hồ cũng chắc ăn hơn chọn dịch vụ chính thống mà đầy rủi ro, tai ương!

 

Điều đáng sợ nhất nằm chỗ này, khi người dân cảm thấy kẻ du côn, xã hội đen và bất hảo vẫn còn có chỗ tử tế hơn đám cán bộ nhà nước!

 

VietTuSaiGon's blog

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats